Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Thông báo Tình hình dịch hại thời gian qua, dự báo một số đối tượng dịch hại chính từ nay đến 15/8/2021 và biện pháp ...

Tin tức - Sự kiện Tin trong tỉnh  
Thông báo Tình hình dịch hại thời gian qua, dự báo một số đối tượng dịch hại chính từ nay đến 15/8/2021 và biện pháp phòng chống
Hiện tại lúa trà sớm đang ở giai đoạn phân hóa - phát triển đòng. Lúa trà trung và muộn ở giai đoạn đẻ nhánh rộ - cuối đẻ nhánh. Ngô 8 lá - xoáy nõn. Lạc ra hoa - củ non. Cây ăn quả Nhãn đang thu hoạch.

I. TÌNH HÌNH DỊCH HẠI VÀ KẾT QUẢ PHÒNG TRỪ

2.1. Trên lúa:

2.1.1. Bệnh Virus lùn sọc đen: Chưa phát hiện triệu trứng bệnh trên đồng ruộng.

2.1.2. Chuột: Gây hại rải rác tại 1 số diện tích ven các bờ to, gò cồn, lúa gieo sạ; diện tích bị hại > 2,5% dảnh: 2,7 ha. Lượng thuốc sử dụng: 2.155,5 kg, trong đó thuốc Cat 0.25WP: 1.666 kg, thuốc khác 489,5 kg. Số chuột bắt thủ công từ đầu vụ đến nay: 71.689 con (Duy Tiên: 12.200 con, Kim Bảng: 6.189 con, Lý Nhân: 14.600 con, Bình Lục: 13.000 con, Thanh Liêm: 19.850 con, Phủ Lý: 5.850 con).

2.1.3. Ốc bươu vàng: Gây hại trên các chân ruộng trũng, đặc biệt lúa gieo sạ, mật độ nơi cao 1 - 2 con trưởng thành/m2, cục bộ 5 - 7 con/m2. Tổng lượng ốc và trứng đã thu gom 133.650 kg (trong đó Duy Tiên: 38.500 kg ốc; Kim Bảng: 19.000 kg ốc và 300 kg trứng; Lý Nhân: 12.000 kg ốc; Bình Lục: 15.000 kg ốc và 50 kg trứng; Thanh Liêm: 30.500 kg ốc; Phủ Lý: 18.300 kg ốc). Diện tích nhiễm không bắt thủ công được phải phun trừ bằng thuốc hóa học: 11.200 ha. Do cây lúa đã cứng nên mức độ gây hại của ốc từ nay trở đi không đáng kể.

2.1.4. Lúa cỏ: Tiếp tục phát triển gây hại cục bộ. Diện tích có lúa cỏ xuất hiện 75,7 ha (Lý Nhân: 6,5 ha; Duy Tiên: 30 ha; Phủ Lý: 11,7 ha, Thanh Liêm: 12,5 ha, Bình Lục: 15 ha). Diện tích xử lý: 32,5 ha.

2.1.5. Sâu cuốn lá nhỏ: Trưởng thành đang vũ hóa rộ, mật độ trung bình rải rác, nơi cao 0,1 - 0,2 con/m2. Mật độ trứng nơi cao 3 - 5 quả/m2.   

2.1.6. Rầy nâu - Rầy lưng trắng: Mật độ trung bình 7 -10 con/m2, nơi cao: 20 - 40 con/m2 phát dục chủ yếu từ tuổi 2 - trưởng thành. 

2.1.7. Sâu đục thân 2 chấm: Trưởng thành vũ hóa rải rác, trứng xuất hiện rải rác.

2.1.8. Bệnh khô vằn: Chớm xuất hiện gây hại trên các diện tích gieo cấy dày, xanh tốt; tỷ lệ bệnh nơi cao rải rác, cục bộ 3 -5 %.

2.2. Trên cây Ngô:

- Sâu keo mùa thu: Mật độ trung bình rải rác, nơi cao 2 - 3 con/m2. Diện tích nhiễm 10 ha. Diện tích phun trừ: 10 ha.

- Bệnh đốm lá xuất hiện rải rác; nơi cao 5 -10 % số lá. Sâu đục thân, sâu ăn lá xuất hiện rải rác.

II. DỰ BÁO MỘT SỐ ĐỐI TƯỢNG DỊCH HẠI CHÍNH ĐẾN 15-8 VÀ BIỆN PHÁP PHÒNG CHỐNG 

3.1. Bệnh lùn sọc đen Phương Nam hại lúa: Đây là đối tượng nguy hiểm, cần theo dõi chặt.

Tăng cường bám sát đồng ruộng điều tra cụ thể mật độ rầy lưng trắng, phát hiện sớm những cây lúa có triệu chứng dị dạng, lá xanh đậm, lùn xoắn, mép có vệt trắng răng cưa ... Cán bộ kỹ thuật BVTV cơ sở khi phát hiện thấy lúa có triệu chứng trên cần báo ngay cho cơ quan chuyên ngành tại các huyện, thị xã, thành phố, Chi cục Trồng trọt và BVTV để xác định, nếu có cây lúa bị bệnh phải tiêu hủy ngay.

3.2. Lúa cỏ: Chi cục Trồng trọt và BVTV đề nghị các địa phương tăng cường kiểm tra xác định các vùng bị nhiễm lúa cỏ. Hướng dẫn nông dân nhổ bỏ triệt để, để giảm nguồn trên đồng ruộng.

3.3. Sâu cuốn lá nhỏ lứa 5 hại lúa: Dự kiến trưởng thành tiếp tục vũ hóa rộ từ nay đến 03/8, mật độ trưởng thành nơi cao 0,1 - 0,2 con/m2, cục bộ 0,3 -0,5 con/m2. Sâu non nở rộ 01/8 - 08/8, mật độ sâu non trung bình 1 - 3 con/m2, nơi cao 8 - 10 con/m2, cục bộ 20 - 30 con/m2 khả năng gây hại cục bộ trên một ít diện tích lúa trà sớm giai đoạn phân hóa đòng. Đối với sâu cuốn lá nhỏ lứa 5 đề nghị các địa phương tiếp tục điều tra, xác định cụ thể thời điểm sâu non nở rộ. Chỉ đạo phun trừ cho những diện tích có mật độ > 20 con/m2 giai đoạn lúa đã phân hóa đòng. Thời điểm phun trừ: Dự kiến từ 02/8 - 08/8; phun trừ khi sâu chủ yếu tuổi 1, 2. Sử dụng một số loại thuốc như: Angun 5WG; Tasieu 1.9EC, 5WG; Silsau 4.5EC; Match 050EC ....

3.4. Bệnh khô vằn hại lúa: Giai đoạn này bệnh phát sinh gây hại cục bộ, chủ yếu trên các diện tích xanh tốt, gieo cấy dầy, đặc biệt trên trà sớm. Biện pháp phòng trừ:

- Kiểm tra chỉ đạo phun trừ cho các diện tích có tỷ lệ bệnh ≥ 10% số dảnh.

- Đối với một ít diện tích trỗ sớm (trỗ trước 15/8 khoảng 50 ha): Phun trừ 100% diện tích trước khi lúa trỗ.

Sử dụng 1 số loại thuốc nội hấp đặc trị trừ khô vằn, lem lép hạt như: Anvil 5SC; Moren 25WG; Tiptop 250EC; Tilt super 300EC; Callihex 5SC; Picoraz 490EC; Nevo 330 EC; Atulvil 5.55SC ...

3.5. Bệnh đốm sọc và bạc lá vi khuẩn hại lúa: Khả năng phát sinh gây hại cục bộ trên trà lúa Mùa sớm bón phân không cân đối, xanh tốt. Hướng dẫn phun trừ: Đối với bệnh đốm sọc vi khuẩn khi tỷ lệ bệnh > 20 % lá; Đối với bệnh bạc lá khi bệnh chớm xuất hiện bằng một số loại thuốc: Lk-one 50SC; Visen 20SC; Xanthomix 20WP; PN -Balacide 22WP, 32WP; Ải vân 6,4SL; Shirahagen 10WP; Lobo 8WP; Supervery 50WP; Starwiner 20WP; Totan 200WP...

3.6. Chuột hại: Đối với các diện tích lúa đã ở giai đoạn phân hóa đòng: từ  giai đoạn này trở đi do nguồn thức ăn sẵn có nhiều trên đồng ruộng nên chuột ít ăn hoặc không ăn mồi bả. Khuyến cáo nông dân chủ yếu sử dụng bẫy bán nguyệt và đào bắt thủ công là chính.

Đối với các diện tích lúa ở giai đoạn đẻ nhánh: Chi cục BVTV yêu cầu các địa phương tiếp tục khoanh vùng diệt chuột những nơi phát hiện chuột gây hại. Khuyến cáo dùng thuốc: Racumin 0.75 TP; Cat 0.25 WP; Klerat 0,05%.  

          3.7. Một số sâu bệnh hại khác: Tuỳ theo tình hình cụ thể của từng địa phương quan tâm đến một số đối tượng như: Sâu đục thân 2 chấm lứa 4 , rầy nâu -RLT lứa 5 trên lúa; sâu keo mùa thu, sâu đục thân, bệnh khô vằn ngô; sâu cuốn lá, sâu khoang, bệnh héo xanh hại lạc,… Hướng dẫn phun trừ kịp thời khi sâu bệnh đến ngưỡng gây hại.

III. BIỆN PHÁP CHỈ ĐẠO VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN

4.1. Đối với Phòng Nông nghiệp và PTNT; Phòng Kinh tế; Trung tâm DVNN các huyện, thị xã, thành phố: Trên cơ sở thông báo của chi cục, cụ thể hóa tình hình cây trồng, dịch hại; thông báo, hướng dẫn biện pháp phòng chống dịch hại sát với địa bàn. 

- Hướng dẫn nông dân chăm sóc lúa theo đúng quy trình kỹ thuật đối với từng giống lúa, từng chân đất, đặc biệt là bón kali giai đoạn lúa phân hóa đòng để cây lúa khoẻ, chống chịu tốt với dịch hại.

4.2. Trung tâm DVNN các huyện, thị xã, thành phố:

- Triển khai chỉ đạo cụ thể phun trừ từng đối tượng dịch hại trong buổi giao ban hoặc thông báo trực tiếp hàng tuần với cán bộ kỹ thuật cơ sở.

- Phân công cán bộ chuyên ngành TT&BVTV phụ trách vùng miền, cùng với cán bộ BVTV cơ sở điều tra dịch hại. Hướng dẫn, đôn đốc các HTXDVNN chỉ đạo diệt chuột, lúa cỏ, theo dõi diễn biến bệnh virus lùn sọc đen và phòng chống các đối tượng dịch hại có hiệu quả cao.

- Thu bắt mẫu rầy lưng trắng để giám định nguồn rầy mang bệnh virus lùn sọc đen khi có yêu cầu.

- Điều tra theo dõi mật độ, làm phát dục các đối tượng dịch hại: sâu đục thân 2 chấm, sâu cuốn lá nhỏ, rầy nâu -RLT ... trên đồng ruộng để từ đó dự tính dự báo chính xác sự phát sinh phát triển của dịch hại ở các giai đoạn sau.

- Tổng hợp kết quả theo dõi diễn biến và phòng trừ các đối tượng dịch hại trên, báo về Chi cục Trồng trọt và BVTV sáng thứ 4 hàng tuần./.

Chi cục Trồng trọt & BVTV