Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Kế hoạch Dồn đổi ruộng đất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Hà Nam giai đoạn 2011-2015.

Kế hoạch Dồn đổi ruộng đất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Hà Nam giai đoạn 2011-2015.
Ngày 03 tháng 5 năm 2012, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam ban hành Kế hoạch số 572/KH-UBND về việc Dồn đổi ruộng đất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Hà Nam giai đoạn 2011-2015.

KẾ HOẠCH

 

Dồn đổi ruộng đất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Hà Nam

 

giai đoạn 2011-2015

 

I. MỤC TIÊU, YÊU CẦU:

 

  1. Mục tiêu:

- Chỉ đạo tất cả các xã đồng loạt triển khai dồn đổi ruộng đất gắn với quy hoạch lại đồng ruộng, phấn đấu 28 xã xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015 cơ bản hoàn thành vào năm 2013, các xã còn lại cơ bản hoàn thành vào năm 2014 nhằm khắc phục tình trạng ruộng đất phân tán để tích tụ, tạo điều kiện thuận lợi trong việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật công nghệ tiên tiến vào sản xuất, thâm canh, giảm chi phí, tăng thu nhập cho người nông dân.

   - Việc dồn đổi ruộng đất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh phải đảm bảo các mục tiêu: Bố trí đủ diện tích đất theo quy hoạch để thuận lợi trong tổ chức thực hiện quy hoạch; đất công ích quy hoạch gọn vùng để dễ quản lý, sử dụng; sau dồn đổi ruộng đất nông nghiệp phấn đấu mỗi hộ chỉ còn 01 thửa, nơi có địa hình khó khăn mới đến 02 thửa/hộ.

 - Lập hồ sơ địa chính cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN) nông nghiệp từng bước nâng cao hiệu quả, hiệu lực cho công tác quản lý nhà nước về đất đai.

 

   2. Yêu cầu:

   - Việc dồn đổi ruộng đất (DĐRĐ) là công việc phức tạp liên quan đến lợi ích của nông dân yêu cầu phải tập trung cao sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền cơ sở, nhất là ở thôn, xóm; cơ sở tự làm là chính, lấy thôn (xóm) là địa bàn trực tiếp thực hiện. Cấp tỉnh và cấp huyện hướng dẫn, chỉ đạo và hỗ trợ.

   - Căn cứ vào tình hình thực tế tại từng địa phương để xây dựng kế hoạch, phương án dồn đổi cho phù hợp; đảm bảo ổn định tình hình nông thôn, công bằng và hài hoà đúng tiêu chuẩn diện tích đất nông nghiệp sử dụng hiện có.

   - Trong quá trình tổ chức thực hiện phải đảm bảo công khai, dân chủ trong nhân dân. Việc triển khai thực hiện dồn đổi ruộng đất nông nghiệp phải theo phương châm: làm đâu được đó, đảm bảo chất lượng, không chạy theo thành tích; nhưng cũng chống tư tưởng ngại khó, trông chờ, ỷ lại.

   - Những xã (thị trấn) đã có quy hoạch hoặc dự kiến quy hoạch sử dụng đất vào mục đích khác (phi nông nghiệp) thì diện tích đó không thực hiện dồn đổi ruộng đất lần này.

 

   II. NỘI DUNG THỰC HIỆN DỒN ĐỔI TẠI CẤP XÃ, THÔN (XÓM):

 

    1. Nội dung thực hiện tại cấp xã:

 

    a) Chuẩn bị nội dung số liệu để xây dựng đề án dồn đổi ruộng đất: Ban chỉ đạo cấp xã lựa chọn tổ chuyên môn giúp việc để thu thập toàn bộ tài liệu liên quan đến công tác dồn đổi ruộng đất, phân loại xử lý, đánh giá độ chính xác của tài liệu.

    b) Rà soát, chuyển quy hoạch ra thực địa:

   - Căn cứ quy hoạch, rà soát, điều chỉnh quy hoạch đảm bảo các chỉ tiêu sử dụng đất, quy hoạch lại đồng ruộng và công khai quy hoạch tại cơ sở.

   - Xác định vị trí, diện tích chiếm đất của các quy hoạch để cắm mốc tại thực địa.

    c) Xác định vị trí, diện tích đất công ích và diện tích đất cần huy động đóng góp từ nhân dân:

 

    - Tổng hợp diện tích đất công ích hiện có theo ranh giới quản lý của thôn (xóm).

    - Bố trí đất công ích gọn vùng, gọn thửa để dễ quản lý, nên bố trí vào vùng đất xấu khó giao, chia cho các hộ.

    - Việc huy động góp đất để xây dựng các công trình phúc lợi công cộng và hạ tầng nông thôn, các xã cần nghiên cứu xem xét mức huy động cho phù hợp: Khuyến khích nhân dân góp đất làm đường nội đồng, ở những nơi đất cộng ích cao thì không đặt ra việc góp đất của nhân dân.

    d) Tổng hợp quỹ đất cần phải dồn đổi.

    Tổ chuyên môn giúp việc Ban chỉ đạo xã tổng hợp diện tích đất nông nghiệp toàn xã (thị trấn), trừ đi diện tích đất dành cho quy hoạch. Xác định tổng diện tích còn lại trong toàn xã (thị trấn), diện tích của từng thôn (xóm) để thực hiện dồn đổi.

    e) Điều tra tổng hợp số hộ trong toàn xã:

    Ban chỉ đạo xã (thị trấn) chỉ đạo tổ chuyên môn giúp việc phối hợp với tiểu ban chỉ đạo của thôn, điều tra số hộ sử dụng đất của từng thôn (xóm) trong toàn xã tại thời điểm xây dựng đề án dồn đổi ruộng đất.

    f) Tổng hợp diện tích của các hộ đang sử dụng:

 

    - Căn cứ số liệu điều tra của từng thôn (xóm) tổng hợp diện tích của các hộ theo tiêu chuẩn (Tại Quyết định số 115/QĐ-UB ngày 15/12/1992 và Quyết định số 990/QĐ-UB ngày 28/9/1995 của UBND tỉnh Nam Hà).

   - Tổng hợp diện tích của từng hộ đã bị thu hồi theo các dự án, diện tích đã chuyển nhượng, nhận chuyển nhượng hợp pháp của các hộ, diện tích góp đất của các hộ (khẩu) để thực hiện quy hoạch về giao thông, thủy lợi và các công trình phúc lợi.

   - Xác định diện tích còn lại của từng hộ để đưa vào đề án dồn đổi của xã (thị trấn).

    g) Hoàn chỉnh và phê duyệt đề án: Ban chỉ đạo xã (thị trấn) hoàn chỉnh đề án dồn đổi cấp xã, trình Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt.

 

    2. Nội dung thực hiện tại thôn (xóm):

    a) Điều tra tổng hợp số hộ sử dụng đất nông nghiệp của thôn (xóm): Tiểu ban chỉ đạo thôn (xóm) tổng hợp tổng số hộ sử dụng đất hiện có của thôn (xóm), bao gồm cả những hộ có tiêu chuẩn ruộng đất đã chia tách theo quy định của pháp luật để xây dựng phương án của thôn (xóm).

    b) Tổng hợp diện tích của các hộ sử dụng đất nông nghiệp trong thôn (xóm): Tiểu ban chỉ đạo thôn tổng hợp diện tích của từng hộ được giao ruộng theo tiêu chuẩn cộng diện tích nhận thừa kế, nhận chuyển nhượng trừ đi diện tích đã chuyển nhượng cho người khác, diện tích thu hồi, góp đất để thực hiện quy hoạch xây dựng giao thông, thủy lợi để xác định diện tích còn lại của từng hộ phải thực hiện dồn đổi.

    c) Lựa chọn phương án dồn đổi:

    Căn cứ vào điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của từng địa phương, từng thôn (xóm) mà lựa chọn phương án dồn đổi cho phù hợp. Phương án chọn phải được thống nhất thông qua hội nghị của nhân dân trong thôn (xóm) để bàn bạc thống nhất và báo cáo Ban chỉ đạo xã xem xét, quyết định, có 2 phương án lựa chọn:

- Phương án 1: Giữ nguyên diện tích chia kết hợp các nguyên tắc có thửa xa và thửa gần; có thửa đất xấu và đất tốt hoặc ngược lại.

- Phương án 2: Rút, bù diện tích: Dùng hệ số “K” để điều chỉnh diện tích.

    Từ các phương án trên, tùy tình hình thực tế của địa phương mà chọn cách chia, giao ruộng đất cho phù hợp.

    d) Hoàn chỉnh phương án và trình Ủy ban nhân dân cấp xã duyệt: Sau khi hoàn thành các nội dung trên tổ chuyên môn giúp việc tiểu ban chỉ đạo thôn (xóm) hoàn chỉnh phương án trình Ban chỉ đạo xã (thị trấn) xét duyệt.

 

    3. Thời gian thực hiện:

    3.1. Năm 2011: Tổ chức thực hiện làm điểm tại 2 xã Nhân Khang của huyện Lý Nhân và xã Vũ Bản của huyện Bình Lục, sau đó tổng kết rút kinh nghiệm để triển khai diện rộng.

    3.2. Năm 2012 đến 30 tháng 6 năm 2013:

    - Triển khai đồng loạt công tác dồn đổi ruộng đất trên địa bàn toàn tỉnh.

    - Cơ bản hoàn thành việc dồn đổi ruộng đất tại 26 xã xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015 và khuyến khích các xã (thị trấn) căn cứ vào điều kiện của địa phương mình để đăng ký dồn đổi ruộng đất theo kế hoạch. Nếu chưa đủ điều kiện phải chỉ đạo triển khai thực hiện đảm bảo một số nội dung sau:

   + Thu thập toàn bộ tài liệu, số liệu về kế hoạch sử dụng đất (SDĐ) của xã; đề án xây dựng nông thôn mới; các tài liệu liên quan đến việc DĐRĐ.

    + Rà soát, điều chỉnh quy hoạch, xác định vị trí chuyển quy hoạch ra thực địa, tập trung kinh phí làm giao thông, thủy lợi nội đồng.

    + Điều tra, tổng hợp số hộ sử dụng đất, diện tích hiện có của từng hộ sử dụng đất nông nghiệp hiện tại.

    + Xây dựng đề án của xã (thị trấn).

    3.3. Từ tháng 7 năm 2013 đến hết tháng 12 năm 2014: Hoàn thành công tác dồn đổi ruộng đất nông nghiệp ở các xã (thị trấn) còn lại.

    3.4. Năm 2015: Hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp.

 

    III. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN:

    1. Công tác tuyên truyền: Các cấp, các ngành tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác dồn đổi ruộng đất nông nghiệp để thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2020, bằng các phương tiện thông tin đại chúng. Xây dựng chương trình tuyên truyền đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung, trong đó có chuyên đề về dồn đổi ruộng đất thông qua kết quả thực hiện tại 02 xã điểm là xã Nhân Khang của huyện Lý Nhân và xã Vũ Bản của huyện Bình Lục.

    2. Công tác chỉ đạo: Căn cứ vào tình hình cụ thể của từng địa phương, Ban chỉ đạo dồn đổi ruộng đất nông nghiệp thuộc cấp nào thì cấp đó ra quyết định.

    a) Cấp tỉnh: Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới cấp tỉnh giúp Tỉnh uỷ, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo thực hiện chủ trương dồn đổi ruộng đất trong toàn tỉnh, xây dựng kế hoạch, hướng dẫn, kiểm tra đôn đốc, nắm tình hình thực hiện ở cơ sở; giải quyết những vướng mắc, tồn tại, phát sinh trong quá trình thực hiện dồn đổi ruộng đất nông nghiệp của tỉnh.

    b) Cấp huyện: Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới cấp huyện giúp Huyện uỷ, Ủy ban nhân dân huyện xây dựng kế hoạch của huyện để chỉ đạo thực hiện chủ trương dồn đổi ruộng đất nông nghiệp của cấp mình, duyệt đề án dồn đổi ruộng đất nông nghiệp cho từng xã (thị trấn); kiểm tra đôn đốc, nắm tình hình thực hiện dồn đổi ruộng đất nông nghiệp của từng xã (thị trấn) theo đề án được duyệt, giải quyết những vướng mắc, khó khăn phát sinh trong quá trình thực hiện dồn đổi ruộng đất nông nghiệp của huyện. Đề xuất, kiến nghị, báo cáo tiến độ công tác dồn đổi của địa phương với Ban chỉ đạo cấp tỉnh.

    c) Cấp xã: Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới cấp xã giúp Đảng uỷ, Ủy ban nhân dân xã (thị trấn) xây dựng đề án dồn đổi ruộng đất nông nghiệp, tổ chức thực hiện đề án sau khi đề án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Phê duyệt phương án dồn đổi ruộng đất của thôn (xóm), kiểm tra đôn đốc, nắm tình hình thực hiện dồn đổi ruộng đất nông nghiệp của từng thôn (xóm) theo phương án được duyệt, giải quyết những vướng mắc, khó khăn phát sinh trong quá trình thực hiện dồn đổi ruộng đất nông nghiệp tại địa phương. Đề xuất, kiến nghị, báo cáo tiến độ công tác dồn đổi của địa phương với Ban chỉ đạo cấp huyện.

    d) Tiểu Ban chỉ đạo dồn đổi ruộng đất nông nghiệp thôn (xóm): Bí thư chi bộ làm trưởng tiểu ban (Trường hợp cần thiết, theo đề nghị của thôn (xóm), Ủy ban nhân dân cấp xã cử 01 người có uy tín với nhân dân trong thôn, am hiểu công việc làm trưởng tiểu ban), mời đồng chí Trưởng thôn (xóm), đại diện các đoàn thể và 1 đến 2 nông dân có kinh nghiệm sản xuất tham gia. Ban chỉ đạo dồn đổi ruộng đất nông nghiệp thôn (xóm) trực tiếp thực hiện công tác tuyên truyền, thu thập số liệu, tài liệu về đất đai, số hộ sử dụng đất nông nghiệp, lập phương án dồn đổi và tổ chức thực hiện việc dồn đổi ruộng đất của thôn (xóm).

    g) Thành lập các nhóm chuyên môn giúp việc cấp xã (thị trấn):

    - Nhóm thông tin tuyên truyền.

    - Nhóm tổng hợp số hộ sử dụng đất nông nghiệp hiện có, diện tích đất nông nghiệp của các hộ; tổng hợp tình hình xây dựng phương án chuyển đổi ở thôn (xóm) để trình Đảng uỷ, Ủy ban nhân dân xã (thị trấn) phê duyệt.

    - Nhóm quy hoạch sử dụng đất: Rà soát quy hoạch và các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, các dự án đã và đang triển khai thực hiện trên địa bàn.

    - Sau khi đề án dồn đổi ruộng đất của xã được Ủy ban nhân dân huyện phê duyệt, Ban chỉ đạo dồn đổi ruộng đất của xã triển khai thực hiện nhiệm vụ theo kế hoạch đã được thông qua, thông báo cho các Tiểu ban chỉ đạo của thôn (xóm) thực hiện phương án dồn đổi, tổ chức giao chia cho từng hộ theo kết quả bốc thăm vào thời gian thích hợp giữa 2 mùa vụ (tập trung thực hiện vào thời điểm sau kết thúc thu hoạch vụ mùa, vì thời gian giao vụ kéo dài).

3. Kinh phí thực hiện:.Toàn tỉnh có 102 xã, thị trấn/116 xã, phường, thị trấn cần thực hiện dồn đổi ruộng đất nông nghiệp với tổng diện tích dồn đổi khoảng: 31.586 ha

3.1. Hỗ trợ kinh phí dồn đổi ruộng đất: Tỉnh hỗ trợ kinh phí bình quân 1.000.000,0 đồng/ha đất nông nghiệp thực hiện dồn đổi quy hoạch lại đồng ruộng nhằm hỗ trợ các xã (thị trấn) thực hiện các nội dung:

- Công tác tuyên truyền tại xã (thị trấn), thôn (xóm).

- In ấn tài liệu và hướng dẫn nghiệp vụ.

- Lập và xét duyệt đề án của xã (thị trấn), phương án dồn đổi ruộng đất của thôn (xóm).

- Công tác điều tra khảo sát số liệu, rà soát quy hoạch.

- Hỗ trợ các hội nghị tại xã (thị trấn), thôn (xóm).

- Phụ cấp cho trưởng thôn (xóm), Bí thư chi bộ, Ban chỉ đạo xã (thị trấn), tổ (tiểu bản) của thôn (xóm).

- Vật tư, gồm: Giấy, bút, biểu mẫu, thước dây, máy tính, cọc mốc …

- Chi phí phục vụ đo, chia và lập biên bản giao đất thực địa.

3.2. Kinh phí đo đạc cấp đổi GCN, lập hồ sơ địa chính:

Kinh phí thực hiện đo đạc cấp đổi GCN, lập hồ sơ địa chính được tính cụ thể theo định mức kỹ thuật, nguồn kinh phí chi theo nguồn thu từ đất hàng năm và hỗ trợ của Trung ương.

 

    IV. NHIỆM VỤ CỦA CÁC CẤP, CÁC NGÀNH:

    1. Sở Tài nguyên và Môi trường: Là cơ quan Thường trực phối hợp cùng các Sở, ban ngành liên quan hướng dẫn trình tự, chỉ đạo đôn đốc các xã (thị trấn) thực hiện, xây dựng đề án và tổ chức dồn đổi ruộng đất nông nghiệp. Hướng dẫn nghiệp vụ trong dồn đổi ruộng đất, hướng dẫn thủ tục góp đất của các hộ để phục vụ xây dựng nông thôn mới; hoàn thiện hồ sơ địa chính và cấp đổi GCN QSD đất nông nghiệp sau khi dồn đổi ruộng đất.

    2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương trong việc quy hoạch chi tiết lại đồng ruộng và xây dựng hệ thống giao thông, kiên cố hóa kênh mương nội đồng; đôn đốc, chỉ đạo việc dồn đổi ruộng đất nông nghiệp.

    3. Sở Kế hoạch và đầu tư, Sở Tài chính: Cân đối ngân sách, huy động điều tiết, phân bổ kinh phí cho các xã (thị trấn) ưu tiên cho các công trình hạ tầng giao thông và thủy lợi nội đồng để các xã (thị trấn) chủ động tổ chức thực hiện, hoàn thành theo đúng kế hoạch.

    4. Sở Xây dựng: Hướng dẫn Ủy ban nhân dân các huyện, các xã (thị trấn) thực hiện lập quy hoạch, thẩm định quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch xây dựng nông thôn mới.

    5. Đài Phát thanh và Truyền hình, Báo Hà Nam: Thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền về các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, về lợi ích thiết thực của việc thực hiện dồn đổi ruộng đất gắn với quy hoạch lại đồng ruộng.

    6. Ủy ban nhân dân cấp huyện: Chỉ đạo các phòng, ban chức năng đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra tiến độ thực hiện dồn đổi ruộng đất của các xã (thị trấn); nhất là các xã lựa chọn xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015.

 

    7. Ủy ban nhân dân cấp xã:

    - Đối với các xã: Xã Nhân Khang của huyện Lý Nhân và xã Vũ Bản của huyện Bình Lục là đơn vị làm điểm về dồn đổi ruộng đất thực hiện đạt 100% kế hoạch vào quý IV năm 2012, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các xã khác nghiên cứu, học tập kinh nghiệm để triển khai diện rộng.

    - Các xã (thị trấn) còn lại chuẩn bị nhân lực, vật tư, trang thiết bị … để thực hiện công tác dồn đổi theo đúng kế hoạch đề ra.

 

          V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

 

1. Theo nhiệm vụ được phân công, các Sở, ngành cụ thể hóa các nội dung thuộc phạm vi quản lý để hướng dẫn cơ sở thực hiện; các huyện chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện ở địa phương. Định kỳ báo cáo tiến độ thực hiện về Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.

2. Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu thấy cần sửa đổi, bổ sung những nội dung cụ thể của kế hoạch; các Sở, ngành, địa phương báo cáo tình hình về Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Tài nguyên và Môi trường) để được giải quyết.

3. Giao Sở Tài nguyên và Môi trường theo dõi, đôn đốc triển khai thực hiện Kế hoạch này và tổng hợp báo cáo định kỳ về tình hình và kết quả thực hiện về Ủy ban nhân dân tỉnh./.

Quốc Trung