1. Tên dự án: “Xây dựng mô hình nuôi vịt thương phẩm theo hướng hữu cơ gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm"
2. Đơn vị thực hiện dự án: Trung tâm Khuyến nông Hà Nam.
3. Đơn vị phối hợp thực hiện:
- Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kim Bảng.
- Các HTX DVNN và các hộ nông dân tham gia dự án.
4. Thời gian thực hiện: trong năm 2023
5. Tổng kinh phí thực hiện dự án: 1.098.290.000 đ (Một tỷ không trăm tám chín triệu hai trăm chín mươi nghìn đồng)
Trong đó:
- Kinh phí SNKHNLN của tỉnh: 500.000.000 đ
- Kinh phí của dân là: 589.290.000 đ
Trong những năm qua, chăn nuôi vịt phát triểm mạnh trên địa bàn tỉnh Hà Nam. Một mặt do lợi nhuận từ chăn nuôi vịt so với những con nuôi khác có phần ổn định hơn, thời gian nuôi ngắn mức độ quay vòng nhanh. Mặt khác, thịt vịt nhiều dưỡng chất, giá thành rẻ hơn so với các loại thịt khác. Do vậy, người tiêu dùng đang có xu hướng chọn thịt vịt để cung cấp đạm động vật cho bữa ăn hàng ngày.
Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua do ảnh hưởng của dịch bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, nhiều hộ chăn nuôi lợn chuyển đổi sang chăn nuôi gia cầm trong đó có con vịt. Do chăn nuôi ồ ạt không có quy hoạch, không liên kết được đầu ra dẫn đến sản phẩm bị dư thừa, giá cả không ổn định; kinh nghiệm chăn nuôi vịt chưa có nhiều nên việc chăm sóc, quản lý dịch bệnh cho đàn vịt chưa tốt, chất lượng thịt vịt không đảm bảo. Trong khi đó, người tiêu dùng yêu cầu về chất lượng và độ an toàn của thịt vịt ngày một cao.
Với mong muốn góp phần đẩy mạnh phát triển nghề nuôi vịt của tỉnh nhà theo hướng tạo ra sản phẩm an toàn và tiến tới truy xuất nguồn gốc. Trung tâm Khuyến nông Hà Nam đề xuất dự án “Xây dựng mô hình nuôi vịt thương phẩm theo hướng hữu cơ gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm".
Mục tiêu của dự án
- Giảm thiểu dịch bệnh, tăng năng suất chăn nuôi. Nâng cao chất lượng thịt vịt, đưa sản phẩm vào chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm bền vững.
- Trang bị kiến thức kỹ thuật chăn nuôi hữu cơ cho người chăn nuôi.
- Kết quả mô hình là cơ sở để khuyến cáo tuyên truyền đề xuất các giải pháp mở rộng mô hình trong những năm tiếp theo, hướng tới phát triển chăn nuôi hữu cơ
Quy mô, địa điểm và thời gian thực hiện
- Quy mô: 13.000 con
- Số hộ tham gia: 13 hộ
- Địa điểm: triển khai tại một số xã thuộc huyện Kim Bảng tỉnh Hà Nam
- Thời gian thực hiện: Năm 2021
Quy trình kỹ thuật áp dụng
Thực hiện quy trình thực hành chăn nuôi tốt cho chăn nuôi vịt thịt an toàn và vận dụng Tiêu chuẩn quốc gia (TCVN 11041-3 : 2017) Nông nghiệp hữu cơ – Phần 3: Chăn nuôi hữu cơ (chi tiết tại phụ lục 2).
Các tiêu chí theo dõi và đánh giá
Theo dõi và đánh giá các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật đối với chăn nuôi lợn thịt như sau:
- Theo dõi và đánh giá các chỉ tiêu:
+ Tốc độ tăng trọng
+ Chỉ số tiêu tốn thức ăn/kg tăng trọng
- Hiệu quả kinh tế.
- Theo dõi sự tiếp thu và áp dụng quy trình kỹ thuật của người dân trong khi làm mô hình.
Dự toán kinh phí thực hiện (chi tiết tại Phụ lục 1)
Giải pháp tổ chức thực hiện
6.1. Giải pháp về kỹ thuật
a. Giải pháp về giống
Khi thực hiện chăn nuôi hữu cơ cần ưu tiên lựa chọn các giống vịt bản địa hoặc giống vịt bản địa lai vì các giống này có sức chống chịu tốt, chất lượng thịt thơm ngon, số lượng và chất lượng theo đúng yêu cầu của mô hình. Vịt được mua từ các cơ sở sản xuất con giống có uy tín, chất lượng, kiểm dịch của cơ quan thú y.
b. Thức ăn
Thức ăn được lựa chọn là thức ăn có nguồn gốc hữu cơ được chế biến sẵn hoặc tự phối trộn đảm bảo dinh dưỡng theo từng giai đoạn sinh trưởng và phát triển của vịt, không dùng các loại thức ăn bổ sung kích thích tăng trọng
c. Chuồng trại
Chuồng trại được xây dựng và cải tạo đảm bảo các yêu cầu để thực hiện các biện pháp an toàn sinh học, bố trí diện tích phù hợp với tiêu chuẩn kỹ thuật, chuồng nhốt diện tích 10 con/m2, chỗ chăn thả 4,5m2/con.
d. Phòng trừ dịch bệnh
Thực hiện phòng bệnh cho vịt bằng các biện pháp nâng cao sức đề kháng cho vịt. Khi có dịch bệnh xảy ra ưu tiên dùng các thuốc có nguồn gốc thảo dược để xử lý. Trong trường hợp thuốc thảo dược không xử lý được thì dùng các loại thuốc kháng sinh thông dụng để xử lý. Phòng bệnh bằng vaccine áp dụng quy trình phòng bệnh của ngành chăn nuôi. Các loại thuốc sát trùng được phun theo định kỳ, sử dụng thuốc sát trùng trong danh mục thuốc được lưu hành.
Giải pháp về vốn
Nguồn vốn để thực hiện mô hình bao gồm:
- Kinh phí SNKHNLN: 500.000.000đ.
- Vốn đối ứng của nông dân: 589.290.000đ.
Trong đó kinh phí SNKHNLN hỗ trợ 50 % các loại vật tư xây dựng mô hình như: thức ăn, vacxine, thuốc thú y, hóa chất sát trùng. Số còn lại hộ phải đối ứng theo đúng yêu của dự án.
Tiêu thụ sản phẩm
Để đảm bảo phát triển chăn nuôi ổn định, theo tiêu chí của dự án. Trung tâm Khuyến nông Hà Nam giới thiệu các đơn vị thu mua vịt thịt ký hợp đồng với các hộ tham gia dự án để bao tiêu sản phẩm đầu ra.
Giải pháp tổ chức chỉ đạo
a. Khảo sát chọn điểm, chọn hộ
Trung tâm Khuyến nông phối hợp với Phòng kinh tế, Phòng Nông nghiệp & PTNT; UBND xã, phường; HTX DVNN chọn địa điểm triển khai mô hình theo tiêu chí:
* Tiêu chí chọn điểm: Các xã được chọn tham gia mô hình phải:
- Nằm trong vùng quy hoạch và trọng điểm chăn nuôi, có nhu cầu áp dụng kỹ thuật chăn nuôi vịt thịt theo hướng hữu cơ gắn liền với tiêu thụ sản phẩm và hướng tới truy xuất nguồn gốc.
* Tiêu chí chọn hộ:
- Hộ chăn nuôi:
+ Quy mô chăn nuôi tối thiểu từ 1.000 con vịt thịt trở lên
+ Có địa điểm để thực hiện mô hình trình diễn phù hợp với nội dung, quy trình kỹ thuật của dự án
+ Cam kết đầu tư vốn đối ứng cho mô hình phù hợp với yêu cầu kỹ thuật của dự án.
+ Chưa nhận hỗ trợ từ bất kỳ nguồn kinh phí nào của ngân sách nhà nước cho cùng một nội dung của mô hình.
Ngoài ra, hộ được chọn tham gia dự án phải là người sống tại địa phương, tự nguyện tham gia Dự án và cam kết tuân thủ quy trình kỹ thuật, các hướng dẫn, các quy định của dự án; có đầy đủ điều kiện như chuồng nuôi, các dụng cụ, thiết bị cần thiết phục vụ công tác chăn nuôi, có nguồn nhân lực tốt (người có sức khỏe, kiến thức, kinh nghiệm và nhiệt tình). Có khả năng tiếp thu kiến thức khoa học kỹ thuật, có ý thức cộng đồng trong phát triển chăn nuôi hữu cơ.
b. Tập huấn kỹ thuật
Trung tâm Khuyến nông cử cán bộ kỹ thuật tiến hành tập huấn kỹ thuật cho các hộ nông dân tham gia mô hình trước khi triển khai dự án.
c. Phân công cán bộ chỉ đạo chung của mô hình
Phân công cán bộ kỹ thuật có trình độ chuyên môn là kỹ sư chăn nuôi thú y, có kinh nghiệm trong việc triển khai mô hình để chỉ đạo điểm, theo dõi và hướng dẫn trực tiếp tại các điểm mô hình.
d. Tổ chức thực hiện
- Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Lãnh đạo Sở Nông nghiệp & PTNT, Trung tâm Khuyến nông Hà Nam phối hợp với Phòng NN & PTNT huyện Kim Bảng, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thực hiện dự án. Có cán bộ kỹ thuật phụ trách chăn nuôi kết hợp với cán bộ chỉ đạo mô hình tìm điểm xây dựng mô hình, tập huấn trong mô hình cho các hộ chăn nuôi về quy trình chăn nuôi vịt thịt theo hướng hữu cơ. Hướng dẫn và giám sát việc tiêm phòng vaccine, thực hiện việc vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi, xử lý chất thải chăn nuôi.
- Đối với xã thực hiện dự án: Thành phần tham gia quản lý dự án bao gồm Hội đồng quản trị HTXDVNN và cán bộ kỹ thuật, có trách nhiệm tổ chức chỉ đạo, đôn đốc các hộ tham gia mô hình thực hiện đúng quy trình kỹ thuật. Các nội dung hỗ trợ phải đảm bảo đúng theo dự án và hoàn thiện đầy đủ các thủ tục hành chính.
- Đối với các hộ dân tham gia mô hình: Tự nguyện, có cơ sở vật chất đủ tiêu chuẩn, có khả năng tiếp thu và áp dụng tiến bộ KHKT. Cam kết thực hiện đúng và nghiêm túc sự hướng dẫn, chỉ đạo của Ban quản lý dự án, chính quyền địa phương và cán bộ kỹ thuật. Luôn tạo mọi điều kiện cho các đoàn đến tham quan học hỏi.
- Kết thúc dự án bàn giao mô hình cho địa phương hướng dẫn các hộ quản lý, vận hành, khai thác cũng như tiếp tục duy trì, xây mới mô hình nhân rộng.
e. Chế độ chính sách:
- Trung tâm Khuyến nông thống nhất với cơ sở xây dựng mô hình ngay từ đầu về kinh phí triển khai dự án theo cơ chế hỗ trợ sau đầu tư: hỗ trợ 50 % các loại vật tư xây dựng mô hình như: thức ăn, vaccine, thuốc thú y, hóa chất sát trùng theo định mức kỹ thuật.
- Trách nhiệm của các hộ tham gia: Tự lo các vật tư đối ứng theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật đảm bảo đủ số lượng, chất lượng.
- Họp dân công bố minh bạch cơ chế, bàn bạc thống nhất các bước thực hiện; phân công trách nhiệm, nhiệm vụ cho cán bộ kỹ thuật, chính quyền và nông dân.
Sản phẩm của dự án
- Áp dụng quy trình chăn nuôi vịt thịt theo hướng hữu cơ tạo ra sản phẩm thịt vịt an toàn gắn liền với tiêu thụ sản phẩm đáp ứng nhu cầu của người tiên dùng và làm tiền đề để phát triển chăn nuôi hữu cơ. Từ đó tuyên truyền và nhân rộng mô hình.
- Nông dân được tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi vịt thịt theo hướng hữu cơ sẽ có điều kiện tiếp thu kinh nghiệm, nâng cao kỹ thuật trong chăn nuôi, từ đó phát triển chăn nuôi theo chuỗi liên kết.
Hiệu quả của dự án
Như vậy khi nuôi 1.000 vịt không tính khấu hao chuồng trại người chăn nuôi thu được 23.240.000 đồng
Hiệu quả xã hội và môi trường
Chăn nuôi vịt thịt theo hướng hữu cơ có vai trò rất quan trọng trong việc sản xuất ra nguồn thực phẩm an toàn sẽ nâng cao giá trị sản xuất của người chăn nuôi góp phần nâng cao sức khỏe người tiêu dùng tạo sự bền vững trong chuỗi sản xuất hàng hóa trên thị trường, từng bước nâng cao thu nhập và đời sống người dân.
Việc chăn nuôi theo hướng hữu cơ trong đó áp dụng triệt để các biện pháp an toàn sinh học, sử dụng thức ăn có nguồn gốc hữu cơ từ đó hạn chế việc sử dụng bừa bãi kháng sinh, chất thải chăn nuôi thải ra môi trường cũng hạn chế tối đa việc ô nhiễm môi trường, đảm bảo sức khỏe cho người chăn nuôi cũng như trong công đồng.
Phương án phát triển sau khi kết thúc dự án
Duy trì các hộ thực hiện mô hình, tiếp tục theo dõi đánh giá, rút kinh nghiệm để hoàn thiện quy trình, tiến bộ kỹ thuật trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục xây dựng mô hình tại các địa phương khác để đánh giá và có cơ sở để phát triển chăn nuôi theo hướng hữu cơ.
Kết luận Dự án “Xây dựng mô hình nuôi vịt thương phẩm theo hướng hữu cơ gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm" là một mô hình mới trong chăn nuôi vịt thịt, góp phần tuyên truyền, phổ biến và ứng dụng vào sản suất chăn nuôi tạo ra thực phẩm an toàn, là tiền đề cho việc phát triển chăn nuôi hữu cơ giúp tăng hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi, đồng thời giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe khỏe cộng đồng.