1. Điều kiện, yêu cầu kỹ thuật
- Vị trí: Ao nuôi thuận tiện cho việc chăm sóc, quản lý, có nguồn nước cấp (nước mặt, nước ngầm) chủ động, không bị ô nhiễm bởi chất thải sinh hoạt hoặc các nguồn ô nhiễm khác. Tiện đường giao thông và điện lưới.
- Diện tích: Phải đảm bảo được không gian hoạt động cho động vật thủy sản và sự phát triển của các động, thực vật thuỷ sinh. Tùy từng đối tượng nuôi để thiết kế, bố trí ao nuôi phù hợp (ao nuôi cá diện tích 4.000 - 10.000 m2, ao nuôi ba ba, ốc nhồi diện tích 500 - 1.000m2,...)
- Hình dạng: Tuỳ theo điều kiện địa hình của từng nơi mà có hình dạng nhất định. Tốt nhất ao nuôi nên có hình chữ nhật, chiều dài ≥ 2 lần chiều rộng.
- Chất đáy là chất thịt hoặc thịt pha cát, thịt pha sét, có lớp bùn dày từ 15 - 20 cm. Đáy bằng phẳng hơi nghiêng về cống thoát để tiện thay nước và thu hoạch.
- Ngoài ao nuôi cần bố trí thêm ao chứa (ao lắng) có diện tích tối thiểu bằng 15% tổng diện tích ao nuôi. Ao chứa và xử lý nước thải cách biệt với ao nuôi, ao chứa, có diện tích tối thiểu 10% tổng diện tích ao nuôi.
- Các ao có bờ chắc chắn, không bị rò rỉ, sạt lở, cớm rợp, đảm bảo duy trì mực nước phù hợp cho đối tượng nuôi, độ cao bờ so với mức nước lớn nhất trong năm ≥ 0,5 m.
- Ao nuôi có cống cấp và thoát nước riêng biệt.


2. Cải tạo ao nuôi
* Cải tạo ao nuôi nhằm diệt địch hại, vật chủ trung gian gây bệnh, sinh vật cạnh tranh thức ăn, diệt sinh vật gây bệnh như: Vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng... và cải tạo nền đáy ao tơi xốp, nâng cao pH, giảm khí độc, tạo môi trường thích hợp cho đối tượng nuôi sinh trưởng, phát triển.
* Các bước tiến hành
- Đối với ao cũ là ao đất, không lót bạt:
+ Tiến hành bơm, tát cạn, bắt hết cá tạp, cá dữ (Trường hợp ao nuôi không thể tháo, bơm cạn cần xử lý diệt tạp bằng Saponin hoặc các sản phẩm diệt tạp có bán trên thị trường).
+ Dọn sạch đáy, bờ ao, chỉ để lại lớp bùn dày 15 - 20 cm, san phẳng đáy ao. Xung quanh bờ ao phải được dọn sạch và lấp hết các hang hốc.
+ Khử trùng, diệt tạp đáy, bờ ao bằng vôi. Lượng vôi bón tuỳ thuộc vào pH đất, ao không chua (pH ≥ 6,5) bón 7 - 10kg/100m2, ao đất sét, chua bón 10 -15kg/100m2. Sau khi rải vôi, đảo đều vôi với bùn ao.
+ Phơi ao từ 3-7 ngày, tốt nhất phơi đến khi ao nứt chân chim (những ao có nền đáy chua phèn không phơi khô đáy ao, chỉ phơi se mặt).
- Đối với ao lót bạt: Tháo cạn nước, vệ sinh sạch sẽ, phơi nắng 2 - 3 ngày, sau đó khử trùng bằng Chlorine nồng độ 10ppm vào buổi chiều tối.
- Đối với ao mới: Lấy nước vào ao ngâm 2 - 3 ngày rồi xả bỏ, thau rửa 2 - 3 lần rồi thực hiện khử trùng, phơi ao tương tự như đối với ao đã nuôi.
- Lấy nước: Nước cấp vào ao nuôi tốt nhất là được xử lý qua ao chứa, ao lắng. Nếu cấp trực tiếp vào ao nuôi, nên chọn nguồn nước an toàn, được lọc qua lưới lọc có kích thước mắt dày để ngăn các đối tượng địch hại (cá tạp, cá dữ, cua, ốc bươu ...) theo dòng nước vào ao nuôi. Mực nước ban đầu 0,6 - 0,8 m, sau 2 - 3 ngày cấp đủ lượng nước theo yêu cầu.
Sử dụng các loại hóa chất như Clorine, TCCA, BKC, Iodin,... để tiêu diệt các loại mầm bệnh (vi rut, vi khuẩn, ký sinh trùng,...) có trong nước với liều lượng theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Chạy quạt, sục khí trong 2 - 3 ngày.
- Gây màu nước: Sử dụng một trong các cách sau:
+ Cách 1: Sử dụng phân chuồng đã ủ hoai mục với lượng 20 - 30 kg/100 m2 ao.
+ Cách 2: Phân lân kết hợp với phân đạm hoặc NPK. Liều lượng sử dụng: 0,2-0,4 kg/100m2, tỷ lệ đạm/lân: 2/1. Hòa tan vào nước và tạt đều khắp mặt ao.
+ Cách 3 (tốt nhất): Phối trộn 1 lít chế phẩm sinh học EM + 1 lít rỉ mật đường + 2 kg cám gạo + 46 lít nước sạch ủ kín 5 - 7 ngày, lượng dùng 10 lít/1.000 m3 nước, tạt liên tục trong 3 ngày vào lúc 9-10 giờ sáng,…
- Sau 3 - 5 ngày, nước ao có màu xanh nõn chuối hoặc màu xanh vỏ đậu, tiến hành kiểm tra các yếu tố môi trường (độ trong 30 - 40 cm, pH: 6,5 - 8,0, chênh lệch trong ngày không quá 0,5; Hàm lượng oxi hòa tan: ≥ 4mg/l, hàm lượng khí độc NH3, H2S ≤ 0,1 mg/l,... ) thì tiến hành thả giống.
* Lưu ý: Trong quá trình chuẩn bị ao cần bố trí, lắp đặt hệ thống guồng quạt nước, thổi khí, máy cho ăn tự động và các trang thiết bị cần thiết khác. Trường hợp ao nuôi ốc nhồi cần trồng, thả thêm các loại thực vật thủy sinh như rong, súng,... để tạo nguồn thức ăn tự nhiên, chỗ bám và nơi trú ẩn cho ốc.