Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Những quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi nuôi, lưu giữ, vận chuyển, nhập khẩu tôm càng đỏ, tôm hùm nước ngọt (tôm hùm đất) tại Việt Nam

Thông tin chỉ đạo, điều hành Thông tin khen thưởng, xử phạt đối với tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực quản lý nhà nước của cơ quan  
Những quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi nuôi, lưu giữ, vận chuyển, nhập khẩu tôm càng đỏ, tôm hùm nước ngọt (tôm hùm đất) tại Việt Nam
Tôm càng đỏ (Cherax quadricarinatus) và tôm hùm nước ngọt hay còn gọi là tôm hùm đất (Procambarus clarki) là hai loài thủy sinh có nguồn gốc ngoại lai, không có tên trong Danh mục loài thuỷ sản được phép kinh doanh tại Việt Nam. Theo Thông tư số 35/2018/TT-BTNMT ngày 28 tháng 12 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về quy định tiêu chí xác định và ban hành danh mục loài ngoại lai xâm hại tại Việt Nam, tôm càng đỏ được xác định là sinh vật ngoại lai xâm hại, tôm hùm nước ngọt được xác định là sinh vật ngoại lai có nguy cơ xâm hại. Hành vi nuôi, lưu giữ, vận chuyển, nhập khẩu tôm càng đỏ, tôm hùm nước ngọt là hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và trong lĩnh vực thủy sản. Các quy định pháp luật cụ thể như sau:

Theo Điều 43 Nghị định số 115/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường (có hiệu lực từ ngày 01/02/2017), hành vi vi phạm các quy định về kiểm soát loài ngoại lai xâm hại có thể bị xử phạt tới 1 tỷ đồng, cụ thể như sau:

1. Phạt cảnh cáo đối với hành vi nuôi, lưu giữ, vận chuyển, trồng, cấy loài ngoại lai xâm hại ngoài phạm vi khu bảo tồn không vì mục đích thương mại, trong trường hợp kiểm soát được sự phát triển, lây lan của chúng và chưa gây ra thiệt hại.

2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi nuôi, lưu giữ, vận chuyển, trồng, cấy loài ngoại lai xâm hại ngoài phạm vi khu bảo tồn vì mục đích thương mại, trong trường hợp kiểm soát được sự phát triển, lây lan của chúng và chưa gây ra thiệt hại.

3. Hành vi nuôi, lưu giữ, vận chuyển, trồng, cấy loài ngoại lai xâm hại ngoài phạm vi khu bảo tồn bị xử phạt như sau:

a) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi gây thiệt hại trị giá đến dưới 10.000.000 đồng;

b) Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với hành vi gây thiệt hại trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 20.000.000 đồng;

c) Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 160.000.000 đồng đối với hành vi gây thiệt hại trị giá từ 20.000.000 đồng đến dưới 40.000.000 đồng;

d) Phạt tiền từ 160.000.000 đồng đến 240.000.000 đồng đối với hành vi gây thiệt hại trị giá từ 40.000.000 đồng đến dưới 60.000.000 đồng;

đ) Phạt tiền từ 240.000.000 đồng đến 320.000.000 đồng đối với hành vi gây thiệt hại trị giá từ 60.000.000 đồng đến dưới 80.000.000 đồng;

e) Phạt tiền từ 320.000.000 đồng đến 400.000.000 đồng đối với hành vi gây thiệt hại trị giá từ 80.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;

g) Phạt tiền từ 400.000.000 đồng đến 480.000.000 đồng đối với hành vi gây thiệt hại trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 120.000.000 đồng;

h) Phạt tiền từ 480.000.000 đồng đến 560.000.000 đồng đối với hành vi gây thiệt hại trị giá từ 120.000.000 đồng đến dưới 140.000.000 đồng;

i) Phạt tiền từ 560.000.000 đồng đến 640.000.000 đồng đối với hành vi gây thiệt hại trị giá từ 140.000.000 đồng đến dưới 150.000.000 đồng.

4. Hành vi nuôi, lưu giữ, vận chuyển, trồng, cấy loài ngoại lai xâm hại trong phạm vi khu bảo tồn, trong trường hợp kiểm soát được sự phát triển, lây lan của chúng bị xử phạt như sau:

a) Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với vi phạm xảy ra ngoài phân khu bảo vệ nghiêm ngặt;

b) Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với vi phạm xảy ra trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt.

5. Hành vi nuôi, lưu giữ, vận chuyển, trồng, cấy các loài ngoại lai xâm hại trong phạm vi khu bảo tồn, trong trường hợp không kiểm soát được sự phát triển, lây lan của chúng bị xử phạt như sau:

a) Phạt tăng thêm từ 20% đến 30% của mức tiền phạt quy định tại khoản 4 Điều này đối với vi phạm thực hiện ở ngoài phân khu bảo vệ nghiêm ngặt;

b) Phạt tăng thêm từ 40% đến 50% của mức tiền phạt quy định tại khoản 4 Điều này đối với vi phạm thực hiện ở trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt.

Mức tiền phạt tối đa đối với mỗi hành vi vi phạm quy định tại khoản này không vượt quá 1.000.000.000 đồng.

6. Hành vi nhập khẩu vi sinh vật ngoại lai xâm hại bị phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng.

7. Hành vi nhập khẩu loài động vật, thực vật ngoại lai xâm hại bị xử phạt như sau:

a) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với tang vật vi phạm trị giá dưới 10.000.000 đồng;

b) Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với tang vật vi phạm trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 20.000.000 đồng;

c) Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 160.000.000 đồng đối với tang vật vi phạm trị giá từ 20.000.000 đồng đến dưới 40.000.000 đồng;

d) Phạt tiền từ 160.000.000 đồng đến 240.000.000 đồng đối với tang vật vi phạm trị giá từ 40.000.000 đồng đến dưới 60.000.000 đồng;

đ) Phạt tiền từ 240.000.000 đồng đến 320.000.000 đồng đối với tang vật vi phạm trị giá từ 60.000.000 đồng đến dưới 80.000.000 đồng;

e) Phạt tiền từ 320.000.000 đồng đến 400.000.000 đồng đối với tang vật vi phạm trị giá từ 80.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;

g) Phạt tiền từ 400.000.000 đồng đến 480.000.000 đồng đối với tang vật vi phạm trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 120.000.000 đồng;

h) Phạt tiền từ 480.000.000 đồng đến 560.000.000 đồng đối với tang vật vi phạm trị giá từ 120.000.000 đồng đến dưới 140.000.000 đồng;

i) Phạt tiền từ 560.000.000 đồng đến 640.000.000 đồng đối với tang vật vi phạm trị giá từ 140.000.000 đồng đến dưới 160.000.000 đồng;

k) Phạt tiền từ 640.000.000 đồng đến 720.000.000 đồng đối với tang vật vi phạm trị giá từ 160.000.000 đồng đến dưới 180.000.000 đồng;

l) Phạt tiền từ 720.000.000 đồng đến 800.000.000 đồng đối với tang vật vi phạm trị giá từ 180.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

m) Phạt tiền từ 800.000.000 đồng đến 880.000.000 đồng đối với tang vật vi phạm trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 220.000.000 đồng;

n) Phạt tiền từ 880.000.000 đồng đến 920.000.000 đồng đối với tang vật vi phạm trị giá từ 220.000.000 đồng đến dưới 230.000.000 đồng;

o) Phạt tiền từ 920.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng đối với tang vật vi phạm trị giá từ 230.000.000 đồng đến dưới 250.000.000 đồng.

8. Hình thức xử phạt bổ sung:

Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với trường hợp vi phạm quy định tại Điều này.

9. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc tiêu hủy toàn bộ loài ngoại lai xâm hại xuất hiện; buộc khôi phục lại trạng thái ban đầu đối với trường hợp vi phạm quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều này;

b) Buộc tái xuất toàn bộ loài ngoại lai xâm hại nhập khẩu trái phép ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đối với trường hợp vi phạm quy định tại khoản 6 và khoản 7 Điều này. Trường hợp không thể tái xuất được thì buộc tiêu hủy toàn bộ loài ngoại lai xâm hại nhập khẩu trái phép.

Tại Khoản 3 Điều 42 Nghị định số 42/2019/NĐ-CP ngày 16/5/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản (sẽ có hiệu lực từ ngày 05/7/2019, thay thế cho Nghị định số 103/2013/NĐ-CP ngày 12/9/2013 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong hoạt động thủy sản) cũng quy định: Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi nhập khẩu trái phép loài thủy sản không có tên trong Danh mục loài thuỷ sản được phép kinh doanh tại Việt Nam mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Hình phạt bổ sung là tịch thu lô hàng đối với hành vi vi phạm.

Ngoài ra, hành vi nhập khẩu trái phép (nhập lậu) hàng hóa cấm kinh doanh, hàng hóa cấm lưu hành, sử dụng tại Việt Nam cũng đã được quy định chi tiết tại Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực thương mại, buôn bán hàng cấm. Cụ thể: phạt tiền từ 40 triệu đồng đến 50 triệu đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên./. 

Tôm hùm nước ngọt

Tôm hùm nước ngọt (Procambarus clarki) - sinh vật ngoại lai

có nguy cơ xâm hại 

tom cang do

Tôm càng đỏ (Cherax quadricarinatus) - sinh vật ngoại lai xâm hại

Phòng Thủy sản