Skip Ribbon Commands
Skip to main content

BÁO CÁO KẾT QUẢ THỰC HIỆN QUY ĐỊNH BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG GIAI ĐOẠN 2008-2012

Thông tin quy hoạch  
BÁO CÁO KẾT QUẢ THỰC HIỆN QUY ĐỊNH BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG  GIAI ĐOẠN 2008-2012
Thông qua việc thực hiện các chương trình dự án, đề án đã đề ra các mục tiêu cụ thể cho việc sản xuất cây trồng hàng hóa cho năng suất, chất lượng gắn với tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, bên cạnh đó còn lồng ghép việc tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật thông qua các buổi tập huấn, hội nghị, hội thảo, tham quan đầu bờ và các phương tiện thông tin đại chúng khác về sử dụng các loại giống cây trồng đúng nguồn gốc, đảm bảo năng suất và chất lượng, sử dụng cân đối phân vô cơ, tăng cường sử dụng phân hữu cơ để đất không bị lưu tồn dư lượng phân hóa học làm chai cứng tầng đất canh tác ảnh hưởng xấu đến môi trường.


 

A. ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH VÀ KẾT QUẢ TRIỂN KHAI THỰC HIỆN QUY ĐỊNH BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG GIAI ĐOẠN 2008 - 2012

 

 

I. THUẬN LỢI, KHÓ KHĂN

1. Thuận lợi

- Có nhiều chủ trương chính sách của tỉnh về phát triển sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn.

- Công tác bảo vệ môi trường luôn được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đặc biệt sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh.

2. Khó khăn

- Hiện nay tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa nhanh, nguồn nước xả thải của các đô thị, khu công nghiệp, khu chăn nuôi tập trung chưa được xử lý đã xả thẳng vào các con sông phần nào ảnh hưởng đến nguồn nước của các con sông trên địa bàn tỉnh vốn đã bị ô nhiễm.

          - Người dân chưa có ý thức hoặc có ý thức chưa cao trong công tác bảo vệ môi trường, nhiều hộ không xây dựng hệ thống xử lý chất thải trong chăn nuôi, một số cơ sở chưa xử lý chất thải trong sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm nông, lâm, thuỷ sản.

          - Các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường còn thiếu, chưa đồng bộ, chưa được bổ sung kịp thời. Kinh phí chi đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế, nguồn vốn xã hội hoá còn rất thấp.

 

II. KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC

1. Công tác chỉ đạo

- Các cấp ủy đảng luôn coi trọng việc tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật tới đông đảo cán bộ công nhân viên chức Sở Nông nghiệp & PTNT về bảo vệ môi trường như: Luật bảo vệ môi trường, Pháp lệnh bảo vệ rừng...

- Thường xuyên phổ biến cho cán bộ, công chức, viên chức về nhiệm vụ bảo vệ nguồn nước sạch, bảo vệ rừng, chống ô nhiễm môi trường, giữ gìn, bảo vệ động vật hoang dã… thông qua các buổi họp, sinh hoạt và nhiều hoạt động của các phòng, ban, đơn vị trực thuộc. Qua đó, nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức đối với công tác giữ gìn và bảo vệ môi trường sống đã từng bước được nâng cao, góp phần hình thành nếp sống văn minh trong công sở.

- Tích cực hưởng ứng ngày Môi trường thế giới, Tuần lễ nước sạch và vệ sinh môi trường thông qua việc giáo dục truyền thông, phổ biến cho cán bộ, hội viên nông dân và cộng đồng dân cư nông thôn hiểu rõ nguyên nhân của ô nhiễm môi trường, suy thoái, cạn kiệt tài nguyên nước, biến đổi khí hậu, từ đó có trách nhiệm ngăn ngừa các hành vi gây ô nhiễm nguồn nước và môi trường, phòng chống các dịch bệnh nguy hiểm.

2. Tình hình thực hiện Quy định Bảo vệ môi trường giai đoạn 2008 - 2012

 

* Đối với lĩnh vực trồng trọt

Thông qua việc thực hiện các chương trình dự án, đề án đã đề ra các mục tiêu cụ thể cho việc sản xuất cây trồng hàng hóa cho năng suất, chất lượng gắn với tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, bên cạnh đó còn lồng ghép việc tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật thông qua các buổi tập huấn, hội nghị, hội thảo, tham quan đầu bờ và các phương tiện thông tin đại chúng khác về sử dụng các loại giống cây trồng đúng nguồn gốc, đảm bảo năng suất và chất lượng, sử dụng cân đối phân vô cơ, tăng cường sử dụng phân hữu cơ để đất không bị lưu tồn dư lượng phân hóa học làm chai cứng tầng đất canh tác ảnh hưởng xấu đến môi trường.

 

* Đối với lĩnh vực Bảo vệ thực vật

- Triển khai thực hiện tốt việc tập huấn bồi dưỡng chuyên môn và phổ biến các văn bản pháp luật mới: Mỗi năm 1 đợt cho các đại lý cửa hàng bán thuốc bảo vệ thực vật với số lượng bình quân trên 300 người/năm. Số lớp huấn luyện chuyên môn về thuốc bảo vệ thực vật để cấp chứng chỉ hành nghề: mỗi năm từ 1 -2 lớp với khoảng 30 -60 người/năm… Qua đó đã tuyên truyền, hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc 4 đúng góp phần quan trọng làm giảm thiểu ô nhiễm môi trường do việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật gây ra.

- Đẩy mạnh công tác thanh tra kiểm tra và xử lý vi phạm đối với các cửa hàng kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, qua đó đã niêm phong thuốc quá hạn sử dụng để lưu tại cửa hàng, chủ cửa hàng có trách nhiệm phải giữ đến khi tỉnh có đợt tiêu hủy. Đã tiến hành thanh kiểm tra được 619 cơ sở và 12.900 trường hợp nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phạt cảnh cáo 300 trường hợp vi phạm, phạt tiền 26 trường hợp vi phạm với số tiền phạt 6,65 triệu đồng. Thông qua việc thanh tra, kiểm tra đã giúp quản lý chặt chẽ thuốc bảo vệ thực vật lưu thông trên địa bàn tỉnh, đảm bảo hạn chế tối đa việc sản xuất, buôn bán, tàng trữ và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cấm, thuốc ngoài danh mục sử dụng, thuốc giả, thuốc kém chất lượng và thuốc hết hạn sử dụng cũng như quản lý tốt thuốc ngay tại cửa hàng tránh gây ô nhiễm môi trường.

 

* Đối với lĩnh vực Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản

- Hàng năm, đã tiến hành kiểm tra các cơ sở chế biến rau, quả trên địa bàn tỉnh, trong đó có việc thực hiện quy định bảo vệ môi trường. Kết quả kiểm tra cho thấy phần lớn các cơ sở đều có nhận thức về việc bảo vệ môi trường: đã có báo cáo đánh giá tác động môi trường; có biện pháp thu gom chất thải rắn… Tuy nhiên vẫn còn một số cơ sở, người chủ cơ sở và người trực tiếp tham gia sản xuất vẫn còn thực hiện chưa tốt quy định bảo vệ môi trường.

          - Tiến hành kiểm tra các cơ sở trồng trọt, chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Kết quả kiểm tra cho thấy, người trồng trọt, chăn nuôi thiếu kiến thức trong việc bảo vệ môi trường như việc sử dụng phân bón trong trồng trọt chưa đúng cách dẫn đến việc ô nhiễm đất, nước, thói quen trong việc canh tác không phù hợp ảnh hưởng đến môi trường đất, nước… Việc xử lý gia súc, gia cầm ốm chết trong chăn nuôi không đúng cách ảnh hưởng đến môi trường đất, nước, không khí.

 

          * Đối với lĩnh vực Chăn nuôi - Thủy sản

- Trong giai đoạn 2008 - 2012 việc thực hiện quy định bảo vệ môi trường trong chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Hà Nam được thực hiện khá tốt. Các trang trại chăn nuôi quy mô lớn trên 1000 đầu gia súc đều có đánh giá tác động môi trường.

          - Đề án Phát triển chăn nuôi tập trung giai đoạn 2011 - 2015, đã lập dự án và đôn đốc chủ đầu tư thực hiện lập báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định. Các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư phải xây dựng hầm bigas để xử lý chất thải từ chăn nuôi, hoặc áp dụng công nghệ chăn nuôi lợn trên nền đệm lót sinh học nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

          - Thực hiện đề án chăn nuôi lợn trên nền đệm lót sinh học, sáu tháng đầu năm 2012, toàn tỉnh đã xây dựng được 271 mô hình với tổng diện tích chuồng trại đệm lót là 4.149 m2, chăn nuôi trên 2000 con lợn thịt trong khu dân cư không gây ô nhiễm môi trường:

          +Xây dựng 01 biogas Bạt 4.000m3 tại xã Thanh Tân,

          + Xây dựng 01 hầm Bogas 500 m3 tại Công ty Thắng Linh xã An Ninh

          + Xây dựng 6000 hầm biogas khoảng 10m3/hầm trong nông hộ.

 

* Đối với lĩnh vực Kiểm lâm

Sở Nông nghiệp & PTNT, UBND các huyện, xã có rừng đã ban hành một số văn bản nhằm tăng cường công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng và xây dựng phương án phòng cháy chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh. Năm 2010, UBND tỉnh đã quy hoạch lại diện tích rừng, do nhu cầu phát triển công nghiệp của địa phương nên việc chuyển đổi mục đích sử dụng một số diện tích rừng và đất lâm nghiệp sang khai thác khoáng sản do đó diện tích đến nay cụ thể: Tổng diện tích rừng và đất rừng là: 4.906,42 ha. Trong đó: diện tích rừng phòng hộ 3.183,1 ha, rừng sản xuất 1.590,32 ha, đất chưa có rừng 133,0 ha. Diện tích đất lâm nghiệp chuyển sang Quy hoạch khoáng sản là: 3.863,11 ha.

         Hàng năm, thường xuyên xây dựng kế hoạch, triển khai kiểm tra, kiểm soát bảo vệ rừng, sử dụng rừng, kinh doanh chế biến lâm sản, gây nuôi động vật hoang dã, tăng cường phối kết hợp với các cơ quan trong lực lượng chống buôn lậu của tỉnh kiểm tra hàng lâm sản qua địa bàn tỉnh. Từ năm 2008 đến nay đã kiểm tra, phát hiện và xử lý với tổng số vụ vi phạm là: 86 vụ trong đó: buôn bán, vận chuyển động vật hoang dã là: 32 vụ, tịch thu 1.996 kg động vật các loại; vận chuyển gỗ là: 04 vụ và tịch thu 8,3 m3 gỗ các loại. Tổng thu nộp ngân sách nhà nước là: 1.550 triệu đồng; chỉ đạo các Hạt kiểm lâm huyện phối kết hợp với chính quyền các địa phương ngăn chặn, bắt giữ các đối tượng vào rừng chặt củi, đốt than, săn bắt động vật hoang dã trái phép 50 vụ vi phạm, tất cả đều bàn giao cho chính quyền các xã xử lý theo đúng các quy định của pháp luật.

 

* Đối với lĩnh vực nước sạch và vệ sinh nông thôn:

- Về cấp nước sạch nông thôn: Tổng số dân được cấp nước hợp vệ sinh đạt 549.075 người tương đương 73,67 %

- Về vệ sinh hộ gia đình: Tổng số hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh: 122.325 hộ, tương đương 54,58%

- Về môi trường: Số hộ dân có chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh còn thấp so với kế hoạch, chỉ đạt 51,1 %

- Xử lý chất thải làng nghề hiện nay có 5 làng nghề có hệ thống xử lý nước thải, rác thải đạt 32,25% .

 

* Đối với lĩnh vực chăn nuôi gia súc, gia cầm và hoạt động giết mổ:

Hiện nay tỉnh Hà Nam chưa có cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung; toàn tỉnh hiện có 1.362 hộ giết mổ gia súc gia cầm tại gia đình, trong đó: giết mổ trâu, bò 32 hộ với tổng số trâu bò giết thịt từ 25- 35 con/ngày; giết mổ lợn 788 hộ; giết mổ gia cầm 299 hộ. Thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Nông nghiệp & PTNT về tăng cường đảm bảo An toàn thực phẩm, Sở Nông nghiệp & PTNT cùng với các Sở, ngành liên quan xây dựng Đề án Quản lý giết mổ gia súc, gia cầm giai đoạn 2011-2020. Ngày 2/12/2011 Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định số 1500/QĐ-UBND V/v phê duyệt Đề án Quản lý giết mổ gia súc gia cầm giai đoạn 2011- 2020. Dự kiến số lượng và quy mô các cơ sở giết mổ gia súc gia cầm đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh có 85 cơ sở giêt mổ gia súc, gia cầm phân bố tại các khu vực phục vụ nhu cầu tiêu thụ thực phẩm của cộng đồng dân cư.

 

III. ĐÁNH GIÁ CHUNG

- Việc xây dựng hệ thống cấp nước tập trung đã đem lại hiệu quả to lớn trong việc cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn, ngoài việc góp phần cải thiện các điều kiện vệ sinh môi trường, điều kiện sống và sức khỏe của cộng đồng còn thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của người dân vùng nông thôn.

- Có nhiều hộ chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm còn chưa xây dựng hệ thống xử lý chất thải, ý thức chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường của người dân chưa cao do chưa được tiếp cận các văn bản, các quy định về bảo vệ môi trường.

- Trình độ nhận thức về pháp luật của cán bộ công nhân viên chức về bảo vệ môi trường được nâng cao. Số người dân được tiếp cận kiến thức Pháp luật về lĩnh vực bảo vệ môi trường đã được nâng lên. Không còn tình trạng sử dụng các loại chất cấm, thuốc cấm trong sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản do người dân đã nhận thức được tác hại của chúng.

 

IV. NHỮNG KHÓ KHĂN, VƯỚNG MẮC, ĐỀ XUẤT, KIẾN NGHỊ

 

1. Khó khăn, vướng mắc:

Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho công tác bảo vệ môi trường còn hạn chế, chưa được đầu tư đúng mức. Đa số các tổ chức hoạt động môi trường đều là cộng tác viên, chưa có chế độ đãi ngộ nên chưa có tâm huyết với việc tuyên truyền, vận động và tổ chức các phong trào bảo vệ môi trường.

 

2. Đề xuất, kiến nghị:

- Trong thời gian tới, UBND tỉnh cần có những cơ chế, chính sách và biện pháp thiết thực để nâng cao hơn nữa hiệu quả về công tác bảo vệ môi trường ở địa phương.

- Đề nghị UBND tỉnh hàng năm bố trí kinh phí cho công tác bảo vệ môi trường trong chăn nuôi như hỗ trợ, khuyến khích các hộ chăn nuôi ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tiếp tục xây dựng các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển chăn nuôi trang trại, chăn nuôi sinh thải bền vững, thân thiện với môi trường.

- Cấp kinh phí hỗ trợ cho công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật liên quan đến việc bảo vệ môi trường cho cán bộ và nhân dân.

 

B. PHƯƠNG HƯỚNG NHIỆM VỤ BVMT TRONG THỜI GIAN TỚI

 

I. MỤC TIÊU BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

- Giúp cho cán bộ và người dân hiểu rõ nguyên nhân của ô nhiễm môi trường, suy thoái, cạn kiệt tài nguyên nước, biến đổi khí hậu, từ đó có trách nhiệm ngăn ngừa các hành vi gây ô nhiễm nguồn nước và môi trường, phòng chống các bệnh dịch nguy hiểm.

- Hạn chế tới mức thấp nhất việc gây ô nhiễm môi trường trong sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi thú y, nuôi trồng thủy sản do sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y và các rác thải độc hại gây ra.

- Đảm bảo cung cấp nước sạch hợp vệ sinh theo tiêu chuẩn Bộ Y tế cho người dân nông thôn sử dụng. Đến năm 2015, phấn đấu tỷ lệ người dân nông thôn được cấp nước sạch hợp vệ sinh là 90%, tỷ lệ người dân nông thôn được cấp nước đạt tiêu chuẩn của Bộ Y tế là 45%.

 

II. CÁC NHIỆM VỤ CỤ THỂ

1. Các nhiệm vụ

- Nghiên cứu, xây dựng các văn bản hướng dẫn thực hiện các chủ trương chính sách liên quan đến cây trồng và phân bón, xây dựng quy hoạch và kế hoạch ngắn hạn, dài hạn về cây trồng và phân bón theo hướng VietGAP, bảo vệ môi trường, tạo ra khối lượng hàng hóa lớn, gắn với tiêu thụ sản phẩm, an toàn sức khỏe cho con người ….trình UBND tỉnh phê duyệt.

- Thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y các điểm giết mổ gia súc, gia cầm; thực hiện vệ sinh tiêu độc khử trùng các khu chăn nuôi và giết mổ, kinh doanh vận chuyển động vật, sản phẩm động vật.

- Tiếp tục hướng dẫn các chủ đầu tư xây dựng dự án chăn nuôi tập trung theo quy hoạch đã duyệt, đối với các dự án có quy mô trên 1.000 đầu con gia súc phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định.

- Tiếp tục đôn đốc, chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương thực hiện đề án giảm thiểu ô nhiễm môi trường bằng công nghệ đệm lót sinh học trong chăn nuôi lợn.

- Phối hợp với các Sở, ban ngành tiếp tục xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi bền vững, thân thiện với môi trường.

- Tiếp nhận và phối hợp thực hiện dự án cấp nước và vệ sinh nông thôn đồng bằng sông Hồng vốn vay ngân hàng thế giới.

2. Các chương trình, dự án thực hiện trong thời gian tới

2.1. Triển khai đề án Phát triển sản xuất nấm ăn tỉnh Hà Nam giai đoạn 2012 - 2015”. Trong thời gian tới thực hiện 40 mô hình gồm 04 loại nấm ăn là nấm mỡ, nấm rơm, nấm sò, nấm mộc nhĩ, có trên 200 người được tham gia tập huấn.

2.2. Tiếp tục thực hiện đề án phát triển chăn nuôi tập trung và đề án giảm thiểu ô nhiễm môi trường bằng công nghệ sinh học trong chăn nuôi lợn. Đẩy mạnh xây dựng 25 khu chăn nuôi tập trung, mỗi khu chăn nuôi có quy mô trên 1000 con, cần phải đánh giá tác động môi trường. Các hộ chăn nuôi lợn trong khu dân cư thực hiện chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Những hộ chăn nuôi quy mô nhỏ và vừa phải có cam kết bảo vệ môi trường.

2.3. Tiếp tục thực hiện đề án Quản lý giết mổ gia súc gia cầm trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011 - 2020.

2.4. Triển khai Thực hiện các Dự án, kế hoạch về kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y trong Đề án Quản lý giết mổ gia súc gia cầm trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011 - 2020 của tỉnh.

2.5. Tiếp tục triển khai dự án nước sạch tập trung bao gồm 30 xã thuộc nguồn vốn WB giai đoạn 2013-2017. Xây dựng mới nhà tiêu hợp vệ sinh của các hộ gia đình, trường học, trạm y tế.

 

III. CÁC GIẢI PHÁP TỔ CHỨC THỰC HIỆN QUY ĐỊNH BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA ĐƠN VỊ TRONG CÔNG TÁC BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRONG THỜI GIAN TỚI.

1. Vận động người dân tích cực áp dụng công nghệ mới để giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi như công nghệ sinh học, xây dựng hệ thống xử lý chất thải. Các hộ chăn nuôi quy mô vừa và nhỏ phải có cam kết bảo vệ môi trường, các trang trại chăn nuôi tập trung có quy mô trên 1000 con gia súc có báo cáo đánh giá tác động môi trường.

2. Sử dụng tiết kiệm, hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên; tăng cường tái sử dụng nguồn chất hữu cơ như rơm rạ làm phân hữu cơ hoặc sản xuất các loại nấm ăn ..., các sản phẩm có gắn nhãn sinh thái, sản phẩm thân thiện với môi trường.

3. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục phổ biến pháp luật bảo vệ môi trường và ban hành các văn bản, cơ chế chính sách, văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến bảo vệ môi trường thông qua các buổi tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, hội nghị, hội thảo, thăm quan đầu bờ và các phương tiện thông tin đại chúng khác.

4. Giữ gìn vệ sinh môi trường tại công sở, nơi làm việc, tham gia tích cực vào phong trào và các hoạt động bảo vệ môi trường tại đơn vị. Tham gia, hưởng ứng các phong trào bảo vệ môi trường tại địa phương.

 

IV. BIỆN PHÁP TỔ CHỨC THỰC HIỆN.

1. Quy hoạch xây dựng, đất đai; quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn, bố trí đủ vốn để đầu tư hạ tầng kỹ thuật về môi trường đô thị và nông thôn. Bên cạnh đó, chú trọng công tác tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức của nhân dân về chấp hành và thực hiện Luật bảo vệ môi trường, đồng thời tăng cường kiểm tra, xử lý kiên quyết các cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm về môi trường theo quy định.

2. Tích cực tham mưu xây dựng các cơ chế chính sách cho việc thúc đẩy sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn mang tính bền vững và ổn định trong thời kỳ phát triển mới, thích ứng với quá trình thay đổi sản xuất mang tính chất hàng hóa và hội nhập, nhằm ứng phó với sự biến đổi của khí hậu và môi trường.

3. Phối hợp với các ngành, các cấp chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường trong hoạt động kinh doanh, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y; giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến nông, thuỷ sản trong việc chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường, kiểm tra đánh giá phân loại các cơ sở giết mổ,các cơ sở chăn nuôi, cơ sở sơ chế chế biến sản phẩm động vật, quản lý các loại giống cây trồng; hướng dẫn hoạt động sinh vật cảnh không gây tác hại đến môi trường./.

Quốc Trung