Để chủ động phòng, chống nắng, nóng bảo vệ an toàn cho động vật nuôi, duy trì phát triển sản xuất chăn nuôi, thuỷ sản của tỉnh ổn định và hoàn thành Kế hoạch năm 2024, Sở Nông nghiệp & PTNT đã ban hành văn bản (công văn số 455/SNN-CN&TY ngày 24/4/2024 về việc chỉ đạo, hướng dẫn phòng chống nắng, nóng cho đàn vật nuôi, thuỷ sản) đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo cơ quan chuyên môn, UBND cấp xã tập trung, chỉ đạo triển khai quản lý phát triển sản xuất chăn nuôi, thuỷ sản,…; tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản tăng cường áp dụng có hiệu quả các biện pháp phòng, chống nắng nóng cho động vật nuôi với các nội dung cụ thể như sau:
1. Đối với đàn vật nuôi
- Về thức ăn, nước uống:
+ Sử dụng thức ăn có nguồn gốc rõ ràng, không bị hỏng, mốc và còn hạn sử dụng, đảm bảo chất lượng và an toàn, phù hợp cho từng đối tượng, giai đoạn phát triển, mục đích sản xuất, sử dụng đối với từng loại vật nuôi.
+ Đối với những ngày nắng nóng gay gắt, nắng nóng kéo dài, nên cho đàn vật nuôi ăn thức ăn tinh, thức ăn hỗn hợp vào sáng sớm và chiều mát; tăng cường thức ăn xanh trong khẩu phần ăn như rau cỏ tươi, củ, quả; bổ sung thêm khoáng, các loại vitamin, chất điện giải theo hướng dẫn của nhà sản xuất nhằm tăng cường sức khoẻ, sức đề kháng, giảm nguy cơ mắc các loại dịch bệnh truyền nhiễm cho đàn vật nuôi.
+ Nguồn nước cho chăn nuôi phải đảm bảo an toàn được cung cấp đầy đủ và liên tục cho đàn vật nuôi.
- Quản lý, chăm sóc:
+ Thực hiện ghi chép và lưu giữ nhật ký chăn nuôi. Áp dụng phương thức quản lý, chăn nuôi “cùng vào - cùng ra", các đối tượng vật nuôi trong cùng độ tuổi, trọng lượng nên được nuôi nhốt trong cùng một ô chuồng. Giảm mật độ nuôi nhốt đàn vật nuôi; sử dụng, vận hành các trang thiết bị, hệ thống làm mát có hiệu quả để giảm nhiệt độ trong chuồng nuôi. Thường xuyên theo dõi tình hình sức khoẻ của đàn vật nuôi, kịp thời phát hiện, xử lý các sự cố nắng nóng do mất điện, mất nước khiến đàn vật nuôi bị sốc nhiệt, mệt mỏi, kiệt sức.
+ Đối với trâu, bò, dê: Những ngày nắng nóng, nhiệt độ tăng cao cần nuôi nhốt vật nuôi trong chuồng hoặc những nơi có bóng mát; tuyệt đối không chăn thả và tắm gia súc lúc trời đang nắng nóng.
+ Đối với lợn và gia cầm: Điều chỉnh mật độ nuôi theo tốc độ lớn và tình hình sức khoẻ của đàn vật nuôi. Nếu thời tiết nắng, nóng gay gắt có thể thả gia cầm ra vườn cây bóng mát quanh chuồng, cho ăn thêm rau xanh. Đối với gà đẻ, nên tránh nuôi quá béo bằng cách giảm bớt năng lượng trong khẩu phần thức ăn.
- Vệ sinh thú y:
Thực hiện đầy đủ, đúng quy trình vệ sinh thú y, phòng chống dịch bệnh trong chăn nuôi:
+ Tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi theo quy định. Thực hiện tẩy giun, sán cho vật nuôi theo khuyến cáo của nhà sản xuất thuốc thuốc y.
+ Thường xuyên theo dõi tình hình sức khoẻ đàn vật nuôi. Phát hiện, cách ly, thông báo với nhân viên thú y xã để có biện pháp xử lý, điều trị kịp thời đối với vật nuôi ốm yếu, nghi ngờ bị bệnh truyền nhiễm, tránh dịch bệnh lây lan rộng.
+ Hạn chế tối đa người ra vào khu vực chuồng nuôi.
+ Trước và sau khi vào, ra khu chăn nuôi phải thay bảo hộ lao động (quần áo, giày dép, ủng, găng tay,..); sát trùng tay (bằng các dung dịch sát khuẩn hoặc rửa tay bằng xà phòng), nhúng ủng hoặc giày, dép vào hố, dung dịch khử trùng.
+ Dung dịch sát trùng tại các hố sát trùng ở cổng ra vào khu chăn nuôi, chuồng nuôi phải được bổ sung hoặc thay mới hàng ngày, cần thay đổi các loại chất sát trùng để tăng hiệu quả sát trùng.
+ Định kỳ phun thuốc sát trùng xung quanh khu chăn nuôi, chuồng nuôi 1 lần/tuần, riêng đối với chăn nuôi lợn nên phun ít nhất 2 lần/tuần.
+ Định kỳ phát quang bụi rậm, khơi thông và vệ sinh cống rãnh ngoài chuồng nuôi ít nhất 2 lần/tháng.
+ Phải vệ sinh máng ăn, máng uống hằng ngày, không để thức ăn dư thừa trong máng. Thiết bị, dụng cụ và phương tiện chăn nuôi phải được vệ sinh tiêu độc khử trùng thường xuyên.
+ Sau mỗi đợt nuôi phải làm vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng nuôi, dụng cụ chăn nuôi và để trống chuồng ít nhất 7 ngày trước khi đưa gia súc, gia cầm vào nuôi.
+ Chất thải chăn nuôi phải được thu gom hằng ngày và xử lý theo đúng quy định.
2. Nuôi trồng thủy sản
- Đối với ao nuôi
+ Luôn duy trì mực nước từ 1,5m trở lên, nếu ao không đủ độ sâu, nguồn nước cấp khó khăn, có thể sử dụng bèo tây, lưới đen,… che phủ một phần diện tích (15-30%) để làm nơi tránh nắng, trú ẩn cho đàn thủy sản. Đảm bảo mật độ nuôi phù hợp, nước sạch, không bị ô nhiễm. Các chỉ số môi trường nằm trong giới hạn thích hợp (độ trong 30 - 40 cm, pH: 6,5-8,0; hàm lượng oxy hòa tan ≥ 4mg/L; nhiệt độ 28 - 30oC,…).
+ Tăng cường quạt nước, sục khí, bơm nước dạng phun mưa nhất là nửa đêm về sáng (từ 22 giờ đêm hôm trước đến 4 giờ sáng ngày hôm sau) nhằm cung cấp đủ hàm lượng oxy hòa tan, kích thích vi sinh vật hiếu khí phát triển, giảm khí độc và sự phân tầng nước trong ao nuôi. Đặc biệt lưu ý những ngày thời tiết thay đổi, nắng nóng, oi bức, mưa rào đột ngột,…
+ Kiểm soát bùn đáy ao và áp dụng tổng hợp các biện pháp quản lý chất lượng nước, tăng cường sử dụng chế phẩm sinh học, tránh để hiện tượng tảo nở hoa, tảo độc phát triển trong ao nuôi khi nhiệt độ nước cao và nắng kéo dài, nhất là những diện tích khó khăn nguồn nước cấp, nuôi trồng thủy sản kết hợp chăn nuôi gia súc, thủy cầm.
- Đối với nuôi lồng bè:
+ Đảm bảo mật độ lồng, mật độ thả giống phù hợp; sử dụng lưới chống nóng che bề mặt lồng bè; đảm độ sâu của lồng ở mức 2,5-3,0 m so với mặt nước.
+ Vệ sinh lồng bè thường xuyên, đảm bảo lồng nuôi thông thoáng, sạch sẽ để nước trong và ngoài lồng được lưu thông. Hằng ngày vớt bỏ rác thải quanh khu vực nuôi, thức ăn thừa, xác chết động vật thủy sản (nếu có). Treo túi vôi ở các góc lồng để hạn chế sự phát triển của mầm bệnh.
+ Kiểm tra, tu sửa lại những nơi xung yếu, đảm bảo lồng nuôi vững chắc, Chuẩn bị sẵn sàng máy sục khí, trang thiết bị cần thiết để ứng phó với các biến động môi trường, thời tiết, gió, bão ...
- Chăm sóc, quản lý
+ Điều chỉnh chế độ ăn phù hợp và nâng cao sức khỏe cho đàn vật nuôi bằng cách sử dụng thức ăn chất lượng cao. Trong những ngày nắng nóng giảm 30 - 50% lượng thức ăn hoặc ngừng cho ăn. Bổ sung các loại vitamin, khoáng chất, men tiêu hóa, Glucan,… vào khẩu phần ăn; cho động vật thủy sản ăn vào lúc sáng sớm và chiều mát.
+ Thường xuyên kiểm tra ao, lồng nuôi và hoạt động của thủy sản nuôi, nhất là vào sáng sớm, chiều tối; phát hiện những biểu hiện bất thường và kịp thời xử lý.
+ Hạn chế đánh bắt, san thưa, vận chuyển, thả giống vào những ngày nắng nóng hoặc thời điểm nắng nóng trong ngày. Chủ động thu hoạch thủy sản nuôi khi đạt kích thước thương phẩm.


Chuồng nuôi gà tại huyện Bình Lục được trồng cây dây leo lên mái và trang bị hệ thống làm mát để phòng chống nắng, nóng.


Người chăn nuôi kiểm tra, vận hành hệ thống làm mát chuồng nuôi.


Đàn gà thịt công nghiệp 20 ngày tuổi tại huyện Bình Lục sinh trưởng phát triển tốt trong môi trường nhiệt độ phù hợp, an toàn dịch bệnh.