Ban Chỉ huy PCTN&TKCN Sở Nông nghiệp & PTNT báo cáo nhanh công tác trực ban phòng, chống thiên tai, tình hình thiệt hại và các biện pháp khắc phục do bão số 3 và mưa lũ gây ra như sau:
I. CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO ĐIỀU HÀNH
Thực hiện các Văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh về triển khai ứng phó với cơn bão số 3 năm 2024, Ban Chỉ huy PCTN&TKCN Sở đã kịp thời tham mưu Sở Nông nghiệp & PTNT đã ban hành các văn bản:
- Công văn số 1166/SNN-VP ngày 06/9/2024 về việc ứng phó với mưa lớn do ảnh hưởng của bão số 3;
- Công văn số 1167/SNN-TL ngày 09/9/2024 về việc đảm bảo an toàn hệ thống công trình đê điều, chủ động, sẵn sàng ứng phó với mưa lũ do ảnh hưởng của Bão số 3 và vận hành xả lũ các hồ thủy điện;
- Công văn số 1181/SNN-TL ngày 10/9/2024 về việc đảm bảo cung cấp nước sạch cho nhân dân trước diễn biến phức tạp của mưa, lũ;
- Công văn số 367/BC-SNN ngày 11/9/2024 về việc Báo cáo sự số sạt trượt mái đê phía sông (thượng lưu) đoạn từ K154+236 - K154+280 đê hữu Hồng thuộc địa bàn xã Tiến Thắng, huyện Lý Nhân;
- Công văn số 1199/SNN-TL ngày 11/9/2024 về việc dừng vận hành công trình bơm tiêu nước ra sông Nhuệ.
Đồng thời, Ban Chỉ huy PCTN&TKCN Sở tham mưu Ban Giám đốc chỉ đạo các phòng, đơn vị trực thuộc Sở chủ động triển khai thực hiện các nội dung cụ thể như sau:
- Tổ chức theo dõi sát thông tin dự báo, diễn biến tình hình bão, mưa, lũ, trên các phương tiện thông tin đại chúng để kịp thời chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó theo phương châm “bốn tại chỗ" theo nhiệm vụ, thẩm quyền được giao, không để bị động, bất ngờ; thông báo cho công chức, viên chức và người lao động trong toàn Sở biết để chủ động phòng tránh và có kế hoạch làm việc phù hợp, đảm bảo an toàn cho người và tài sản. Duy trì thông tin liên lạc nhằm xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.
- Kiểm tra, rà soát, chủ động xây dựng phương án bảo vệ người và tài sản của các phòng, đơn vị hoặc sơ tán đến vị trí an toàn; triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn: cắt tỉa cành cây, hệ thống điện lưới, chằng chống, gia cố phòng làm việc, kho tàng,… đảm bảo tuyệt đối an toàn và an ninh trật tự.
- Tổ chức nghiêm túc công tác trực ban, phân công các thành viên trong Ban Chỉ huy PCTN&TKCN Sở và Tổ giúp việc theo dõi chặt chẽ tình hình, diễn biến bão số 3 và mưa lũ để chủ động triển khai công tác ứng phó phù hợp với diễn biến thực tế, kịp thời báo cáo, đề xuất Lãnh đạo Sở.
II. TÌNH HÌNH THIỆT HẠI
1. Thiệt hại về người: Không có.
2. Thiệt hại về tài sản trong khuôn viên trụ sở: Tài sản của các phòng, đơn vị không bị thiệt hại.
3. Thiệt hại về các công trình hạ tầng kỹ thuật trong khuôn viên trụ sở
a) Về cây xanh
Trong khuôn viên Sở có 2 cây bị đổ, có 2 cây bị gãy cành phải cưa, cắt; 25 cây bị nghiêng phải trồng, dựng lại cây.
b) Công trình phụ trợ
- Đổ 10 m chiều dài tường bao trụ sở do cây đổ đè lên tường (dài x cao: 10 m x 2,2 m = 22 m2).
- 15 m2 nhà để xe của công chức, viên chức và người lao động bị tốc mái (dãy để xe của khu nhà A và nhà B) phía sau nhà A.
4. Tình hình thiệt hại trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp
a) Về thuỷ lợi, đê điều, nước sạch nông thôn
Các địa phương đã huy động đầy đủ nhân lực, vật tư sẵn sàng xử lý các tình huống theo các phương án bảo vệ trọng điểm, phương án hộ đê toàn tuyến đã được phê duyệt theo phương châm “4 tại chỗ".
- Thực hiện chống tràn khoảng 26.120 m đê, kè, 1.800 m bờ bao khu công nghiệp Châu Sơn và trạm bơm Thanh Sơn.
- Thực hiện hoành triệt: Đã hoành triệt toàn bộ các cửa khẩu trên tuyến kè tả Đáy, 72 cống qua đê sông con và cống qua đê bối có nguy cơ mất an toàn. Ngoài ra khu vực xã Thanh Sơn, huyện Kim Bảng đã tiến hành hoành triệt toàn bộ các vị trí tiêu thoát nước sinh hoạt của các khu dân cư dọc bờ sông Đáy.
- Tình hình hoạt động của các nhà máy nước sạch tập trung cụ thể như sau: 2 nhà máy dừng hoạt động, ngừng cung cấp nước: Đinh Xá; Liêm Tuyền, (hiện nay nhà máy Liêm Tuyền, Đinh Xá vẫn đang bị ngập sâu chưa thể hoạt động trở lại); 6 nhà máy nước dừng hoạt động trạm bơm nước thô nhưng vẫn có thể sản xuất cung cấp nước sạch cho các hộ dân từ nguồn nước thô dự trữ tại các hồ sơ lắng là: Nguyên Lý; Chân Lý; Hợp Lý; Khả Phong; Thanh Hải, Đồng Tâm. Hiện nay, do mực nước trên các sông đã xuống các nhà máy đang tiến hành vệ sinh, lắp đặt lại các thiết bị máy móc của trạm bơm nước thô, dự kiến nhà máy trở lại hoạt động bình thường vào ngày 17/9/2029; các nhà máy khác (22 nhà máy cấp nước nông thôn và 3 nhà máy cấp nước đô thị) hiện nay cơ bản hoạt động bình thường. Sở Nông nghiệp & PTNT tiếp tục theo dõi và báo cáo.
b) Về sản xuất nông nghiệp
* Về diện tích cây lúa, cây rau màu và cây ăn quả bị thiệt hại:
- Diện tích lúa vụ Mùa bị đổ và ngập 11.860 ha đạt 43,9% diện tích; diện tích lúa vụ Mùa bị ảnh hưởng đã khắc phục 10.132,8 ha đạt 85,4% diện tích; tổng diện tích cây lúa Mùa 2024 thiệt hại 3.347,2 ha, trong đó thiệt hại > 70% là 998,6 ha; thiệt hại từ 30 - 70% là 1.794,6 ha; thiệt hại < 30% là 554 ha.
- Tổng diện tích cây rau, màu Hè Thu thiệt hại 886 ha, trong đó thiệt hại > 70% là 710,4 ha; thiệt hại từ 30 - 70% là 84,6 ha; thiệt hại < 30% là 91 ha.
- Diện tích cây ăn quả thiệt hại 608,8 ha, trong đó thiệt hại >70% là 397,8 ha; thiệt hại từ 30 - 70% là 135 ha; thiệt hại < 30% là 76 ha.
* Về chăn nuôi, thuỷ sản
Đã di dời khoảng 321.855 con gia súc, gia cầm; trên 555,88 ha nuôi trồng thủy sản và 562 lồng bè bị ảnh hưởng.
Đến nay, một số hộ dân đã di dời đàn vật nuôi trở lại chuồng nuôi. Bước đầu đã có 62.103 con gia súc, gia cầm của huyện Lý Nhân và thị xã Duy Tiên bị chết. Trong đó có 53 con gia súc (17 con bò sữa, 30 con bê sữa; 6 con lợn) và 62.050 con gia cầm. Các huyện Kim Bảng, Bình Lục và thành phố Phủ Lý chưa có gia súc, gia cầm bị chết. Huyện Thanh Liêm chưa thống kê được số gia súc, gia cầm bị chết. Ngoài ra việc di chuyển đàn vật nuôi gây ảnh hưởng về năng suất trứng, sữa, một số cơ sở không có địa điểm chuyển đến đã bán chạy gia súc, gia cầm...
Nhiều diện tích tại huyện Lý Nhân và Thanh Liêm bị ngập hoàn toàn. Toàn bộ 562 lồng nuôi cá trên sông Hồng bị ảnh hưởng (nhiều ô lồng cá bị chết, mất nhớt, bán chạy,…), trong đó có 1 cụm gồm 5 lồng nuôi ở xã Trần Hưng Đạo, huyện Lý Nhân bị trôi, hiện đang neo đậu tại tỉnh Thái Bình (Số liệu các địa phương tiếp tục cập nhật).
c) Về quản lý chất lượng nông, lâm sản, thuỷ sản và phát triển thị trường sau mưa lũ
Đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh: cơ bản không có thiệt hại lớn.
Tình hình giá cả thị trường nông sản: Giá cả các sản phẩm nông sản đặc biệt là rau, củ, quả, thịt lợn, thịt gà có chiều hướng tăng (giá bình quân tăng ước khoảng 30%) so với trước bão, lũ.
Công tác kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm được đẩy mạnh do vậy toàn tỉnh không xảy ra ngộ độc thực phẩm.
d) Tình hình thiệt hại do ảnh hưởng của cơn bão số 3 tại các Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
* Khu Xuân Khê - Nhân Bình: Công ty WinEco tổng số tiền thiệt hại ước tính trên 2,5 tỷ đồng; Trong đó toàn bộ 6 nhà kính bị hư hỏng, cụ thể: 5 nhà kính sản xuất bị bung, rách mái, đứt dây thừng vách, đứt cáp treo cây, 1 nhà kính ươm cây giống bị 13/22 khoang bị bung khung gioằng, rách toàn bộ mái, hỏng toàn bộ hệ thống lưới cắt nắng, tổng số tiền thiệt hại trên 750 triệu đồng; diện tích cây trồng bị thiệt hại khoảng 23 ha (với 16 loại rau củ quả như cà chua, dưa chuột, bầu bí, rau ăn lá… đang ở giai đoạn cây con và chuẩn bị cho thu hoạch), tổng chi phí sản xuất thiệt hại trên 1,7 tỷ đồng.
* Khu Nhân Khang:
- Công ty CP Đầu tư và Phát triển nông nghiệp CNC Hà Nam
Ước tính tổng số tiền thiệt hại trên 350 triệu đồng; Trong đó: Số nhà kính bị tốc mái: 5 nhà x 1.800 m2 x 37.000/m = 330 triệu đồng; diện tích cây trồng bị thiệt hại: lúa Đài thơm 8 siêu nguyên chủng 4,5 ha đang ở giai đoạn chín sáp bị đổ rạp, đã khắc phục bằng cách buộc dựng. Mướp giống 0,2 ha, ngô giống 0,1 ha…
- Công ty TNHH Bejo Việt Nam: diện tích kính bị tốc mái: 200 m2; diện tích cây trồng bị thiệt hại: Dưa chuột 1 sào Bắc bộ, Ớt 1 sào Bắc bộ
* Khu Đồng Du - thị trấn Bình Mỹ: Hợp tác xã Sản xuất và Dịch vụ Nông nghiệp Thanh Hà: Bị tốc mái tôn nhà sơ chế với diện tích khoảng 200 m2, bạt phủ khu xử lý nước bị tốc ước tính thiệt hại trên 60 triệu đồng.
III. KẾT QUẢ ỨNG PHÓ, KHẮC PHỤC THIÊN TAI TẠI KHUÔN VIÊN TRỤ SỞ
Sáng ngày 08/9/2024, Ban Giám đốc Sở, Ban Chỉ huy PCTN&TKCN Sở kiểm tra, chỉ đạo Văn phòng triển khai thực hiện ngay nội dung các công việc khắc phục hậu quả do bão gây ra. Văn phòng đã phối hợp với các đơn vị có liên quan và người lao động thực hiện các biện pháp trồng lại, chằng néo cây; chặt hạ, dọn dẹp cây xanh, bị đổ để đảm bảo an toàn và đến chiều tối ngày 08/9/2024, đã cơ bản khắc phục xong và tạo mỹ quan trong khuôn viên Sở.
IV. ĐỀ XUẤT, KIẾN NGHỊ
1. Để đảm bảo an toàn và an ninh trật tự trong khuôn viên của Sở, Ban Chỉ huy PCTN&TKCN Sở đề nghị Ban Giám đốc Sở giao Văn phòng:
- Thực hiện xây dựng lại tường bao trụ sở đã bị đổ do cây đổ đè lên.
- Cho phép thực hiện cắt cây, tỉa cành các cây có nguy cơ đổ, gẫy mất an toàn trong khuôn viên của Sở; kiểm tra, khảo sát để sửa chữa, xây dựng lại các công trình phụ trợ không đảm bảo an toàn.
2. Do ảnh hưởng của diễn biến khí hậu, dự báo thời gian tới hiện tượng thời tiết cực đoan sẽ nhiều khả năng còn diễn biến phức tạp. Để đảm bảo an toàn hệ thống đê kè, bối, tính mạng và tài sản của nhân dân, Ban Chỉ huy PCTN&TKCN Sở đề nghị Ban Giám đốc báo cáo Tỉnh uỷ, UBND tỉnh chỉ đạo:
- Hiện nay mực nước trên các sông trên địa bàn tỉnh đã xuống, nhiều trạm bơm trước đây phải dừng bơm nay đã đủ điều kiện hoạt động theo quy trình vận hành, đề nghị các địa phương, các công ty làm nhiệm vụ KTCT thủy lợi tổ chức vận hành tối đa công suất các trạm bơm để kịp thời tiêu úng, đảm bảo an toàn cho sản xuất và dân sinh kinh tế.
- Các nhà máy nước sạch tập trung nông thôn trước đây phải ngừng hoạt động hoặc hạn chế công suất cần nhanh chóng triển khai các giải pháp, sớm đưa nhà máy hoạt động bình thường trở lại, cung cấp nước sạch phục vụ nhân dân.
- Do mực nước sông Hồng rút nhanh các xã có đê cần tổ chức kiểm tra hệ thống đê, kè cống, bãi sông, kịp thời phát hiện các sự cố về sạt lở để đưa ra các biện pháp xử lý.
- Mực nước trên sông Đáy đang xuống, nhưng vẫn trên báo động III do đó các huyện, thành phố chỉ đạo các xã, phường, thị trấn có đê duy trì công tác tuần tra canh gác bảo vệ đê điều không chủ quan khi mực nước vẫn ở mức cao. Sẵn sàng triển khai các phương án hộ đê, bảo vệ trọng điểm, phương án đảm bảo an toàn công trình đã được phê duyệt theo phương châm “4 tại chỗ" theo các tình huống có thể xảy ra, chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện tại các khu vực đã xảy ra sự cố, các trọng điểm xung yếu.
- Tăng cường kiểm tra, hướng dẫn, hỗ trợ công tác phòng, chống dịch bệnh và vệ sinh môi trường sau mưa lũ, ngập lụt theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 1821/UBND-VXNV ngày 13/9/2024.
- Theo dõi chặt chẽ, nắm bắt các bản tin dự báo, diễn biến mưa, lũ; thông báo kịp thời đến đến các cấp chính quyền, người dân, các tổ chức ở ven sông và có các hoạt động trên sông biết để phòng tránh.
Ban Chỉ huy PCTN & TKCN Sở Nông nghiệp & PTNT trân trọng báo cáo./.