Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững

Thông tin chỉ đạo, điều hành Ý kiến chỉ đạo, điều hành của thủ trưởng cơ quan  
Cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững
Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh của nông sản là chủ trương mà ngành nông nghiệp và các địa phương đang tiếp tục thực hiện. Mục tiêu nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về phát triển kinh tế nông nghiệp, tăng thu nhập cho người sản xuất và góp phần thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.

Quá trình thực hiện cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp trong thời gian qua đã có tác động rất lớn, làm thay đổi phương thức sản xuất theo quy mô tập trung, ứng dụng mạnh công nghệ cao, khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nội ngành theo hướng nâng dần tỷ trọng ngành chăn nuôi - thủy sản, dịch vụ. Lĩnh vực nông nghiệp đã thu hút được nhiều thành phần kinh tế đầu tư, từng bước khắc phục hạn chế và khó khăn trong sản xuất, tạo đà tăng trưởng.

Theo đánh giá của Sở NN&PTNT, giai đoạn 2015-2020, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản ở tỉnh ta đạt bình quân 1,15%/năm; tỷ trọng ngành chăn nuôi - thủy sản chiếm 56,5% trong cơ cấu nông nghiệp; giá trị sản xuất bình quân đạt 121,6 triệu đồng/ha/năm 2020, tăng 31,2% so với năm 2015. Cơ giới hóa được sử dụng trong sản xuất và chế biến nông sản tăng lên đáng kể, nhất là trong sản xuất lúa và chế biến rau, củ, quả. 

Thực hiện cơ cấu lại sản xuất đã đẩy nhanh quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, lựa chọn được những sản phẩm phù hợp nhằm khai thác tốt lợi thế về đất đai, thị trường. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa được thực hiện, tạo thuận lợi cho nông dân mở rộng sản xuất cây ăn quả, thâm canh nuôi trồng thủy sản. Cơ chế, chính sách của tỉnh đã thúc đẩy thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đến nay, một số doanh nghiệp đầu tư ổn định vào sản xuất rau, củ, quả, hoa lan, lúa; giá trị sản xuất bình quân trên 1 ha canh tác trong khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt bình quân 2 tỷ đồng/năm 2020. Các xã, thị trấn trong tỉnh đã tập trung được 2.092,2 ha sản xuất lúa, rau, củ, quả, cây dược liệu, hoa, cây ăn quả; giá trị sản xuất mô hình liên kết tăng từ 15-20% so với ngoài mô hình. 

Lĩnh vực chăn nuôi đang được phát triển theo hướng tập trung tại các trang trại và gia trại. Các chuỗi liên kết trong chăn nuôi bò sữa và gia cầm ngày càng chặt chẽ, góp phần quan trọng vào việc giải quyết nhu cầu về nguồn cung cấp con giống, tiêu thụ sản phẩm và tạo thuận lợi quản lý về chất lượng sản phẩm, quản lý dịch bệnh, giảm áp lực về ô nhiễm môi trường. Nhờ cơ cấu lại đối tượng vật nuôi, đàn gia cầm được phát triển nhanh về quy mô, tăng cường liên kết trong sản xuất và nâng cao giá trị kinh tế. 

Có thể thấy, chủ trương cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp đã đi vào thực tiễn điển hình như ở huyện Lý Nhân sau khi rà soát lại quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp chung của tỉnh, quy hoạch khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, huyện đã quy hoạch lại vùng trồng lúa, vùng nuôi trồng thủy sản, vùng chăn nuôi bò sữa, bò thịt. Các xã, thị trấn trên địa bàn đăng ký thực hiện mô hình tập trung ruộng đất, liên kết sản xuất với cơ sở, doanh nghiệp tiêu thụ, chế biến nông sản. Huyện Lý Nhân huy động các nguồn lực thực hiện công nghiệp hóa nông nghiệp, mục đích nhằm phát huy nguồn lực đầu tư của tỉnh và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất. Mặc dù giai đoạn 2015-2020, sản xuất nông nghiệp phải đối mặt với rất nhiều khó khăn lớn, nhưng ngành nông nghiệp của Lý Nhân vẫn giữ được đà tăng trưởng, đạt giá trị sản xuất bình quân 5,4%/năm, cao hơn nhiều so với mức bình quân chung của tỉnh trong cùng giai đoạn. 

Những kết quả đạt được trong phát triển sản xuất nông nghiệp thời gian qua là cơ sở cho ngành nông nghiệp định hướng, xác định rõ mục tiêu và giải pháp để đẩy mạnh cơ cấu lại sản xuất trong những năm tới. Cơ cấu lại ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục được thực hiện theo hướng phát triển bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh của nông sản; đẩy mạnh công nghiệp hóa nông nghiệp, phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; tập trung ưu tiên hỗ trợ sản xuất đối với các sản phẩm chủ lực, sản phẩm chất lượng cao; đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật và nâng cao tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất.

Yêu cầu đặt ra là cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp phải phù hợp với quy hoạch, tiềm năng, lợi thế của tỉnh và địa phương; phát huy vai trò của các thành phần kinh tế đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, nhất là các doanh nghiệp, HTX nhằm thúc đẩy xây dựng liên kết chuỗi và tổ chức sản xuất hiệu quả hơn.

Để thực hiện hiệu quả chủ trương này, ngành nông nghiệp đã tham mưu UBND tỉnh các nhiệm vụ và giải pháp thực hiện. Trong đó, có giải pháp về đẩy mạnh quản lý quy hoạch và sử dụng hiệu quả đất đai, xác định các sản phẩm chủ lực, sản phẩm ứng dụng công nghệ cao, có sức cạnh tranh và phù hợp với nhu cầu thị trường để tập trung ưu tiên hỗ trợ sản xuất; phát triển vùng chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản tập trung; khuyến khích phát triển kinh tế trang trại; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực từ ngân sách nhà nước và xã hội hóa để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn.

Theo https://khuyennonghanam.myharavan.com