Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Báo cáo kết quả kiểm tra công tác Quản lý nhà nước về tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh và thực hiện tiêu chí làng nghề, làng nghề truyền thống

Tin tức - Sự kiện Tin nội bộ  
Báo cáo kết quả kiểm tra công tác Quản lý nhà nước về tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh và thực hiện tiêu chí làng nghề, làng nghề truyền thống
Báo cáo số 176/BC-SNN ngày 20/8/2024 kết quả kiểm tra công tác Quản lý nhà nước về tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh và thực hiện tiêu chí làng nghề, làng nghề truyền thống

Thực hiện Kế hoạch thanh tra, kiểm tra ngành Nông nghiệp & PTNT tỉnh Hà Nam năm 2024. Ngày 07 - 08/8/2024, Chi cục Phát triển nông thôn phối hợp với Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Thanh Liêm, huyện Lý Nhân; Phòng Kinh tế thành phố Phủ Lý tiến hành kiểm tra công tác quản lý Nhà nước về tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh và thực hiện tiêu chí làng nghề, làng nghề truyền thống tại 3 xã: xã Hòa Hậu huyện Lý Nhân, xã Thanh Hà huyện Thanh Liêm, xã Liêm Tuyền thành phố Phủ Lý. Kết quả, cụ thể như sau:

I. CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC

1.1 Công tác lãnh đạo, chỉ đạo

Công tác bảo tồn và phát triển làng nghề được UBND các xã quan tâm, là một nội dung được đưa vào Nghị quyết; chỉ đạo phân công cán bộ phụ trách công tác quản lý ngành nghề nông thôn, làng nghề của xã tiến hành kiểm tra, rà soát các tiêu chí làng nghề, làng nghề truyền thống; tổng hợp báo cáo tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh làng nghề; kiểm tra, giám sát việc chấp hành công tác phòng cháy, chữa cháy, an toàn vệ sinh môi trường, bảo vệ môi trường của các hộ, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong làng nghề.

1.2 Công tác thông tin, truyền thông

Công tác thông tin, tuyên truyền phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển ngành nghề nông thôn, làng nghề, bảo vệ môi trường làng nghề, đã được UBND xã quan tâm chỉ đạo, thực hiện thường xuyên thông qua hệ thống truyền thanh của xã.

II. KẾT QUẢ HOẠT ĐỘNG SẢN XUẤT, KINH DOANH VÀ THỰC HIỆN TIÊU CHÍ LÀNG NGHỀ, LÀNG NGHỀ TRUYỀN THỐNG

1. Kết quả thực hiện tiêu chí làng nghề tại xã Hòa Hậu huyện Lý Nhân

- Trên địa bàn xã Hòa Hậu có 01 làng nghề truyền thống: dệt Đại Hoàng được UBND tỉnh công nhận năm 2004 theo Quyết định số 1390/QĐ-CT ngày 18/10/2004 về việc công nhận làng nghề truyền thống tiêu thủ công nghiệp tỉnh Hà Nam.

- Kết quả thực hiện tiêu chí làng nghề theo quy định tại Điều 5 Nghị định 52/2018/NĐ-CP ngày 12/4/2018 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn.

+ Tiêu chí về tỷ lệ số hộ tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh làng nghề: Tổng số hộ trong làng nghề là 3.109 hộ, số hộ tham gia làm nghề là 1.221 hộ, chiếm 39,27% (đảm bảo tiêu chí về tỷ lệ số hộ trong làng nghề tham gia làm nghề).

+ Tiêu chí về hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định trong 2 năm liên tiếp: Hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định, kết quả doanh thu năm 2023 đạt gần 153 tỷ đồng, doanh thu năm 6 tháng đầu năm 2024 đạt gần 93 tỷ đồng (đảm bảo tiêu chí về hoạt động sản xuất kinh doanh).

+ Tiêu chí về bảo vệ môi trường làng nghề theo Quy định tại Điều 56 Luật Bảo vệ môi trường ngày 17/11/2020 chưa đảm bảo tiêu chí về bảo vệ môi trường làng nghề, cụ thể:

  • Làng nghề truyền thống dệt Đại Hoàng xã Hòa Hậu đã xây dựng phương án bảo vệ môi trường làng nghề và được UBND huyện Lý Nhân phê duyệt theo Quyết định số 2584/QĐ-UBND ngày 16/5/2019 về việc phê duyệt phương án bảo vệ môi trường làng nghề truyền thống dệt Đại Hoàng tại xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam.
  • Đã thành lập tổ tự quản bảo vệ môi trường làng nghề theo Quyết định số 12/QĐ-UBND ngày 10/3/2023 của UBND xã Hòa Hậu về việc kiện toàn Tổ tự quản Bảo vệ môi trường làng nghề truyền thống dệt Đại Hoàng xã Hòa Hậu.
  • Hạ tầng bảo vệ môi trường: đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung với công suất 2000m3/ngày.đêm. Chất thải rắn sinh hoạt tại hộ được thu gom, vận chuyển tới bể trung chuyển rác thải trên địa bàn xã (01 bể trung chuyển); UBND xã ký hợp đồng với Công ty cổ phần môi trường và Công trình đô thị Hà Nam để thu gom, vận chuyển và xử lý theo quy định.
  • Các hộ sản xuất trong làng nghề đều ký cam kết đảm bảo vệ sinh môi trường, thực hiện các biện pháp để giảm thiểu bụi như thường xuyên quét dọn vệ sinh và tiếng ồn bằng cách không vận hành máy vào những thời điểm từ 11h -14h và sau 22h đêm; thực hiện thu gom, phân loại và xử lý chất thải rắn theo quy định.

- Đánh giá: Làng nghề truyền thống dệt Đại Hoàng xã Hòa Hậu huyện Lý Nhân cơ bản đạt 3/3 tiêu chí theo quy định tại Điều 5 Nghị định 52/2018/NĐ-CP ngày 12/4/2018 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn.

2. Kết quả thực hiện tiêu chí làng nghề tại xã Liêm Tuyền, TP. Phủ Lý

- Trên địa bàn xã Liêm Tuyền, thành phố Phủ Lý hiện có 01 làng nghề chế biến lương thực, thực phẩm Bích Trì được công nhận năm 2008 theo Quyết định số 479/QĐ-UBND ngày 22/4/2008 của UBND tỉnh Hà Nam về việc công nhận làng nghề và làng nghề truyền thống tiểu thủ công nghiệp.

- Kết quả thực hiện tiêu chí làng nghề theo quy định tại Điều 5 Nghị định 52/2018/NĐ-CP ngày 12/4/2018 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn.

+ Tiêu chí về tỷ lệ số hộ tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh làng nghề: Tổng số hộ trong làng nghề là 468 hộ, số hộ tham gia làm nghề là 52 hộ, chiếm 11,11% (chưa đảm bảo tiêu chí về tỷ lệ số hộ tham gia làm nghề trong làng nghề).

+ Tiêu chí về hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định trong 2 năm liên tiếp: Hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định, kết quả doanh thu năm 2023 đạt 6 tỷ đồng, doanh thu năm 6 tháng đầu năm 2024 đạt 3,2 tỷ đồng (đảm bảo tiêu chí về hoạt động sản xuất kinh doanh).

+ Tiêu chí về bảo vệ môi trường làng nghề theo Quy định tại Điều 56 Luật Bảo vệ môi trường ngày 17/11/2020 chưa đảm bảo tiêu chí về bảo vệ môi trường làng nghề, cụ thể:

  • Làng nghề chế biến lương thực, thực phẩm Bích Trì xã Liêm Tuyền chưa xây dựng phương án bảo vệ môi trường, chưa thành lập tổ tự quản bảo vệ môi trường làng nghề.
  • Hạ tầng bảo vệ môi trường: chưa xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung, nước thải tại các hộ được thu gom và xử lý sơ bộ bằng hố lắng trước khi xả thải vào hệ thống thoát nước chung của khu dân cư. Chất thải rắn sinh hoạt tại các hộ được Công ty cổ phần môi trường và Công trình đô thị Hà Nam thu gom trực tiếp và vận chuyển đưa đi xử lý theo quy định.
  • Các hộ sản xuất trong làng nghề đều ký cam kết đảm bảo vệ sinh môi trường; thực hiện thu gom, phân loại và xử lý chất thải rắn theo quy định.

- Đánh giá: Làng nghề chế biến lương thực, thực phẩm Bích Trì xã Liêm Tuyền thành phố Phủ Lý cơ bản đạt 1/3 tiêu chí theo quy định tại Điều 5 Nghị định 52/2018/NĐ-CP ngày 12/4/2018 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn.

3. Kết quả thực hiện tiêu chí làng nghề tại xã Thanh Hà huyện Thanh Liêm

- Trên địa bàn xã Thanh Hà hiện có 7 làng nghề, trong đó:

+ 02 làng nghề truyền thống: thêu ren An Hòa và Hòa Ngãi được UBND tỉnh công nhận năm 2004 theo Quyết định số 1390/QĐ-CT ngày 18/10/2004 về việc công nhận làng nghề truyền thống tiêu thủ công nghiệp tỉnh Hà Nam.

+ 05 làng nghề: thêu Dương Xá, Mậu Chử, Quang Trung, Ứng Liêm và Thạch Tổ được UBND tỉnh công nhận năm 2008 theo các Quyết định số 479/QĐ-UBND ngày 22/4/2008 về việc công nhận làng nghề và làng nghề truyền thống tiểu thủ công nghiệp và Quyết định số 1467/QĐ-UBND ngày 26/11/2008 về việc công nhận làng nghề tiểu thủ công nghiệp tỉnh năm 2008.

- Kết quả thực hiện tiêu chí làng nghề theo quy định tại Điều 5 Nghị định 52/2018/NĐ-CP ngày 12/4/2018 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn.

+ Tiêu chí về tỷ lệ số hộ tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh làng nghề: Đối với làng nghề truyền thống thêu ren An Hòa có tổng số hộ tham gia làm nghề là 165/681 hộ, chiếm 24,2% (đảm bảo tiêu chí về tỷ lệ số hộ); làng nghề truyền thống thêu ren Hòa Ngãi là 225/784 hộ, chiếm 28,7% (đảm bảo tiêu chí về tỷ lệ số hộ); 5 làng nghề thêu Mậu Chử, Dương Xá, Thạch Tổ, Ứng Liêm, Quang Trung có tỷ lệ số hộ tham gia làm nghề chiếm khoảng 13% trong tổng số hộ của làng nghề (chưa đảm bảo tiêu chí về tỷ lệ số hộ).

+ Tiêu chí về hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định trong 2 năm liên tiếp: Đối với 2 làng nghề truyền thống thêu ren An Hòa và Hòa Ngãi doanh thu trung bình năm 2023 đạt gần 18 tỷ đồng/làng nghề, doanh thu 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt gần 9 tỷ đồng/làng nghề; đối với 5 làng nghề thêu Mậu Chử, Dương Xá, Thạch Tổ, Ứng Liêm, Quang Trung có doanh thu trung bình năm 2023 đạt hơn 12 tỷ đồng/làng nghề, doanh thu 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt hơn 6 tỷ đồng/làng nghề (7 làng nghề trên địa bàn xã Thanh Hà đều đảm bảo tiêu chí về hoạt động sản xuất kinh doanh).

+ Tiêu chí về bảo vệ môi trường làng nghề theo Quy định tại Điều 56 Luật Bảo vệ môi trường ngày 17/11/2020, 7 làng nghề trên địa bàn xã Thanh Hà chưa đảm bảo tiêu chí về bảo vệ môi trường làng nghề, cụ thể:

  • 7 làng nghề trên địa bàn xã Thanh Hà chưa xây dựng phương án bảo vệ môi trường và chưa thành lập tổ tự quản bảo vệ môi trường làng nghề.
  • Hạ tầng bảo vệ môi trường: Chưa xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung, nước thải tại các hộ được thu gom và xử lý sơ bộ qua hố lắng trước khi xả thải vào hệ thống thoát nước chung của khu dân cư. Chất thải rắn tại các hộ thu gom, vận chuyển tới bể trung chuyển rác thải trên địa bàn xã (01 bể trung chuyển) và ký hợp đồng với Công ty cổ phần môi trường và Công trình đô thị Hà Nam thu gom, vận chuyển, xử lý theo quy định.
  • Các hộ sản xuất trong làng nghề đều ký cam kết đảm bảo vệ sinh môi trường; thực hiện thu gom, phân loại và xử lý chất thải rắn theo quy định.
  • Đánh giá: 2 làng nghề truyền thống (làng nghề truyền thống thêu ren An Hòa, Hòa Ngãi) xã Thanh Hà huyện Thanh Liêm cơ bản đạt 2/3 tiêu chí theo quy định tại Điều 5 Nghị định 52/2018/NĐ-CP ngày 12/4/2018 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn; 5 làng nghề (làng nghề thêu Dương Xá, Mậu Chử, Quang Trung, Ứng Liêm, Thạch Tổ) xã Thanh Hà huyện Thanh Liêm cơ bản đạt 1/3 tiêu chí theo quy định tại Điều 5 Nghị định 52/2018/NĐ-CP ngày 12/4/2018 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn.

II. ĐÁNH GIÁ CHUNG

1. Những mặt đạt được

- Công tác quản lý nhà nước về làng nghề được UBND các xã quan tâm, thường xuyên tuyên truyền cơ chế chính sách bảo tồn và phát triển làng nghề, bảo vệ môi trường làng nghề trên hệ thống truyền thanh của xã.

- Cùng với việc thực hiện duy trì, nâng cao chất lượng và hoàn thiện các tiêu chí nông thôn mới một số công trình hạ tầng bảo vệ môi trường làng nghề đã được các xã quan tâm xây dựng như hệ thống rãnh tiêu thoát nước trong khu vực dân cư của làng nghề.

- Hoạt động làng nghề hỗ trợ giải quyết việc làm cho một số bộ phận lao động nông thôn tại địa phương; đối với làng nghề truyền thống dệt Đại Hoàng còn tạo việc làm cho lao động tại một số địa phương lân cận.

- Nhận thức được vai trò và tầm quan trọng của làng nghề đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, các xã đều mong muốn được duy trì, bảo tồn và phát triển các làng nghề hiện có.

2. Tồn tại, hạn chế

- Tình hình thực hiện tiêu chí làng nghề chưa thực sự được quan tâm, chú trọng đúng mức. Trong tổng số 9 làng nghề kiểm tra chỉ có 1 làng nghề cơ bản đảm bảo 3/3 tiêu chí làng nghề theo quy định tại Điều 5 Nghị định 52/2018/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn.

- Công tác xây dựng phương án bảo vệ môi trường làng nghề tại các làng nghề còn chậm, chưa được ưu tiên triển khai, thực hiện. Các địa phương chưa trú trọng xây dựng kế hoạch bảo tồn và phát triển làng nghề gắn với bảo vệ môi trường hàng năm. Các làng nghề của xã Thanh Hà, xã Liêm Tuyền phương án bảo vệ môi trường chưa được UBND huyện Thanh Liêm, TP. Phủ Lý phê duyệt theo quy định.

- Tỷ lệ số hộ, số lao động làng nghề tham gia làm nghề có xu hướng giảm do thu nhập từ làng nghề thấp, thu nhập không ổn định và có sự dịch chuyển sang các ngành nghề khác.

- Các cơ sở sản xuất trong làng nghề chủ yếu là hộ gia đình, quy mô nhỏ lẻ, nằm xen kẹp trong khu dân cư nên gây khó khăn trong công tác xử lý triệt để vấn đề ô nhiễm môi trường, đổi mới công nghệ. Bên cạnh đó ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường và giữ gìn vệ sinh môi trường của các hộ, cơ sở sản xuất kinh doanh trong một số làng nghề còn hạn chế.

III. KIẾN NGHỊ, ĐỀ XUẤT

- Đề nghị Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Thanh Liêm, Phòng Kinh tế thành phố Phủ Lý tham mưu UBND huyện Thanh Liêm, Thành phố Phủ Lý chỉ đạo các xã Thanh Hà, Liêm Tuyền, phòng chuyên môn cấp huyện sớm hoàn thiện, phê duyệt phương án bảo vệ môi trường làng nghề tại các làng nghề; xây dựng kế hoạch bảo tồn và phát triển làng nghề, triển khai thực hiện các tiêu chí làng nghề, làng nghề truyền thống, đặc biệt quan tâm chỉ đạo xây dựng kế hoạch bảo vệ môi trường làng nghề.

Đề nghị xã Liêm Tuyền, xã Thanh Hà  sớm hoàn thiện phương án bảo vệ môi trường làng nghề trình UBND thành phố Phủ Lý, huyện Thanh Liêm phê duyệt; các xã tiếp tục quan tâm chỉ đạo và đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phát triển ngành nghề, làng nghề; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động tại hộ, cơ sở sản xuất, kinh doanh làm nghề trong làng nghề; rà soát lại số hộ trong làng nghề tham gia làm nghề; hàng năm xây dựng kế hoạch bảo tồn và phát triển làng nghề phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; triển khai xây dựng phương án bảo vệ môi trường làng nghề và kế hoạch thực hiện phương án bảo vệ môi trường làng nghề.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y