Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Tập trung chỉ đạo sản xuất vụ Đông 2021 - 2022

Tin tức - Sự kiện Tin nội bộ  
Tập trung chỉ đạo sản xuất vụ Đông 2021 - 2022
Vụ Đông là vụ sản xuất hàng hóa quan trọng trong năm với các sản phẩm đa dạng, thị trường tiêu thụ rộng, ổn định và mang lại thu nhập cao cho người dân, góp phần quan trọng trong việc cung cấp lương thực, rau xanh cho toàn xã hội, nhất là trong bối cảnh tác động của dịch bệnh Covid -19 hiện nay.

Để đảm bảo giành thắng lợi sản xuất vụ Mùa 2021 và vụ Đông 2021-2022 đạt mục tiêu diện tích, năng suất, sản lượng và giá trị, UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện tốt các nội dung sau:

1. Đối với Sở Nông nghiệp&PTNT: Phối hợp chặt chẽ với Sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố, Công ty Điện lực Hà Nam; Công ty Khai thác CTTL Hà Nam; CTTL Bắc Nam Hà theo dõi sát diễn biễn thời tiết, nhất là khả năng chịu ảnh hưởng của bão số 5 để chủ động xây dựng phương án bơm tiêu thoát nước sớm trên đồng ruộng, tạo điều kiện cho nông dân các địa phương thu hoạch lúa Mùa, làm đất ngay khi thu hoạch lúa Mùa; tiêu thoát nước kịp thời cho những diện tích cây trồng vụ Đông khi xảy ra mưa bão, ngập úng. Chỉ đạo Chi cục Trồng trọt, BVTV và Kiểm lâm, Trung tâm Khuyến nông phối hợp chặt chẽ với Phòng Nông nghiệp và PTNT, Phòng kinh tế, Trung tâm DVNN các huyện, thị xã, thành phố tăng cường kiểm tra đồng ruộng, phòng trừ sâu bệnh hại lúa cuối vụ, tập trung thu hoạch lúa Mùa; hướng dẫn chuyển đổi trồng cây, quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc, bảo vệ cây vụ Đông phù hợp với từng loại cây trồng ở từng giai đoạn sinh trưởng. Triển khai kết nối doanh nghiệp liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản cho nông dân. Xây dựng phương án sản xuất, dự trữ và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh trong trường hợp phải thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch bệnh Covid-19 theo quy định.

2. Đối với UBND các huyện, thị xã, thành phố

Tập trung chỉ đạo phòng trừ sâu bệnh hại lúa Mùa cuối vụ; thu hoạch nhanh gọn diện tích lúa Mùa, nhất là trà Mùa sớm với châm “Xanh nhà hơn già đồng” nhằm tránh ảnh hưởng, thiệt hại do mưa bão và giải phóng đất cho sản xuất cây vụ Đông sớm như Dưa chuột, bí xanh, bí đỏ…; thu hoạch lúa đến đâu trồng cây vụ Đông ngay đến đó, đảm bảo gieo trồng vụ Đông trong khung thời vụ tốt nhất.

Bám sát kế hoạch gieo trồng cây vụ Đông của tỉnh (10.238,5) và diễn biến thời tiết để chỉ đạo các địa phương chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết cho sản xuất. Bố trí hợp lý cơ cấu nhóm cây ưa ấm ưa lạnh và nhóm trung tính, các cây có giá trị kinh tế cao gắn với việc ký kết hợp đồng sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho nông dân với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh trước khi bước vào vụ sản xuất. Mở rộng diện tích sản xuất cây vụ Đông ưa ấm, giá trị kinh tế cao như dưa chuột, bí xanh bí đỏ… Tập trung chỉ đạo sản xuất theo hướng đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, qua đó kích cầu tiêu dùng, tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ rau màu vụ Đông.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và kiên quyết xử lý kịp thời các hoạt động kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, trái với quy định của pháp luật.

Chuẩn bị cây con (làm bầu) để có thể trồng cây vụ Đông ngay sau khi thu hoạch lúa Mùa. Với nhóm cây ưa ấm gieo trồng càng sớm càng tốt, như nhóm cây rau đậu cần bố trí trồng thành nhiều trà, rải vụ để khai thác tối đa điều kiện đất đai, công lao động, giảm áp lực tiêu thụ nông sản, tránh rớt giá.

Áp dụng cơ chế chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; Phê duyệt kế hoạch thực hiện Đề án ứng dụng một số giống cây trồng mới chủ yếu theo hướng sản xuất hàng hóa, quy mô tập trung gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm năm 2021 để phát triển sản xuất cây vụ Đông. Xây dựng các cơ chế hỗ trợ sản xuất vụ Đông của địa phương nhằm khuyến khích, tạo điều kiện mở rộng diện tích cây chủ lực, nâng cao thu nhập cho người nông dân.

Xây dựng kịch bản, hướng dẫn sản xuất, tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh trong trường hợp phải thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19 theo quy định. Rà soát kế hoạch sản xuất và cụ thể hóa danh mục vật tư nông nghiệp, phương án tiêu thụ phù hợp với giải pháp phòng chống dịch Covid-19, trong đó tập trung kênh tiêu thụ nông sản như các chợ đầu mối, các doanh nghiệp chế biến trong và ngoài tỉnh; các chợ truyền thống, tiểu thương, xe lưu động, điểm bán nhỏ, lẻ tại các địa phương trên địa bàn tỉnh, bếp ăn tập thể.

Phối hợp chặt chẽ với Chi cục Thủy lợi, các Công ty Khai thác CTTL trên địa bàn tỉnh có phương án sẵn sàng ứng phó điều kiện thời tiết bất thuận, trước mắt là cơn bão số 5; chỉ đạo khai thông các mương tiêu, rãnh thoát nước trên ruộng, chủ động tiêu thoát nước sớm trên đồng ruộng vùng quy hoạch sản xuất vụ Đông. Chuẩn bị các phương tiện tiêu úng cục bộ đảm bảo tiêu thoát nước kịp thời cho sản xuất cây vụ Đông khi gặp mưa úng.

3. Đài phát thanh và truyền hình, Báo Hà Nam chủ động phối hợp với ngành Nông nghiệp&PTNT nông thôn, các địa phương tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức, nội dung phù hợp.

Theo https://khuyennonghanam.myharavan.com