Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia, vào hồi 04 giờ 00, ngày 05/9/2024, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,1 độ Vĩ Bắc; 116,0 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Bắc khu vực Bắc Biển Đông, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 550 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 15 (167-183 km/h), giật trên cấp 17, di chuyển theo hướng Tây, tốc độ khoảng 10 km/h. Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10-15 km. Đến 4 giờ ngày 06/9/2024, vị trí tâm bão ở khoảng 19,7 độ Vĩ Bắc; 112,0 độ Kinh Đông, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 210 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 16, giật cấp 17.
Theo nhận định của Đài KTTV tỉnh Hà Nam: Trên địa bàn tỉnh Hà Nam từ sáng ngày 07/9/2024 có gió mạnh cấp 5, cấp 6, sau tăng lên cấp 7, cấp 8, giật cấp 9. Mưa lớn, từ đêm ngày 06 đến ngày 08/9/2024, tỉnh Hà Nam có mưa to đến rất to và dông, lượng mưa phổ biến: 200 – 350 mm, có nơi trên 400 mm.
Để chủ động ứng phó, hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão gây ra, Sở Nông nghiệp & PTNT yêu cầu các đồng chí thành viên Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và TKCN Sở, thủ trưởng các phòng, đơn vị trực thuộc một số nội dung sau:
1. Theo dõi sát thông tin dự báo, diễn biến tình hình bão, mưa, lũ, trên các phương tiện thông tin đại chúng để kịp thời chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó theo phương châm “bốn tại chỗ" theo nhiệm vụ, thẩm quyền được giao, không để bị động, bất ngờ; thông báo cho công chức, viên chức và người lao động trong đơn vị biết để chủ động phòng tránh và có kế hoạch làm việc phù hợp, đảm bảo an toàn cho người và tài sản. Duy trì thông tin liên lạc nhằm xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.
2. Kiểm tra, rà soát, chủ động xây dựng phương án bảo vệ người và tài sản của phòng, đơn vị hoặc sơ tán đến vị trí an toàn; triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn: cắt tỉa cành cây, hệ thống điện lưới, chằng chống, gia cố phòng làm việc, kho tàng,… đảm bảo tuyệt đối an toàn và an ninh trật tự.
3. Tổ chức nghiêm túc công tác trực ban, theo dõi chặt chẽ tình hình, diễn biến bão số 3 và mưa lớn để chủ động, đôn đốc các đơn vị triển khai công tác ứng phó phù hợp với diễn biến thực tế, kịp thời báo cáo, đề xuất Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn của Sở để tổng hợp, báo cáo Lãnh đạo Sở.
Ngay sau khi cơn bão kết thúc, các đồng chí thành viên Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và TKCN Sở, thủ trưởng các phòng, đơn vị trực thuộc Sở kiểm tra, đánh giá sơ bộ và báo cáo nhanh với lãnh đạo Sở phụ trách tình hình phòng, chống bão tại đơn vị; sự cố, hậu quả do bão gây ra, tình hình sản xuất tại các địa phương thuộc lĩnh vực được giao (qua Văn phòng), sau đó tổng hợp báo cáo chính thức bằng văn bản.
Yêu cầu các phòng, đơn vị trực thuộc Sở nghiêm túc thực hiện./.