Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) vừa được thông qua gồm 9 chương, với 152 điều, có hiệu lực từ ngày 1/1/2025.
Đáng chú ý, dự thảo Luật Tòa án nhân dân (sửa đổi) đã được chỉnh lý, cho phép ghi âm toàn bộ diễn biến phiên tòa, phiên họp; việc ghi hình chỉ được thực hiện trong thời gian khai mạc phiên tòa, phiên họp và tuyên án, công bố quyết định.
Trước đó, báo cáo giải trình về nội dung này trước khi đại biểu bấm nút thông qua, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga nêu rõ: Việc ghi âm, ghi hình phải bảo đảm quyền con người, quyền công dân; bảo đảm sự tôn nghiêm của phiên tòa, phiên họp và hoạt động thông tin theo quy định của pháp luật. Quá trình diễn ra phiên tòa, phiên họp, nhiều thông tin, chứng cứ được công bố nhưng chưa được kiểm chứng, nhất là thông tin về đời tư cá nhân, bí mật gia đình, bí mật kinh doanh… Các thông tin, chứng cứ này cần được Hội đồng xét xử xem xét, kết luận trong bản án, quyết định.
Do đó, dự thảo Luật Tòa án nhân dân sửa đổi đã được chỉnh lý: Cho phép ghi âm toàn bộ diễn biến phiên tòa, phiên họp; việc ghi hình chỉ được thực hiện trong thời gian khai mạc phiên tòa, phiên họp và tuyên án, công bố quyết định. Việc ghi âm, ghi hình nêu trên phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa, phiên họp, những người có liên quan theo quy định (khoản 3).
Đồng thời, trong trường hợp cần thiết để phục vụ nhiệm vụ chuyên môn, Tòa án tiến hành ghi âm, ghi hình diễn biến phiên tòa, phiên họp; việc sử dụng, cung cấp kết quả ghi âm, ghi hình của Tòa án được thực hiện theo quy định của pháp luật và giao Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao quy định chi tiết (khoản 4).
Về đổi mới Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp huyện theo thẩm quyền xét xử (khoản 1 Điều 4), do còn ý kiến khác nhau, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo xây dựng 2 phương án và xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội bằng phiếu.
Nội dung của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi).
A2. Luật Tổ chức Tòa án nhân dân sửa đổi.doc