Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Xuất, cấp hóa chất sát trùng hỗ trợ các tỉnh phòng chống dịch bệnh

Thông tin phát triển ngành  
Xuất, cấp hóa chất sát trùng hỗ trợ các tỉnh phòng chống dịch bệnh
Thực hiện Quyết định số 1724/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc xuất hóa chất sát trùng dự trữ quốc gia hỗ trợ các tỉnh: Nam Định, Thái Bình; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có văn bản yêu cầu các đơn vị cơ sở thực hiện xuất, cấp không thu tiền hóa chất sát trùng để các địa phương phòng chống dịch bệnh.

          Cụ thể, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu Công ty trách nhiệm hữu hạn Tân An thực hiện xuất dự trữ quốc gia không thu tiền 65 tấn hóa chất sát trùng Chlorine 65% min. Trong số đó, tỉnh Nam Định nhận 40 tấn và tỉnh Thái Bình nhận 25 tấn.

Bộ cũng yêu cầu Công ty cổ phần Thuốc thú y Trung ương NAVETCO thực hiện xuất dự trữ quốc gia không thu tiền 25.000 lít hóa chất sát trùng Benkocid hỗ trợ hai tỉnh này. Cụ thể, tỉnh Nam Định nhận 10.000 lít và tỉnh Thái Bình nhận 15.000 lít.

Đồng thời Bộ cũng yêu cầu Công ty cổ phần Dược và Vật tư thú y xuất dự trữ quốc gia không thu tiền 10.000 lít hóa chất sát trùng Han- Iodine hỗ trợ tỉnh Nam Định.

Theo nội dung văn bản, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám yêu cầu các đơn vị dự trữ đảm bảo đủ số lượng, chất lượng hóa chất sát trùng và tổ chức đóng gói, vận chuyển giao hàng dự trữ tại trung tâm huyện, thị.

“Đồng thời kịp thời báo cáo kết quả thực hiện xuất hóa chất sát trùng về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ, ngành liên quan để có kế hoạch bổ sung vốn dự trữ,” Thứ trưởng Vũ Văn Tám yêu cầu.

Bên cạnh đó, đại diện Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cũng cho biết, hiện trên cả nước không có báo cáo ổ dịch tai xanh trên lợn, dịch lở mồm long móng ở gia súc mới phát sinh nào. Hiện, cả nước chỉ có 1 ổ dịch Cúm gia cầm A/H5N1 xảy ra tại xã Vĩnh Thành, huyện Yên Thành của tỉnh Nghệ An (đã qua 17 ngày không phát sinh thêm gia cầm mắc bệnh).

Tuy nhiên, theo đại diện Cục Thú y, do diễn biến phức tạp của thời tiết nên nguy cơ dịch phát sinh và lây lan trong thời gian tới là rất cao; các địa phương cần chủ động trong công tác phòng, chống các dịch bệnh. Đặc biệt là các địa phương thuộc khu vực có nguy cơ cao, nơi có ổ dịch cũ, có đàn gia súc, gia cầm chưa được tiêm phòng triệt để, các địa phương có dự án cung ứng con giống gia súc cần tăng cường giám sát, phát hiện sớm ổ dịch, tổ chức tiêm phòng vắcxin./.