Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Báo cáo kết quả thực hiện Cuộc vận động "Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt"

Thông tin tuyên truyền, phổ biến  
Báo cáo kết quả thực hiện Cuộc vận động "Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt"
Báo cáo số 485/BC-SNN ngày 12/11/2024 của Sở Nông nghiệp & PTNT về việc báo cáo kết quả thực hiện Cuộc vận động "Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt"

Thực hiện Hướng dẫn số 03/HD-BCĐCV ngày 14/10/2024 của Ban chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" tỉnh Hà Nam về hướng dẫn các thành viên Ban chỉ đạo cấp tỉnh và Ban chỉ đạo cấp huyện tự kiểm tra báo cáo việc triển khai thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" năm 2023 và 9 tháng đầu năm 2024; Sở Nông nghiệp & PTNT báo cáo kết quả thực hiện 9 tháng đầu năm 2024, cụ thể như sau:

I. KẾT QUẢ THỰC HIỆN

Thời gian qua, Sở Nông nghiệp & PTNT đã tích cực phối hợp với Mặt Trận Tổ quốc tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, Hội Phụ nữ tỉnh, UBND cấp huyện triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện “Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" trên địa bàn tỉnh Hà Nam, thu được kết quan trọng về nhiều mặt:

1. Công tác tuyên truyền

- Chín tháng đầu năm 2024, các đơn vị trực thuộc Sở Nông nghiệp & PTNT đã phối hợp tổ chức được 25 lớp tập huấn cho 1.000 lượt cán bộ, hội viên, người dân, doanh nghiệp kiến thức sản xuất, kinh doanh nông sản an toàn, Luật An toàn thực phẩm năm 2010, Nghị định 15/2018/NĐ-CP, quy định chi tiết một số Điều của Luật An toàn thực phẩm. Phát 500 tờ rơi hướng dẫn quy trình ủ phân hữu cơ cho các hộ trồng rau an toàn.

- Thông qua đội ngũ nhân viên quản lý Chất lượng nông lâm thủy sản ở cấp xã phát 350 lượt tin bài tuyên truyền vận động người dân sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản an toàn, lựa chọn thực phẩm đảm bảo an toàn trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão, trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm và dịp Tết Trung thu năm 2024 với chủ đề “Bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới"; cung cấp thông tin kiến thức cần thiết để người dân trong tỉnh yên tâm sử dụng nông sản Việt.

- Phối hợp với các phương tiện truyền thông: Báo Hà Nam, Đài Phát thanh truyền hình Hà Nam, Cổng thông tin điện tử tỉnh,… cung cấp thông tin các sản phẩm đặc sản, sản phẩm OCOP, sản phẩm nông chủ lực của tỉnh để quảng bá, giới thiệu đến người tiêu dùng biết biết, lựa chọn. Hỗ trợ cơ sở, doanh nghiệp, giới thiệu, bán sản phẩm tại các Hội nghị kết nối, Hội nghị xúc tiến đầu tư của tỉnh và trên các sàn thương mại điện tử phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng trong nước.

2. Công tác quản lý nhà nước và các hoạt động của doanh nghiệp trong thực hiện cuộc vận động gắn với chỉ thị số 28/CT-TTg, ngày 26/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ

- Để thúc đẩy hoạt động sản xuất, chế biến, phát triển thị trường nông sản cung cấp đến tay người tiêu dùng, Sở Nông nghiệp & PTNT đã tham mưu, vận dụng một số cơ chế chính sách sau đây:

Nghị quyết 27/2019/NQ-HĐND ngày 12/7/2019 của HĐND tỉnh Hà Nam, quy định về chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Hà Nam; Nghị quyết số 11/2020/NQ-HĐND ngày 14/7/2020 ban hành Quy định nội dung và mức chi hỗ trợ cho hoạt động khuyến nông từ nguồn ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh Hà Nam; Nghị quyết số 03/2022/NQ-HĐND ngày 20/4/2022 của HĐND tỉnh Hà Nam về việc ban hành Quy định chính sách hỗ trợ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trên địa bàn tỉnh Hà Nam; Quyết định số 42/2019/QĐ-UBND, ngày 24/10/2019 của UBND tỉnh Hà Nam, ban hành Quy định về chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Hà Nam; Quyết định số 11/2021/UBND ngày 20/5/2021 của UBND tỉnh Hà Nam về việc ban hành Quy chế xây dựng, quản lý và thực hiện Chương trình xúc tiến thương mại tỉnh Hà Nam.

Các cơ chế, chính sách ban hành tập trung hỗ trợ về: Bồi dưỡng, tập huấn và đào tạo, thông tin tuyên truyền sản xuất nông nghiệp an toàn, xây dựng và nhân rộng mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn; Hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến; Hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp và các vùng chuyển đổi đất lúa sang trồng cây có giá trị kinh tế cao; Hỗ trợ phát triển diện tích cấy lúa bằng máy; Hỗ trợ phòng chống các dịch hại cây trồng; Hỗ trợ cải tạo, nâng cao chất lượng giống bò thịt; Hỗ trợ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp; Hỗ trợ xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm…. Các cơ chế hỗ trợ đã và đang phát huy hiệu quả, giúp tăng năng xuất, chất lượng sản phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân trong tỉnh.

- Kết quả hỗ trợ xúc tiến thương mại, ứng dụng thương mại điện tử vào sản xuất, kinh doanh:

Thực hiện có hiệu quả Chương trình phối hợp số 7237/CTPH-BNNPTNT-UBND ngày 23/10/2021 của Bộ Nông nghiệp & PTNT và UBND thành phố Hà Nội về Đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông lâm thủy sản giao thương giữa thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố giai đoạn 2021-2025 và Bản Thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa Thành phố Hồ Chí Minh với một số địa phương phía Bắc và Bắc Trung Bộ năm 2023 và giai đoạn 2024 - 2025, đã ký ngày 25/3/2023.

Tổ chức đoàn tham quan xúc tiến thương mại, ký kết chương trình phối hợp trong công tác quản lý chất lượng, xúc tiến thương mại nông lâm thuỷ sản với Hà Nội, các tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng, tỉnh Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Thanh Hóa, Nghệ An, Cần Thơ, Thành phố HCM… nhằm quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm.

Phối hợp với Mặt trận Tổ quốc tỉnh tổ chức thành công “Tuần lễ giới thiệu và trưng bày sản phẩm OCOOP, sản phẩm đặc sản, nông sản an toàn tỉnh Hà Nam" vào tháng 4 năm 2024 tại Rạp Biên hòa (cũ), đường Biên Hòa, Phủ Lý. Hỗ trợ cơ sở, doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia hàng trăm gian hàng quảng bá, trưng bày tại Hà Nam, Hà Nội, Nam Định, Ninh Bình, Quảng Ninh, Tuyên Quang, Thanh Hóa, Thành phố Hồ Chí Minh.... Có trên 1000 lượt loại sản phẩm được trưng bày, giới thiệu tại các Sự kiện.

Tham dự các Diễn đàn, Hội nghị kết nối cung cầu được tổ chức trong tỉnh, các tỉnh, thành phố trong cả nước. Kết nối người dân, doanh nghiệp với các nhà cung cấp dịch vụ bán hàng trực tuyến, thương mại điện tử để giới thiệu, bán sản phẩm, tạo hiệu ứng lan tỏa để cung cấp thực phẩm đến tay người tiêu dùng.

Phối hợp với Trung tâm chuyển đổi số và Thống kê Nông nghiệp - Bộ Nông nghiệp & PTNT hỗ trợ được 93 cơ sở, doanh nghiệp với tổng số 412 sản phẩm nông sản an toàn lên hệ thống truy xuất nguồn gốc nông lâm thủy sản thực phẩm tỉnh Hà Nam (http://hna.check.net.vn).

- Công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường:

Công tác kiểm tra giám sát chuyên ngành việc chấp hành các quy định về pháp luật về an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm nông lâm sản và thủy sản được tiến hành thường xuyên liên tục; bên cạnh đó, hàng năm Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với Sở Công Thương, Sở Y tế, Công an tỉnh tổ chức kiểm tra liên ngành đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh. Qua đó đã phát hiện và kiến nghị xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm, tổng số tiền nộp kho bạc nhà nước là 26.000.000 đồng.

- Kết quả thiết lập các kênh phân phối:

Đến nay, có nhiều chuỗi cung ứng nông sản an toàn được thiết lập và duy trì ổn định. Các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc sản, sản phẩm chủ lực của tỉnh ngày càng được quan tâm, tiêu dùng. Ngoài kênh bán hàng truyền thống (chiếm 50%), còn mở rộng thêm kênh tiêu thụ như hội chợ, qua hợp đồng cung ứng hoặc đưa sản phẩm vào các điểm giới thiệu sản phẩm an toàn (chiếm 20%); kênh bán hàng qua hệ thống thương mại điện tử đang phát triển mạnh (chiếm 30%), sẽ trở thành kênh cung ứng chính trong tương lai.

 Một số mô hình chuỗi liên kết tiêu thụ nông sản tiêu biểu là: HTX Nông sản hữu cơ Phù Vân, HTX Nông sản Cát Lại, HTX nông sản sạch Bảo An, Công ty Cổ phần sữa và giống bò sữa Mộc Bắc, Bánh đa nem làng Chều, sản phẩm chế biến từ cá của HTX thủy sản sông trong ao Hải Đăng,… vào chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch tại Hà Nội, hệ thống siêu thị Vinmart; Sản phẩm của Công ty Cổ phần thực phẩm Mai Chi Hà Nam đã vào hệ thống siêu thị Thành Đô, chuỗi cửa hàng Thực phẩm sạch Sói Biển; sản phẩm Trứng gà thảo dược Saschi, Gà mía thảo dược Saschi của Công ty Cổ phần Go Fresh Việt Nam… được tiêu thụ tốt tại Hà Nội. Các hợp tác xã nông sản sạch Bảo An, HTX Thanh Hà, HTX nông sản hữu cơ phù vân, HTX Cát Lại, HTX Thanh Tân, Công ty cổ phần sữa và giống bò sữa Mộc Bắc,… đang cung ứng cho các cửa hàng thực phẩm sạch tại tỉnh Hà Nam và siêu thị Go!Hà Nam.

3. Kết quả lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, sự phối hợp giữa chính quyền với Mặt trận đoàn thể trong quá trình triển khai cuộc vận động

Sở Nông nghiệp & PTNT xác định thực hiện Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam là một trong những nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, có tính hệ thống; đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong việc tiêu dùng hàng Việt Nam; quán triệt cán bộ, đảng viên của ngành và tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp thực hiện Cuộc vận động; khơi dậy tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, trí tuệ, bản lĩnh, trách nhiệm, khát vọng vươn lên của người Việt Nam trong sản xuất, kinh doanh, quảng bá và sử dụng hàng Việt Nam.

4. Kết quả về nhận thức và hành động của người tiêu dùng

Những năm gần đây, công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản được thực hiện đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở, có sự chung tay vào cuộc của các cấp, các ngành, chất lượng sản phẩm được duy trì ổn định, không còn tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, hóa chất hàn the trong giò chả đã được kiểm soát, việc sử dụng kháng sinh, thuốc cấm trong trồng trọt chăn nuôi được ngăn chặn. Làm tăng niềm tin của người tiêu dùng đối với sản phẩm nông lâm thủy sản của tỉnh. Việc xây dựng các điểm giới thiệu sản phẩm an toàn, sản phẩm OCOP, Trung tâm thương mại, các gian hàng thương mại điện tử tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận, lựa chọn, sử dụng.

II. ĐÁNH GIÁ CHUNG

1. Những kết quả đạt được

- Cuộc vận động ''Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam'' tỉnh Hà Nam nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp, các ngành, sự chung ta ủng hộ của người tiêu dùng và toàn xã hội, khơi dậy tinh thần yêu nước, khát vọng vươn lên của người Việt Nam ở trong và ngoài nước.

- Nhận thức của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm và toàn xã hội về an toàn thực phẩm được ngày càng nâng cao. Chất lượng sản phẩm nông lâm thủy sản được kiểm soát góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; sản lượng cung ứng ngày càng lớn, mẫu mã chủng loại ngày càng đa dạng; tăng niềm tin của người tiêu dùng và toàn xã hội vào các mặt hàng cung ứng trong nước.

- Số lượng các chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn ngày càng tăng, đẩy lùi việc mua bán sản phẩm nông lâm thủy sản trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ; các sản phẩm chủ lực của tỉnh tìm được đầu ra ổn định; góp phần tạo dựng thương hiệu, nâng cao giá trị sản phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế cho người sản xuất.

2. Những tồn tại, khó khăn

- Sản xuất hàng hóa nông sản thực phẩm còn ở quy mô nhỏ lẻ, phân tán; công nghệ chế biến thực phẩm có nguồn gốc nông sản nhìn chung còn thủ công; điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm một số cơ sở còn chưa đảm bảo theo quy định. Năng lực cung ứng của một số cơ sở còn hạn chế, nhất là các sản phẩm rau củ quả tươi có tính chất mùa vụ, chưa có nhiều cơ sở có khả năng đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng ở xa Hà Nam.

- Còn tiềm ẩn nguy cơ trà trộn sản phẩm trôi nổi dán nhãn sản phẩm an toàn làm giảm niềm tin của người tiêu dùng.

- Nguồn nhân lực thực hiện công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản còn hạn chế. Ở cấp huyện không có cán bộ chuyên trách mà chỉ bố trí cán bộ kiêm nghiệm. Chính quyền cấp xã có nơi thực hiện Cuộc vận động còn chung chung, hình thức, công tác phối hợp thiếu chặt chẽ.

III. CÁC KIẾN NGHỊ, ĐỀ XUẤT

1. Tiếp tục phối hợp tham mưu, đề xuất cơ chế, chính sách để hỗ trợ động sản xuất hàng hóa nông sản quy mô lớn, chế biến sâu, tạo ra sản phẩm có chất lượng tốt, chuyển từ sản xuất nhỏ sang sản xuất lớn, tập trung, nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng kênh phân phối thương mại điện tử, sẵn sàng cung ứng vào thị trường trong và ngoài tỉnh.

2. Ban chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" tỉnh Hà Nam tăng cường công tác chỉ đạo thực hiện Cuộc vận động từ cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp xã; đặc biệt là huy động sự vào cuộc tích cực của cấp huyện, cấp xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kiểm tra, giám sát để sản xuất được sản phẩm an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm; tuyên truyền, giới thiệu điểm bán sản phẩm an toàn để người dân biết, yên tâm sử dụng.

Trên đây là Báo cáo kết quả thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam  ưu tiên dùng hàng Việt Nam" 9 tháng đầu năm 2024; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trân trọng báo cáo./.

Chi cục Chất lượng, Chế biến & PTTT