Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Kế hoạch Chương trình MTQG Nước sạch & VSMT nông thôn tỉnh Hà Nam năm 2014

Chiến lược, định hướng, quy hoạch, kế hoạch phát triển  
Kế hoạch Chương trình MTQG Nước sạch & VSMT nông thôn tỉnh Hà Nam năm 2014
Thực hiện Công văn số 2191/BNN-TCTL ngày 03 tháng 7 năm 2013 của Bộ Nông nghiệp & PTNT - Tổng cục Thủy Lợi về việc xây dựng kế hoạch Chương trình MTQG Nước sạch và VSMT nông thôn năm 2014. Ban điều hành Chương trình MTQG Nước sạch và VSMT Hà Nam xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình năm 2014 của tỉnh với các nội dung sau:

 

Phần I

ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ THỰC HIỆN NĂM 2013

I.      TÌNH HÌNH CHUNG

 

     Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, nhiều chương trình, dự án về cấp nước sạch và vệ sinh môi trường đã được triển khai trên địa bàn tỉnh Hà Nam, đặc biệt là Chương trình Mục tiêu Quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường đã đạt được một số kết quả nhất định không chỉ góp phần trong việc cải thiện các điều kiện về nước sạch và vệ sinh môi trường nâng cao nhận thức của người dân khu vực nông thôn, mà còn góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, đặc biệt là đối với vùng nông thôn nghèo. Vì vậy mục tiêu của Chương trình là một trong những tiêu chí quan trọng của Chương trình MTQG Xây dựng Nông thôn mới đến năm 2020 của tỉnh Hà Nam.

     Năm 2012 Hà Nam là một trong 8 tỉnh tham gia “Chương trình Nước sạch VSNT dựa trên kết quả tại 8 tỉnh đồng bằng sông Hồng” do Ngân hàng Thế giới tài trợ. Chương trình này lồng ghép với Chương trình MTQG Nước sạch và VSMT nông thôn đã tăng đáng kể về nguồn lực tài chính cho các tỉnh để đầu tư các dự án nước sạch và vệ sinh môi trường vùng nông thôn. Hiện nay Hà Nam đang thực hiện các mục tiêu của kế hoạch 2013 và xây dựng kế hoạch 2014. Tuy nhiên trong quá trình tổ chức lập kế hoạch và thực hiện Chương trình tỉnh Hà Nam có những thuận lợi và khó khăn như sau:

1. Thuận lợi:

 

- Tỉnh đã thành lập Ban điều hành Chương trình MTQG Nước sạch và VSMT nông thôn giai đoạn 2012-2015. Có sự phân công quản lý, phối kết hợp giữa các Sở, ngành liên quan.

- Ngày 10 tháng 12 năm 2012 UBND tỉnh ra Quyết định số 29/2012/QĐ-UBND ban hành Quy định về một số chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư và quản lý, khai thác công trình cấp nước sạch tập trung nông thôn tỉnh Hà Nam giai đoạn 2012-2015.

           - Chỉ tiêu nâng cao tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn được Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân tỉnh và các cấp, ngành xác định là một trong những chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

          - Nhân dân Hà Nam ngày càng nhận thức rõ được tầm quan trọng của việc sử dụng nước sạch và vệ sinh môi trường. Nhiều doanh nghiệp đã tham gia góp vốn đầu tư xây dựng và quản lý vận hành công trình cấp nước tập trung nông thôn.

          2. Khó khăn:

 

- Chương trình PforR là Chương trình đầu tiên áp dụng phương thức cho vay mới, giải ngân dựa trên kết quả đầu ra được thực hiện tại 8 tỉnh đồng bằng sông Hồng, trong đó có tỉnh Hà Nam. Các tiêu chí để đạt được kết quả đầu ra do nhà tài trợ đưa ra là rất khắt khe, nhất là Hợp phần Cải thiện điều kiện vệ sinh.

          - Kinh tế của tỉnh còn nghèo, nguồn vốn ngân sách tỉnh chi cho thực hiện chương trình không nhiều, khả năng huy động vốn đóng góp của nhân dân thấp, nên việc đầu tư của người dân cho các công trình cấp nước và xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh còn rất hạn chế. Năm 2013 là năm bắt đầu triển khai thi công các công trình cấp nước thuộc Hợp phần Cấp nước, nguồn kinh phí để đền bù GPMB để thi công gặp không ít khó khăn. Đối với Hợp phần cải thiện điều kiện vệ sinh, mặc dù đã thực hiện công tác truyền thông đến tận các xã, thôn và các trường học tham gia Chương trình nhưng ý thức người dân sử dụng, giữ gìn các công trình vệ sinh cũng như các cháu học sinh vẫn chưa thực sự tốt. Điều này sẽ ảnh hưởng đến quá trình kiểm đếm xác định vệ sinh toàn xã sau này.

3. Mục tiêu của kế hoạch Chương trình MTQG Nước sạch và VSMT năm 2013:

 

- Có 80% dân số nông thôn được sử dụng nước HVS.

          - Có 60,67% hộ gia đình có nhà tiêu HVS theo Quy chuẩn 08.

          - Có 55%  hộ gia đình có chuồng trại chăn nuôi HVS.

          - Có 88,1% Trường học có nhà tiêu và nước sạch HVS.

          - Có 95,45% Trạm Y tế có nhà tiêu và nước sạch HVS.

II. KẾT QUẢ THỰC HIỆN

1. Kết quả thực hiện mục tiêu:

1.1. Về cấp nước:

 

+ Tổng số dân nông thôn được cấp nước (HVS) là: 616.275 người.

+ Tỷ lệ dân nông thôn được cấp nước HVS đạt: 81,82%.

1.2. Về nhà tiêu và chuồng trại chăn nuôi hộ gia đình:

 

+ Tổng số hộ dân nông thôn có nhà tiêu HVS: 140.645 hộ.

+ Tỷ lệ hộ gia đình có nhà tiêu HVS: 60,95%.

 

+ Số hộ gia đình có chuồng trại chăn nuôi HVS: 26.377 hộ.

+ Tỷ lệ hộ gia đình có chuồng trại chăn nuôi HVS: 55,53%.

(Có Biểu 1 kèm theo)

1.3. Về các hoạt động sự nghiệp:

 

 - Tổ chức thành công lễ phát động tuần lễ Quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tại xã Tràng An, huyện Bình Lục.

- Đưa vào sử dụng 480 hầm Biogas xử lý chất thải chăn nuôi.

- Thực hiện công tác lấy mẫu nước và xét nghiệm tại 35 công trình cấp nước tập trung trên địa bàn tỉnh.

- Công tác truyền thông Nước sạch và VSMT tại các xã tham gia dự án vốn vay Ngân hàng thế giới và các xã trên địa bàn tỉnh.

- Tập huấn bổ sung điều tra bộ chỉ số, hỗ trợ quản lý vận hành…

          - Tập huấn về tiếp thị vay vốn ngân hàng chính sách xã hội.

          - Tập huấn kiểm tra, giám sát chất lượng nước, nhà tiêu hộ gia đình, thống kê báo cáo cho các cộng tác viên y tế.

          - Tập huấn truyền thông về xây dựng và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh.

          - Tập huấn về kỹ thuật xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh.

          - Hỗ trợ kỹ thuật xây dựng nhà tiêu mẫu.

          - Giám sát các hoạt động truyền thông.

          - Giám sát các hoạt động xây dựng mẫu và nghiệm thu công trình.

          2. Kết quả thực hiện về nguồn vốn: (có Biểu số 2, 3, 4 chi tiết kèm theo)

3. Đánh giá tình hình thực hiện:

 

- Công tác Thông tin - giáo dục - truyền thông tiến hành thường xuyên, rộng rãi, có hiệu quả. Ngoài thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp cùng với Sở Y tế, Sở Tài Nguyên và Môi trường, Hội Phụ nữ, Hôi Nông dân… lồng ghép tuyên truyền về Nước sạch và VSMT với các buổi tuyên truyền, hướng dẫn, tập huấn theo chức năng nhiệm vụ của mình. Với phương pháp này đã mang lại hiệu quả đáng kể cho việc thúc đẩy người dân nâng cao ý thức và có trách nhiệm với công tác bảo vệ môi trường.

- Về công tác tổ chức thực hiện Chương trình có sự phối hợp chặt chẽ giữa các Sở, Ban ngành liên quan, đặc biệt là sự phối hợp giữa Sở Nông nghiệp và Sở Y tế trong việc xây dựng và thực hiện kế hoạch năm 2013 Chương trình MTQG Nước sạch và VSMTNT dựa trên kết quả tỉnh Hà Nam.

 

- Việc kiểm soát chất lượng nước đã được quan tâm sâu sắc cụ thể là 3 tháng 1 lần các các đơn vị quản lý, khai thác vận hành các công trình cấp nước trên địa bàn tỉnh phải xét nghiệm mẫu nước và gửi kết quả về Trung tâm Nước sạch và VSMT để tổng hợp báo cáo Ban điều hành Chương trình.

3.1. Về kết quả đạt được mục tiêu cấp nước, vệ sinh và môi trường:

 

- Về cấp nước: Tỷ lệ số dân nông thôn trên địa bàn tỉnh được cấp nước hợp vệ sinh đạt 81,82%, so với kế hoạch là 80%). Năm 2013 đã có 4 công trình đấu nối nước: Công trình cấp nước xã Thanh Nguyên, huyện Thanh Liêm; công trình cấp nước xã Nguyên Lý, huyện Lý Nhân; công trình cấp nước sạch xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên; công trình cấp nước xã Nhân Bình, huyện Lý Nhân.

- Về vệ sinh và môi trường: Tỷ lệ số hộ dân nông thôn trên địa bàn tỉnh có nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 60,95% cao hơn so với kế hoạch là 57,58%. Về tỷ lệ số hộ dân nông thôn trên địa bàn tỉnh có chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh đạt 56,53% cao hơn so với kế hoạch là 55%. Về tỷ lệ trạm y tế xã ở nông thôn có đủ nước sạch, nhà tiêu hợp vệ sinh và được quản lý sử dụng tốt đạt 90,48% thấp hơn với kế hoạch là 95,45%. Về tỷ lệ trường học có nước và nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 78,64% thấp hơn so với kế hoạch là 88,1%;

3.2. Kết quả thực hiện Chương trình PforR tỉnh Hà Nam năm 2013:

a) Đối với Hợp phần cấp nước:

- Triển khai khởi công 4/6 Tiểu dự án Nhóm I năm 2013, cụ thể:

 

+ Tiểu dự án cấp nước sạch xã Khả Phong huyện Kim Bảng.

+ Tiểu dự án cấp nước sạch liên xã Liêm Tuyền, Liêm Tiết huyện Thanh Liêm.

+ Tiểu dự án cấp nước sạch liên xã Chuyên Ngoại, Trác Văn và thị trấn Hòa Mạc huyện Duy Tiên.

+ Tiểu dự án cấp  nước liên xã Châu Sơn, Tiên Hải, Tiên Phong huyện Duy Tiên.

- Tiểu dự án cấp nước sạch xã Nhân Thịnh, huyện Lý Nhân đã khởi công tháng 2 năm 2014; Tiểu DA cấp nước sạch xã An Lão, huyện Bình Lục khởi công tháng 1/2014.

- Các Tiểu dự án còn lại Nhóm II:  Đang tổ chức đấu thầu thi công xây lắp, gồm:

 

+ Tiểu dự án cấp nước sạch liên xã Chân Lý, Đạo Lý, Bắc Lý, Nhân Đạo, Nhân Hưng của huyện Lý Nhân.

+ Tiểu dự án cấp nước sạch liên xã Tràng An, An Mỹ, Đồng Du, Bình Nghĩa và Đồn Xá của huyện Bình Lục.

+ Tiểu dự án cấp nước sạch liên xã Hợp Lý, Chính Lý, Văn Lý, Công Lý của huyện Lý Nhân.

+ Tiểu dự án cấp nước sạch liên xã Đinh Xá, Trịnh Xá của huyện Bình Lục; xã Liêm Phong, Liêm Cần, Liêm Thuận của huyện Thanh Liêm.

b) Hợp phần Vệ sinh:

 

- Vệ sinh trường học: Hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng 9 công trình, cụ thể:

+ Trường Tiểu học xã Nhân Mỹ: Xây mới khu vệ sinh cho giáo viên

+ Trường Tiểu học xã Trung Lương: Xây mới khu vệ sinh cho giáo viên và HS.

+ Trường THCS xã Trung Lương: Xây mới khu vệ sinh cho giáo viên và học sinh.

+ Trường Tiểu học xã Mỹ Thọ: Xây mới khu vệ sinh cho học sinh.

+ Trường THCS xã Mỹ Thọ: Xây mới khu vệ sinh cho học sinh.

+ Trường Tiểu học xã Mộc Bắc: Xây mới khu vệ sinh cho học sinh.

+ Trường Tiểu học xã Văn Xá: Xây mới khu vệ sinh cho học sinh.

+ Trường Tiểu học xã Nguyễn Uý: Xây mới khu vệ sinh cho giáo viên.

+ Trường THCS xã Nguyễn Uý: Xây mới khu vệ sinh cho giáo viên.

- Vệ sinh Trạm y tế: Hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng công trình vệ sinh Trạm y tế xã Nhân Mỹ, huyện Lý Nhân thuộc xã vệ sinh toàn xã. Xây dựng hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng công trình nhà tiêu hợp vệ sinh Trạm y tế xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân; xã Ngọc Lũ huyện Bình Lục; xã Ngọc Sơn huyện Kim Bảng; xã Liêm Tuyền huyện Thanh Liêm; xã Yên Nam huyện Duy Tiên.

- Vệ sinh toàn xã: Số người hưởng lợi từ Vệ sinh toàn xã năm 2013 là 38.399 người (mục tiêu là 31.839 người). Số nhà tiêu hộ gia đình xây mới đạt 2.595 hộ (mục tiêu là 1.920 hộ).

4. Những bài học kinh nghiệm và các đề xuất kiến nghị:

 

Thông qua những kết quả đạt được khi thực hiện Chương trình, tỉnh Hà Nam rút ra một số kinh nghiệm như sau:

          - Về cơ chế chính sách: Xây dựng cơ chế chính sách cần phải kịp thời, phù hợp với thực tế của từng địa phương và từng giai đoạn phát triển (Ngày 10 tháng 12 năm 2012 UBND tỉnh ra Quyết định số 29/2012/QĐ-UBND ban hành Quy định về một số chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư và quản lý, khai thác công trình cấp nước sạch tập trung nông thôn tỉnh Hà Nam giai đoạn 2012-2015).

          - Chuẩn bị và thực hiện dự án: Cần phải khảo sát kỹ tình hình kinh tế xã hội của từng địa phương, về nhu cầu sử dụng nước của người dân, nguồn nước đầu vào trên cơ sở quy hoạch đã được phê duyệt.

          - Nghiệm thu, giải ngân, thanh quyết toán: Tổ chức kiểm tra tiến độ, khối lượng thực hiện các hạng mục công trình để có cơ sở cấp phát vốn kịp thời cho các chủ đầu tư.

          - Quản lý, khai thác vận hành công trình sau đầu tư: Quy trình quản lý, vận hành, khai thác phải được quản lý chặt chẽ, đặc biệt là phải chú trọng kiểm soát chất lượng nước, phải tổ chức kiểm tra xét nghiệm nước định kỳ.

          - Về công tác truyền thông nâng cao nhận thức về Nước sạch và VSMT cho người dân nông thôn cần phải tiến hành thường xuyên. Phối hợp với các Sở, Ban nghành liên quan lồng ghép tuyên truyền về Nước sạch và VSMT với các buổi tuyên truyền, hướng dẫn, tập huấn theo chức năng nhiệm vụ.

          - Huy động nguồn lực, hợp tác quốc tế, tạo cơ chế mở để huy động mọi nguồn lực kinh tế để xã hội hóa Nước sạch và VSMT.

Phần II

KẾ HOẠCH THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH NĂM 2014

 

I. KẾ HOẠCH CHƯƠNG TRÌNH

          1. Mục tiêu cụ thể năm 2014:

          - Có 84% dân số nông thôn được sử dụng nước HVS.

          - Có 62,6% hộ gia đình có nhà tiêu HVS.

          - Có 58%  hộ gia đình có chuồng trại chăn nuôi HVS.

          - Có 96,3% Trường học có nhà tiêu và nước sạch HVS.

          - Có 96,7% Trạm Y tế có nhà tiêu và nước sạch HVS.

          - Các mục tiêu khác được nêu trong  Biểu1.

          II. TỔNG HỢP NHU CẦU VỐN KẾ HOẠCH NĂM 2014

Tổng nhu cầu vốn chương trình:          224.372 triệu đồng.

(Hai trăm hai mươi bốn tỷ ba trăm bảy mươi hai triệu đồng)

 

Trong đó:

          - Nguồn ngân sách Nhà nước:

                   + Vốn ĐTPT           :           199.947 triệu đồng.

                   + Sự nghiệp           :               8.340 triệu đồng.

          - Dân đóng góp               :             16.085 triệu đồng.

(Chi tiết xem tại Biểu 02, 03,04,05)

III. CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH

1. Công tác chỉ đạo điều hành và tổ chức thực hiện Chương trình:

 

a) Ban điều hành Chương trình Mục tiêu Quốc gia Nước sạch và VSMT nông thôn tổ chức chỉ đạo, quản lý và điều hành việc thực hiện Chương trình đúng mục tiêu, đảm bảo các kết quả đầu ra.

b) Sở Nông nghiệp và PTNT là cơ quan thường trực thay mặt Ban Điều hành chỉ đạo và kiểm tra việc thực hiện Chương trình, đánh giá và phê duyệt kết quả thực hiện.

Chỉ đạo Trung tâm NS&VSMT triển khai thực hiện đầu tư xây dựng các công trình cấp nước tập trung, các hoạt động đào tạo, nâng cao năng lực, giám sát đánh giá, thông tin, giáo dục, truyền thông đáp ứng yêu cầu mục tiêu, nhiệm vụ, đảm bảo đạt được các chỉ số của Chương trình.

c) Sở Y tế chỉ đạo Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh triển khai thực hiện các hoạt động về hợp phần vệ sinh nông thôn, tuyên truyền, vận động, hỗ trợ nhân dân xây mới các công trình vệ sinh, giám sát đánh giá chất lượng xây dựng công trình vệ sinh; phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội phát triển nguồn vốn tín dụng để thực hiện Chương trình đảm bảo kết quả đầu ra.

d) Tăng cường năng lực vai trò, trách nhiệm của chính quyền cấp huyện, cấp xã cùng tham gia thực hiện Chương trình. Đặc biệt là công tác tuyên truyền, vận động cộng đồng tham gia đóng góp xây dựng công trình nước sạch và công trình vệ sinh. Tham gia xây dựng kế hoạch, tổ chức quản lý khai thác có hiệu quả các công trình cấp nước tại địa phương.

2. Xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, quy hoạch:

 

          Sửa đổi các văn bản, ban hành cơ chế, chính sách cho phù hợp với giai đoạn mới. Xây dựng kế hoạch hành động nâng cao năng lực hoạt động chương trình.

 Xây dựng văn bản, ban hành các nội dung cấp nước và VSMT hướng tới người nghèo, các chính sách về giới cho ngành cấp nước và vệ sinh.

3. Áp dụng khoa học công nghệ:

 

Áp dụng khoa học công nghệ phù hợp với từng vùng, ưu tiên công nghệ tiên tiến, Áp dụng các công nghệ giá rẻ phù hợp. Đa dạng hoá các loại hình cấp nước phù hợp với thực tế địa phương.

4. Về công tác quản lý chất lượng nước:

 

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chất lượng nước theo Bộ chỉ số theo dõi và đánh giá nước sạch và VSMTNT theo quyết định số 2570/QĐ-BNN-TCTL, ngày 22/10/2012 của Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành Bộ chỉ số theo dõi và đánh giá nước sạch và VSMT nông thôn.

Để xác định đạt “vệ sinh toàn xã”, nước cấp cho ăn uống tại các trường học, trạm y tế của xã cần được xét nghiệm chất lượng 2 lần 1 năm và kết quả xét nghiệm không vượt quá các giới hạn tối đa loại II theo quy chuẩn QCVN 02:2009/BYT về chất lượng nước sinh hoạt.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chất lượng nước nhất là các công trình cấp nước tập trung. Phối hợp với sở Y tế thường xuyên định kỳ kiểm tra đánh giá chất lượng nước.

5. Quản lý khai thác vận hành sau đầu tư:

 

Quản lý, giám sát chặt chẽ chất lượng các công trình xây dựng, thiết lập các hồ sơ, văn bản pháp lý về quản lý chất lượng trước khi đưa vào sử dụng. Đơn vị quản lý khai thác công trình phải được đào tạo kiến thức về quản lý vận hành công trình.

6. Huy động nguồn lực, hợp tác quốc tế:

 

 Huy động tổng hợp các nguồn vốn; Ngân sách Nhà nước, các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp và đóng góp của nhân dân, vốn tín dụng ưu đãi ....thực hiện Chương trình.

Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia vào lĩnh vực cấp nước và vệ sinh nông thôn.

7. Kiểm tra giám sát, theo dõi đánh giá và báo cáo tình hình thực hiện:

 

Công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá được thực hiện trên tất cả các mặt: Quá trình đầu tư, hiệu quả đầu tư, chất lượng xây dựng công trình, hoạt động của các công trình, đánh giá việc thực hiện các mục tiêu đề ra.Chế độ thông tin báo cáo được tiến hành đều đặn theo quy định.

8. Hoạt động thông tin - giáo dục - truyền thông; đào tạo phát triển nguồn nhân lực:

 

 Công tác thông tin - giáo dục - truyền thông được tiến hành bởi nhiều cấp ngành trong tỉnh, bằng nhiều hình thức khác nhau: tuyên truyền gián tiếp trên các phương tiện thông tin đại chúng; chú trọng truyền thông trực tiếp tới người dân. Đặc biệt trong các dịp hưởng ứng Tuần lễ quốc gia Nước sạch và VSMT,  ngày môi trường thế giới, phát động phong trào hưởng ứng phong trào vệ sinh yêu nước sâu rộng tới người dân.

 Chú trọng bồi dưỡng đào tạo nguồn nhân lực thực hiện nhiệm vụ cấp nước và VSMT ở cấp tỉnh và đào tạo cán bộ quản lý vận hành cấp cơ sở.

 

Nơi nhận:

- Như trên;

- VPTT CTMTQG NS&VSMTNT;

- Trung tâm QG NS&VSMTNT;

- BĐH CTMTQG NS&VSMTNT;

- Các Sở: NN&PTNT, Y tế (để phối hợp thực hiện);

- TTNS&VSMTNT, TTYTDP (t/h);

- L­ưu: VT, KH.

KT. TRƯỞNG BAN ĐIỀU HÀNH

PHÓ TRƯỞNG BAN THƯỜNG TRỰC

 

(Đã ký)

 

P. GIÁM ĐỐC SỞ NÔNG NGHIỆP & PTNT

Nguyễn Mạnh Hùng

 

 

Các Phụ lục:

- Kế hoạch thực hiện hợp phần cấp nước.

-  Các Phụ lục của Kế hoạch kèm theo. 

 

 

Nguyễn Văn Minh