Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Tập trung chỉ đạo phòng trừ sâu bệnh hại lúa Vụ Xuân 2020 từ nay đến cuối vụ

Tin tức - Sự kiện Tin trong tỉnh  
Tập trung chỉ đạo phòng trừ sâu bệnh hại lúa Vụ Xuân 2020 từ nay đến cuối vụ
Ngày 15 tháng 4 năm 2020, Sở Nông nghiệp&PTNT Hà Nam đã ra công văn số 282/SNN - TT&BVTV về việc chỉ đạo phòng trừ sâu bệnh hại lúa xuân 2020 từ nay đến cuối vụ.


     Theo báo cáo của Chi cục Trồng trọt và BVTV, hiện nay lúa ở giai đoạn phát triển đòng - đòng non. Diện tích lúa đã trỗ 16,5ha; dự kiến diện tích lúa trỗ trước 25/4khoảng 2.400; trỗ từ 26 - 30/4 khoảng 7.400ha; trỗ từ 01-05/5 khoảng 13.800ha, còn lại hơn 6.500 trỗ sau 05/5.

      Cây ngô đã trỗ cờ - Bắp non; Lạc đang giai đoạn hoa - củ non; Dưa chuột thu quả rộ; Xoài, vải, nhãn giai đoạn quả non.

     Thời gian qua ,trên cây lúa chưa phát hiện triệu trứng bệnh lùn sọc đen; Bệnh đạo ôn lá gây hại trên các giống nhiễm nặng, các diện tích xanh tốt, tỷ lệ bệnh nơi cao 10 -15 % và đã được phun trừ. Sâu cuốn lá nhỏ trưởng thành cao điểm 1 lứa 2 được phòng trừ 98 ha; Mật độ nguồn sâu non cao điểm 2 lứa 2 hiện tại trung bình 1 - 2 con/m2, cao: 5 - 7 con/m2, cục bộ 10 - 15 con/m2, phát dục sâu từ tuổi 4 đến nhộng. Rầy nâu - rầy lưng trắng mật độ trung bình 10 - 20 con/m2, cao: 50 - 60 con/m2, cục bộ 150 - 200 con/m2; tuổi phổ biến 1 - 5. Bệnh khô vằn xuất hiện gây hại trên các diện tích gieo cấy dầy, xanh tốt với diện tích nhiễm 964 ha, diện tích phòng trừ 634 ha.  Tại một số diện tích ven các bờ to, gò cồn bị chuột hại  20,5 ha lúa.

      Trên cây màu xuất hiện bệnh giả sương mai ở cây dưa, bí với tỷ lệ bệnh trung bình 3 -5%, nơi cao 15 -20%, các diện tích có vết bệnh được phun trừ định kỳ 5 -7 ngày lần. Bệnh phấn trắng gây hại cục bộ trên các diện tích chăm sóc kém, diện tích nhiễm không đáng kể.

      Sâu keo mùa thu cũng đã xuất hiện rải rác, nơi cao: 2 -3 con/m2; cục bộ: 7 - 10 con/m2. Diện tích nhiễm và xử lý: 64,4 ha. Bệnh đốm lá: tỷ lệ bệnh trung bình 3 - 5%, nơi cao: 10 - 15% số lá. Diện tích nhiễm và xử lý: 136,7 ha.

     Bệnh đốm lá gây hại cục bộ trên cây Lạc, nơi cao 15 - 20%; diện tích nhiễm và phòng trừ 5 ha. Sâu cuốn lá mật độ nơi cao 6 -8 con/m2.

     Trên cây ăn quả (Nhãn, Vải): Bọ xít non nở rộ, mật độ trung bình rải rác, nơi cao 1 -2 con/cành, cục bộ 3 - 5 con/cành. Bệnh sương mai, thán thư xuất hiện rải rác trên chồi hoa, quả non, nơi cao 5 - 10%.

Bệnh loét gây hại rải rác trên cây có múi, nơi cao 20 - 25%; Nhện đỏ tỷ lệ hại trung bình 10 -15% số lá, nơi cao 40 - 50 % số lá. 

     Thời tiết từ nay đến đầu tháng 5 còn diễn biến phức tạp, thuận lợi cho bệnh đạo ôn cổ bông phát sinh gây hại mạnh; sâu cuốn lá nhỏ phát sinh với mật độ cao và có hiện tượng xen gối lứa, rầy nâu - rầy lưng trắng lứa 2 nở rộ khoảng 24/4 - 02/5, bệnh khô vằn - vàng lá, lem lép hạt phát sinh gây diện rộng.

      Để phòng trừ các đối tượng dịch hại trên có hiệu quả, bảo vệ lúa Xuân 2020, Sở Nông nghiệp&PTNT đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thực hiện tốt các nội dụng:

      Chỉ đạo các xã, phường, thị trấn, HTXDVNN phân loại các trà lúa, xác định thời gian lúa trỗ để tổ chức chỉ đạo phòng trừ dịch hại theo hướng dẫn của chuyên ngành. Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, hướng dẫn nông dân kiểm tra, phòng trừ kịp thời theo nguyên tắc 4 đúng. Cụ thể:

      Đối với bệnh đạo ôn là đối tượng gây hại số 1, phun trừ 100% diện tích khi lúa dạn áo the.

      Chỉ đạo phòng phòng trừ các đối tượng dịch hại khác theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn như bệnh khô vằn, lem lép hạt, sâu cuốn lá nhỏ, rầy nâu, bệnh bạc lá…

     Tổng hợp kết quả phòng trừ các đối tượng dịch hại báo về Chi cục Trồng trọt và BVTV vào cuối buổi sáng các ngày thứ 2,4,6 hàng tuần.

     Đây là giai đoạn cao điểm phòng trừ sâu bệnh quyết định năng suất cuối vụ, nên các đơn vị chuyên môn phải tích cực thăm đồng nắm bắt phát hiện xử lý kịp thời, đặc biệt làm việc cả trong thời gian nghỉ lễ 30/4 và 1/5. Dự tính, dự báo chính xác các thời điểm, đối tượng dịch hại cần xử lý. Hướng dẫn sử dụng các loại thuốc BVTV, tăng cường kiểm tra việc kinh doanh thuốc BVTV ở địa phương. Phân công cán bộ bám sát đồng ruộng để phát hiện các diễn biến bất thường của dịch hại (nếu có), ra thông báo hướng dẫn kỹ thuật và kiểm tra tiến độ, hiệu quả của công tác phòng trừ.

Theo https://khuyennonghanam.myharavan.com