Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Vai trò công tác tham mưu ban hành các cơ chế chính sách hỗ trợ xây dựng nông thôn mới

Thông tin tuyên truyền, phổ biến  
Vai trò công tác tham mưu ban hành các cơ chế chính sách hỗ trợ xây dựng nông thôn mới
Sau gần 10 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Hà Nam; được sự quan tâm, giúp đỡ của Trung ương, sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền, mặt trận, đoàn thể các cấp và nhất là sự đồng thuận, ủng hộ của người dân; Chương trình xây dựng nông thôn mới đã đạt nhiều thành tựu to lớn: kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội nông thôn được đầu tư cơ bản đồng bộ, diện mạo nông thôn đổi mới rõ rệt, đặc biệt là hệ thống giao thông, trường học, trạm y tế, nước sạch, vệ sinh môi trường… được cải thiện, rút ngắn khoảng cách giữa thành thị và nông thôn. Thu nhập của người nông dân tăng khá, đời sống nhân dân ổn định, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.


Để đạt được những kết quả đó, một trong các yếu tố góp phần quan trọng là việc Tỉnh đã chỉ đạo xây dựng và ban hành các cơ chế chính sách hỗ trợ xây dựng nông thôn mới. Với vai trò tham mưu các cơ chế chính sách về điều hành phát triển kinh tế-xã hội và đầu tư của Tỉnh, trong những năm qua, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tích cực tham mưu cho UBND tỉnh ban hành nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ xây dựng nông thôn mới của tỉnh.

Ngay từ năm 2011 khi Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới bắt đầu được triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh; Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu UBND tỉnh ban hành “Quyết định số 15/QĐ-UBND ngày 24/5/2011 quy định về cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích đầu tư các xã xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2015 tỉnh Hà Nam”; trong đó quy định điều kiện, mức hỗ trợ, phương thức hỗ trợ về kết cấu hạ tầng (đường giao thông thôn xóm, kênh mương nội đồng, trường học, trạm y tế…) và phát triển sản xuất nông nghiệp.

Trong quá trình triển khai thực hiện Quyết định 15/QĐ-UBND, Sở Kế hoạch và Đầu tư thường xuyên rà soát và đã kịp thời tham mưu điều chỉnh, bổ sung cơ chế chính sách hỗ trợ xây dựng nông thôn mới phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương tại các Quyết định:

- Quyết định số 04/QĐ-UBND ngày 30/3/2012 của UBND tỉnh Hà Nam V/v sửa đổi, bổ sung một số nội dung Quy định về cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích đầu tư các xã xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2015 tỉnh Hà Nam ban hành kèm theo Quyết định số 15/2011/QĐ-UBND.

- Quyết định số 24/QĐ-UBND ngày 8/5/2013 của UBND tỉnh Hà Nam V/v điều chỉnh, bổ sung một số nội dung Quy định về cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích đầu tư các xã xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015 tỉnh Hà Nam ban hành kèm theo Quyết định số 15/2011/QĐ-UBND, Quyết định số 04/2012/QĐ-UBND, Quyết định số 06/2013/QĐ-UBND.

- Quyết định số 33/QĐ-UBND ngày 12/7/2013 của UBND tỉnh Hà Nam V/v điều chỉnh, sửa đổi một số nội dung Quy định về cơ chế, chính sách hỗ trợ,

khuyến khích đầu tư các xã xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015 tỉnh Hà Nam ban hành kèm theo Quyết định số  24/2013/QĐ-UBND.

- Quyết định số 15/QĐ-UBND ngày 23/7/2015 của UBND tỉnh Hà Nam V/v điều chỉnh nội dung Quy định về cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích đầu tư các xã xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2015 tỉnh Hà Nam ban hành kèm theo Quyết định số 04/2012/QĐ-UBND.

Các quyết định về cơ chế chính sách hỗ trợ xây dựng nông thôn mới do thường xuyên được rà soát, điều chỉnh bổ sung kịp thời nên đã phát huy hiệu quả tích cực, tạo điều kiện thuận lợi cho cấp ủy, chính quyền địa phương huyện, xã trong quá trình tổ chức thực hiện. Đặc biệt, các cơ chế chính sách của Tỉnh thực hiện theo phương thức “hỗ trợ một phần và hỗ trợ sau đầu tư” để huy động các nguồn lực khác ngoài ngân sách Nhà nước đầu tư cho nông thôn và đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới. Cụ thể:

- Về phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội: bê tông hóa được 1.900km đường giao thông thôn xóm, 500km đường trục xã; cứng hóa trên 1.000km đường trục chính nội đồng; kiên cố hóa trên 100km và nâng cấp hệ thống công trình thủy lợi; xây dựng, sửa chữa nâng cấp 3.010 phòng học các cấp; xây mới, nâng cấp 32 nhà văn hóa xã, 451 nhà văn hóa, khu thể thao thôn, xóm; xây mới, sửa chữa, nâng cấp 67 chợ nông thôn…

- Về huy động nguồn lực: tổng nguồn vốn đã huy động được đạt trên 13.761 tỷ đồng; trong đó, huy động nhân dân đóng góp trên 1.808 tỷ đồng, vốn doanh nghiệp, hợp tác xã trên 271 tỷ đồng. Đặc biệt, trong phong trào xây dựng nông thôn mới ở các xã đã có nhiều hộ nông dân hiến đất, ủng hộ số tiền lớn cho Nhà nước để xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng tại địa phương.

- Tiến độ xây dựng nông thôn mới vượt cao so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, đến nay 100% (98/98) xã đã đạt chuẩn nông thôn mới, 3 huyện, thành phố đã được công nhận đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, 1 huyện đang làm thủ tục trình Trung ương công nhận và 2 huyện đang hoàn thiện các tiêu chí để đạt chuẩn nông thôn mới. Dự kiến trong năm 2020, toàn tỉnh 100% xã và 100% huyện, thành phố được công nhận đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Bên cạnh việc tham mưu các cơ chế chính sách vễ hỗ trợ đầu tư xây dựng nông thôn mới, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu, trình UBND tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách phát triển sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như: Quy hoạch và cơ chế chính sách trong quy hoạch khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Đề án phát triển chăn nuôi bò sữa; Thu hút nhiều dự án đầu tư vào khu vực nông thôn nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân, tăng thu ngân sách (trong giai đoạn 2011-2019 đã thu hút 206 dự án đầu tư vào vùng nông thôn (trong đó có 19 dự án FDI), với tổng vốn đầu tư đăng ký 63,4 triệu USD và 60.249,1 tỷ đồng; giải quyết việc làm cho 31.940 lao động); Thu hút các dự án phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp (số hộ sản xuất kinh doanh TTCN nông thôn năm 2018 đạt 53.830 hộ, tăng cao so với năm 2015). Ngoài ra, Sở Kế hoạch và Đầu tư còn tích cực phối hợp với các ngành trong việc thẩm định, góp ý đề xuất các mô hình, đề án phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân: Đề án phát triển khu nông nghiệp công nghệ cao, Đề án kết nối hạ tầng các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, Đề án phát triển cây trồng hàng hóa, Đề án liên kết trong sản xuất nông nghiệp, Đề án tích tụ ruộng đất, Đề án phát triển chăn nuôi bò thịt, bò sinh sản… Giá trị sản xuất nông nghiệp mặc dù bị ảnh hưởng của thời tiết, thiên tai, dịch bệnh nhưng vẫn tăng trưởng.

Tuy nhiên, nguồn lực chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra của mục tiêu phát triển hạ tầng nông thôn. Tổ chức triển khai các Đề án có lúc, có nơi cần cụ thể, sát thực tế. Cơ chế chính sách còn có vướng mắc giữa các văn bản quy phạm pháp luật như tích tụ, tập trung ruộng đất, các Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Doanh nghiệp…

Trong giai đoạn sau năm 2020, để tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí xã nông thôn mới đã đạt chuẩn, xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu đảm bảo thực sự nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, đòi hỏi cấp ủy, chính quyền các cấp cần tiếp tục chung sức xây dựng nông thôn mới, huy động nguồn lực, phát triển sản xuất, giữ gìn đời sống văn hóa, củng cố hệ thống chính trị và an ninh trật tự tại địa phương.

Đối với Sở Kế hoạch và Đầu tư, trong những năm tới, chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu, rà soát để tham mưu cho UBND tỉnh điều chỉnh, bổ sung các cơ chế chính sách xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020-2025, định hướng đến 2030. Một số nội dung cụ thể đề xuất:

- Cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

- Xây dựng, trình ban hành cơ chế nhà văn hóa thôn xóm sau sáp nhập; Cơ chế hỗ trợ hạ tầng cho vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp.

- Đẩy mạnh huy động các nguồn vốn (Trung ương, địa phương) đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn.

- Tham mưu định hướng quy hoạch mở rộng và cơ chế thu hút đầu tư vào khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao./.

Theo https://khuyennonghanam.myharavan.com