Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nam đã nhận được Văn bản số 6166/TĐKTĐBSH&TDBB-SNNQN ngày 04/11/2024 của Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh Quảng Ninh về việc báo cáo tổng kết công tác thi đua, khen thưởng năm 2024, phương hướng nhiệm vụ năm 2025, Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nam báo cáo với những nội dung chính như sau:
I. ĐẶC ĐIỂM TÌNH HÌNH
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh thực hiện chức năng tham mưu, giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh quản lý nhà nước về: nông nghiệp; lâm nghiệp; thuỷ sản; thuỷ lợi; phát triển nông thôn; phòng, chống thiên tai; chất lượng an toàn thực phẩm đối với nông sản, lâm sản, thuỷ sản; về các dịch vụ công thuộc ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn theo quy định pháp luật và theo phân công hoặc uỷ quyền của Uỷ ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.
Trong năm 2024, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ và triển khai công tác Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nam có những thuận lợi và khó khăn như sau:
1. Thuận lợi
Thực hiện nhiệm vụ năm 2024, ngành Nông nghiệp & PTNT luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát, thường xuyên của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp & PTNT và sự phối hợp, ủng hộ tích cực của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương.
Năm 2024 là năm bản lề, năm tăng tốc, bứt phá, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc tạo đà để hoàn thành thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021-2025), Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, góp phần hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; thực hiện nhiều chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và của tỉnh trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn. Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp của tỉnh đã thúc đẩy, tác động tích cực đến sự phát triển trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn.
2. Khó khăn
Thời tiết diễn biến phức tạp, bất thường; tình hình dịch hại trên cây trồng luôn có chiều hướng phát sinh; diện tích đất dành cho phát triển chăn nuôi, thuỷ sản của tỉnh bị thu hẹp để phát triển công nghiệp, đô thị, dịch vụ.
II. KẾT QUẢ TỔ CHỨC THỰC HIỆN PHONG TRÀO THI NĂM 2024
1. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện phong trào thi đua
Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nam đã quan tâm chỉ đạo, triển khai các phong trào thi đua yêu nước bám sát với các chỉ tiêu, nhiệm vụ của ngành, gắn với tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, triển khai Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 07/4/2014 của Bộ Chính trị “Về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng", Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh", thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các quy định của pháp luật về công tác thi đua khen thưởng như: Luật Thi đua khen thưởng năm 2022, Nghị định, Thông tư, các văn bản hướng dẫn về công tác thi đua khen thưởng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân tỉnh tới từng phòng, đơn vị và cán bộ công chức, viên chức, người lao động trong toàn Sở; ban hành các văn bản chỉ đạo và hưởng ứng các phong trào thi đua, cụ thể như sau:
- Kế hoạch số 08/KH-SNN ngày 19/02/2024 về công tác Thi đua, Khen thưởng;
- Kế hoạch số 23/KH-SNN ngày 22/4/2024 về Phát động phong trào thi đua năm 2024;
- Quyết định số 43/QĐ-SNN ngày 21/5/2024 về việc thành lập Khối thi đua các phòng, đơn vị trực thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nam;
- Quyết định số 104/QĐ-SNN ngày 30/10/2024 về việc kiện toàn thành viên Hội đồng Thi đua, Khen thưởng Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nam;
- Quyết định số 119/QĐ-SNN ngày 13/11/2024 về việc công nhận Trưởng khối, Phó trưởng khối thi đua các đơn vị năm 2024;
- Quyết định số 120/QĐ-SNN ngày 13/11/2024 về việc ban hành Tiêu chí thi đua, phương thức đánh giá, bình xét khen thưởng của Khối thi đua các đơn vị thuộc Sở Nông nghiệp & PTNT năm 2024;
- Quyết định số 121/QĐ-SNN ngày 13/11/2024 về việc Ban hành Quy chế hoạt động của Khối thi đua các đơn vị thuộc Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nam;
Phát hiện, xây dựng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong lao động sản xuất và các phong trào thi đua góp phần nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt và là động lực quan trọng thúc đẩy phong trào thi đua ngày càng mạnh mẽ.
Lãnh đạo Sở đã chỉ đạo các phòng, đơn vị cần quan tâm phát động các phong trào thi đua, tập trung thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua trọng tâm như:
- Phong trào thi đua “Toàn ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chung sức xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, nông dân giàu có, nông thôn văn minh" giai đoạn 2021-2025 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát động;
- Phong trào thi đua “Chung sức xây dựng nông thôn mới" tỉnh Hà Nam giai đoạn 2021-2025;
- Phong trào thi đua “Đẩy mạnh cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh Hà Nam giai đoạn 2023-2025" gắn với việc thực hiện Phong trào thi đua “Cán bộ, công chức, viên chức thực hiện văn hoá công sở" giai đoạn 2019-2025, góp phần nâng cao văn hóa công sở, đạo đức công vụ, hình thành phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức;
- Phong trào thi đua “Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí" tỉnh Hà Nam;
- Phong trào thi đua “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023-2030" trên địa bàn tỉnh Hà Nam.
2. Kết quả thực hiện các chỉ tiêu phát triển của ngành
2.1. Sản xuất nông nghiệp
a. Lĩnh vực trồng trọt - lâm nghiệp
* Lĩnh vực Trồng trọt
Diện tích lúa vụ Xuân 2024 toàn tỉnh gieo cấy được 27.807,6 ha, đạt 100,47% kế hoạch, năng suất lúa toàn tỉnh đạt 67,3 tạ/ha (cao hơn so với vụ Xuân 2023: 0,1 tạ/ha); sản lượng đạt 187.017,9 tấn. Kết quả gieo trồng các cây màu vụ Xuân 2024: diện tích các cây màu vụ xuân 2024 gieo trồng 5.045,3 ha.
Diện tích lúa Vụ Mùa năm 2024: toàn tỉnh gieo cấy được 28.213,27 ha, đạt 100,38% kế hoạch. Diện tích các cây màu vụ Hè Thu đã gieo trồng 3.492,5 ha, đạt 108,7% kế hoạch.
* Lĩnh vực lâm nghiệp
Ngay từ đầu năm Sở đã chỉ đạo đơn vị chuyên môn rà soát, bám sát cơ sở, thường xuyên kiểm tra, kiểm soát nắm vững tình hình địa bàn, đề xuất tham mưu kịp thời cho lãnh đạo đơn vị và chính quyền các địa phương đưa ra những giải pháp, biện pháp kịp thời bảo vệ và phát triển rừng. Vận động nhân dân tham gia thực hiện công tác bảo vệ, phát triển rừng và phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR); hướng dẫn các tổ, đội bảo vệ rừng làm tốt công tác PCCCR; đảm bảo thực hiện phương châm 4 tại chỗ khi có cháy rừng xảy ra (đến thời điểm ngày 20/11/2024 không xảy ra cháy rừng trên địa bàn tỉnh), triển khai công tác bảo vệ rừng, phát triển rừng, công tác tăng cường tuần tra, phát hiện, xử lý những vi phạm chặt phá rừng, buôn bán gỗ, động vật hoang dã trái phép. Triển khai thực hiện công tác bảo vệ rừng với diện tích 2.935,1 ha.
b. Lĩnh vực Chăn nuôi - thú y - thuỷ sản
* Lĩnh vực chăn nuôi - thú y
Sản xuất chăn nuôi trong năm 2024 trên địa bàn tỉnh tiếp tục được duy trì ổn định và phát triển theo hướng tăng quy mô chăn nuôi trang trại, giảm dần chăn nuôi nông hộ trong khu dân cư. Kết quả cụ thể như sau:
- Đàn lợn ước đạt 375 nghìn con giảm 1,41% so với năm 2023; sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng ước đạt 72.050,5 tấn tăng 0,21% so với năm 2023.
- Đàn gia cầm ước đạt 8.900 nghìn con tăng 0,31% so với năm 2023; sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng ước đạt 25.043 tấn tăng 1,31% so với năm 2023.
- Đàn trâu bò ước đạt 36.600 giảm 2,41% so với năm 2023. Trong đó đàn bò sữa ước đạt 4.400 con giảm 5,9% so với năm 2023. Sản lượng thịt trâu, bò ước đạt 2607 tấn tăng 0,2% so với năm 2023; sản lượng sữa tươi ước đạt 11.600 tấn và giảm 1,69% so với năm 2023.
* Lĩnh vực thủy sản
Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh ước đạt 5.550 ha, giảm 1,6% so với cùng kỳ năm trước và bằng 100,9% so với kế hoạch. Trong đó diện tích nuôi cá truyền thống khoảng 5.500 ha, diện tích nuôi thuỷ đặc sản (cá chuối hoa, cá lóc bông, cá trắm đen, ốc nhồi, tôm, ba ba, ếch, lươn,...) khoảng 50 ha, tăng 15 ha so với cùng kỳ; duy trì ổn định với 560 lồng, tổng thể tích ước đạt 61.260m3. Tổng sản lượng thuỷ sản ước đạt 24.900 tấn, đạt 102,8% kế hoạch. Sản lượng thuỷ sản nuôi trồng ước đạt 24.400 tấn.
2.2. Công tác nước sạch nông thôn, thuỷ lợi, đê điều và phòng chống thiên tai
Sở đã chỉ đạo đơn vị chuyên môn bám sát chức năng nhiệm vụ, thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, nguồn nước, chỉ đạo Công ty Khai thác Công trình Thủy lợi tỉnh làm tốt công tác tưới tiêu cho các loại cây trồng trong khung thời vụ cho phép, chỉ đạo các địa phương kiểm tra, đánh giá hiện trạng và kịp thời xử lý các sự cố về đê, kè, cống trước mùa mưa bão, đặc biệt là ứng phó với đợt mưa lũ cuối tháng 7, đầu tháng 8, cơn bão số 3 (Yagi) và đợt lũ lịch sử trên 2 hệ thống sông Hồng, sông Đáy đầu tháng 9; thường xuyên tổ chức kiểm tra, ngăn chặn và xử lý hành vi vi phạm pháp luật về đê điều, thủy lợi và phòng chống thiên tai; làm tốt công tác quản lý khai thác, sử dụng, bảo vệ các công trình nước sạch nông thôn; thường xuyên tổ chức kiểm tra, ngăn chặn và xử lý hành vi vi phạm pháp luật về đê điều, thủy lợi và phòng chống thiên tai. Tổ chức thực hiện lập dự án duy tu, bảo dưỡng, xử lý sạt lở đê kè.
Phối hợp với các địa phương chỉ đạo, kiểm tra, giải tỏa vi phạm hành lang
bảo vệ công trình thủy lợi, rà soát lại các công trình thuỷ lợi, đê điều trước mùa
mưa bão. Cùng các ngành chức năng tổ chức kiểm tra và ngăn chặn, xử lý các vi
phạm Luật Đê điều; Luật phòng, chống thiên tai; Luật thủy lợi; tổ chức thực hiện kế hoạch duy tu bảo dưỡng đê điều năm 2024, các Kế hoạch: Xử lý mối các kho vật tư dự trữ phòng, chống thiên tai năm 2024, thực hiện nghiêm túc công tác thường trực phòng chống thiên tai trong năm 2024. Phối hợp với các công ty KTCTTL chỉ đạo với các địa phương tổ chức các hoạt động lưu thông dòng chảy như phát quang các bụi rậm, trục vớt các vật cản trên sông; chủ động triển khai các nhiệm vụ Quỹ PCTT năm 2024, truy thu Quỹ PCTT từ năm 2018-2023; thực hiện ký hợp đồng với Đài khí tượng thủy văn khu vực đồng bằng Bắc Bộ cung cấp thông tin dự báo khí tượng thủy văn tỉnh Hà Nam; tổ chức Hướng dẫn các Sở, ban, ngành, địa phương hoàn thiện hồ sơ cấp biển “Xe hộ đê" của tỉnh năm 2024, đồng thời đề nghị Cục Quản lý Đê điều và PCTT cấp biển “Xe hộ đê" quốc gia cho Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh; tổ chức các lớp tập huấn kiến thức, kỹ năng cho lực lượng xung kích PCTT cấp xã có đê từ cấp III trở lên trên địa bàn huyện Lý Nhân và huyện Thanh Liêm; tham mưu, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện tổ chức Hội nghị tổng kết công tác PCTT&TKCN năm 2024, phương hướng nhiệm vụ năm 2025 của tỉnh.
2.3. Công tác phát triển nông thôn
Đến nay tỉnh Hà Nam có 83/83 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 29 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 19 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu; 100% số đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới.
Thường xuyên phối hợp, đôn đốc các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các xã rà soát thực hiện duy trì, nâng cao chất lượng các chỉ tiêu, tiêu chí đã đạt chuẩn xã NTM, kiểu mẫu đã được công nhận. Hoàn thiện hồ sơ, trình UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2023 cho 17 xã. Triển khai việc đăng ký và xây dựng Đề án, Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2024. Trình UBND tỉnh ban hành Quyết định số 26/2024/QĐ-UBND ngày 19/6/2024 sửa đổi tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí xã NTM, xã NTM nâng cao, huyện NTM, huyện NTM nâng cao trên địa bàn tỉnh Hà Nam giai đoạn 2021 – 2025. Đôn đốc các địa phương đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP năm 2023 và triển khai, thực hiện Kế hoạch thực hiện Chương trình OCOP năm 2024, đăng ký ý tưởng thực hiện Chương trình OCOP năm 2024. Tính tới thời điểm hiện tại, tỉnh Hà Nam có 130 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên (trong đó có 113 sản phẩm đạt hạng 3 sao, 17 sản phẩm đạt hạng 4 sao). Phối hợp với các cơ quan, tổ chức trong việc tuyên truyền về Chương trình OCOP.
Tham mưu trình UBND tỉnh ban hành các kế hoạch thực hiện về công tác
bảo tồn và phát triển làng nghề 2024 – 2025, phát triển Hợp tác xã nông nghiệp trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh. Chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố nâng cao việc thực hiện công tác quản lý ngành nghề nông thôn, làng nghề; tham vấn phương án bảo vệ môi trường làng nghề tiểu thủ công nghiệp tại xã Văn Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam; xây dựng kế hoạch, tổ chức kiểm tra tình hình hoạt động sản xuất, kinh
doanh và thực hiện các tiêu chí làng nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh, kiểm tra, rà soát thực tế tại 3 xã Hòa Hậu huyện Lý Nhân, xã Thanh Hà huyện Thanh Liêm, xã Liêm Tuyền thành phố Phủ Lý. Phối hợp với phòng Nông nghiệp & PTNT các huyện, phòng Kinh tế thị xã, thành phố triển khai, hướng dẫn tổ chức Đại hội thành viên HTX Nông nghiệp nhiệm kỳ 2024-2029 và tổ chức nghiệm thu thực tế đối với các máy đề nghị hỗ trợ cơ giới hóa năm 2024.
2.4 Lĩnh vực quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản
Làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật thông qua phương tiện truyền thông thông tin như Báo Hà Nam, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Đài phát thanh tại các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh về công tác đảm bảo an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán, mùa lễ hội xuân.
Tổ chức tập huấn cho hơn 200 người là cán bộ lãnh đạo, cán bộ làm công tác
quản lý chất lượng an toàn thực phẩm trên địa tỉnh về an toàn thực phẩm và hướng dẫn nhiệm vụ triển khai công tác quản lý chất lượng, chế biến và phát triển thị trường, văn bản quy phạm pháp luật về An toàn thực phẩm.
Tiếp tục thực hiện hỗ trợ, kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản an toàn, phát triển thị trường nông sản như hỗ trợ cơ sở, doanh nghiệp tham gia gian hàng giới thiệu hơn 100 sản phẩm nông lâm thuỷ sản tại Phúc Thọ, Quốc Oai, Đông Anh, Từ Liêm, Sơn Tây - Hà Nội; Thái Nguyên; Tuyên Quang. Tổ chức tuần lễ giới thiệu và trưng bày sản phẩm OCOP, đặc sản, nông sản an toàn tại tỉnh Hà Nam năm 2024; phối hợp tổ chức trưng bày sản phẩm OCOP phục vụ tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia tại Công an Tỉnh Hà Nam; diễn đàn xúc tiến thương mại trong nước do Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công thương tổ chức; trưng bày sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh, được chứng nhận OCOP tại Lễ kỷ niệm 30 năm “Hành trình đảm bảo chất lượng nông lâm thủy sản" do Bộ Nông nghiệp & PTNT tổ chức.… Hỗ trợ các doanh nghiệp đưa các sản phẩm nông lâm thủy sản lên Hệ thống truy xuất nguồn gốc nông lâm thủy sản thực phẩm tỉnh Hà Nam (website: https://hna.check.net.vn/)...
Lấy mẫu test nhanh 320 mẫu giò chả kiểm tra hàn the, 200 mẫu rau củ quả
kiểm tra đa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Kết quả 100% các mẫu âm tính.
2.5. Lĩnh vực Khuyến nông
Tổ chức gian hàng quảng bá các sản phẩm nông nghiệp tại lễ hội Tịch Điền Đọi Sơn năm 2024, gian hàng trưng bày giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu (OCOP) tại Vincom Plaza, thành phố Phủ Lý và Hội thi "Vận hành cấy máy giỏi tỉnh Hà Nam năm 2024" tại xã Đồng Du. Phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc Gia tổ chức diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp với chủ đề với chủ đề “Giải pháp phát triển chăn nuôi an toàn sinh học tạo sản phẩm an toàn thực phẩm nhằm phát triển chăn nuôi bền vững" tại Hà Nam với 200 đại biểu gồm đại diện các đơn vị trực thuộc Bộ Nông nghiệp & PTNT, Trung tâm Khuyến nông các tỉnh Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Thái Nguyên, Bắc Giang; Hiệp hội chăn nuôi, các doanh nghiệp; các tổ chức Quốc tế: FAO, JICA Nhật Bản, HIS; đại diện các hộ chăn nuôi tiêu biểu của các tỉnh Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Thái Nguyên, Bắc Giang và các tổ chức Báo, Đài Trung ương và địa phương.
Sở đã chỉ đạo đơn vị chuyên môn tập trung theo dõi, nắm bắt tình hình, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong các Khu quy hoạch sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đồng thời tiếp tục mời gọi, thu hút doanh nghiệp nghiên cứu đầu tư tại các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong và ngoài quy hoạch; phối hợp với các địa phương khảo sát, lựa chọn địa điểm triển khai các mô hình chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật thuộc Đề án, dự án sự nghiệp năm 2024; tổ chức triển khai 21 lớp tập huấn với hơn 1.706 lượt người tham gia; 02 đoàn tham quan các mô hình sản xuất nông nghiệp áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm về lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản tại 04 tỉnh: Bắc Giang, Lạng Sơn, Hải Dương và thành phố Hải Phòng năm 2024 với tổng số 72 thành viên là các lãnh đạo, chuyên viên, viên chức của các đơn vị trực thuộc Sở Nông nghiệp & PTNT; Phòng Nông nghiệp & PTNT, Phòng Kinh tế, Trung tâm DVNN các huyện, thị xã, thành phố.
Xuất bản Bản tin nông nghiệp nông thôn số 01, 02 năm 2024 cấp phát miễn phí cho các phòng, đơn vị thuộc Sở, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp các huyện, thị xã, thành phố, khuyến nông viên cơ sở và các HTX trong toàn tỉnh; thu thập tin bài và xây dựng Bản tin nông nghiệp nông thôn số 03. Duy trì hoạt động của trang Website khuyến nông Hà Nam từ tháng 1 năm 2024 đến nay, mỗi tuần đăng từ 2-3 tin bài, đến nay đã có trên 1.500 lượt truy cập.
Tóm lại: Tổng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản ước đạt 8.596 tỷ đồng (theo giá so sánh 2010), tăng 0,63% so với năm 2023.
- Về Nông nghiệp: 7.765 tỷ đồng (Trồng trọt 3.385 tỷ đồng; Chăn nuôi 3.900 tỷ đồng; Dịch vụ 480 tỷ đồng).
- Lâm nghiệp: 16,3 tỷ đồng.
- Thủy sản: 814,7 tỷ đồng.
3. Kết quả thực hiện các phong trào thi đua nổi bật
Hưởng ứng phong trào thi đua năm 2024 do Ủy ban nhân dân tỉnh phát động với chủ đề: “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc" với phương châm “Kỷ cương, trách nhiệm; chủ động, kịp thời; tăng tốc, sáng tạo; hiệu quả, bền vững", Sở Nông nghiệp và & PTNT đã xây dựng kế hoạch tổ chức phát động phong trào thi đua trong toàn ngành nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, thực hiện các phong trào thi đua nổi bật như:
- Phong trào thi đua “Chung sức xây dựng nông thôn mới" tỉnh Hà Nam giai đoạn 2021-2025:
Đến nay tỉnh Hà Nam có 83/83 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 29 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 19 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu; 100% số đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Đôn đốc triển khai đến các huyện, thị xã, thành phố đăng ký xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2024. Kết quả đến nay 15 xã đăng ký xã đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2024; 02 xã đăng ký đạt chuẩn NTM kiểu mẫu năm 2024. Phấn đấu có 13 xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao, có từ 01 - 02 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
- Phong trào thi đua “Đẩy mạnh cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh Hà Nam giai đoạn 2023-2025" gắn với việc thực hiện Phong trào thi đua “Cán bộ, công chức, viên chức thực hiện văn hoá công sở" giai đoạn 2019-2025:
Xác định công tác Cải cách hành chính (CCHC) là nhiệm vụ trọng tâm, Đảng ủy, Ban Giám đốc Sở chỉ đạo các phòng, đơn vị trực thuộc Sở tổ chức triển khai thực hiện tốt Kế hoạch công tác CCHC của ngành năm 2024; đảm bảo tính thống nhất trong tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể và công chức, viên chức về các chủ trương, nhiệm vụ và giải pháp CCHC chính gắn với việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao. Nhiệm vụ CCHC là một trong các cơ sở để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ, năng lực lãnh đạo, điều hành và trách nhiệm của thủ trưởng các phòng, đơn vị trực thuộc Sở, là một trong những tiêu chí đánh giá bình xét danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng cho tập thể, cá nhân và đánh giá phân loại công chức, viên chức hàng năm.
Công chức, viên chức và người lao động thuộc Sở đều thực hiện nghiêm túc, đúng quy định về văn hóa công sở tại nơi làm việc và trong hoạt động công vụ. Và đây cũng là tiêu chí làm cơ sở để Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Sở xét, đánh giá thi đua, đánh giá và xếp loại vào dịp cuối năm.
- Phong trào thi đua “Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí" tỉnh Hà Nam:
Sở Nông nghiệp & PTNT đã ban hành Kế hoạch số 22/KH-SNN ngày 04/4/2023 về Triển khai phong trào thi đua “Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí" tạo khí thế thi đua sôi nổi, phát huy sức mạnh trong đẩy mạnh xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội đồng bộ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong đời sống xã hội tới toàn thể công chức, viên chức, người lao động thuộc Sở và vận động toàn dân tham gia xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn đồng bộ, hiện đại.
- Phong trào thi đua “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023-2030" trên địa bàn tỉnh Hà Nam:
Sở Nông nghiệp & PTNT đã ban hành Kế hoạch số 18/KH-SNN ngày 05/4/2024 về Triển khai thực hiện Phong trào “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023-2030"; Kế hoạch số 19/KH-SNN ngày 05/4/2024 về Triển khai xây dựng Đơn vị học tập của Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh Hà Nam năm 2024 tạo cơ hội và điều kiện cho công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị được học tập thường xuyên, học tập nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ và trình độ lý luận chính trị. Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức và người lao động làm công tác đủ trình độ chuyên môn, năng lực, phẩm chất đạo đức, chính trị, có kỹ năng và phương pháp thực thi công vụ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng cơ quan hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị.
- Phong trào thi đua thực hiện nhiệm vụ Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2024: Chỉ đạo các địa phương kiểm tra, đánh giá hiện trạng và kịp thời xử lý các sự cố về đê, kè, cống trước mùa mưa bão; xây dựng các phương án hộ đê bảo vệ trọng điểm xung yếu, phương án đảm bảo an toàn vùng ngập lụt khi chuyển lũ vào sông Đáy và Kế hoạch tìm kiếm cứu nạn khi vỡ đê. Triển khai công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2024.
III. ĐÁNH GIÁ CHUNG
1. Ưu điểm
Công tác thi đua, khen thưởng luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Đảng ủy, Lãnh đạo Sở; Công tác triển khai và ban hành các văn bản quản lý nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng của Sở được chú trọng theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng. Thực hiện tốt việc tổ chức phát động thi đua gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của của địa phương, cơ quan, đơn vị, tạo không khí thi đua sôi nổi góp phần hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của tỉnh. Việc xét các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng được thực hiện chặt chẽ theo đúng quy định, khen thưởng đúng người, đúng thành tích, kịp thời động viên, cổ vũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động có thành tích xuất sắc góp phần quan trọng vào thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ được giao.
2. Tồn tại, hạn chế
- Phong trào thi đua có nơi chưa được phát động sâu rộng, thường xuyên hoặc chưa được lồng ghép với các phong trào, các nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.
- Việc tổ chức, triển khai và thực hiện công tác thi đua ở một số đơn vị trực thuộc chưa được duy trì thường xuyên nên việc phát hiện, bồi dưỡng và nhân rộng những tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến còn có mặt hạn chế.
IV. PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ CÔNG TÁC THI ĐUA NĂM 2025
- Tiếp tục thực hiện quyết liệt Nghị quyết số 15-NQ/TU của Tỉnh ủy về đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, các chương trình, đề án, dự án đã được UBND tỉnh phê duyệt.
- Tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí của công tác thi đua khen thưởng trong toàn ngành; tranh thủ sự lãnh đạo của UBND tỉnh và của Bộ Nông nghiệp & PTNT về các lĩnh vực của ngành. Thực hiện nghiêm túc Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 và các văn bản hướng dẫn về công tác thi đua, khen thưởng.
- Đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp tổ chức thi đua, gắn nội dung thi đua với việc động viên, khuyến khích toàn thể cán bộ, công chức, viên chức trong toàn ngành tham gia tích cực các phong trào thi đua. Công tác thi đua bám sát với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, các chương trình hành động, các nhiệm vụ trọng tâm của ngành.
- Tổ chức sơ kết và tổng kết các phong trào thi đua, hướng dẫn và tổ chức bình xét thi đua khen thưởng cuối năm 2025.
Trên đây là báo cáo kết quả công tác thi đua khen thưởng năm 2024, phương hướng nhiệm vụ năm 2025, Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh Hà Nam trân trọng báo cáo./.