I. Quy định về điều kiện buôn bán thuốc thú y, hành nghề thú y
1. Về điều kiện buôn bán thuốc thú y
a) Điều 92 Luật Thú y năm 2015 quy định:
“Tổ chức, cá nhân buôn bán thuốc thú y phải bảo đảm các điều kiện sau đây:
1. Có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;
2. Có địa điểm, cơ sở vật chất, kỹ thuật phù hợp;
3. Người quản lý, người trực tiếp bán thuốc thú y phải có Chứng chỉ hành nghề thú y;
4. Có Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc thú y."
b) Điều 93 Luật Thú y năm 2015 quy định:
“Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân buôn bán thuốc thú y:
1. Tổ chức, cá nhân buôn bán thuốc thú y có quyền sau đây:
a) Buôn bán thuốc thú y có Giấy chứng nhận lưu hành thuốc thú y tại Việt Nam;
b) Cung cấp thông tin và hướng dẫn liên quan đến thuốc thú y;
c) Tham gia tập huấn về an toàn trong sử dụng, bảo quản, vận chuyển và phòng ngừa tác dụng không mong muốn do thuốc thú y gây ra.
2. Tổ chức, cá nhân buôn bán thuốc thú y có nghĩa vụ sau đây:
a) Bán đúng loại thuốc thú y theo đơn đối với thuốc thú y phải kê đơn hoặc theo yêu cầu của người mua với thuốc thú y không phải kê đơn;
b) Niêm yết giá bán, bán đúng giá niêm yết và lập sổ theo dõi việc mua, bán thuốc thú y;
c) Tuân thủ điều kiện bảo quản thuốc thú y ghi trên nhãn và hướng dẫn sử dụng thuốc thú y cho người mua theo đúng nội dung của nhãn thuốc thú y;
d) Bồi thường thiệt hại do lỗi của cơ sở mình gây ra theo quy định của pháp luật;
đ) Khi phát hiện thuốc thú y của cơ sở buôn bán của mình không bảo đảm các yêu cầu theo quy định thì có trách nhiệm thông báo cho đại lý trực tiếp hoặc cơ sở sản xuất đã cung cấp thuốc thú y để thu hồi ngay toàn bộ thuốc thú y đó đang lưu hành trên thị trường; tham gia thu hồi thuốc thú y đã bán ra."
2. Về điều kiện hành nghề thú y
Điều 108 Luật Thú y năm 2015 quy định về điều kiện hành nghề thú y như sau:
“1. Đối với cá nhân hành nghề thú y:
a) Có Chứng chỉ hành nghề thú y phù hợp với từng loại hình hành nghề thú y;
b) Có đạo đức nghề nghiệp;
c) Có đủ sức khỏe hành nghề.
2. Đối với tổ chức hành nghề thú y:
a) Có cá nhân đáp ứng các yêu cầu quy định tại khoản 1 Điều này;
b) Có cơ sở vật chất, kỹ thuật phù hợp với từng loại hình hành nghề thú y theo quy định của pháp luật."
II. Yêu cầu đối với cơ sở buôn bán thuốc thú y và hành nghề thú y
1. Yêu cầu đối với cơ sở buôn bán thuốc thú y
Điều 17 Văn bản hợp nhất 16/VBHN-BNNPTNT ngày 06/2/2022 của Bộ Nông nghiệp & PTNT hợp nhất các Nghị định quy định chi tiết một số điều Luật Thú y quy định về điều kiện cơ sở buôn bán thuốc thú y như sau:
“Tổ chức, cá nhân buôn bán thuốc thú y phải theo quy định tại Điều 92 của Luật thú y và đáp ứng các điều kiện sau đây:
- Có đủ quầy, tủ, giá kệ để chứa, đựng và trưng bày sản phẩm phải bảo đảm chắc chắn, dễ vệ sinh và tránh được những tác động bất lợi của ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm, nấm mốc, động vật gặm nhấm và côn trùng gây hại.
- Có trang thiết bị để bảo đảm điều kiện bảo quản ghi trên nhãn của sản phẩm; có nhiệt kế, ẩm kế theo dõi điều kiện bảo quản sản phẩm. Đối với cơ sở buôn bán vắc xin, chế phẩm sinh học phải có tủ lạnh, tủ mát hoặc kho lạnh; có nhiệt kế để kiểm tra điều kiện bảo quản; có máy phát điện dự phòng, vật dụng, phương tiện vận chuyển phân phối vắc xin bảo đảm điều kiện bảo quản ghi trên nhãn sản phẩm."
2. Yêu cầu đối với hành nghề thú y
Điều 21 Văn bản hợp nhất 16/VBHN-BNNPTNT ngày 06/2/2022 của Bộ Nông nghiệp & PTNT hợp nhất các Nghị định quy định chi tiết một số điều Luật Thú y quy định về điều kiện hành nghề thú y như sau:
“1. Người hành nghề chẩn đoán, chữa bệnh, phẫu thuật động vật, tư vấn các hoạt động liên quan đến lĩnh vực thú y tối thiểu phải có bằng trung cấp chuyên ngành thú y, chăn nuôi thú y hoặc trung cấp nuôi trồng thủy sản, bệnh học thủy sản đối với hành nghề thú y thủy sản. Người hành nghề tiêm phòng cho động vật phải có chứng chỉ tốt nghiệp lớp đào tạo về kỹ thuật do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp tỉnh cấp.
2. Người phụ trách kỹ thuật của cơ sở phẫu thuật động vật, khám bệnh, chẩn đoán bệnh, xét nghiệm bệnh động vật phải có bằng Đại học trở lên chuyên ngành thú y, chăn nuôi thú y hoặc nuôi trồng thủy sản, bệnh học thủy sản đối với hành nghề thú y thủy sản.
3. Người buôn bán thuốc thú y phải có bằng trung cấp trở lên chuyên ngành thú y, chăn nuôi thú y hoặc trung cấp nuôi trồng thủy sản, bệnh học thủy sản đối với hành nghề thú y thủy sản."
III. Trách nhiệm của UBND cấp huyện, UBND cấp xã trong quản lý hoạt động buôn bán thuốc thú y
1. Trách nhiệm của UBND cấp huyện
Điểm a Khoản 2 Điều 9 Luật Thú y năm 2015 quy định:
“2. Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và đơn vị hành chính tương đương (sau đây gọi chung là cấp huyện) có trách nhiệm sau đây:
a) Chỉ đạo, tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức, giáo dục pháp luật về thú y;..."
2. Trách nhiệm của UBND cấp xã
Điểm a Khoản 3 Điều 9 Luật Thú y năm 2015 quy định:
“ 3. Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã) có trách nhiệm sau đây:
a) Tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức, giáo dục pháp luật về thú y;..."
IV. Những quy định xử lý vi phạm hành chính trong buôn bán thuốc thú y, hành nghề thú y
1. Thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp về xử lý vi phạm hành chính trong hoạt động buôn bán thuốc thú y, hành nghề thú y
Điều 43 Văn bản hợp nhất số 02/VBHN-BNNPTNT ngày 28/3/2022 của Bộ Nông nghiệp & PTNT hợp nhất các Nghị định quy định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y, quy định thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp như sau:
“1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 5.000.000 đồng;
c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 10.000.000 đồng;
d) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, b, c và đ khoản 1 Điều 28 của Luật xử lý vi phạm hành chính.
2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 25.000.000 đồng;
c) Tước quyền sử dụng giấy phép, Chứng chỉ hành nghề thú y có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;
d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;
đ) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, b, c, đ, e, h và i khoản 1 Điều 28 của Luật xử lý vi phạm hành chính và các biện pháp khắc hậu quả khác quy định tại khoản 3 Điều 3 của Nghị định này..."
2. Về mức xử lý vi phạm hành chính trong buôn bán thuốc thú y, hành nghề thú y
Tại các Điều 34, 35, 36, 41, 42 của Văn bản hợp nhất 02/VBHN-BNNPTNT ngày 28/3/2022 của Bộ Nông nghiệp & PTNT hợp nhất các Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y, quy định:
“Điều 34. Vi phạm về thủ tục trong buôn bán thuốc thú y:
1. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Không có sổ sách, hoá đơn chứng từ theo dõi xuất, nhập hàng;
b) Không niêm yết giá bán thuốc thú y;
c) Không lưu trữ hóa đơn liên quan đến việc mua bán thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất; đơn thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất tại cơ sở sau khi bán theo quy định.
2. Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Buôn bán thuốc thú y không thông báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi thay đổi địa điểm;
b) Không bảo quản lưu giữ thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất riêng biệt theo quy định;
c) Không báo cáo hoặc báo cáo không đầy đủ số lượng thuốc thú y chứa chất ma túy, tiền chất đã nhập, bán, số lượng thuốc phải thu hồi, địa chỉ cơ sở mua, mục đích sử dụng cho cơ quan nhà nước theo quy định.
Điều 35. Vi phạm về điều kiện trong buôn bán thuốc thú y
1. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Không đủ điều kiện về địa điểm, kho chứa, trang thiết bị bảo quản thuốc thú y;
b) Bán thuốc thú y chung khu vực hoá chất công nghiệp, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc dùng cho người, lương thực, thực phẩm;
c) Người quản lý, người trực tiếp bán thuốc thú y không có Chứng chỉ hành nghề thú y hoặc Chứng chỉ hành nghề thú y hết hiệu lực.
2. Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi buôn bán vắc xin, chế phẩm sinh học:
a) Không có tủ lạnh, tủ mát hoặc kho lạnh để bảo quản theo điều kiện bảo quản ghi trên nhãn;
b) Không có nhiệt kế để kiểm tra điều kiện bảo quản;
c) Sử dụng phương tiện vận chuyển phân phối vắc xin không đủ điều kiện bảo quản theo quy định;
d) Tẩy xoá, sửa chữa Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc thú y.
3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với hành vi buôn bán thuốc thú y không có cửa hàng địa điểm cố định.
4. Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với hành vi tự ý san chia mỗi loại thuốc thú y không được phép của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y có thẩm quyền.
5. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc thú y;
b) Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán hết hiệu lực.
7. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc nộp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc thú y đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm d khoản 2 Điều này.
b) Buộc thu hồi, tiêu hủy thuốc thú y đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 4 Điều này.
Điều 36. Vi phạm về chất lượng trong buôn bán thuốc thú y
1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với một trong các hành vi buôn bán mỗi loại thuốc thú y:
a) Không đạt một trong các tiêu chuẩn chất lượng về cảm quan, lý hoá, độ nhiễm khuẩn, vô khuẩn theo hồ sơ đã đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;
b) Có hàm lượng thuốc ngoài mức giới hạn cho phép ±10% so với hàm lượng ghi trên nhãn hoặc có hàm lượng men vi sinh thấp hơn 90% so với hàm lượng ghi trên nhãn đối với sản phẩm thuốc thú y có chứa men vi sinh;
c) Có khối lượng tịnh, thể tích thực ngoài mức giới hạn cho phép so với khối lượng, thể tích ghi trên nhãn mà nhà sản xuất đã đăng ký và được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
2. Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với một trong các hành vi buôn bán mỗi loại thuốc thú y:
a) Có hoạt chất không đúng theo hồ sơ đăng ký lưu hành với cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;
c) Bị biến đổi về hình thức như vón cục, vẩn đục, biến đổi màu, lắng cặn, phân lớp, biến dạng;
d) Vắc xin thú y không đảm bảo một trong ba tiêu chuẩn vô trùng hoặc thuần khiết, an toàn, hiệu lực.
3. Phạt tiền đối với hành vi buôn bán mỗi loại thuốc thú y không có trong Danh mục thuốc thú y được phép lưu hành tại Việt Nam hoặc chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép như sau:
a) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với hành vi buôn bán mỗi loại thuốc thú y không có trong Danh mục thuốc thú y được phép lưu hành tại Việt Nam hoặc chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép có giá trị dưới 200.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính dưới 100.000.000 đồng;
b) Phạt tiền từ 12.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi buôn bán mỗi loại thuốc thú y không có trong Danh mục thuốc thú y được phép lưu hành tại Việt Nam hoặc chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép có giá trị từ 200.000.000 đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng trở lên trong trường hợp cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự có quyết định không khởi tố vụ án hình sự, quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án hình sự, quyết định đình chỉ điều tra, quyết định đình chỉ vụ án hoặc quyết định đình chỉ vụ án đối với bị can, miễn trách nhiệm hình sự theo bản án85.
4. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Bán mỗi loại nguyên liệu làm thuốc thú y cho cơ sở không đủ điều kiện theo quy định;
b) Bán mỗi loại nguyên liệu làm thuốc thú y hoặc nguyên liệu làm thuốc y tế hoặc thuốc y tế cho cơ sở chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản;
c) Bán mỗi loại thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất cho cơ sở buôn bán thuốc thú y không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc thú y theo quy định; cơ sở không được phép hành nghề khám bệnh, chẩn đoán bệnh, phẫu thuật động vật, xét nghiệm bệnh động vật; người sử dụng không có đơn thuốc thú y theo quy định.
5. Phạt tiền đối với hành vi buôn bán mỗi loại thuốc thú y có trong Danh mục thuốc thú y cấm sử dụng tại Việt Nam như sau:
a) Phạt tiền từ 25.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi buôn bán mỗi loại thuốc thú y có trong Danh mục thuốc thú y cấm sử dụng tại Việt Nam có giá trị dưới 100.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính có giá trị dưới 50.000.000 đồng;
b) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi buôn bán mỗi loại thuốc thú y có trong Danh mục thuốc thú y cấm sử dụng tại Việt Nam có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính có giá trị từ 50.000.000 đồng trở lên trong trường hợp cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự có quyết định không khởi tố vụ án hình sự, quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án hình sự, quyết định đình chỉ điều tra, quyết định đình chỉ vụ án hoặc quyết định đình chỉ vụ án đối với bị can, miễn trách nhiệm hình sự theo bản án.
6. Hình thức xử phạt bổ sung:
Tước quyền sử dụng Chứng chỉ hành nghề thú y từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 3, khoản 4 và khoản 5 Điều này.
7. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc thu hồi, tái chế thuốc thú y đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này. Trong trường hợp không tái chế được buộc phải tiêu hủy thuốc thú y đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 1 Điều này;
b) Buộc thu hồi, tiêu hủy thuốc thú y; vắc xin dùng trong thú y đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2, khoản 3 và khoản 5 Điều này;
c) Buộc tiêu hủy nguyên liệu thuốc thú y, nguyên liệu làm thuốc y tế, thuốc y tế, thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 4 Điều này.
d) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính quy định tại khoản 3 và khoản 5 Điều này
Điều 41. Vi phạm về thủ tục trong hành nghề thú y
1. Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi tẩy xoá, sửa chữa nội dung ghi trong Chứng chỉ hành nghề thú y.
2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với hành vi cho thuê, cho mượn, thuê, mượn Chứng chỉ hành nghề thú y.
3. Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với hành vi hành nghề tiêm phòng, chữa bệnh, phẫu thuật động vật, khám bệnh, chẩn đoán bệnh, xét nghiệm bệnh động vật; tư vấn các hoạt động liên quan đến lĩnh vực thú y không có Chứng chỉ hành nghề thú y hoặc Chứng chỉ hành nghề thú y hết hiệu lực.
4. Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với hành vi khai man, giả mạo hồ sơ để xin cấp Chứng chỉ hành nghề thú y.
5. Hình thức xử phạt bổ sung:
Tịch thu các loại hồ sơ, giấy tờ, Chứng chỉ hành nghề thú y đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 và khoản 4 Điều này.
6. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc nộp lại Chứng chỉ hành nghề đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này.
Điều 42. Vi phạm về hoạt động trong hành nghề thú y
1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Hành nghề không đúng ngành nghề, phạm vi chuyên môn ghi trong Chứng chỉ hành nghề thú y;
b) Hành nghề không đúng địa điểm ghi trong Chứng chỉ hành nghề thú y theo quy định;
c) Không cung cấp thông tin kịp thời hoặc đột xuất khi có dịch bệnh động vật thuộc Danh mục các bệnh động vật phải công bố dịch theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
d) Không tham gia các hoạt động phòng bệnh, chống dịch bệnh cho động vật theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
2. Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Sử dụng thuốc thú y không có trong Danh mục thuốc thú y được phép lưu hành tại Việt Nam hoặc chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép để phòng, chữa bệnh cho động vật;
b) Sử dụng các loại thuốc thú y không rõ nguồn gốc xuất xứ, thuốc thú y hết hạn sử dụng để phòng, chữa bệnh cho động vật;
c) Sử dụng nguyên liệu thuốc thú y hoặc nguyên liệu thuốc y tế hoặc thuốc y tế để phòng, chữa bệnh cho động vật;
d) Kê đơn thuốc thú y không có trong Danh mục thuốc thú y được phép lưu hành tại Việt Nam hoặc chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép, trong Danh mục thuốc thú y cấm sử dụng tại Việt Nam.
3. Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng có một trong các hành vi sau đây:
a) Sử dụng thuốc thú y trong Danh mục thuốc thú y cấm sử dụng tại Việt Nam để phòng, chữa bệnh cho động vật;
b) Chữa bệnh cho động vật mắc bệnh thuộc Danh mục bệnh động vật cấm giết mổ, chữa bệnh hoặc mắc bệnh truyền nhiễm theo quy định phải tiêu hủy, giết mổ bắt buộc;
c) Chữa bệnh cho động vật trong vùng có dịch hoặc ở nơi có động vật mắc bệnh truyền nhiễm không theo hướng dẫn của cơ quan thú y.
4. Hình thức xử phạt bổ sung:
a) Tước quyền sử dụng Chứng chỉ hành nghề thú y từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều này;
b) Tước quyền sử dụng Chứng chỉ hành nghề thú y từ 03 tháng đến 06 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 Điều này.
5. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc tiêu hủy thuốc thú y, nguyên liệu làm thuốc thú y, nguyên liệu thuốc y tế, thuốc y tế đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2, điểm a khoản 3 Điều này;
b) Buộc tiêu hủy động vật đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b và điểm c khoản 3 Điều này."./.