Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Hướng dẫn các biện pháp đảm bảo an toàn cho Đàn vật nuôi, thủy sản mùa mưa bão

Thông tin chỉ đạo, điều hành Ý kiến chỉ đạo, điều hành của thủ trưởng cơ quan  
Hướng dẫn các biện pháp đảm bảo an toàn cho Đàn vật nuôi, thủy sản mùa mưa bão
Công tác phòng chống, chăm sóc và bảo vệ vật nuôi trong mùa mưa bão là hoạt động cần thiết, quan trọng và có tính ưu tiên cao nhằm bảo vệ an toàn duy trì hoạt động bình thường cho vật nuôi. Người chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản cần thực hiện tốt và đồng bộ các giải pháp sau:
I. TRƯỚC MÙA MƯA BÃO
- Thường xuyên cập nhật bản tin dự báo thời tiết trên các phương tiện thông tin đại chúng của Trung ương và địa phương, các bản tin thông báo kết quả quan trắc, cảnh báo môi trường vùng nuôi,…; tích cực chăm sóc đàn vật nuôi để tăng khả năng chống chịu đối với tác động do thay đổi lớn về thời tiết, cũng như có biện pháp khắc phục hiệu quả khi mưa bão, lũ lụt hoặc dịch bệnh xảy ra.
- Thống kê số lượng, loại vật nuôi theo quy định.
1. Đối với chăn nuôi
- Hạn chế làm chuồng trại chăn nuôi tại những nơi có nguy cơ ngập lụt để tránh lũ và sạt lở đất (khu bãi bồi, khu trũng thấp …); cần chủ động nâng cao nền chuồng, làm chuồng tránh lũ, làm rèm che chắn để tránh mưa tạt, gió lùa;
- Thực hiện việc kiểm tra và giằng chống chuồng trại đảm bảo độ vững chắc, nếu chuồng nuôi lợp bằng vật liệu thô sơ, tôn, fibro xi măng ... chưa kiên cố thì có thể gia cố lên mái các loại thanh nẹp bằng gỗ, sắt, dây kẽm cỡ lớn hoặc các bao chứa cát để hạn chế tốc mái khi có bão, gió lớn xảy ra;
- Thức ăn: Làm sàn kê cao; lập kế hoạch dự trữ thức ăn đầy đủ tối thiểu 15 ngày cho vật nuôi; bảo quản thức ăn khô ráo, không bị ẩm mốc ...;
- Nước uống: Dự trữ nước sạch, tu sửa máy bơm, hệ thống dẫn nước đảm bảo nguồn cung đầy đủ, thường xuyên và dự phòng kịp thời khi cần thiết;
- Kiểm tra, khai thông hệ thống thoát nước của khu vực chuồng trại như hệ thống thoát nước thải, nước mưa, nơi chứa chất thải rắn, nhằm hạn chế ô nhiễm khi mưa to hoặc ngập lụt;
- Thực hiện việc tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh cho vật nuôi theo hướng dẫn của cơ quan thú y. Tăng cường chăm sóc nuôi dưỡng và cân đối khẩu phần ăn cho từng đối tượng vật nuôi để tăng sức đề kháng; Tăng cường công tác vệ sinh phòng bệnh cho vật nuôi: vệ sinh sạch sẽ chuồng nuôi, dụng cụ chăn nuôi; định kỳ phun sát trùng trong và ngoài chuồng nuôi để phòng bệnh.
- Kiểm đếm đánh giá hiện trạng vật nuôi; xuất bán kịp thời khi đến tuổi, trọng lượng xuất bán; hướng dẫn giảm đàn vật nuôi tại những nơi có nguy cơ trước khi lụt bão xảy ra (sàng lọc bán, giết mổ các gia súc, gia cầm đủ tiêu chuẩn thịt; loại thải gia súc, gia cầm sinh sản kém chất lượng, già yếu ...);
- Kiểm tra sự hoạt động của hệ thống xử lý chất thải chăn nuôi như: hố ủ phân, bể lắng, công trình khí sinh học (biogas);
- Kiểm tra, vận hành máy phát điện để cung cấp kịp thời khi mất điện (nhất là các cơ sở ấp nở gia cầm, trại sản xuất giống, cơ sở sử dụng chuồng lạnh ...); Chuẩn bị vật tư để làm lán trại di dời vật nuôi ra khỏi vùng có nguy cơ cao, có phương án phòng chống đói rét và tái đàn sản xuất.
2. Đối với thủy sản
- Chuẩn bị đầy đủ nguyên, nhiên, vật liệu, máy móc, trang thiết bị phục vụ cho công tác phòng, tránh, khắc phục hậu quả của thiên tai (lưới, đăng chắn, dụng cụ, cọc tre, cuốc xẻng, máy phát điện, mô tơ quạt nước, vôi, tàu thuyền, phao cứu sinh…).
- Thu hoạch toàn bộ hoặc thu tỉa thủy sản nuôi khi đạt kích cỡ thương phẩm.
- Nạo vét kênh mương; đặt ống xả tràn, phát quang cành cây quanh bờ ao; gia cố bờ ao, đầm, các công trình phụ trợ tại cơ sở… đảm bảo an toàn khi mưa, bão đến.
- Bố trí neo đậu, kiểm tra, gia cố lại hệ thống dây neo, phao lồng; vệ sinh lồng bè thông thoáng; khi cần thiết, di chuyển lồng bè vào khu vực kín gió, an toàn, có dòng chảy phù hợp. Trường hợp không di chuyển được lồng bè cần che chắn mặt lồng/bè bằng lưới có kích thước mắt lưới phù hợp để hạn chế thủy sản nuôi thoát ra ngoài.
- Sơ tán lao động về nơi trú ẩn an toàn đảm bảo không có thiệt hại về người khi xảy ra thiên tai.
II. TRONG VÀ SAU MƯA BÃO, LŨ LỤT
1. Đối với chăn nuôi
- Thường xuyên kiểm tra, theo dõi thời tiết, kiểm tra chuồng trại, điều kiện chăn nuôi và sức khỏe đàn vật nuôi để có phương án chăm sóc, hỗ trợ và di dời nếu cần thiết;
- Di dời đàn vật nuôi đến vị trí không bị úng ngập bằng các phương tiện vận chuyển phù hợp (như xuồng, thuyền, bè ...) nhưng phải đảm bảo tuyệt đối an toàn đến tính mạng cho con người và sức khỏe của vật nuôi;
- Không tập trung vật nuôi lên đường giao thông gây cản trở giao thông và ô nhiễm môi trường;
- Công tác phòng chống dịch bệnh:
+ Lũ lụt làm cho mầm bệnh lây lan đi khắp nơi. Lũ lụt càng lớn, quy mô càng rộng thì sự lan truyền mầm bệnh càng tăng, mức độ nguy cơ càng cao. Mặt khác, khi di chuyển đàn vật nuôi tránh lũ sẽ đem theo các mầm bệnh từ nơi này tới nơi khác. Các khâu chăm sóc, nuôi dưỡng, vệ sinh tẩy uế chuồng trại không được thực hiện tốt sẽ làm suy giảm đáng kể sức chống chịu bệnh tật ở vật nuôi, khiến cho các bệnh truyền nhiễm như tiêu chảy, dịch tả, thương hàn… dễ lây lan và có nguy cơ bùng phát;
+ Thường xuyên vệ sinh chuồng trại, môi trường quanh chuồng nuôi và dụng cụ chăn nuôi, để vật nuôi được ở sạch. Định kỳ 1 tuần 1 - 2 lần phun tẩy uế chuồng
trại và khu vực xung quanh bằng các chất sát trùng theo quy định. Khi nước rút đến đâu thì dọn vệ sinh, phun thuốc sát trùng, tiêu độc, diệt mầm bệnh đến đó;
+ Đối với những vật nuôi có nhu cầu vận chuyển từ nơi này qua nơi khác cần thực hiện tốt quy trình vận chuyển, kiểm dịch vận chuyển để đảm bảo an toàn dịch bệnh;
+ Đối với xác vật nuôi chết: khai báo, chôn lấp, tiêu hủy theo quy định.
- Thức ăn, nước uống: Sau lũ lụt, nguồn thức ăn, nước uống cho gia súc, gia cầm có thể bị lũ cuốn, hư hỏng, đồng cỏ bị ô nhiễm do mầm bệnh từ nơi khác đến, bùn đất nổi lên bám vào cỏ cây, sức khỏe của đàn vật nuôi giảm sút. Do vậy, vật nuôi cần được chăm sóc, nuôi dưỡng chu đáo, không bị bỏ đói, không cho ăn những loại thức ăn bị mốc, kém chất lượng. Đối với gia súc già yếu và gia súc non cần có chế độ chăm sóc đặc biệt như tăng cường các loại thức ăn bổ sung và các loại thức ăn giàu dinh dưỡng khác nhằm tăng cường quá trình hồi phục.
- Vệ sinh môi trường: Khi nước rút phải thực hiện vệ sinh, khử trùng bằng vôi bột, hóa chất và tiêu độc khu vực chăn nuôi trước khi đưa vật nuôi trở lại chuồng nuôi.
- Quản lý vật nuôi: Thực hiện tốt việc quản lý, chăm sóc đàn vật nuôi; tuyệt đối không chăn thả vật nuôi ở những khu vực bị ô nhiễm; chủ động triển khai công tác giám sát để phát hiện sớm, kịp thời xử lý trường hợp vật nuôi mắc bệnh, nghi mắc bệnh nguy hiểm như Dịch tả lợn Châu Phi, Cúm gia cầm, Lở mồm long móng, Tai xanh, ...; Báo ngay cho chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn thú y để điều tra, xử lý ổ dịch theo đúng quy định; không giết mổ, mua bán động vật ốm, chết, không vứt xác động vật chết do mắc bệnh ra ngoài môi trường;
- Tái đàn: Bên cạnh đó, để chuẩn bị cho tái đàn, khôi phục sản xuất, người chăn nuôi cần lựa chọn con giống có nguồn gốc rõ ràng, được cung cấp bởi những cơ sở cung ứng có uy tín, có giấy chứng nhận kiểm dịch; tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin theo quy định. Không tái đàn khi chưa đảm bảo về môi trường và an toàn dịch bệnh.
2. Đối với thủy sản
- Xả bớt nước trên tầng mặt để giảm bớt lượng nước mưa trong ao; tiến hành bón vôi (2-3kg/100 m3 nước), chạy máy quạt nước, sục khí nhằm hạn chế sự phân tầng nước đối với những ao nuôi thâm canh có mật độ cao.
- Kiểm tra, xử lý các yếu tố môi trường nước ao, nơi đặt lồng bè nuôi, đảm bảo các yếu tố môi trường nằm trong giới hạn cho phép. Di chuyển lồng bè đến vùng nuôi có chất lượng nước đảm bảo an toàn (nếu cần thiết).
- Bổ sung vitamin C hoặc chế phẩm sinh học vào thức ăn để tăng sức đề kháng cho thủy sản nuôi; thường xuyên theo dõi sức khỏe của thủy sản nuôi để có biện pháp xử lý kịp thời.
- Sử dụng thuốc, hoá chất để tiêu độc, khử trùng và xử lý môi trường nước sau khi mưa, bão, lũ tan (nếu bị ô nhiễm).
- Nếu có thuỷ sản bị chết cần xử lý theo hướng dẫn của cơ quan quản lý địa phương để tiêu độc, khử trùng và xử lý môi trường nước./.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y