Skip Ribbon Commands
Skip to main content

KHÁI QUÁT NÔNG NGHIỆP HÀ NAM NĂM 2018

Thông tin chỉ đạo, điều hành  
KHÁI QUÁT NÔNG NGHIỆP HÀ NAM NĂM 2018
Nhìn lại năm qua, sản xuất nông nghiệp 2018 của Hà Nam có nhiều khởi sắc. Cơ cấu nông nghiệp tiếp tục chuyển dịch theo hướng đa dạng hoá sản phẩm từng bước gắn với thị trường tiêu thụ. Các chương trương trình, đề án, dự án được triển khai tích cực và bước đầu đạt được các kết quả tích cực.

     Điển hình trong năm 2018 có 3 huyện và Thành phố Phủ Lý hoàn thành xây dựng Nông thôn mới, trong đó có huyện Duy Tiên và Kim Bảng đã đón nhận Bằng công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Toàn tỉnh có 91 xã đạt chuẩn nông thôn mới vượt chỉ tiêu kế hoạch đặt ra. Tỷ lệ các hộ dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh ước đạt 94,3%, đạt 100% kế hoạch. Tổng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thuỷ sản năm 2018 ước đạt 7.797,8 tỷ đồng, tăng 1,7% so với năm 2017. Năng suất lúa cả năm đạt 61,3 tạ/ha, tổng sản lượng lương thực đạt 423.317,8 tấn, vượt 2,3% kế hoạch, trong đó sản lượng lúa đạt 386.421,4 tấn; ngô 36.896,4 tấn. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng ước đạt 87.467,6 tấn, vượt 2,4% kế hoạch. Sản lượng nuôi trồng thuỷ sản ước đạt 22.645,7 tấn (tăng 14,3%)/5.750ha.

       Các lĩnh vực của nông nghiệp đều thể hiện rõ thế mạnh của mình. Trong trồng trọt, cả 3 vụ đều đạt và vượt mức kế hoạch. Nhất là trong sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cơ bản toàn bộ diện tích trong các khu nông nghiệp được quy hoạch đã được đưa vào sản xuất, bước đầu giá trị sản xuất trong khu nhà kính đạt từ 3-4 tỷ/ha/năm; còn khu nhà trời cũng đạt từ 1,2 - 1,6 tỷ/ha/năm. Đã giải quyết việc làm thường xuyên cho gần 400 lao động khu vực nông thôn với mức thu nhập trung bình từ 3,5 - 4 triệu đồng/người/tháng. Thực hiện chương trình liên kết, toàn tỉnh có 67 xã đã tổ chức tích tụ, tập trung liên kết sản xuất 1.170ha của 5.200 hộ với 108 mô hình sản xuất lúa, rau, củ quả tham gia chuỗi liên kết sản xuất nông sản sạch, cho giá trị sản xuất tăng từ 15-20% so với sản xuất thông thường. Đặc biệt sản phẩm dưa nhà lưới trong khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại xã Nhân Khang của Công ty cổ phần đầu tư và phát triển nông nghiệp công nghệ cao Hà Nam đạt giải Bông lúa vàng; Công ty VinEco Hà Nam đạt danh hiệu doanh nghiệp vì nhà nông năm 2018. Lâm nghiệp làm tốt công tác trồng lại rừng sau khai thác đúng thời vụ, tổ chức và phát động tết trồng cây, chăm sóc và bảo vệ rừng…đã giúp tỷ lệ che phủ rừng đạt 6,2%.

        Trong lĩnh vực chăn nuôi, thú y và thuỷ sản đã làm tốt công tác tuyên truyền chỉ đạo phòng chống dịch bệnh, chống rét cho đàn gia súc gia cầm, kiểm tra, kiểm soát các hoạt động về chăn nuôi, kinh doanh giết mổ. Thực hiện các biện pháp chăm sóc bảo vệ, giữ đàn gia cầm giống gốc, giống bố mẹ để sản xuất giống phục hồi, phát triển đàn gia cầm của các địa phương. Phối hợp với các địa phương đẩy mạnh chăn nuôi bò sữa. Hoàn thành công tác tiêm phòng vụ Xuân vụ Thu… Nhờ vậy chăn nuôi ổn định, đàn lợn ước đạt 472.039 con cho sản lượng 71.501,7 tấn; đàn gia cầm 6.621.300 con cho sản lượng 16.663,5 tấn; Tổng đàn trâu bò đạt 33.137 con, cho tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng 2.346,3 tấn, riêng bò sữa cho sản lượng bình quân bán cho nhà máy đạt 23,7 tấn/ngày. Trong lĩnh vực thuỷ sản diện tích đạt 5.750ha, sản lượng 22.645,7 tấn, đặc biệt tỉnh đã ban hành đề án “xây dựng mô hình điểm nuôi cá ứng dụng công nghệ “Sông trong áo” sản xuất theo chuỗi liên kết giai đoạn 2018-2019.

       Trong năm qua, vấn đề phát triển nông thôn được tỉnh quan tâm với việc ban hành đề án mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018 - 2020; xây dựng xã nông thôn kiểu mẫu; xây dựng kế hoạch thành lập HTX mới theo Luật; tổ chức các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Công tác khuyến nông làm tốt thông tin tuyên truyền, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, xây dựng hiệu quả các mô hình khuyến nông. Đồng thời ngành đã làm tốt các lĩnh vực thuỷ lợi, quản lý chất lượng và nông lâm thuỷ sản, công tác thanh tra, kiểm tra, thuỷ lợi và đê điều, quản lý và xây dựng các công trình. Các chương trình, đề án phát triển nông nghiệp nông thôn, như: Chương trình nước sạch; chương trình xây dựng nông thôn mới; chương trình mỗi xã một sản phẩm; chương trình liên kết 4 nhà cung ứng thức ăn chăn nuôi; đề án ứng dụng một số giống cây trồng mới theo hướng sản xuất hàng hoá, quy mô tập trung gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm; Các đề án trong phát triển chăn nuôi (bò sữa, bò sinh sản, bò thịt, các khu chăn nuôi tập trung); đề án ứng dụng phân bón vi sinh Power ant…

         Năm 2018, tổng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thuỷ sản ước đạt 7.797,8 tỷ đồng, tăng 1,7% so với năm 2017.

Theo https://khuyennonghanam.myharavan.com