Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Kế hoạch thực hiện Chương trình MTQG Nước sạch & VSMT nông thôn tỉnh Hà Nam năm 2013

Chiến lược, định hướng, quy hoạch, kế hoạch phát triển  
Kế hoạch thực hiện Chương trình MTQG Nước sạch & VSMT  nông thôn tỉnh Hà Nam năm 2013
Thực hiện Công văn số 3887/BNN-TCTL ngày 12 tháng 11 năm 2012 của Bộ Nông nghiệp & PTNT và Công văn số 2018/UBND-NN&TNMT ngày 19 tháng 11 năm 2012 của UBND tỉnh về việc xây dựng Kế hoạch Chương trình MTQG Nước sạch & VSMT nông thôn năm 2013. UBND tỉnh xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình với các nội dung sau:

 

I. TÌNH  HÌNH CHUNG

          1. Thuận lợi
          Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân tỉnh và các cấp các ngành xác định rõ mục tiêu phát triển nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn là một trong những chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

          Nhân dân Hà Nam ngày càng nhận thức rõ được tầm quan trọng của việc sử dụng nước sạch và vệ sinh môi trường. Nhiều doanh nghiệp đã tham gia góp vốn đầu tư xây dựng và quản lý vận hành công trình cấp nước tập trung nông thôn.
          Uỷ ban nhân dân tỉnh đã ban hành một số chính sách hỗ trợ xây dựng và quản lý vận hành công trình cấp nước tập trung nông thôn tạo điều kiện thúc đẩy xã hội hoá đầu tư và quản lý vận hành cung cấp nước sạch nông thôn trên địa bàn tỉnh.

         2. Khó khăn
         Kinh tế của tỉnh còn nghèo, khả năng huy động vốn đóng góp của nhân dân thấp, nên việc đầu tư cho các công trình cấp nước và VSMT còn rất hạn chế.

          Tốc độ đô thị hoá, công nghiệp hoá nhanh, nguồn xả thải của các đô thị, khu công nghiệp, khu chăn nuôi tập trung đã phần nào ảnh hưởng đến nguồn nước của các con sông trên địa bàn tỉnh vốn đã bị ô nhiễm, nước ngầm bị nhiễm Asen, NH4, CL với hàm lượng cao, đặc biệt tỉnh Hà Nam là một trong những tỉnh có hàm lượng Asen trong nước ngầm cao nhất cả nước nên việc lựa chọn nguồn nước, công nghệ xử lý để xây dựng các công trình cấp nước tập trung gặp nhiều khó khăn.

          Nguồn vốn để xây dựng mới, sửa chữa nâng cấp các công trình cấp nước tập trung nông thôn ít hơn nhiều so với vốn nhu cầu thực tế.

II. KẾ HOẠCH THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH

          1. Những đặc điểm chung
          - Nước mặt:

          + Về trữ lượng nước, tỉnh Hà Nam có hệ thống sông ngòi dày đặc, gồm các sông lớn như sông Hồng, sông Đáy, sông Nhuệ, sông Châu, sông Sắt. Đó là nguồn nước chính phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân. Tuy nhiên, nguồn nước này đang có nguy cơ ô nhiễm do chất thải công nghiệp, sinh hoạt và chăn nuôi.

          - Nước ngầm:

          + Về trữ lượng nước ngầm là nguồn nước chủ yếu được nhân dân sử dụng ăn uống và sinh hoạt thông qua các hình thức khai thác, giếng khơi (giếng đào), giếng khoan, nhưng trữ lượng nước ngầm của tỉnh chỉ có thể khai thác với quy mô nhỏ. Theo kết quả điều tra, tiềm năng nước ngầm của tỉnh Hà Nam không lớn và ô nhiễm nặng bởi Asen, sắt, mangan…

          + Tất cả các mẫu nghiên cứu đều phát hiện Fe, Coliform có hàm lượng rất cao. Asenic có hàm lượng cao chủ yếu tập trung ở Vĩnh Trụ, Hoà Hậu, Công Lý, Văn Lý, Hợp Lý, Phú Phúc (huyện Lý Nhân). Trác Văn huyện Duy Tiên; Văn Xá, Hoàng Tây (huyện Kim Bảng). Bồ Đề, Tràng An, Bình Nghĩa (huyện Bình Lục). Nếu nhân dân dùng nước giêng khoan bị ô nhiễm như trên mà không được xử lý hoặc xử lý không đúng cách thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khoẻ con người.
          - Vệ sinh môi trường:

          + Tỷ lệ người dân nhận thức công tác vệ sinh môi trường chưa cao, tỷ lệ hộ gia đình xây dựng và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh còn thấp.

           +  Tỷ lệ hộ gia đình có chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh còn thấp

           2. Mục tiêu cụ thể năm 2013
          - Có 80% dân số nông thôn được sử dụng nước HVS.

          - Có 57,78% hộ gia đình có nhà tiêu HVS theo Quy chuẩn 02.

          - Có 55%  hộ gia đình có chuồng trại chăn nuôi HVS.

          - Có 87,4% Trường học có nhà tiêu và nước sạch HVS.

          - Có 95,45% Trạm Y tế có nhà tiêu và nước sạch HVS.

          Cụ thể có khoảng 5.000 hộ gia đình được đấu nối nước sạch từ các trạm cấp nước tập trung nông thôn; 7.168 nhà tiêu hộ gia đình hợp vệ sinh được xây mới và 31.840 người hưởng lợi từ các xã đạt vệ sinh toàn xã.

         3. Các công trình nước sạch tập trung có thế cấp nước, đấu nối  cho các hộ  năm 2013         

           - Công trình tập trung 3 xã Đọi Sơn, Yên Nam, Tiên Hiệp, huyện Duy Tiên.

          - Công trình tập trung xã Nguyên Lý, huyện Lý Nhân.

          - Công trình nước sạch Đồng Tâm xã Thanh Nguyên, huyện Thanh Liêm. Công trình nhà máy nước sạch xã Thanh Nguyên huyện Thanh Liêm.

          - Công trình nhà máy nước sạch xã Nhân Bình, huyện Lý Nhân

4.     Khởi công xây mới và nâng cấp công trình:

 

 

 

 

4.1. Nguồn vốn hỗ trợ của Chương trình mục tiêu Quốc gia Nước sạch & VSMT.  
            - Xây mới công trình xã Thanh Tân huyện Thanh Liêm.

            - Xây mới công trình xã Thanh Nghị huyện Thanh Liêm

4.2. Nguồn vốn Chương trình PforR của Ngân hàng Thế Giới(WB)              
           - Công trình nước sạch tập trung xã Khả Phong huyện Kim Bảng

           - Công trình cấp nước sạch tập trung xã Nhân Thịnh huyện Lý Nhân

             - Công trình cấp nước sạch tập trung xã An Lão huyện Lý Nhân.

            - Công trình cấp nước tập trung liên xã Tiên Hải, Châu Sơn, Tiên Phong, huyện Duy Tiên.

            - Công trình cấp nước tập trung liên xã Chuyên Ngoại, Trác Văn, thị trấn Hoà Mạc huyện Duy Tiên.

             - Công trình cấp nước liên xã Liêm Tuyền, Liêm Tiết huyện Thanh Liêm.

             - Công trình cấp nước liên xã Chân Lý, Đạo Lý, Bắc Lý, Nhân Đạo, Nhân Hưng huyện Lý Nhân.

             - Công trình cấp nước liên xã Hợp Lý, Văn Lý, Chính Lý, Công Lý, huyện Lý Nhân.

             - Công trình cấp nước liên xã Bình Nghĩa, Tràng an , Đồng Du, Đồn Xá, An Mỹ, huyện Bình Lục.

             - Công trình cấp nước liên xã Đinh xá, Trịnh xá, Liêm Phong, Liêm Cần, Liêm Thuận huyện Bình Lục và huyện Thanh Liêm.

                          (Có phụ lục 05 kèm theo)

           5. Định hướng ưu tiên trong lập kế hoạch.

            - Kế hoạch năm 2013 và các năm tiếp theo được lập dựa trên nhu cầu thực tế và Quy hoạch cấp Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Hà Nam đến năm 2020 đã được phê duyệt .

           - Dựa trên nguồn vốn đối ứng của địa phương, của các thành phần kinh tế tham gia đầu tư.

           - Đặc biệt chú trọng đến công tác truyền thông, tuyên truyền và nâng cấp hiệu quả của các trạm cấp nước đã được đầu tư.

II. TỔNG HỢP NHU CẦU VỐN KẾ HOẠCH NĂM 2013

          1. Tổng nhu cầu vốn chương trình  năm 2013: 368.437 triệu đồng    Trong đó:

          * Ngân sách nhà nước cấp (Chương trình mục tiêu)

         1.1. Đầu tư phát triển (cấp nước, vệ sinh, môi trường…): 268.657  triệu đông

         1.2. Sự nghiệp (Vệ sinh, môi trường, các hoạt động truyền thông, tập huấn, vận hành …): 10.980 triệu đồng

          * Ngân sách địa phương + Vốn khác

          1.1. Đầu tư phát triển (cấp nước, vệ sinh, môi trường…): 240.000  triệu đông

          (có phụ lục 02, 03 kèm theo)

III. CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH

 

 

 

1. Công tác chỉ đạo điều hành và tổ chức thực hiện Chương trình

            Ban điều hành Chương trình Mục tiêu Quốc gia Nước sạch và VSMT nông thôn tổ chức chỉ đạo, quản lý và điều hành việc thực hiện Chương trình đúng mục tiêu, đảm bảo các kết quả đầu ra.

           Sở Nông nghiệp và PTNT là cơ quan thường trực thay mặt Ban Điều hành chỉ đạo và kiểm tra việc thực hiện Chương trình, đánh giá và phê duyệt kết quả thực hiện. Chỉ đạo Trung tâm NS&VSMT triển khai thực hiện đầu tư xây dựng các công trình cấp nước tập trung, các hoạt động đào tạo, nâng cao năng lực, giám sát đánh giá, thông tin, giáo dục, truyền thông đáp ứng yêu cầu mục tiêu, nhiệm vụ, đảm bảo đạt được các chỉ số của Chương trình.

           Sở Y tế chỉ đạo Trung tâm Y tế Dự phòng triển khai thực hiện các hoạt động về vệ sinh nông thôn, xây mới các công trình vệ sinh, giám sát đánh giá chất lượng xây dựng công trình vệ sinh; phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội phát triển nguồn vốn tín dụng để thực hiện Chương trình đảm bảo kết quả đầu ra.

          Tăng cường năng lực vai trò, trách nhiệm của chính quyền cấp huyện, cấp xã cùng tham gia thực hiện Chương trình. Đặc biệt là công tác tuyên truyền, vận động cộng đồng tham gia đóng góp xây dựng công trình nước sạch và công trình vệ sinh. Tham gia xây dựng kế hoạch, tổ chức quản lý khai thác có hiệu quả các công trình cấp nước tại địa phương.

          2. Xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, quy hoạch

          Sửa đổi các văn bản, ban hành cơ chế, chính sách cho phú hợp với giai đoạn mới. Xây dựng kế hoạch hành động nâng cao năng lực hoạt động chương trình.

         Xây dựng văn bản, ban hành các nội dung cấp nước và VSMT hướng tới người nghèo, các chính sách về giới cho ngành cấp nước và vệ sinh.

           3. Áp dụng khoa học công nghệ

           Áp dụng khoa học công nghệ phù hợp với từng vùng, ưu tiên công nghệ tiên tiến, Áp dụng các công nghệ giá rẻ phù hợp. Đa dạng hoá các loại hình cấp nước phù hợp với thực tế địa phương.

          4. Về công tác quản lý chất lượng nước

           Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chất lượng nước nhất là các công trình cấp nước tập trung. Phối hợp với sở Y tế thường xuyên định kỳ kiểm tra đánh giá chất lượng nước. Để xác định đạt “vệ sinh toàn xã”, nước cấp cho ăn uống tại các trường học, trạm y tế của xã cần được xét nghiệm chất lượng 2 lần 1 năm và kết quả xét nghiệm không vượt quá các giới hạn tối đa loại II theo quy chuẩn QCVN 02:2009/BYT về chất lượng nước sinh hoạt

            5. Quản lý khai thác vận hành sau đầu tư

            Quản lý, giám sát chặt chẽ chất lượng các công trình xây dựng, thiết lập các hồ sơ, văn bản pháp lý về quản lý chất lượng trước khi đưa vào sử dụng. Đơn vị quản lý khai thác công trình phải được đào tạo kiến thức về quản lý vận hành công trình.

            6. Huy động nguồn lực, hợp tác quốc tế

            Huy động tổng hợp các nguồn vốn; Ngân sách Nhà nước, các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp và đóng góp của nhân dân, vốn tín dụng ưu đãi ....thực hiện Chương trình.     Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia vào lĩnh vực cấp nước và vệ sinh nông thôn.

            7. Kiểm tra giám sát, theo dõi đánh giá và báo cáo tình hình thực hiện

 

 

 

Công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá được thực hiện trên tất cả các mặt: Quá trình đầu tư, hiệu quả đầu tư, chất lượng xây dựng công trình, hoạt động của cáccông trình, đánh giá việc thực hiện các mục tiêu đề ra.Chế độ thông tin báo cáo được tiến hành đều đặn theo quy định.

             8. Hoạt động thông tin - giáo dục - truyền thông; đào tạo phát triển nguồn nhân lực

             Công tác thông tin - giáo dục - truyền thông được tiến hành bởi nhiều cấp ngành trong tỉnh, bằng nhiều hình thức khác nhau: tuyên truyền gián tiếp trên các phương tiện thông tin đại chúng; chú trọng truyền thông trực tiếp tới người dân. Đặc biệt trong các dịp hưởng ứng Tuần lễ quốc gia Nước sạch và VSMT,  ngày môi trường thế giới, phát động phong trào hưởng ứng phong trào vệ sinh yêu nước sâu rộng tới người dân. Chú trọng bồi dưỡng đào tạo nguồn nhân lực thực hiện nhiệm vụ cấp nước và VSMT ở cấp tỉnh và đào tạo cán bộ quản lý vận hành cấp cơ sở.

 

 

 

IV. KIẾN NGHỊ

             Để giúp tỉnh Hà Nam hoàn thành các mục tiêu, kế hoạch đề ra kính đề nghị Ban Chủ nhiệm Chương trình MTQG Nước sạch & Vệ sinh môi trường nông thôn, Văn phòng Thường trực Chương trình, Trung tâm Quốc gia Nước sạch & Vệ sinh môi trường nông thôn, các bộ, ngành Trung ương và Ngân hàng thế giới:

           - Để đạt được chỉ số đầu ra cho kế hoạch của chương trình đề nghị Ban Chủ nhiệm Chương trình - Bộ Nông nghiệp và PTNT và các Bộ, ngành trung ương bố trí đủ vốn đầu tư cho tỉnh Hà nam để hỗ trợ cho các dự án công trình cấp nước tập trung nông thôn đang triển khai xây dựng.

           - Cấp kinh phí giải ngân theo kế hoạch, bố trí tạm ứng 25% tổng số vốn của Chương trình PforR và tạo điều kiện cho tỉnh tiếp nhận nguồn vốn hỗ trợ từ Ngân hàng Thế giới.

           - Ban hành các văn bản pháp lý để hướng dẫn các tỉnh tham gia quản lý, thực hiện tốt Chương trình.

          - Hỗ trợ tỉnh trong việc tiếp cận các kỹ thuật, công nghệ mới và phát triển đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực cấp nước./. 

 

Nơi nhận:

 

- Như kính gửi;

 

- Sở KH&ĐT, Sở Y tế (để phối hợp);

 

 

- UBND tỉnh (để b/c);

 

- Lưu VP.


KT. TRƯỞNG BAN ĐIỀU HÀNH

  PHÓ TRƯỞNG BAN THƯỜNG TRỰC

  (Đã ký) 

 

P. GIÁM ĐỐC SỞ NÔNG NGHIỆP & PTNT

 

Nguyễn Mạnh Hùng

  Các Phụ lục đính kèm:

- Phụ lục WB.

- Phụ lục Kế hoạch trung hạn.

Nguyễn Văn Minh