Skip Ribbon Commands
Skip to main content

KẾT QUẢ THỰC HIỆN NHIỆM VỤ CÔNG TÁC GIỮA NHIỆM KỲ ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ TỈNH XVIII (2010-2015)

Chiến lược, định hướng, quy hoạch, kế hoạch phát triển  
KẾT QUẢ THỰC HIỆN NHIỆM VỤ CÔNG TÁC GIỮA NHIỆM KỲ ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ TỈNH XVIII (2010-2015)
Thực hiện Công văn số 527-CV/TU ngày 06/5/2013 của Tỉnh ủy Hà Nam về việc báo cáo đánh giá kết quả giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII về nhiệm vụ phát triển kinh tế nông nghiệp, phát triển hệ thống thủy lợi và kết quả thực hiện Nghị quyết số 03 của Tỉnh ủy về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng báo cáo như sau:


Một số chỉ tiêu chính thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn:

1. Giá trị sản xuất nông nghiệp tăng bình quân 5 năm (2010 - 2015) đạt 2,8%.

2. Chuyển dịch cơ cấu nội bộ ngành theo hướng tăng tỷ trọng chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Phấn đấu đến năm 2015, tỷ trọng chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản chiếm 42% cơ cấu ngành nông nghiệp.

3. Tỷ lệ dân số được dùng nước sạch và nước hợp vệ sinh đạt 90%

4. Đến năm 2015, có 22 xã (chiếm 20% số xã) đạt tiêu chí nông thôn mới, 30% số xã đạt trên 50% tiêu chí nông thôn mới.

 

 

A. KẾT QUẢ THỰC HIỆN NHIỆM VỤ PHÁT TRIỂN KINH TẾ NÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH:

I. Đánh giá kết quả giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII về phát triển kinh tế nông nghiệp (từ năm 2011-2013):

 

 

1. Những thuận lợi, khó khăn:

 

 

* Thuận lợi:

 

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo chặt chẽ, sâu sát của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, sự quan tâm giúp đỡ của các Bộ, Ngành Trung ương, sự phối kết hợp chặt chẽ của các Sở, Ban, Ngành, Đoàn thể trong tỉnh cùng với sự cố gắng, nỗ lực của toàn ngành Nông nghiệp & PTNT và nông dân toàn tỉnh đã khắc phục mọi khó khăn và giành thắng lợi nhiệm vụ được giao.

Cán bộ công nhân viên chức trong ngành luôn được tạo điều kiện học tập nâng cao trình độ chuyên môn. Bộ máy lãnh đạo, điều hành của Sở và các phòng, ban, đơn vị trực thuộc Sở ngày càng hoàn thiện, đáp ứng được các yêu cầu của nhiệm vụ mới.

Trong những năm qua nhiều chính sách mới của Đảng và Nhà nước đã tập trung đầu tư hỗ trợ cho lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

 

 

* Khó khăn:

Trong những năm qua, khủng hoảng và suy thoái kinh tế thế giới, các khó khăn của nền kinh tế trong nước đã ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển sản xuất nông nghiệp đặc biệt là lĩnh vực đầu tư sản xuất và tiêu thụ sản nông sản.

Sản xuất nông nghiệp luôn phụ thuộc vào điều kiện thời tiết, khí hậu. Điều kiện thời tiết khí hậu bất thường và có nhiều bất thuận như hạn hán, rét đậm, rét hại ảnh hưởng đến cơ cấu mùa vụ và sinh trưởng và phát triển của cây trồng, mưa lớn do ảnh hưởng của bão xảy ra đã gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất vụ Đông. Một số dịch bệnh trên cây trồng vật nuôi đặc biệt là dịch cúm gia cầm, dịch lở mồm long móng, tai xanh trên đàn gia súc; sâu bệnh trên cây trồng diễn biến phức tạp và luôn có chiều hướng phát sinh gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp.

- Diện tích dành cho trồng trọt tại các huyện, thành phố trong tỉnh giảm mạnh ảnh hưởng lớn đến sản lượng mặc dù năng suất cây trồng được giữ vững và tăng ổn định, bền vững.

- Giá xăng dầu, vật tư và các mặt hàng phục vụ sản xuất nông nghiệp luôn ở mức cao và không ổn định ảnh hưởng đến đầu vào và đầu ra của sản phẩm nông nghiệp. Bên cạnh đó, giá sản phẩm nông sản đặc biệt là giá các sản phẩm từ chăn nuôi có chiều hướng giảm mạnh gây ảnh hưởng lớn đến phát triển chăn nuôi của các hộ nông dân, nhiều hộ dân đã bỏ trống chuồng, không tiếp tục chăn nuôi làm cho sản lượng sản phẩm giảm mạnh.

 

 

2. Những kết quả cụ thể đã đạt được trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế nông nghiệp hàng năm và dự tính đến hết năm 2013:

 

 

* Kết quả thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế nội bộ ngành:

Giai đoạn 2011-2013, ngành nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp cùng với các địa phương tham mưu với UBND tỉnh đã làm tốt công tác chỉ đạo, hướng dẫn và định hướng phát triển cơ cấu nội bộ ngành. Tích cực chuyển dịch cơ cấu nội bộ ngành theo hướng tăng tỷ trọng chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, giảm dần tỷ trọng trồng trọt. Năm 2011 giá trị sản xuất lĩnh vực trồng trọt chiếm 56,3%, đến năm 2013 ước đạt 48,3%, giảm 8% so với năm 2011; giá trị sản xuất lĩnh vực chăn nuôi năm 2011 chiếm 41%, đến năm 2013 ước đạt 43,6%, tăng 2,6% so với năm 2011 (tính theo giá hiện hành).

 

 

* Giá trị sản xuất nông nghiệp và tốc độ tăng trưởng:

Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục có sự phát triển, tuy nhiên tốc độ phát triển còn chậm. Trong 3 năm, từ năm 2011-2013, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng bình quân 1,1%/năm, tốc độ tăng trưởng bình quân thấp hơn chỉ tiêu Đại hội, cụ thể: Giá trị sản xuất nông nghiệp năm 2011 là 1.993 tỷ đồng, năm 2012 đạt 1.963,4 tỷ đồng và năm 2013 ước đạt 1.986,9 tỷ đồng.

 

 

* Kết quả thực hiện các Đề án phát triển nông nghiệp:

 

 

* Kết quả thực hiện Đề án phát triển cây vụ Đông hàng hóa giai đoạn 2011-2015:

Năm 2011, 2012 Sở Nông nghiệp & PTNT đã phối hợp với các cấp, các ngành, địa phương tổ chức thực hiện xây dựng được 19 quy mô sản xuất cây trồng hàng hóa tập trung theo phương thức cánh đồng mẫu lớn tại 17 xã trên địa bàn tỉnh, trong đó 5 quy mô cây ngô; 7 quy mô cây bí xanh, bí đỏ; 3 quy mô cây khoai lang4 quy mô cây khoai tây hàng hóa.

Kết quả thực hiện mô hình: Toàn tỉnh thực hiện xây dựng được 19 quy mô cây trồng vụ Đông hàng hóa tập trung với diện tích 373,52 ha, đạt 101,2% kế hoạch trong đó: cây ngô 139,52 ha, đạt 110,6% kế hoạch; cây bí xanh, bí đỏ 97 ha, đạt 95% kế hoạch; cây khoai lang 62 ha, đạt 103,3% kế hoạch; cây khoai tây 75 ha, đạt 93,8% so với kế hoạch.

* Kết quả thực hiện Đề án phát triển sản xuất nấm ăn giai đoạn 2012-2015:

Kết quả thực tế sản xuất năm 2012, có 81 hộ tham gia, giá trị thu được ước đạt 3.624.000.000 đồng, tăng hơn so với kế hoạch theo nguồn kinh phí phân bổ trên 100%. Tiền lãi thu được đem lại lợi nhuận cho các hộ nông dân tham gia thực hiện ước đạt 683.700.000 đồng/81 hộ (8.440.740 đồng/1 hộ).

 

 

* Kết quả thực hiện Đề án phát triển lúa gieo thẳng giai đoạn 2012-2015:

Năm 2012, toàn tỉnh có 105/112 xã có diện tích gieo thẳng với tổng diện tích đạt 7.960 ha chiếm 88,44% so với kế hoạch, trong đó chủ yếu tập trung ở vụ Xuân là 6.254 ha; Vụ Xuân 2013 đạt 9.168 ha, bằng 27,2% diện tích gieo cấy. Hiệu quả của lúa gieo thẳng hơn lúa cấy từ 7,5 - 8,5 triệu/ha tương đương 280.000-300.000 đồng/sào. Trong đó giảm chi phí chủ yếu là nhân công lao động khoảng 170.000- 190.000 đồng/sào, năng suất tăng khoảng 8-10% tương đương 110.000 đ/sào (năng suất tăng chủ yếu do số bông/m2 tăng).

 

 

* Kết quả thực hiện Đề án xây dựng khu chăn nuôi tập trung giai đoạn 2011-2015:

- Kết quả thực hiện năm 2011: Năm 2011, Sở Nông nghiệp & PTNT đã hướng dẫn, chỉ đạo, đôn đốc xây dựng 3 khu chăn nuôi tập trung tại các xã Chuyên Ngoại, huyện Duy Tiên (1 khu) và Thanh Tân, huyện Thanh Liêm (2 khu). Khảo sát, đề nghị và được UBND tỉnh phê duyệt xây dựng 2 khu chăn nuôi tập trung tại các xã La Sơn, huyện Bình Lục và Tượng Lĩnh, huyện Kim Bảng. Kết quả năm 2011, đã nghiệm thu và đưa vào sản xuất được khu chăn nuôi tập trung xã Chuyên Ngoại, huyện Duy Tiên, với diện tích đất xây dựng 2,507 ha với 1 hộ tham gia mô hình, quy mô chăn nuôi 200 con lợn nái; 1.300 con lợn thịt/lứa với tổng vốn đầu tư là trên 8,5 tỷ đồng. Trong đó: Vốn tự có của hộ chăn nuôi 7,9 tỷ đồng, ngân sách tỉnh hỗ trợ là 600 triệu đồng.

- Kết quả thực hiện năm 2012: Năm 2012, đã hướng dẫn, chỉ đạo, đôn đốc xây dựng 5 khu chăn nuôi tập trung tại các xã Tượng Lĩnh, Thanh Sơn huyện Kim Bảng, Phú Phúc huyện Lý Nhân và Thanh Tân, huyện Thanh Liêm; khảo sát, đề nghị UBND tỉnh phê duyệt bổ sung quy hoạch và xây dựng 5 khu chăn nuôi tập trung tại các xã Mộc Bắc, Tiên Ngoại huyện Duy Tiên, Liêm Sơn huyện Thanh Liêm, Nhân Chính huyện Lý Nhân và Tân Sơn huyện Kim Bảng. Kết quả năm 2012 nghiệm thu được 2 khu CNTT tại xã Thanh Tân huyện Thanh Liêm. Gồm: Khu CNTT Thanh Tân 1 với diện tích đất xây dựng 3,876 ha; quy mô 1 hộ; quy mô chăn nuôi 200 con lợn nái; 2.000 con lợn thịt/lứa. Tổng vốn đầu tư là 10,9 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh hỗ trợ 600 triệu đồng. Khu CNTT Thanh Tân 2: Diện tích đất xây dựng 2 ha; quy mô chăn nuôi 300 con lợn nái; 1.200 con lợn thịt/lứa. Tổng vốn đầu tư 10,6 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh hỗ trợ là 650 triệu đồng.

 

 

* Kết quả thực hiện Đề án giảm thiểu ô nhiễm môi trường bằng công nghệ sinh học trong chăn nuôi lợn giai đoạn 2011-2015:

- Kết quả thực hiện năm 2011: Năm 2011 tập trung thực hiện tại 28 xã xây dựng nông thôn mới giai đoạn 1 của tỉnh. Bình quân mỗi xã xây dựng 2 mô hình, quy mô diện tích 20m2/mô hình, nuôi 10 con lợn thịt lứa trở lên. Mỗi mô hình được hỗ trợ 2,4 triệu đồng từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Kết quả, toàn tỉnh đã xây dựng được 47 mô hình, đạt 77% kế hoạch đề ra. Cụ thể: huyện Kim Bảng đạt 4 mô hình, đạt 40% kế hoạch, huyện Lý Nhân 10 mô hình, đạt 100% kế hoạch, huyện Thanh Liêm 4 mô hình, đạt 80% kế hoạch, huyện Bình Lục 9 mô hình, đạt 90% kế hoạch, huyện Duy Tiên 8 mô hình, đạt 80% kế hoạch và thành phố Phủ Lý 1 mô hình, đạt 50% kế hoạch.

- Kết quả thực hiện năm 2012 và đến tháng 4 năm 2013: Toàn tỉnh đã xây dựng được 1.016 mô hình trong đó riêng năm 2012 đã xây dựng được 930 mô hình với tổng diện tích 14.760m2, đạt trên 300% kế hoạch đề ra. Cụ thể: huyện Kim Bảng đạt 158 mô hình, huyện Lý Nhân 284 mô hình, huyện Thanh Liêm 180 mô hình, huyện Bình Lục 220 mô hình, huyện Duy Tiên 72 mô hình và thành phố Phủ Lý 16 mô hình.

 

 

* Kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn:

Tập trung hoàn thiện các nhà máy nước tập trung nông thôn như lắp đặt đường ống, đồng hồ nước đến các hộ gia đình của nhà máy nước 6 xã khu C và 4 xã khu B huyện Bình Lục do công ty Cổ phần nước sạch và vệ sinh nông thôn quản lý; trạm cấp nước miền Tây xã Thanh Thủy huyện Thanh Liêm. Đôn đốc đẩy nhanh tiến độ xây dựng các nhà máy nước tại xã Nhân Bình, Nguyên Lý huyện Lý Nhân; xã Thanh Phong, Thanh Nguyên huyện Thanh Liêm và xã Đọi Sơn, Yên Nam, Tiên Hiệp huyện Duy Tiên. Phối hợp với huyện Kim Bảng xây dựng nhà máy nước 13 xã ven sông Nhuệ huyện Kim Bảng.

Giai đoạn 2012-2013 đã nâng tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh tăng từ 77,25% lên 80%. Xây dựng 520 hầm Biogas cho các hộ chăn nuôi tập trung. Tổ chức 12 lớp tập huấn về thu thập và sử lý số liệu bộ chỉ số giám sát theo quyết định số 51/2008/QĐ-BNN tại các huyện trong tỉnh. Hoàn thành, bàn giao và đưa vào sử dụng 15 công trình vệ sinh trường học, trạm y tế và 7 dự án công trình cấp nước tập trung.

* Kết quả thực hiện Đề án củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp:

Hàng năm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức tập huấn nâng cao năng lực quản lý cho cán bộ HTXDVNN với nhiều nội dung liên quan đến tổ chức bộ máy, hoạt động của các HTX như công tác quản lý HTX, nghiệp vụ kế toán, tập huấn và đào tạo tin học cho cán bộ HTX. Cụ thể năm 2011 tổ chức 6 lớp tập huấn cho 492 lượt người tham gia; năm 2012 tổ chức 12 lớp với 984 lượt người tham gia. Năm 2013 dự kiến sẽ tổ chức tập huấn vào cuối Quý II, đầu Quý III. Sau khi tập huấn, trình độ chuyên môn, quản lý của cán bộ HTXDVNN được nâng lên, đáp ứng yêu cầu chuyên môn và công tác quản lý HTX.

Sau khi thực hiện Đề án, số khâu dịch vụ mà các HTX đảm nhiệm qua các năm đã tăng lên. Hiện tại, không còn HTX đảm nhiệm 1-2 khâu dịch vụ; cơ bản các HTX thường xuyên duy trì đảm nhiệm tốt 5 khâu dịch vụ trở lên, trong đó các HTX An Ninh, Vũ Bản huyện Bình Lục, HTX Yên Bắc, Chuyên Ngoại huyện Duy Tiên đảm nhiệm 9 khâu dịch vụ và HTXDVNN Mộc Bắc huyện Duy Tiên đảm nhiệm 10 khâu dịch vụ. 

Hiệu quả hoạt động dịch vụ, sản xuất kinh doanh của các HTXDVNN tăng lên qua các năm. Cụ thể năm 2011 tổng số lãi dịch vụ là 3.840,81 triệu đồng, đến năm 2012 đạt 4.582,98 triệu đồng, tăng 19,3% so với năm 2011. Vì vậy, lương bình quân của cán bộ HTX tăng từ 1.326.000 đồng năm 2011 lên 1.440.000 đồng năm 2012, tăng 8,6%. Bên cạnh đó, số lượng cán bộ HTX được tham gia đóng bảo hiểm xã hội trong toàn tỉnh tăng dần qua các năm, năm 2007 là 418 cán bộ, năm 2009 tăng lên là 480 cán bộ và năm 2012 là 494 cán bộ.

Qua 3 năm tiếp tục thực hiện Đề án, các HTXDVNN đã chuyển đổi đi vào hoạt động ổn đinh. Đã xây dựng được 9 HTX điểm ở 4 huyện sản xuất kinh doanh tổng hợp có hiệu quả. Số HTX làm tốt 5 khâu dịch vụ trở lên tăng, thu nhập bình quân của xã viên HTX tăng 1,5 lần. Số HTX được xếp loại từ khá trở lên theo tiêu chí mới chiếm 69,56% (so với mục tiêu Đề án là 60%). Cơ bản các HTX đều hoạt động bình toán và có lãi.

 

 

* Kết quả thực hiện công tác xây dựng cơ bản:

Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nam là chủ đầu tư các dự án thuộc nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ, nguồn vốn Ngân sách nhà nước và các nguồn vốn khác. Trong những năm qua, Sở đã làm tốt công tác đôn đốc các đơn vị thi công thực hiện đảm bảo tiến độ kế hoạch. Kết quả đạt được cụ thể như sau:

 

 

* Nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ:

 

 

Gồm 7 dự án. Cụ thể: Dự án nạo vét sông Châu Giang đoạn từ đập Vĩnh Trụ đến trạm bơm Hữu Bị; nâng cấp hệ thống kênh tiêu trạm bơm Yên Lệnh; nạo vét sông Sắt từ cầu Sắt đến đập Mỹ Đô; xây dựng tường kè chống lũ đê tả sông Đáy đoạn từ cầu Phủ Lý đến cầu Đọ Xá; xử lý khẩn cấp sạt lở bờ hữu sông Đáy đoạn từ cầu Hồng Phú đến cầu Phủ Lý; xây dựng Trạm bơm Kinh Thanh II và dự án x©y dùng c«ng tr×nh tr¹m b¬m L¹c Trµng II với tổng mức đầu tư là 1.259,323 tỷ đồng. Vốn đã bố trí đến tháng 5 năm 2013 là 728,965 tỷ đồng. Giá trị khối lượng đã thực hiện đến 30/5/2013 của 7 dự án là 460,615 tỷ đồng. Đến nay 7 dự án đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện theo kế hoạch.

 

 

* Nguồn vốn Ngân sách nhà nước và các nguồn vốn khác:

 

 

Gồm 15 dự án. Cụ thể: Dự án chống sạt lở và hoàn chỉnh tuyến đê kè Tả đáy phần chống sạt lở; đầu tư xây dựng tuyến đường nối ĐT 499 đến ĐT492 phục vụ cứu hộ cứu nạn đê sông Hồng huyện Lý Nhân; xây dựng cơ sở hạ tầng vùng sản xuất giống và chăn nuôi thủy sản tập trung xã Chân Lý; tu bổ, nâng cấp kết hợp giao thông hệ thống đê hữu Hồng tỉnh Hà Nam; xây dựng các đoạn kè từ mỏ 2 đến mỏ 3, từ mỏ 5 kè Nguyên Lý đến đầu kè lát mái Chương Xá và đoạn từ mỏ hàn số 4 kè chương xá đến hết kè Vũ Điện; xử lý khẩn cấp chống sạt lở bờ hữu sông Đáy từ trường cơ yếu đến cầu Hồng Phú; mở rộng nâng cấp 2 bên bờ sông Châu Giang; Cải tạo tuyến đê tả Nhuệ từ cống Nhật tựu đến Quốc lộ 1A; cải tạo nâng cấp tuyến đê Hoành Uyển đoạn từ Quốc lộ 1A đến trạm bơm Chợ Lương; kè sông đáy đoạn từ cầu Châu Sơn; nâng cấp tuyến đê hữu sông Nhuệ kết hợp giao thông nông thôn; xử lý khẩn cấp chống sạt lở bờ và tu bổ khẩn cấp tuyến đê tả đáy từ K88 đến K137+516 tỉnh Hà Nam và dự án đường cứu hộ cứu nạn Phú Đông tỉnh Hà Nam với tổng mức đầu tư là 4.725,627 tỷ đồng. Vốn đã bố trí đến tháng 5 năm 2013 là 534,686 tỷ đồng.

 

 

 

Kết quả, hoàn thành 2 dự án nâng cấp tuyến đê hữu sông Nhuệ kết hợp giao thông nông thôn và dự án đường sơ tán dân kết hợp đê chắn nước núi huyện Thanh Liêm; cơ bản hoàn thành 2 dự án là dự án chống sạt lở và hoàn chỉnh tuyến đê kè Tả đáy phần chống sạt lở và dự án nuôi trồng thuỷ sản tập trung thâm canh vùng liên xã Văn Xá, Kim Bình, Hoàng Tây huyện Kim Bảng tỉnh Hà Nam; 11 dự án còn lại tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thi công. Giá trị xây lắp đến tháng 5 năm 2013 ước đạt 539,942 tỷ đồng.

 

 Các công trình cơ bản tuân thủ chặt chẽ các văn bản quy định của Nhà nước và các văn bản Pháp quy về đầu tư xây dựng cơ bản, chất lượng công trình ngày được nâng cao. Phần lớn các dự án đảm bảo tiến độ, tuy nhiên một số hạng mục công trình ở một vài dự án còn chậm tiến độ. Mặt khác, công tác giải phóng mặt bằng gặp khó khăn, nguồn vốn ngân sách nhà nước bố trí còn thiếu, chưa đáp ứng được tiến độ đề ra. Ngành Nông nghiệp & PTNT thường xuyên tổ chức kiểm tra đánh giá kịp thời các công trình được thực hiện trong năm về mọi mặt.

3. Đánh giá chung:

Với sự chỉ đạo thường xuyên, sâu sát của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và sự tham mưu tích cực và tổ chức thực hiện quyết liệt của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các ngành có liên quan, các huyện thành phố trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp; tuy vậy trong nửa nhiệm kỳ qua, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản đã tăng trưởng nhưng còn chậm (1,1%), chưa đạt so với yêu cầu đề ra. Đối với trồng trọt, do làm tốt công tác chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh nên năng suất lúa và các loại cây trồng đã đạt đỉnh cao và duy trì phát triển ổn định. Trong lĩnh vực chăn nuôi, đã làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh, đầu tư xây dựng các khu chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản tập trung. Hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư giảm, chăn nuôi quy mô lớn, trang trại phát triển. Tuy vậy, đầu con hàng năm không ổn định do tác động của dịch bệnh và giá cả luôn biến động theo xu hướng giảm. Trong 3 năm 2011-2013 mặc dù đầu con giảm nhưng trọng lượng xuất chuồng cao nên sản lượng thịt hơi xuất chuồng tăng năm sau cao hơn năm trước, bình quân đạt trên 65.000 tấn/năm, tốc độ phát triển bình quân đạt 1,4%. Cụ thể năm 2011 đạt 64.671 tấn, năm 2012 đạt 64.686,6 tấn và năm 2013 ước đạt 65.760,9 tấn. Trong lĩnh vực thủy sản, đã phát huy lợi thế vùng trũng, đẩy mạnh đầu tư nuôi thâm canh tăng năng suất nuôi trồng. Do đó mặc dù diện tích nuôi giảm, nhưng sản lượng thủy sản nuôi trồng trong 3 năm vẫn tăng, sản lượng bình quân đạt 20.007,3 tấn; tốc độ tăng trưởng đạt 5,6%/năm. Việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng giá trị chăn nuôi thủy sản đã được triển khai tích cực, tuy vậy tỷ trọng chăn nuôi và thủy sản trong tổng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản còn thấp, chưa đạt yêu cầu đề ra.

Các chương trình Đề án thuộc lĩnh vực ngành quản lý được triển khai thực hiện một cách tích cực và đẩy nhanh tiến độ, đã xây dựng được các quy mô sản xuất cây trồng hàng hoá, mô hình sản xuất nấm, mở rộng diện tích gieo thẳng; đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng các khu chăn nuôi tập trung, công trình cấp nước sạch nông thôn. Chủ động phối hợp với các huyện thành phố tiến hành các hoạt động trong việc phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của các Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp và kinh tế hộ xã viên, qua thời gian thực hiện đề án, cơ cấu tổ chức bộ máy của các HTX cơ bản được tinh gọn, hoạt động có hiệu quả. Thông qua các lớp tập huấn, nhận thức về luật HTX và các chính sách khuyến khích HTX phát triển được nâng lên. Ban quản trị các HTX đã chủ động sáng tạo hơn trong việc xây dựng phương án sản xuất kinh doanh. Nợ của xã viên với HTX giảm, tài sản vốn quỹ của HTX từng bước được tăng cường. Đời sống cán bộ HTX và xã viên dần được cải thiện.

 

 

4. Những tồn tại, hạn chế, vướng mắc trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế nông nghiệp; nguyên nhân của những tồn tại hạn chế:

 

 

4.1. Những tồn tại, hạn chế:

- Mặc dù sản xuất cây trồng hàng hóa đã được tỉnh quan tâm và đã có các cơ chế chính sách hỗ trợ, tuy nhiên vùng sản xuất nông sản tập trung chưa được quy hoạch, đầu tư hạ tầng. Việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất đã được đẩy mạnh nhưng chưa tương xứng với tiềm năng phát triển sản xuất. Công tác áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất chưa được mở rộng.

- Chăn nuôi theo hướng tập trung mặc dù đã được đầu tư song giá trị mang lại chưa cao, quy mô chăn nuôi chưa tương xứng với mức đầu tư. Sản phẩm thu được chủ yếu vẫn chủ yếu từ chăn nuôi nhỏ lẻ tại các hộ gia đình. Đối với việc chăn nuôi lợn bằng công nghệ đệm lót sinh học, dân còn trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước để xây dựng mô hình đặc biệt là việc duy trì và đầu tư chăn nuôi mở rộng các năm tiếp theo.

- Công tác củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của các Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp đã được thực hiện theo đúng nội dung kế hoạch đề án, tuy nhiên cán bộ trong Ban quản trị một số HTXDVNN luôn biến động và thiếu kỹ năng sản xuất kinh doanh nên hiệu quả hoạt động không cao thậm chí làm mờ nhạt vai trò của HTXDVNN các khâu thiết yếu cho sản xuất, khâu tiêu thụ nông sản cho nông dân còn bỏ trống.

- Nguồn lực thực hiện các chương trình dự án, đặc biệt là kinh phí đầu tư cho xây dựng các mô hình sản xuất còn hạn hẹp, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn rất ít.

 

 

4.2. Nguyên nhân của những tồn tại hạn chế:

 

 

Công tác xây dựng quy hoạch nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản đặc biệt là các khu sản xuất tập trung quy mô lớn, các kế hoạch thực hiện các Chương trình Đề án và tổ chức thực hiện tại một số địa phương còn thụ động. Một số dự án được phê duyệt chậm; nguồn kinh phí bố trí cho thực hiện dự án thiếu và chậm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai.

Diện tích đất sử dụng cho sản xuất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp. Diện tích gieo cấy lúa cả năm 2013 dự kiến giảm khoảng 1.253 ha (giảm khoảng 600 ha đất canh tác lúa) so với năm 2012, trong đó vụ Xuân giảm 400 ha (số liệu Cục Thống kê, riêng huyện Bình Lục giảm 294 ha), vụ Mùa dự kiến giảm 853 ha (số liệu kế hoạch gieo cấy lúa vụ Mùa 2013 của các huyện, thành phố). Diện tích đất giảm chủ yếu do công tác dồn điền đổi thửa, các địa phương lấy quỹ đất để xây dựng kênh mương, giao thông nội đồng; một số diện tích giảm do làm các công trình dự án, đường giao thông.

Việc thâm canh tăng năng suất đã cho năng suất lúa đạt đỉnh cao nhất và duy trì ổn định. Diện tích đất nông nghiệp tuy đã triển khai dồn điền đổi thửa, tuy vậy vẫn còn manh mún, do đó việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất gặp không ít khó khăn. Bình quân diện tích cho sản xuất nông nghiệp thấp khoảng 500 m2 đất canh tác/khẩu. Ruộng đất manh mún, nhỏ lẻ không tập trung. Đất giành cho phát triển nông nghiệp giảm mạnh ảnh hưởng lớn đến sản lượng. Hơn nữa, một bộ phận nông dân ngại thay đổi tập quán sản xuất ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất cây trồng, việc áp dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa vào sản xuất còn hạn chế, giá thành sản phẩm còn cao, dẫn đến hiệu quả kinh tế thấp, chủ yếu lấy công làm lãi (sản xuất lúa trung bình lãi thuần chỉ đạt khoảng 20-25%, nhưng vào vụ thu hoạch tập trung giá bán giảm nên lãi thuần chỉ đạt khoảng 15%; hiệu quả sản xuất ngô trung bình đạt khoảng 30%). Mặc dù vậy, sản xuất nông nghiệp góp phần ổn định an ninh lương thực, ổn định kinh tế xã hội trên địa bàn nông thôn, tận dụng lao động nông nhàn, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho nông dân.

Cơ cấu chuyển hướng sản xuất hàng hóa ảnh hưởng không nhỏ đến giá trị sản xuất nông nghiệp vì sản xuất lúa chiếm khoảng 60% giá trị sản xuất ngành trồng trọt. Hiện nay các địa phương trong tỉnh đã chuyển đổi mạnh sang sản xuất lúa chất lượng hàng hóa, chiếm khoảng 30% diện tích. Tỷ lệ các giống lúa chất lượng hàng hóa tăng cao, tuy nhiên năng suất không tỷ lệ thuận vì lúa chất lượng hàng hóa năng suất thấp hơn lúa lai và lúa thuần. Khi tính giá trị để tính tốc độ tăng trưởng của ngành dựa theo giá cố định năm 1994, giá lúa chung là 1.600 đồng/kg, trong khi đó giá lúa hàng hóa thực tế tăng hơn gấp 1,2 đến 1,4 lần giá lúa thông thường.

Dịch bệnh trên đàn gia súc gia cầm xuất hiện ngày càng phức tạp. Giá xuất chuồng giảm do đó người chăn nuôi không đầu tư, không tăng đầu con, vì vậy giá trị sản xuất lĩnh vực chăn nuôi tăng chậm. Bên cạnh đó, nguồn vốn đầu tư để xây dựng một khu chăn nuôi tập trung mới là rất lớn. Do đó việc mở rộng đầu tư xây dựng khu chăn nuôi tập trung gặp không ít khó khăn. Kinh phí của tỉnh khó khăn nên việc đầu tư xây dựng hạ tầng sản xuất nông nghiệp còn hạn hẹp so với nhu cầu đầu tư thực tế. Cụ thể: Trong những năm qua, giá thịt lợn hơi xuất chuồng cao nhất trong giai đoạn 2011-2013 đạt 60.000 đồng/kg, giá thấp nhất là 36.000 đồng/kg. Trong đó, giá thịt lợn hơi xuất chuồng bình quân năm 2011 là 54.600 đồng/kg, đến năm 2012 là 45.200 đồng/kg; giảm 17,2% so với năm 2011 và 4 tháng đầu năm 2013 giảm xuống 43.200 đồng/kg; giảm 4,4% so với năm 2012. Do đó giá trị sản xuất lĩnh vực chăn nuôi giảm đáng kể.

Diễn biến bất thường của điều kiện thời tiết khí hậu như hạn hán, nắng nóng, mưa lũ ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là cây trồng vụ Đông ưa ấm.

Tỉnh Hà Nam với diện tích cây trồng vụ Đông cây ưa ấm chiếm trên 80% diện tích như ngô, đậu tương, dưa chuột, bí xanh, bí đỏ, khoai lang... Do đó, yếu tố thời tiết tác động là rất lớn. Vụ Đông năm 2012-2013 ngoài thời vụ muộn từ 5-7 ngày, còn bị ảnh hưởng của cơn bão số 8, làm giảm năng suất của cây trồng vụ Đông ưa ấm từ 15-20%. Ngoài ra, cây trồng vụ Đông ưa ấm có thời gian sinh trưởng ngắn xung quanh 85-90 ngày, thời kỳ cây con đến ra hoa đậu quả cần nhiệt độ cao. Do đó, nếu thời vụ gieo trồng muộn, gặp nhiệt độ thấp cây sinh trưởng chậm, còi cọc, phát dục sớm, quả bé, tỷ lệ đậu thấp. Kết quả cụ thể qua các năm như sau: vụ Đông năm 2010-2011 tổng diện tích gieo trồng 19.655,1 ha; giá hiện hành 788 tỷ đồng; giá trị cố định 1994 là 219 tỷ đồng, bằng 20,3% giá trị ngành trồng trọt. Vụ Đông năm 2011-2012 diện tích gieo trồng 13.886,5 ha; giá hiện hành 846 tỷ đồng; giá trị cố định 1994 đạt 210 tỷ đồng, chiếm 19,8% giá trị ngành trồng trọt và vụ Đông năm 2012-2013 diện tích gieo trồng 14.998,4 ha; giá hiện hành 820 tỷ đồng; giá trị cố định 1994 đạt 190 tỷ đồng, chiếm 17,9% giá trị ngành trồng trọt.

Công tác sản xuất gắn với chế biến nông sản cũng ảnh hưởng lớn đến giá trị sản xuất ngành nông nghiệp. Trong những năm qua ở tầm vĩ mô, Nhà nước chưa chú trọng đầu tư, xây dựng các nhà máy bảo quản, chế biến nông sản gắn với việc quy hoạch phát triển sản xuất các vùng nguyên liệu ở khu vực Đông bằng sông Hồng nói chung và tỉnh Hà Nam nói riêng nên các sản phẩm nông nghiệp sản xuất ra chủ yếu bán tươi hoặc phơi sấy, chế biến thủ công nên khả năng cạnh tranh thấp, thường xuyên xảy ra tình trạng được mùa thì rớt giá và ngược lại. Một số nhà máy chế biến, xuất khẩu nông sản được hình thành nhưng quy mô sản xuất còn hạn chế; số lượng, chủng loại nông sản chưa đa dạng.

Tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc gia cầm, dịch hại trên cây trồng diễn biến phức tạp và luôn có chiều hướng phát sinh đặc biệt là dịch cúm gia cầm, dịch lở mồm long móng, tai xanh trên đàn gia súc; các loại sâu bệnh trên cây trồng gây khó khăn và thiệt hại sản xuất, ảnh hưởng đến kinh tế hộ nông dân.

 

 

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM THỰC HIỆN NHIỆM VỤ PHÁT TRIỂN KINH TẾ NÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐẾN HẾT NĂM 2015:

 

 

1. Phương hướng, nhiệm vụ:

 

 

Tích cực và phát huy tính chủ động sáng tạo trong công tác tham mưu với Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh về ban hành các cơ chế chính sách nhằm đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn. Đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, xây dựng cơ sở hạ tầng để phục vụ sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hoá tập trung, sản phẩm có năng suất cao, chất lượng tốt đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu, từng bước nâng cao thu nhập của nông dân một cách bền vững; đảm bảo phát triển nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường nông thôn.

Tốc độ tăng trưởng nông, lâm, thủy sản 5 năm (2010-2015) phấn đấu đạt 1,5%, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực. Chuyển đổi nhanh chóng cơ cấu nội bộ ngành theo hướng tăng tỷ trọng chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Phấn đấu đến năm 2015, tỷ trọng chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản chiếm 42% cơ cấu ngành nông nghiệp.

Đối với lĩnh vực trồng trọt: Thực hiện điều chỉnh cơ cấu giống, mùa vụ, chuyển dịch cơ cấu như tiếp tục duy trì trà Xuân muộn trên 99% diện tích, vụ Mùa sớm trên 50% diện tích để chủ động giải phóng đất sớm phát triển sản xuất vụ Đông.

- Đối với vụ Xuân: Duy trì tỷ lệ lúa lai 50% diện tích, lúa chất lượng hàng hóa trên 30% diện tích, mở rộng diện tích lúa gieo thẳng ở những chân ruộng chủ động tưới tiêu. Tập trung gieo mạ xung quanh tiết lập Xuân (4/2) để lúa trỗ xung quanh tiết lập Hạ (5/5) vừa đảm bảo an toàn, vừa giải phóng đất để gieo cấy lúa mùa sớm. Thời vụ lúa gieo thẳng từ 10-20/2, các địa phương cần căn cứ vào thời gian sinh trưởng của từng giống lúa, chủng loại giống, điều kiện thực tế để gieo cho phù hợp đảm bảo lúa gieo thẳng trỗ và thu hoạch cùng thời điểm với lúa đại trà.

- Đối với vụ Mùa: Tỷ lệ lúa lai ổn định từ 15-20% diện tích, lúa chất lượng 35-40% diện tích, gieo thẳng lúa ở những nơi chủ động tưới tiêu. Gieo mạ mùa sớm từ 01-05/6; mùa trung từ 10-15/6; gieo thẳng từ 15-25/6.

- Đối với vụ Đông: Diện tích cây vụ Đông: ổn định từ 16.000-20.000 ha. Trong đó, chú trọng cây vụ Đông ưa ấm gieo trồng cuối tháng 9, cây vụ Đông hàng hóa có giá trị kinh tế cao, đồng thời mở rộng cây ưa lạnh để tận dụng quỹ đất và dải vụ; phát triển cân đối giữa rau ăn lá và rau ăn củ.

 

 

2. Các giải pháp trọng tâm:

Để làm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nửa nhiệm kỳ còn lại, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các ngành của tỉnh và các huyện thành phố thực hiện tốt các biện pháp sau:

2.1. Tiếp tục làm tốt công tác tham mưu với Tỉnh ủy, UBND tỉnh và phối hợp với các Sở, ngành, huyện, thành phố trong toàn tỉnh thực hiện đạt kết quả cao các Đề án thực hiện trong giai đoạn 2011-2015 như Đề án Xây dựng khu chăn nuôi tập trung, Đề án giảm thiểu ô nhiễm môi trường bằng công nghệ sinh học trong chăn nuôi lợn, Đề án Phát triển cây vụ Đông hàng hóa, Đề án phát triển lúa gieo thẳng, Đề án phát triển sản xuất nấm ăn tỉnh Hà Nam giai đoạn 2012-2015, Đề án xây dựng cánh đồng mẫu lớn, Đề án Phát triển nước sạch nông thôn, Đề án Củng cố nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTXDVNN và các Đề án trong Chương trình công tác hàng năm. Phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các các mục tiêu của từng Chương trình, Đề án.

2.2. Tập trung chỉ đạo thực hiện tốt công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cơ cấu mùa vụ nhằm khắc phục các khó khăn do thời tiết như hạn hán, lũ lụt, rét đậm rét hại. Đẩy mạnh mở rộng diện tích gieo trồng cây vụ Đông trên đất 2 lúa, xây dựng kế hoạch sản xuất vụ Đông ngay từ đầu vụ lúa Đông Xuân để chủ động diện tích. Đi đôi với phát triển trồng trọt, tiếp tục đặc biệt quan tâm đến phát triển chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, phát triển các khu chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản tập trung, xác định đây là biện pháp tích cực để có bước đột phá tăng sản lượng sản phẩm chăn nuôi, đồng thời chỉ đạo làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc gia cầm và động vật thủy sản nhằm thúc đẩy chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản trong tỉnh phát triển ốn định. Tiếp tục tham mưu với UBND tỉnh đẩy mạnh việc mở rộng chăn nuôi lợn trên nền đệm lót sinh học nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

2.3. Tiếp tục tham mưu với UBND tỉnh thực hiện các cơ chế hỗ trợ khuyến khích xây dựng các cơ sở chế biến nông sản, gắn sản xuất sản phẩm nông sản với chế biến nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

2.4. Thường xuyên kiện toàn và hoàn thiện mạng lưới khuyến nông, mạng lưới thú y, bảo vệ thực vật cơ sở và coi đây là hệ thống cánh tay nối dài của ngành tới bà con nông dân trong lĩnh vực chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất và phòng trừ dịch bệnh trên cây trồng vật nuôi. Tăng cường công tác quản lý nhà nước trên tất cả các lĩnh vực của ngành, đặc biệt là trong việc thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, giống cây trồng, vật nuôi và các loại vật tư nông nghiệp phục vụ sản xuất.

2.5. Tham mưu với tỉnh khai thác các nguồn vốn để đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp, từng bước hoàn thiện hệ thống công trình thủy lợi, công trình phòng chống lụt bão, công trình cấp nước sạch nông thôn. Đôn đốc, kiểm tra các địa phương, các công ty thủy nông xây dựng phương án tưới tiêu, phương án phòng chống lụt bão úng hạn và chuẩn bị các điều kiện triển khai thực hiện tốt phương án nhằm đáp ứng yêu cầu chủ động phục vụ sản xuất và dân sinh kinh tế.

2.6. Tăng cường công tác quản lý rừng và đất lâm nghiệp, thực hiện tốt công tác trồng rừng, chăm sóc, khoanh nuôi tái sinh rừng đặc biệt là công tác phòng chống cháy rừng. Đẩy mạnh công tác bảo vệ, tuần tra ngăn chặn chặt phá rừng; săn bắt, vận chuyển, mua bán động vật hoang dã, lâm sản, gỗ trái phép.

2.7. Trên cơ sở quy hoạch phát triển kinh tế xã hội chung của tỉnh, tập trung triển khai tốt công tác xây dựng và quản lý quy hoạch trên tất cả các lĩnh vực của ngành sao cho phù hợp với tình hình sản xuất hiện nay và các năm tiếp theo.

 

 

III. ĐỀ XUẤT, KIẾN NGHỊ:

Để thực hiện tốt nhiệm vụ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có một số đề xuất và kiến nghị như sau:

1. Đề nghị UBND tỉnh hàng năm, trên cơ sở các dự án được duyệt, tỉnh bố trí kinh phí để thanh toán kịp thời khối lượng công việc thực hiện. Đẩy mạnh công tác kiểm tra việc tổ chức thực hiện các Chương trình, Đề án qua đó làm rõ các khó khăn vướng mắc từ cơ sở, giúp các địa phương tháo gỡ các khó khăn, làm tốt hơn trong công tác chỉ đạo thực hiện. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc theo chức năng nhiệm vụ đẩy nhanh công tác thẩm định, phê duyệt các dự án để đảm bảo yếu tố thời vụ và tiến độ thực hiện

2. Đề nghị tiếp tục có các cơ chế, chính sách hỗ trợ đối với lĩnh vực chăn nuôi thủy sản, nhằm từng bước tháo gỡ khó khăn như hỗ trợ giống, hỗ trợ xây dựng hạ tầng, hỗ trợ phát triển và mở rộng chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học; phát triển mạnh và bền vững các khu chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản tập trung nhằm nâng tỷ trọng chăn nuôi, thủy sản trong cơ cấu ngành nông nghiệp.

3. Trước những khó khăn mang tính chất khách quan, thực trạng sản xuất hiện nay và các năm tiếp theo, Sở Nông nghiệp & PTNT kính đề nghị Ban thường vụ Tỉnh ủy nghiên cứu, xem xét cho phép điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng giá trị sản xuất nông nghiệp từ 2,8% xuống còn 1,5% cho phù hợp với thực tế sản xuất làm cơ sở để ngành phấn đấu thực hiện. (Với tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm là 1,5% thì từ nay đến hết 2015, tốc độ tăng trưởng bình quân sản xuất nông nghiệp phải đạt 2,1%).

 

 

B. KẾT QUẢ THỰC HIỆN NHIỆM VỤ XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG THỦY LỢI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH:

I. Những thuận lợi và khó khăn:

 

 

1. Thuận lợi:

Trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng và phát triển hệ thống thủy lợi, ngành luôn nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương nên hệ thống công trình thủy lợi tỉnh được quy hoạch và đầu tư xây dựng tương đối hoàn chỉnh và đầy đủ, cơ bản đáp ứng được yêu cầu tưới tiêu nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh trong từng giai đoạn.

Hệ thống công trình thủy lợi của tỉnh đã được phân cấp quản lý cụ thể cho cấp ngành và địa phương. Nhà nước có chính sách miễn thủy lợi phí cho nông dân, cấp bù thủy lợi phí cho các Công ty Khai thác công trình thủy lợi (KTCTTL), các tổ chức hợp tác nên tạo điều kiện để tu sửa công trình, phục vụ tưới tiêu tốt hơn.

 

 

2. Khó khăn:

Nguồn vốn để đầu tư nâng cấp các hệ thống thủy lợi còn hạn chế do đó việc tu sửa, nâng cấp và xây dựng luôn gặp khó khăn. Việc đẩy mạnh chủ trương đô thị hóa, làm đường giao thông và các khu công nghiệp nên đôi khi việc thực hiện quy hoạch hệ thống công trình thủy lợi bị ảnh hưởng.

 

 

II. ĐÁNH GIÁ THỰC TRẠNG HỆ THỐNG THỦY LỢI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH, KẾT QUẢ XÂY DỰNG, CẢI TẠO, NÂNG CẤP PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG THỦY LỢI TỪ 2011 ĐẾN NAY

 

 

1. Thực trạng hệ thống thủy lợi trên địa bàn tỉnh hiện nay:

Hệ thống công trình thủy lợi tỉnh Hà Nam thuộc hai hệ thống thủy nông lớn là hệ thống thủy nông sông Nhuệ gồm huyện Duy Tiên, tả Đáy huyện Kim Bảng và hệ thống thủy nông Bắc Nam Hà gồm huyện Thanh Liêm, Bình Lục, Lý Nhân.

Hệ thống công trình thủy nông trên địa bàn tỉnh Hà Nam hiện có 50 trạm bơm do các Công ty KTCTTL tỉnh quản lý với 309 máy bơm công suất từ 1.000- 27.000m3/h (chưa kể các trạm bơm do công ty KTCTTL Bắc Nam Hà quản lý); hàng trăm trạm bơm vừa và nhỏ do các HTX quản lý. Hệ thống kênh mương hiện có 3.502 km kênh tưới, 1.300 km kênh tiêu và hơn 1.500 cống đập, xi phông, cầu máng các loại... Hàng năm, hệ thống phục vụ tưới, tiêu cho gần 70.000 ha diện tích lúa 2 vụ và tiêu nước cho hơn 75.000 ha phục vụ dân sinh.

Thực trạng hệ thống thủy lợi trên địa bàn tỉnh hiện nay như sau:

 

 

- Về tưới: Hệ số tưới trên địa bàn tỉnh hiện tại đạt: Hệ số tưới năm 2013 là 0,9-1,0 l/s-ha; so với yêu cầu 1,25 l/s/ha vào năm 2020.

 

- Về tiêu : hệ số tiêu năm 2013 là 3,3-6,0 l/s-ha. Trong đó:

 Khu tả Đáy (vùng hệ thống sông Nhuệ): gồm huyện Duy Tiên và tả Đáy huyện Kim Bảng, hệ số tiêu đạt từ 4-6,0 l/s-ha so với yêu cầu 8 l/s/ha vào năm 2020.

 Khu hữu Đáy: gồm hữu Đáy huyện Kim Bảng và hữu Đáy huyện Thanh Liêm hệ số tiêu đạt 3,9- 5,6 l/s-ha so với yêu cầu 6,5 l/s-ha vào năm 2020.

 Khu vực 6 trạm bơm điện lớn Bắc Nam Hà (Bình Lục, tả Đáy Thanh Liêm, Lý Nhân) hệ số tiêu đạt 3,3-4,5 l/s-ha so với yêu cầu 7 l/s-ha vào năm 2020.

Mặc dù hệ thống thủy lợi trên địa bàn tỉnh chưa hoàn chỉnh theo quy hoạch của Đề án rà soát điều chỉnh quy hoạch bổ sung quy hoạch thủy lợi tỉnh Hà Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; song, với sự chỉ đạo của tỉnh, sự phối kết hợp giữa các công ty KTCTTL, công tác phòng chống úng, hạn đã đảm bảo yêu cầu. Tuy nhiên, để ứng phó với điều kiện ngày càng bất thường của thời tiết, hệ thống thủy lợi của tỉnh cần được đầu tư kinh phí xây dựng và nâng cấp theo quy hoạch đề ra.

2. Kết quả xây dựng, cải tạo, nâng cấp phát triển hệ thống thủy lợi từ 2011 đến nay:

Cơ bản hoàn thành phần công trình đầu mối xây dựng trạm bơm Kinh Thanh II, đến nay toàn bộ dự án thực hiện được 19,4% kế hoạch về kinh phí. Thi công xong phần trạm bơm đầu mối, đang làm thủ tục bàn giao đối với công trình xây dựng trạm bơm Lạc tràng II. Hoàn thành 51% kế hoạch về kinh phí đối với công trình nạo vét sông Châu Giang. Tiến hành thi công công trình nạo vét sông Sắt từ Mỹ Đô đến Cầu Ghéo, đến nay đạt 12,32% kế hoạch về kinh phí. Đang hoàn thiện kế hoạch giai đoạn I đối với dự án cải tạo, nâng cấp, kiên cố hóa hệ thống tưới tiêu tỉnh Hà Nam. Dự án nạo vét, gia cố sông Kinh Thủy đã triển khai được 12,1% kế hoạch. Kiên cố hóa được 28,2 km kênh loại II, loại III. Cải tạo, nâng cấp được 5 trạm bơm do các HTXDVNN quản lý.

Giai đoạn 2011-2013 mặc dù còn nhiều khó khăn, tuy nhiên Trung ương và tỉnh đã đầu tư xây dựng các trạm bơm đầu mối phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Mặc dù tiến độ thi công còn chậm do thiếu kinh phí, song công tác sửa chữa, nâng cấp và xây mới đã bám sát quy hoạch. Vì vậy, hệ thống thủy lợi đã ngày một phát huy tốt công tác tưới tiêu phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh.

 

 

3. Những tồn tại, hạn chế:

 

 

a. Những tồn tại, hạn chế:

 

 

*  Trong công tác đầu tư xây dựng:

 

 

 

Nguồn vốn đầu tư để cải tạo, nâng cấp và xây dựng hệ thống còn hạn hẹp. Máy móc thiết bị còn thiếu và lạc hậu. Tiến độ thực hiện các hạng mục công trình trong quy hoạch không đảm bảo theo đúng yêu cầu quy hoạch. Đầu tư xây dựng công trình còn dàn trải, chưa tập trung cho các công trình trọng điểm.   

 

 

 

* Tồn tại trong công tác quản lý khai thác:

 

Theo Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi, các công ty KTCTTL hàng năm được ngân sách Nhà nước cấp kinh phí bù lỗ cho hoạt động khai thác công trình thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp và kinh phí để sửa chữa lớn, đầu tư nâng cấp công trình. Tuy nhiên, hiện nay nguồn kinh phí cấp bù không có, phần kinh phí cấp bù miễn thủy lợi phí từ Trung ương chỉ đủ để chi trả lương, không có đủ kinh phí để duy tu, sửa chữa hệ thống công trình, do vậy công trình ngày càng xuống cấp.

Tình trạng vi Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi như cắm đăng, đó, vó, bè, lấn chiếm lòng kênh, đổ rác thải, chất thải xuống lòng kênh gây ách tắc, ô nhiễm, mất máy đóng mở... mặc dù đã được tăng cường quản lý nhưng diễn ra còn khá phổ biến.

 Đối với các HTXDVNN khai thác công trình thủy lợi, năng lực của đội ngũ cán bộ kỹ thuật còn rất hạn chế, rất ít đơn vị có cán bộ có đủ trình độ theo quy định tại thông tư 40/2011/TT-BNNPTNT quy định năng lực, trình độ của tổ chức, cá nhân tham gia quản lý, khai thác công trình thủy lợi.

 b. Nguyên nhân của các tồn tại:

Hệ thống công trình thủy lợi tỉnh Hà Nam thuộc 2 hệ thống lớn là hệ thống sông Nhuệ và hệ thống Bắc Nam Hà, đặc biệt là hệ thống Bắc Nam Hà thực hiện tưới tiêu chung cho tỉnh Hà Nam và tỉnh Nam Định. Vì vậy, các công trình đầu mối lớn, kênh chính đều do Trung ương thực hiện đầu tư xây dựng, tỉnh chỉ đáp ứng một phần.

Việc cấp kinh phí thực hiện chưa kịp thời theo kế hoạch dẫn đến thiếu kinh phí để sửa chữa lớn và đầu tư nâng cấp công trình nên việc thực hiện các hạng mục theo tiến độ quy hoạch đề ra là rất chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu. Có những công trình chỉ hoàn thiện được phần công trình đầu mối, hệ thống nội đồng do thiếu kinh phí nên không hoàn thiện được.

Hiệu quả quản lý nhà nước ở một số nơi chưa cao, một số chính quyền địa phương (cấp xã) thiếu kiên quyết, ngại va chạm trong việc phát hiện và xử phạt vi phạm Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi. Sự phối kết hợp giữa chính quyền địa phương và các công ty KTCTTL trong việc kiểm tra, phát hiện các vi phạm chưa chặt chẽ, kịp thời.

Lực lượng thanh tra chuyên ngành của ngành chức năng còn mỏng, chưa có điều kiện thường xuyên kiểm tra, xử lý vi phạm. Công tác tuyên truyền Nghị định số 140/2005/NĐ-CP cũng như tuyên truyền về Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi chưa được đồng đều tại các địa phương, đến nay vẫn còn có địa phương chưa nắm bắt được Nghị định số 140/2005/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi. Ý thức của một số người dân chưa cao trong việc bảo vệ công trình thủy lợi, còn tự ý đổ rác thải, chất thải, lấn chiếm bờ kênh, lòng kênh...

Các HTXDVNN không có đủ kinh phí để chi trả lương nên không thu hút được cán bộ có trình độ về làm việc trong đơn vị, do vậy đội ngũ cán bộ quản lý khai thác công trình thủy lợi tại một số địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu.

4. Mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện đến hết năm 2015:

 

 

a. Mục tiêu:

Tưới tiêu chủ động phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và tạo nguồn cấp nước cho sản xuât công nghiệp, sinh hoạt. Tiêu thoát nước chủ động phục vụ các ngành kinh tế và dân sinh. Cụ thể là:

Đối với cấp nước:

- Cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, đảm bảo chủ động đủ nước cho phát triển trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản theo hướng thâm canh bền vững.

- Tạo nguồn cấp nước cho các nhà máy nước phục vụ cho đô thị, dân cư và các khu công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, cho các khu du lịch sinh thái.

Đối với tiêu úng:

Tiêu thoát nước chủ yếu ra sông Hồng, sông Đáy cho 86.049 ha diện tích tự nhiên của tỉnh, trong đó tiêu thoát nước cho nông nghiệp với hệ số tiêu bình quân 6,5-8 l/s/ha và tiêu thoát nước cho đô thị với hệ số tiêu 18 -20 l/s/ha.

 

 

b. Nhiệm vụ:

Từ nay đến năm 2015 xây mới, cải tạo, nâng cấp 62 trạm bơm và kiên cố hóa 406,2 km kênh tưới, nạo vét 313 km kênh tiêu với tổng kinh phí ước tính 3.900 tỷ đồng.

 

 

c. Giải pháp:

Huy động vốn đầu tư để cải tạo, nâng cấp và xây dựng hệ thống công trình thủy lợi của tỉnh như sau:

- Ngân sách TW đầu tư 100% đối với các công trình đầu mối lớn, hệ thống kênh tiêu chính, kênh tưới cấp I.

- Ngân sách tỉnh đầu tư và ngân sách trung ương hỗ trợ một phần đối với công trình vừa và nhỏ.

- Huy động nhân dân địa phương đóng góp, tỉnh hỗ trợ một phần đối với các công trình kênh tưới tiêu cấp III nội đồng.

 

 

5. Đề xuất, kiến nghị:

Để thực hiện tốt quy hoạch và phát triển hệ thống thủy lợi đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp và dân sinh kinh tế trên địa bàn tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có một số đề xuất và kiến nghị như sau:

- Đề nghị tỉnh trình Trung ương đầu tư kinh phí xây dựng các công trình đầu mối lớn như xây dựng trạm bơm Mộc Bắc, Tân Sơn II, Chợ Lương, đập Quan Trung và Vĩnh Trụ. Tiếp tục đầu tư kinh phí để hoàn thiện dự án cải tạo, nâng cấp, kiên cố hóa hệ thống tưới tiêu tỉnh Hà Nam giai đoạn II, hoàn thiện các dự án đang triển khai như: xây dựng trạm bơm Kinh Thanh II, Lạc Tràng II, nâng cấp hệ thống tiêu trạm bơm Yên Lệnh…

- Đề nghị tỉnh tăng mức hỗ trợ đối với công tác kiên cố hóa kênh mương theo phương án kinh phí tỉnh hỗ trợ 50% giá trị xây lắp công trình, phần còn lại nhân dân địa phương đóng góp (vì theo mức hỗ trợ 200 tấn xi măng/1 km kênh hiện nay mới đảm bảo 20-30% giá trị xây dựng).

- Đề nghị tỉnh chỉ đạo các địa phương (huyện, xã) tổ chức tuyên truyền và thực hiện nghiêm Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi, Nghị định số 140/2005/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi để làm giảm và tiến tới chấm dứt tình trạng vi phạm.Chỉ đạo các tổ chức, cá nhân thực hiện các hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi thực hiện đúng các quy định và cấp phép cho các hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi theo quy định tại Quyết định số 55/2004/QĐ-BNNPTNT và Quyết định số 56/2004/QĐ-BNNPTN của Bộ Nông nghiệp và PTNT.

 

 

C. KẾT QUẢ THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 03 CỦA TỈNH ỦY VỀ XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI:

I. Kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết số 03 của Tỉnh ủy, Kế hoạch 547/KH-UBND và các kết luận của Ban Thường vụ, Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới: (từ năm 2011 đến nay)

 

 

1. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo:

Dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh được triển khai tích cực với sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị từ huyện tới xã. Các cấp đã ban hành kịp thời các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, phân công, phân cấp phụ trách các lĩnh vực và địa bàn. Tổ chức kiểm tra, chỉ đạo, đôn đốc và cùng cơ sở tháo gỡ khó khăn, cụ thể là:

- Cấp tỉnh: Thành lập và kiện toàn Ban Chỉ đạo cấp tỉnh do đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ làm Trưởng ban; thành viên là thủ trưởng các đơn vị của tỉnh. Thành lập Văn phòng Điều phối Chương trình, đồng chí Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được phân công là Chánh Văn phòng.

Ban hành trên 100 văn bản các loại như Nghị quyết, Quyết định, Thông báo, Kế hoạch, Báo cáo, Hướng dẫn... và đặc biệt ngày 21/4/2011 Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 03-NQ/TU về xây dựng NTM tỉnh Hà Nam đến năm 2020; ngày 13/5/2011 UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 547/KH-UBND về kế hoạch thực hiện Nghị quyết của tỉnh ủy Hà Nam về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2020; Quyết định số 15/2011/QĐ-UBND quy định về cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích đầu tư các xã xây dựng NTM giai đoạn 2011-2015. Các Sở, Ngành chức năng phối hợp đã ban hành hệ thống văn bản hướng dẫn.

- Cấp huyện: Đã thành lập và kiện toàn Ban Chỉ đạo cấp huyện do đồng chí Bí thư huyện ủy làm trưởng ban (riêng huyện Kim Bảng do đồng chí Chủ tịch UBND huyện làm Trưởng ban); Văn phòng điều phối (huyện Kim Bảng); các huyện còn lại thành lập các tổ công tác giúp ban chỉ đạo huyện theo dõi thực hiện chương trình xây dựng NTM và đã tích cực, chủ động quán triệt triển khai chương trình, xây dựng nghị quyết chuyên đề về xây dựng NTM; các huyện đã ban hành nhiều văn bản các loại về xây dựng NTM.

- Cấp xã: 103/103 xã đã thành lập Ban Chỉ đạo, Ban quản lý xã, Ban phát triển thôn và Ban giám sát cộng đồng theo hướng dẫn của Trung ương và của tỉnh.

Ban chỉ đạo tỉnh thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra, chỉ đạo, đôn đốc thực hiện xây dựng nông thôn mới như: Kiểm tra về tình hình tiếp nhận, quản lý, sử dụng xi măng làm đường giao thông; tình hình thực hiện dồn điền đổi thửa; việc triển khai các dự án phát triển sản xuất và các nội dung công việc khác. Chỉ đạo các sở, ngành theo chức năng nhiệm vụ, phối hợp với các cơ quan thông tin truyền thông tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới.

Năm 2012 là năm tất cả các xã trong tỉnh đồng loạt tiến hành xây dựng nông thôn mới, thực tiễn đã phát sinh những vấn đề mới; cơ chế chính sách của Trung ương cũng có những điều chỉnh; cơ chế, chính sách của tỉnh đã bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp. Hoạt động của một số Ban chỉ đạo ở cơ sở cũng bộc lộ những tồn tại hạn chế như lúng túng trong cách làm, lựa chọn các tiêu chí phải đạt chưa sát với thực tiễn; chỉ đạo tổ chức thực hiện ở một số nơi chưa thật sự tập trung, quyết liệt.

 

 

2. Kết quả thực hiện từ năm 2011 đến nay:

 

 

* Xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội:

- Về giao thông: Đến nay toàn tỉnh đã xây dựng được 1.232 km đường giao thông nông thôn. Trong đó: đường giao thông trục xã trên 60 km; đường giao thông thôn, xóm 1.118 km; đường trục chính nội đồng 53,6 km. Tỉnh đã hỗ trợ cho các xã trên 200.628 tấn xi măng phục vụ làm đường giao thông.

- Về thủy lợi: Các địa phương triển khai thực hiện kiên cố hóa kênh mương do xã quản lý được trên 17 km.

- Trường học: Các địa phương đã chú trọng đến đầu tư cơ sở vật chất giáo dục và tranh thủ cơ chế chính sách, hỗ trợ của tỉnh nên đã triển khai xây dựng hoàn thành 769 phòng học các cấp.

- Cơ sở vật chất văn hóa: Các xã xây mới 15 nhà văn hóa xã và nâng cấp, xây dựng mới 125 nhà văn hoá thôn, xóm.

 - Chợ nông thôn: Tiến hành nâng cấp, xây dựng mới 14 chợ trung tâm đạt chuẩn, nâng số xã có chợ đạt chuẩn là 20 xã vào cuối năm 2012.

Các địa phương trong tỉnh đang triển khai xây dựng và hoàn thành nhiều hạng mục công trình khác như: Xây dựng, nâng cấp 7 công trình nước sạch tập trung, 164 hố chôn rác thải và trên 15 km rãnh thoát nước thải sinh hoạt khu dân cư; cải tạo, xây mới 10 trụ sở UBND xã; 13 trạm y tế xã và nhiều hạng mục công trình phục vụ đời sống, dân sinh; xã Thi Sơn huyện Kim Bảng đã xây dựng xong 1 bể chứa rác thải tập trung và đang triển khai thêm 3 bể do công ty môi trường đảm nhiệm; có 8 xã huyện Lý Nhân đang triển khai xây dựng 8 bể chứa rác thải, 8 xã đang giải phóng mặt bằng để triển khai; các xã còn lại trên địa bàn tỉnh đang khảo sát vị trí để triển khai.

Đến hết tháng 4 năm 2013, 28 xã lựa chọn hoàn thành xây dựng NTM trong giai đoạn 2011- 2015 đã triển khai hoàn thành được trên 307 km đường giao thông thôn, xóm; 16 km đường trục chính nội đồng; 13,7 km kênh mương; 4 trạm y tế trung tâm xã; 4 trụ sở UBND xã; 5 nhà văn hóa xã; 54 nhà văn hóa thôn, xóm; 9 chợ nông thôn; 5 trạm nước sạch; 425 phòng học các cấp; 40 hố chôn rác thải và nhiều hạng mục công trình khác.

 

 

* Kinh tế và tổ chức sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân:

Tỉnh đã hỗ trợ cho các xã triển khai mua 14 máy gặt đập; 28 máy làm đất; 25 máy phun thuốc trừ sâu và hàng trăm công cụ sạ hàng. Đào tạo nghề cho khoảng 7.000 lao động nông thôn. Xây dựng các mô hình chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học, mô hình sản xuât nấm và nhiều mô hình khác mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo việc làm cho người dân nông thôn. Bên cạnh đó, công tác dồn điền đổi thửa cũng được triển khai tích cực, đến nay đã có 56 xã được phê duyệt đề án, 453 thôn xóm được phê duyệt phương án dồn đổi; 392 thôn xóm đã tổ chức chia ruộng ngoài thực địa với tổng diện tích 13.167 ha. Thu nhập bình quân đầu người của các địa phương đã có bước tăng khá rõ nét, tiêu biểu là huyện Kim Bảng bình quân thu nhập chung năm 2011 là 13,8 triệu đồng/người/năm đến năm 2012 tăng lên là 24,8 triệu đồng/người/năm; thu nhập của huyện Duy Tiên năm 2011 khoảng 17,8 triệu đồng/người/năm, đến năm 2012 tăng lên là 23,9 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo của cả tỉnh năm 2011 khoảng 10,68%, năm 2012 giảm còn 8,83%.

 

* Về giáo dục, y tế, văn hoá và môi trường:

Về giáo dục, công tác giáo dục đào tạo ở khu vực nông thôn đã được quan tâm chỉ đạo, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội nông thôn. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS được tiếp tục học trung học (phổ thông, bổ túc, học nghề) là trên 80%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 37%.

- Về y tế, đến nay toàn tỉnh có 103/103 xã có trạm y tế xã (chiếm 100%), tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 58% (riêng khu vực nông thôn trên 30%). Cơ sở vật chất, chất lượng dịch vụ y tế cho người dân nông thôn được nâng lên, góp phần đảm bảo sức khỏe cộng đồng.

- Về văn hóa, công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia xây dựng nếp sống văn minh được phổ biến sâu rộng dưới nhiều hình thức. Các di tích lịch sử, văn hoá từng bước được đầu tư trùng tu, tôn tạo từ nhiều nguồn vốn. Các hoạt động văn hoá thể thao quần chúng, các lễ hội truyền thống được bảo tồn, phát triển và xây dựng các thiết chế văn hóa ở nông thôn.

- Về môi trường, công tác quản lý, thu gom và xử lý chất thải, nước thải ở khu vực nông thôn đã được quan tâm, hiện tại cơ bản các xã đã thành lập tổ thu gom rác thải. Tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch trong khu vực nông thôn chiếm trên 80% số hộ. Đến nay có 2 doanh nghiệp ký hợp đồng triển khai thu gom rác thải của một số xã tại huyện Duy Tiên và Thanh Liêm. Toàn tỉnh đã có 5 xã đạt chuẩn tiêu chí về môi trường.

 

 

* Về hệ thống chính trị:

Thực hiện xây dựng nông thôn mới, các xã đều rà soát đội ngũ cán bộ theo chuẩn và thực hiện công tác bồi dưỡng, đào tạo nâng cao trình độ, cử hàng trăm cán bộ đi học lớp Trung cấp hành chính, Trung cấp chính trị và chuyên môn nghiệp vụ, Đại học tại chức, tập huấn xây dựng nông thôn mới cho 100 % cấp ủy chi bộ và cán bộ khối chính quyền, đoàn thể. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở các xã đều được đảm bảo.

 

 

* Kết quả huy động vốn triển khai xây dựng nông thôn mới:

Tổng nguồn vốn đã đầu tư cho xây dựng NTM đến nay là 2.039,685 tỷ đồng đồng. Trong đó ngân sách Trung ương (CTMTQG xây dựng nông thôn mới) là 33,473 tỷ đồng, chiếm 1,6%; ngân sách tỉnh là 1.203,242 tỷ đồng (59%); ngân sách huyện, thành phố là 44,610 tỷ đồng (2,2%); ngân sách xã 381,84 tỷ đồng (18,7%); nhân dân đóng góp 341,57 tỷ đồng (16,7%) và nguồn vốn khác 54,95 tỷ đồng, chiếm 1,7%. Riêng 28 xã giai đoạn 2011-2015 đã đầu tư cho xây dựng NTM với tổng kinh phí là 1.016,13 tỷ đồng.

 

 

* Kết quả thực hiện các tiêu chí của 28 xã giai đoạn 2011-2015:

Kết quả rà soát thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM theo Quyết định 491 và Quyết định 342/QĐ-TTg: đến nay đã tổ chức rà soát xong 28 xã giai đoạn 2011-2015, kết quả như sau: xã Thanh Hà huyện Thanh Liêm đạt 15 tiêu chí; 2 xã đạt 14 tiêu chí gồm: xã Thi Sơn huyện Kim Bảng và xã Phù Vân thành phố Phủ Lý; 3 xã đạt 13 tiêu chí gồm: Xã Nhân Bình huyện Lý Nhân, Thanh Thủy huyện Thanh Liêm và Vũ bản huyện Bình Lục; 8 xã đạt 12 tiêu chí gồm: xã Lam Hạ thành phố Phủ Lý, Văn Xá huyện Kim Bảng, xã Duy Minh, Châu Giang, Đọi Sơn huyện Duy Tiên, xã Tràng An, An Đổ và Tiêu Động huyện Bình Lục; 5 xã đạt 11 tiêu chí gồm: Nhân Nghĩa huyện Lý Nhân, xã Đồng Hóa, Lê Hồ huyện Kim Bảng, xã Đồng Du huyện Bình Lục và xã Hoàng Đông huyện Duy Tiên; 3 xã đạt 10 tiêu chí gồm: xã Nhân Khang huyện Lý Nhân, Liêm Tiết huyện Thanh Liêm và xã Bối Cầu huyện Bình Lục; 3 xã đạt 9 tiêu chí gồm: xã Thanh Nguyên huyện Thanh Liêm, Nhật Tựu huyện Kim Bảng và xã Yên Bắc huyện Duy Tiên; xã Thanh Lưu huyện Thanh Liêm đạt 8 tiêu chí và 2 xã đạt 6 tiêu chí gồm xã Công Lý, Đạo Lý huyện Lý Nhân.

II. Đánh giá chung:

Sau 2 năm rưỡi thực hiện Nghị quyết số 03 của Tỉnh ủy, Kế hoạch số 547/KH-UBND của UBND tỉnh về xây dựng nông thôn mới đã thu hút được sự tham gia của của cả hệ thống chính trị trong toàn tỉnh. Qua công tác tuyên truyền, người dân đã xác định vai trò chủ thể và phát huy nội lực, tích cực hưởng ứng tự nguyện đóng góp công sức tiền của cho công tác xây dựng nông thôn mới. Diện mạo nông thôn được thay đổi rõ rệt, hạ tầng kinh tế xã hội đã có bước phát triển đặc biệt là hệ thống giao thông nông thôn, các công trình phục vụ phúc lợi công cộng và cơ sở hạ tầng khác. Các xã đã thực hiện có hiệu quả các giải pháp, biện pháp nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập cho nông dân, đời sống vật chất và tinh thần của người dân dần được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm. Môi trường nông thôn dần được đảm bảo, an ninh trật tự được giũ vững.

 

 

Tuy vậy, vẫn còn các tồn tại, hạn chế cần khắc phục:

Việc nghiên cứu các văn bản, hướng dẫn của các cấp, các ngành ở một bộ phận cán bộ, nhất là cán bộ cơ sở còn hạn chế, dẫn đến nhận thức chưa đầy đủ, lúng túng trong cách làm. Chỉ đạo chọn nội dung, tiêu chí cụ thể, xác định việc làm trước, việc làm sau chưa rõ. Một bộ phận cán bộ và nhân dân nhận thức về xây dựng NTM còn chưa đúng, chưa đầy đủ; còn có quan niệm xây dựng NTM là dự án đầu tư của Nhà nước cho nên còn xuất hiện tư tưởng trông chờ, chưa chủ động tích cực tổ chức thực hiện. Một số địa phương chưa quan tâm đến tiêu chí phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân mà chỉ chú trọng xây dựng cơ sở hạ tầng.

Tiến độ thực hiện các nội dung xây dựng nông thôn mới nhìn chung còn chậm, kết quả thực hiện tại 5 xã điểm giai đoạn 2009-2011 thấp so với chỉ tiêu đề án đã đặt ra, bình quân mỗi xã chỉ đạt từ 2-3 tiêu chí trên năm. Các xã hoàn thành trong giai đoạn 2011-2015 chỉ tăng bình quân 1,64 tiêu chí (so với chỉ tiêu là 2-3 tiêu chí); các xã khác mới đạt bình quân 1,5 tiêu chí/năm. Công tác thực hiện dồn điền, đổi thửa chậm và không đồng đều giữa các huyện. Theo kế hoạch của UBND tỉnh, đến tháng 6 năm 2013 cơ bản hoàn thành việc dồn đổi ruộng đất tại 26 xã xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015 nhưng đến nay chỉ đạt 22/26 xã đã phê duyệt đề án và 21 xã tổ chức chia ruộng ngoài thực địa.

Việc lựa chọn, đăng ký và tập trung chỉ đạo hoàn thành tiêu chí đăng ký trong năm của các xã chưa thực sự quyết liệt, một số xã còn mang tính hình thức. Việc tổng hợp tình hình, thống kê, đánh giá kết quả, mức độ hoàn thành các tiêu chí chưa đầy đủ, chưa sát với thực tế.

Kinh phí đầu tư cho công tác xây dựng nông thôn mới còn hạn hẹp so với nhu cầu. Doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn chưa nhiều. Một số địa phương chưa có mô hình sản xuất hiệu quả kinh tế cao để nhân rộng hoặc nếu có thì khả năng nhân rộng ra sản xuất đại trà còn chậm.

 

 

* Nguyên nhân:

 

 

Xây dựng nông thôn mới là công việc mới, khó khăn, phức tạp, phạm vi rộng lớn trên tất cả các lĩnh vực kinh tế xã hội của địa phương vì vậy cần nhu cầu nguồn lực lớn cả về mặt đầu tư kinh phí và nhận thức của nhân dân. Tuy nhiên, trong thực tế nguồn vốn đầu tư của nhà nước có hạn, nông dân ta còn nghèo nên việc đóng góp cùng nhà nước xây dựng nông thôn mới của người dân gặp nhiều khó khăn.  

 

Việc ban hành các cơ chế chính sách nhiều bất cập và đang trong quá trình bổ sung, hoàn thiện. Công tác tham mưu của một số ngành, địa phương với UBND tỉnh về cân đối nguồn lực đầu tư cho xây dựng nông thôn mới còn thụ động và nhiều lúng túng.

Cán bộ chỉ đạo đặc biệt là cán bộ cơ sở tại một số địa phương còn thiếu và yếu về năng lực, việc tổ chức thực hiện tại thôn xóm đôi khi chưa đầy đủ. Công tác tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới ở một số nơi làm chưa thật sự tốt dẫn đến một bộ phận người dân nhận thức về nông thôn mới chưa đầy đủ.

 

 

III. MỤC TIÊU, BIỆN PHÁP THỰC HIỆN:

 

 

1. Mục tiêu:

Đến hết năm 2013 có 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới, gồm các xã Nhân Bình huyện Lý Nhân; Thanh Thủy, Thanh Hà huyện Thanh Liêm; Vũ Bản huyện Bình Lục; Đọi Sơn huyện Duy Tiên và xã Thi Sơn huyện Kim Bảng. Đến hết năm 2015 có tối thiểu 22 xã và năm 2020 có 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.

 

 

2. Các biện pháp thực hiện:

2.1. Trước mắt, tập trung đôn đốc đẩy nhanh tiến độ xây dựng đường giao thông nông thôn, phấn đấu hoàn thành tiêu chí về giao thông nông thôn trước ngày 30/6/2013. Đôn đốc các xã triển khai quy hoạch trên thực địa thực hiện cắm mốc quy hoạch, xây dựng quy định quản lý quy hoạch. Tập trung chỉ đạo, đôn đốc các xã thực hiện tốt việc dồn đổi ruộng đất gắn với quy hoạch lại đồng ruộng, làm đường ra đồng, kiên cố hóa kênh mương. Phấn đấu 28 xã giai đoạn 2011-2015 hoàn thành việc chia ruộng ngoài thực địa trong năm 2013, những xã còn lại hoàn thành vào năm 2014. Tiếp tục thực hiện và nhân rộng các biện pháp phát triển sản xuất, đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp có hiệu quả kinh tế cao để nhân rộng ra sản xuất đại trà, tăng thu nhập cho người dân nông thôn.

2.2. Đẩy mạnh công tác lồng ghép các kinh phí đầu tư các chương trình, đề án, dự án của tỉnh, của trung ương, các Chương trình mục tiêu Quốc gia vào các địa phương, đẩy mạnh huy động các nguồn lực từ nhân dân để đảm bảo nguồn vốn xây dựng nông thôn mới, hoàn thành các tiêu chí đúng tiến độ và theo đề án đã được phê duyệt, ưu tiên phân bổ vốn cho 28 xã hoàn thành giai đoạn 2011-2015.

2.3. Các địa phương tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân hiểu rõ các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng nông thôn mới để nhân dân đồng tình, tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới.

2.4. Đối với công tác chỉ đạo tổ chức thực hiện:

Thường trực cấp ủy, Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới các huyện, thành phố tiến hành rà soát, xác định lại mức độ hoàn thành các tiêu chí của từng xã trọng tâm là 28 xã hoàn thành giai đoạn 2011-2015 để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo sát với thực tế. Xây dựng kế hoạch chi tiết, giao tiêu chí cụ thể phải hoàn thành trong năm 2013 và từng năm tiếp theo đến năm 2015. Đối với các tiêu chí cần ít kinh phí và các tiêu chí sắp hoàn thành cần tập trung thực hiện hoàn thành trong năm 2013 để tạo bước chuyển mạnh mẽ, làm tiền đề, động lực cho những năm tiếp theo. Tập trung chỉ đạo chỉ đạo hoàn thành 6 xã nông thôn mới năm 2013 như mục tiêu đề ra.

 

 

Các Sở, Ngành chuyên môn tiếp tục nghiên cứu và tham mưu với tỉnh đề nghị trung ương, rà soát, bổ sung, sửa đổi về cơ chế chính sách hỗ trợ, khuyến khích đầu tư các xã xây dựng nông thôn mới cho phù hợp nhằm khích lệ nhân dân tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới.

 

 

 

IV. KIẾN NGHỊ, ĐỀ XUẤT:

Để thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới theo đúng tiến độ và mục tiêu đề ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có một số đề xuất kiến nghị như sau:

 

1. Đề nghị Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh tăng cường hơn nữa trong việc kiểm tra, giám sát và đôn đốc các địa phương qua đó cùng với cơ sở tháo gỡ các khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện, đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới.

            2. Đề nghị UBND tỉnh bố trí nguồn kinh phí hỗ trợ kịp thời theo Quyết định 15, Quyết định 04 và Quyết định 06 của UBND tỉnh để các xã thực hiện xây dựng nông thôn mới đặc biệt đối với các xã hoàn thành trong giai đoạn 2011- 2015./.

Quốc Trung