Việc phòng bệnh cho đàn vật nuôi hiện nay là một điều vô cùng quan trọng và không thể thiếu trong quy trình chăn nuôi. Ở đâu còn bệnh truyền nhiễm xảy ra thì ở đó sản phẩm chăn nuôi sẽ bị đe dọa ngừng lưu thông, ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế của người dân. Do đó việc sử dụng vắc xin là một trong những biện pháp phòng bệnh chủ động, hiệu quả nhất cho đàn vật nuôi; khi đàn gia súc, gia cầm được tiêm phòng đúng, đủ các loại vắc xin, cơ thể vật nuôi sẽ tạo ra miễn dịch chủ động ngăn chặn dịch bệnh phát sinh và lây lan, giúp ngành chăn nuôi phát triển bền vững, đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe con người.
Để công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm đạt hiệu quả cần có sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương nhất là UBND các xã, phường, thị trấn.
Mỗi người chăn nuôi cần phải nâng cao ý thức, trách nhiệm chấp hành tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi của gia đình; phối hợp, hỗ trợ nhân viên thú y xã trong công tác tiêm phòng (chủ động theo dõi lịch tiêm phòng của thôn, liên hệ đăng ký tiêm vắc xin...) đảm bảo công tác tiêm phòng nhanh gọn, đúng quy trình.
Hình ảnh: Nhân viên thú y tiêm vắc xin cho vật nuôi tại xã Bối Cầu, huyện Bình Lục |
Những hộ chăn nuôi không chấp hành tiêm phòng cho đàn vật nuôi sẽ không được hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước khi có dịch xảy ra. Các hành vi không chấp hành quy định tiêm phòng, làm phát sinh dịch bệnh nguy hiểm ở gia súc, gia cầm phải chịu xử phạt hành chính theo qui định, cụ thể: theo Điều 7 Nghị định số 90/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 và Nghị định số 04/2020/NĐ-CP ngày 03/01/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 90/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017:
1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi không thực hiện việc phòng bệnh bằng vắc xin hoặc các biện pháp phòng bệnh bắt buộc khác cho động vật.
2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Không tiêm phòng vắc xin phòng bệnh Dại cho động vật bắt buộc phải tiêm phòng;
b) Không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng.