Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Báo cáo kết quả tự kiểm tra, kiểm tra, rà soát và hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) trong lĩnh vực Nông ...

Thông tin tuyên truyền, phổ biến  
Báo cáo kết quả tự kiểm tra, kiểm tra, rà soát và hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) trong lĩnh vực Nông nghiệp và Phát triển nông thôn năm 2024
Báo cáo số 472/BC-SNN ngày 31/10/2024 kết quả tự kiểm tra, kiểm tra, rà soát và hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) trong lĩnh vực Nông nghiệp và Phát triển nông thôn năm 2024

Thực hiện Nghị định số 59/2012/NĐ-CP ngày 23 tháng 7 năm 2012 của Chính phủ về công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật; căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, Sở Nông nghiệp & PTNT báo cáo kết quả thực hiện như sau:

I. CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO, TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NHIỆM VỤ THEO DÕI TÌNH HÌNH PHÁP LUẬT

1. Kết quả đạt được

1.1. Về xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật

Sở Nông nghiệp & PTNT đã nghiêm túc tổ chức quán triệt các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh về công tác thi hành pháp luật đến toàn thể Đảng viên, công chức, viên chức người lao động trong toàn Ngành. Tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả và kiến nghị thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác tuyền truyền và theo dõi thi hành pháp luật.

Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, tập huấn được Sở Nông nghiệp & PTNT và các đơn vị trực thuộc triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời đem lại hiệu quả thiết thực, thông qua các hoạt động tuyên truyền ý thức tuân thủ của các cơ quan, tổ chức, cá nhân được nâng cao.

Hàng năm, Sở ban hành kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật và công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, trên cơ sở đó các đơn vị trực thuộc căn cứ nội dung, nhiệm vụ của kế hoạch triển khai thực hiện phù hợp với tình hình thực tế và thực hiện báo cáo đầy đủ nội dung đã làm theo đúng quy định.

1.2. Về các điều kiện bảo đảm cho công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật

Công tác phổ biến pháp luật được Sở quan tâm chỉ đạo, giao các đơn vị trực thuộc thực hiện. Trong quá trình thanh tra, kiểm tra, các Đoàn thanh, kiểm tra luôn hướng dẫn đối tượng được thanh, kiểm tra thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật và xử lý vi phạm hành chính các trường hợp sai phạm, đảm bảo hình thức xử lý mang tính răn đe, hướng đối tượng thực hiện sản xuất, kinh doanh theo đúng quy định của pháp luật.

Trong các hội nghị, tập huấn, chuyển giao kỹ thuật Sở luôn chỉ đạo các đơn vị chuyên môn lồng ghép, tuyên truyền các văn bản pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý đặc biệt Nghị định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm... các bài tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông thông tin đại chúng như Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Hà Nam, Đài phát thanh các xã/phường/thị trấn.

Bên cạnh đó, việc triển khai áp dụng các văn bản quy phạm pháp luật mới được lồng ghép trong hoạt động giao ban hàng tháng, sơ kết quý, sáu tháng và các hoạt động thường xuyên của đơn vị.

2. Tồn tại, hạn chế và nguyên nhân

Tổ chức bộ máy thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước cũng đã được chú trọng kiện toàn, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ để tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, trên thực tế về kinh phí, bộ máy tổ chức, cán bộ thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật còn thiếu, cơ sở vật chất phục vụ cho công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật ở một số lĩnh vực chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao.

II. KẾT QUẢ THEO DÕI TÌNH HÌNH THI HÀNH PHÁP LUẬT TRONG LĨNH VỰC NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

1. Tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết thuộc thẩm quyền

Ngay từ đầu năm, Sở đã tổ chức quán triệt, phổ biến kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật đến toàn thể Đảng viên, công chức, viên chức người lao động trong đơn vị để tổ chức thực hiện. Áp dụng các văn bản quy phạm pháp luật mới, loại bỏ các văn bản đã hết hiệu lực thi hành.

Các văn bản quy định chi tiết bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật; đa số văn bản quy định chi tiết bảo đảm tính khả thi, phù hợp với thực tiễn.

2. Tình hình đảm bảo các điều kiện thi hành pháp luật

Sở Nông nghiệp & PTNT đã kiện toàn, phân định rõ trách nhiệm, cơ chế phối hợp trong quá trình triển khai nhiệm vụ quản lý nhà nước.

Việc tuân thủ pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi nhiệm vụ ngày càng được đề cao. Hàng năm, Sở luôn quan tâm, chỉ đạo các phòng, đơn vị cử cán bộ học tham gia học bối dưỡng nâng cao năng lực, nghiệp vụ; tập huấn cho cán bộ sử dụng phần mềm quản lý văn bản, phần mềm tiếp nhận, xử lý thông tin giải quyết khiếu nại tố cáo.

3. Tình hình tuân thủ pháp luật

3.1. Tình hình thi hành pháp luật của cơ quan nhà nước và người có thẩm quyền

          Đến thời điểm hiện tại, Sở Nông nghiệp & PTNT chưa phát hiện sai sót về quản lý kinh tế, không có biểu hiện của hành vi tham nhũng của công chức, chức viên chức và người lao động; về chuyên môn quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh mặt hàng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm nông, lâm sản, thuỷ sản đã dần đi vào ổn định.

          Qua các cuộc thanh tra, kiểm toán của các cơ quan chức năng đối với các đơn vị trong ngành không có vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp xảy ra; không có các vụ việc do công dân trực tiếp phản ánh.

Từ đầu năm đến nay Sở đã nhận được 11 đơn thư các loại, Sở đã xem xét giải quyết theo đúng quy định.

3.2. Tình hình thi hành pháp luật của tổ chức, cá nhân

Tổng số cuộc thực hiện thanh, kiểm tra 10 cuộc, trong đó số tổ chức, cá nhân được thanh tra, kiểm tra 137; số tổ chức, cá nhân vi phạm 13; số Quyết định xử phạt vi phạm hành chính ban hành 13; số tiền phạt vi phạm hành chính 160,75  triệu đồng; chuyển cơ quan điều tra làm rõ 04 vụ.

Qua công tác kiểm tra, thanh tra đã phát hiện và xử phạt hành chính nghiêm minh, thực hiện kịp thời trong thời gian qua đã góp phần ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực Nông nghiệp & PTNT. Từ đó, ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân ngày càng được nâng cao, đã hạn chế được tình hình vi phạm pháp luật về lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

III. TỒN TẠI, HẠN CHẾ VÀ NGUYÊN NHÂN

1. Tồn tại, hạn chế

Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung và pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa thường xuyên do phải lồng ghép trong việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn.

2. Nguyên nhân

Trên thực tế về kinh phí, bộ máy tổ chức, cán bộ thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật còn thiếu, cơ sở vật chất phục vụ cho công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật ở một số lĩnh vực chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao.

IV. ĐỀ XUẤT, KIẾN NGHỊ

1. Để nâng cao hiệu quả công tác tổ chức theo dõi thi hành pháp luật trong thời gian tới, đề nghị Sở Tư pháp tham mưu với UBND tỉnh nghiên cứu, xem xét bổ sung kinh phí hỗ trợ cho công tác tuyên truyền, phổ biến pháp, luật tại các Sở, ngành.

2. Đề nghị Sở Tư pháp tham mưu với UBND tỉnh thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kiến thức pháp luật và năng lực, kỹ năng nghiệp vụ tổ chức thi hành pháp luật công chức thực hiện nhiệm vụ.

Trên đây là báo cáo kết quả công tác theo dõi tình hình thi hành pháp năm 2024. Sở Nông nghiệp & PTNT gửi Sở Tư pháp tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh./.​

Văn phòng Sở