Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Báo cáo sơ kết công tác thi đua khen thưởng 6 tháng đầu năm phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024

Tin tức - Sự kiện Tin trong tỉnh  
Báo cáo sơ kết công tác thi đua khen thưởng 6 tháng đầu năm phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024
Báo cáo số 253 ngày 13/6/2024 của Sở Nông nghiệp & PTNT Sơ kết công tác thi đua khen thưởng 6 tháng đầu năm phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024

Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nam đã nhận được Văn bản số 2900/TĐKTĐBSH&TDBB-SNNQN ngày 29/5/2024 của Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh Quảng Ninh về việc sơ kết công tác thi đua, khen thưởng 6 tháng đầu năm 2024, Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nam báo cáo với những nội dung chính như sau:

I. ĐẶC ĐIỂM TÌNH HÌNH

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh thực hiện chức năng tham mưu, giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh quản lý nhà nước về: nông nghiệp; lâm nghiệp; thuỷ sản; thuỷ lợi; phát triển nông thôn; phòng, chống thiên tai; chất lượng an toàn thực phẩm đối với nông sản, lâm sản, thuỷ sản; về các dịch vụ công thuộc ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn theo quy định pháp luật và theo phân công hoặc uỷ quyền của Uỷ ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ và triển khai công tác Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nam có những thuận lợi và khó khăn như sau:

1. Thuận lợi

Thực hiện nhiệm vụ sáu tháng đầu năm 2024, ngành Nông nghiệp & PTNT luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát, thường xuyên của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp & PTNT và sự phối hợp, ủng hộ tích cực của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương.

Năm 2024 là năm bản lề, năm tăng tốc, bứt phá, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc tạo đà để hoàn thành thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021-2025), Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, góp phần hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; thực hiện nhiều chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và của tỉnh trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn. Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp của tỉnh đã thúc đẩy, tác động tích cực đến sự phát triển trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn.

2. Khó khăn

Thời tiết diễn biến phức tạp, bất thường; tình hình dịch hại trên cây trồng luôn có chiều hướng phát sinh; diện tích đất dành cho phát triển chăn nuôi, thuỷ sản của tỉnh bị thu hẹp để phát triển công nghiệp, đô thị, dịch vụ.

II. KẾT QUẢ TỔ CHỨC THỰC HIỆN PHONG TRÀO THI ĐUA 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2024

1. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện phong trào thi đua

Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nam đã quan tâm chỉ đạo, triển khai các phong trào thi đua yêu nước bám sát với các chỉ tiêu, nhiệm vụ của ngành, gắn với tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, triển khai Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 07/4/2014 của Bộ Chính trị “Về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng", Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh", thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các quy định của pháp luật về công tác thi đua khen thưởng như: Luật Thi đua khen thưởng năm 2022, các Chỉ thị, Nghị định, các văn bản hướng dẫn về công tác thi đua khen thưởng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân tỉnh tới từng phòng, đơn vị và cán bộ công chức, viên chức, người lao động trong toàn Sở; ban hành các văn bản chỉ đạo và hưởng ứng các phong trào thi đua, cụ thể như sau:

- Quyết định số 101/QĐ-SNN ngày 17/7/2023 về việc kiện toàn thành viên Hội đồng Thi đua, Khen thưởng Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nam do đồng chí Giám đốc Sở làm Chủ tịch Hội đồng và 8 đồng chí ủy viên.

- Kế hoạch số 08/KH-SNN ngày 19/02/2024 về công tác Thi đua, Khen thưởng.

- Kế hoạch số 23/KH-SNN ngày 22/4/2024 về Phát động phong trào thi đua năm 2024.

- Quyết định số 43/QĐ-SNN ngày 21/5/2024 về việc thành lập Khối thi đua các phòng, đơn vị trực thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nam.

Phát hiện, xây dựng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong lao động sản xuất và các phong trào thi đua góp phần nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt và là động lực quan trọng thúc đẩy phong trào thi đua ngày càng mạnh mẽ.

2. Kết quả thực hiện các chỉ tiêu phát triển của ngành

2.1. Sản xuất nông nghiệp

a. Lĩnh vực trồng trọt - lâm nghiệp

* Lĩnh vực Trồng trọt

Tổng diện tích lúa vụ Xuân 2024 toàn tỉnh gieo cấy được 27.807,6 ha lúa đạt đạt 100,47% kế hoạch. Đến nay, diện tích đã thu hoạch 100% diện tích, năng suất lúa vụ Xuân 2024 ước đạt 67,27 tạ/ha (cao hơn 0,07 tạ/ha so với vụ Xuân 2023). Kết quả gieo trồng một số cây rau màu vụ Xuân: diện tích các cây màu vụ xuân 2024 gieo trồng 5.045,3 ha, đạt 130 % kế hoạch, tăng 114,5 ha so vụ xuân 2023.

* Lĩnh vực lâm nghiệp

Công tác bảo vệ rừng, phát triển rừng: Bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có. Trồng rừng lại sau khai thác đạt 12,46 ha. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 6,26%. Thực hiện Kế hoạch triển khai Quyết định số 524/QĐ-TTg ngày 01/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025" trên địa bàn tỉnh, đến ngày 27/5/2024 số cây nhân dân, cây phân tán, cây xanh đã trồng 778.250 cây đạt 70,8 % so với kế hoạch cả năm 2024.

Thường xuyên tuần tra, kiểm soát, phối hợp tham mưu cho cấp ủy chính quyền địa phương thực hiện các biện pháp chống chặt phá rừng trái phép, làm tốt công tác tăng cường tuần tra, phát hiện, xử lý những vi phạm chặt phá rừng, buôn bán gỗ, động vật hoang dã trái phép, các hành vi vi phạm làm xâm hại đến rừng, đất lâm nghiệp và quản l‎ý lâm sản; ngăn chặn việc chặt phá rừng, phòng cháy chống cháy rừng; kiểm tra sâu bệnh hại rừng.

Ước giá trị 6 tháng đầu năm 2024 đạt 8,889 tỷ đồng trong đó: Trồng rừng và chăm sóc đạt 2,703 tỷ đồng; Khai thác gỗ và lâm sản khác đạt 5,821 tỷ đồng; Hoạt động dịch vụ lâm nghiệp đạt 365 tỷ đồng.

b. Lĩnh vực Chăn nuôi - thú y - thuỷ sản

* Lĩnh vực chăn nuôi - thú y

Sản xuất chăn nuôi trong 6 tháng đầu năm 2024 trên địa bàn tỉnh tiếp tục được duy trì ổn định và phát triển theo hướng tăng quy mô chăn nuôi trang trại, giảm dần chăn nuôi nông hộ trong khu dân cư. Kết quả cụ thể như sau:

- Đàn lợn ước đạt 385 nghìn con, tăng 1,4% so với cùng kỳ năm trước và đạt 101,3% kế hoạch; sản lượng thịt hơi xuất chuồng ước đạt 37.932,5 tấn, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm trước và bằng 52,65% so với kế hoạch.

- Đàn gia cầm ước đạt 8.897,6 nghìn con tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước và đạt 98,9% so với kế hoạch; sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng ước đạt 12.563,1 tấn, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước và đạt 50,3% so với kế hoạch.

- Đàn trâu bò ước đạt 37.083 con, bằng 99,8% so với cùng kỳ năm trước và đạt 98,9% kế hoạch. Trong đó đàn bò sữa ước đạt 4.468 con, bằng 96,5 % so với cùng kỳ năm trước, đạt 96,1% kế hoạch, đàn bò thịt ước đạt 28.925 con, tương đương cùng kỳ năm trước và đạt 98,9% kế hoạch. Sản lượng thịt trâu, bò hơi xuất chuồng ước đạt 1.289,3 tấn, tăng 0,5% so với cùng kỳ năm trước và đạt 48,65% so với kế hoạch; sản lượng sữa tươi ước đạt 5.963 tấn, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm trước và đạt 50,5% so với kế hoạch.

- Tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại (thịt trâu, bò, lợn, gia cầm) ước đạt 51.784,9 tấn, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm trước và đạt 52,7% kế hoạch.

* Lĩnh vực thủy sản

- Sản xuất thủy sản tiếp tục được duy trì ổn định với tổng diện tích nuôi ước đạt 5.560 ha, bằng 101,1% so với kế hoạch. Trong đó diện tích nuôi cá truyền thống khoảng 5.520 ha, diện tích nuôi con đặc sản khoảng 40 ha; Toàn tỉnh hiện có 560 lồng nuôi cá trên sông Hồng, tổng thể tích khoảng 61.260m3.

- Tổng sản lượng thuỷ sản ước đạt 13.235 tấn, đạt 51,7% kế hoạch cả năm, tăng 0,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Sản lượng thuỷ sản nuôi trồng ước đạt 13.025 tấn; sản lượng thủy sản khác ước đạt 210 tấn.

2.2. Công tác nước sạch nông thôn, thuỷ lợi, đê điều và phòng chống thiên tai

Chỉ đạo các Công ty khai thác công trình thủy lợi phục vụ đủ nước cho gieo trồng vụ xuân. Tổng khối lượng nạo vét phục vụ lấy nước tưới cho vụ Đông Xuân 2023-2024 là 689.408/655.882 m3, đạt 105,1% kế hoạch.

Tổ chức kiểm tra việc thực hiện pháp luật về quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi tại các địa phương; thực hiện thẩm định các chỉ tiêu, tiêu chí về lĩnh vực thủy lợi, phòng chống thiên tai, chất lượng môi trường sống đối với các xã công nhận nông thôn mới nâng cao năm 2023; Tham mưu cho UBND tỉnh ban hành 02 Quyết định quy định giá sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi năm 2023 và năm 2024 trên địa bàn tỉnh Hà Nam; Tổ chức kiểm tra diện tích tưới tiêu và sửa chữa công trình bằng nguồn kinh phí hỗ trợ sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thuỷ lợi.

Tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh ước thực hiện 6 tháng đầu năm 2024 đạt 99,6%; trong đó tỷ lệ hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh từ công trình cấp nước tập trung đạt 90,55%

Thực hiện kiểm tra, đánh giá hiện trạng quản lý tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch tập trung nông thôn trên địa bàn tỉnh, tổng hợp báo cáo, đề xuất, kiến nghị các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý vận hành các công trình nước sạch tập trung nông thôn; phối hợp tốt với UBND các huyện, thị xã, thành phố điều tra Bộ chỉ số theo dõi, đánh giá nước sạch nông thôn, tổng hợp số liệu, trình UBND tỉnh phê duyệt; thực hiện đôn đốc các nhà máy nước sạch báo cáo công tác nội kiểm chất lượng nước sạch hàng tháng theo đúng quy định.

Chỉ đạo đơn vị chuyên môn thường xuyên kiểm tra đê, kè, cống, bãi sông... phát hiện, báo cáo kịp thời sự cố, những hư hỏng công trình đê điều. Thường xuyên kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn đồng thời kiến nghị chính quyền địa phương xử lý các vụ vi phạm pháp luật về đê điều, kết quả đã hạn chế được nhiều trường hợp vi phạm; xây dựng các phương án trọng điểm, phương án phân lũ, phương án cứu hộ, cứu nạn và chuẩn bị các điều kiện cho tổng kết công tác phòng chống thiên tai năm 2023 và triển khai công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2024.

2.3. Công tác phát triển nông thôn

- Đến nay tỉnh Hà Nam có 83/83 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 29 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 19 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu; 100% số đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

- Phối hợp với các đơn vị hoàn thiện hồ sơ đề nghị khen thưởng tập thể, cá nhân, hộ gia đình có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong phong trào thi đua “Chung sức xây dựng nông thôn mới" giai đoạn 2021-2025.

- Đôn đốc triển khai đến các huyện, thị xã, thành phố đăng ký xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2024. Kết quả đến nay 15 xã đăng ký xã đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2024; 02 xã đăng ký đạt chuẩn NTM kiểu mẫu năm 2024. Phấn đấu năm 2024 có 10 xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao.

- Xây dựng dự thảo quyết định sửa đổi tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí xã NTM, xã NTM nâng cao, huyện NTM, huyện NTM nâng cao trên địa bàn tỉnh Hà Nam giai đoạn 2021 - 2025 trình UBND tỉnh ban hành Quyết định theo quy định ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

- Đôn đốc đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP năm 2023. Đến nay đã có 4 huyện, thành phố tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP năm 2023 với 38 sản phẩm đạt hạng 3 sao cấp huyện. Đến nay tỉnh Hà Nam có 130 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên (trong đó có 113 sản phẩm đạt hạng 3 sao, 17 sản phẩm đạt hạng 4 sao).

- Đôn đốc, triển khai các huyện thị xã, thành phố triển khai, thực hiện Kế hoạch thực hiện Chương trình OCOP năm 2024. Kết quả có 06 huyện, thị xã, thành phố đăng ký sản phẩm tham gia Chương trình OCOP với tổng số 35 ý tưởng sản phẩm của 19 chủ thể đã được UBND tỉnh phê duyệt tại quyết định số 743/QĐ-UBND ngày 03/6/2024. Phấn đấu năm 2024 có từ 20-25 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên, hoàn thành sớm chỉ tiêu kế hoạch thực hiện chương trình giai đoạn 2021-2025.

- Thực hiện chuyển dịch lao động nông nghiệp sang lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, tỷ lệ lao động nông nghiệp/tổng lao động xã hội tính đến quý II/2024 ước còn 86.212/478.235 người chiếm tỷ lệ 18,03%.

2.4 Lĩnh vực quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản

Triển khai công tác kiểm tra, lấy mẫu giám sát chỉ tiêu an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm nông lâm thủy sản; Tập huấn, hướng dẫn cho các cán bộ làm nhiệm vụ quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm tại các địa phương trên địa bàn tỉnh nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ trong công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp; tập huấn cho bà con nông dân kiến thức thực hành sản xuất rau, củ, quả bền vững; Tổ chức các hoạt động kết nối sản xuất với tiêu thụ, xúc tiến thương mại, truyền thông, quảng bá nông sản thực phẩm an toàn của tỉnh theo đúng tiến độ Kế hoạch đã đề ra. Trong năm 2024, đã cử cán bộ tham gia Đoàn kiểm tra số 01; 03 và chủ trì Đoàn kiểm tra số 02 theo các Quyết định kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm trong các đợt trọng điểm, cụ thể: Quyết định số 44/QĐ-UBND ngày 11/01/2024 của UBND tỉnh Hà Nam về việc thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và mùa Lễ hội Xuân 2024; Quyết định số 577/QĐ-UBND, ngày 24/4/2024 của UBND tỉnh Hà Nam về việc thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành công tác bảo đảm an toàn thực phẩm Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2024.

2.5. Công tác xây dựng cơ bản

Sáu tháng đầu năm 2024, đã thực hiện quản lý Nhà nước trong lĩnh vực đầu tư xây dựng các công trình, dự án chuyên ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn trên địa bàn tỉnh đảm bảo đúng các quy định như tổ chức thẩm định dự án; thẩm định thiết kế bản vẽ thi công và dự toán các công trình. Thực hiện công tác quản lý Nhà nước về chất lượng công trình chuyên ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn trên địa bàn tỉnh theo phân cấp; kiểm tra chất lượng công trình trong quá trình thi công xây dựng và khi công trình hoàn thành đưa vào sử dụng. Kết quả các công việc trên đã đảm bảo đúng các quy trình, quy phạm, chế độ chính sách theo quy định hiện hành của nhà nước, đúng tiến độ đề ra.

Tổ chức thực hiện các dự án được UBND tỉnh giao làm Chủ đầu tư đảm bảo đúng quy trình, đúng tiến độ, chất lượng theo quy định. Đôn đốc các dự án chuyên ngành phục vụ công tác phòng chống thiên tai, đê điều trên địa bàn tỉnh nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng chống thiên tai và chống ngập úng trên địa bàn tỉnh.

Tóm lại: Qua 06 tháng thực hiện nhiệm vụ được giao, được sự quan tâm thường xuyên, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, Uỷ ban nhân dân tỉnh, Ngành Nông nghiệp & PTNT đã đạt được kết quả như sau: Giá trị sản xuất nông nghiệp (giá so sánh 2010) ước đạt 4.710,1 tỷ đồng, tăng 1,1% so với cùng kỳ và đạt 53,86 % kế hoạch.

3. Kết quả thực hiện các phong trào thi đua nổi bật

Hưởng ứng phong trào thi đua năm 2024 do Ủy ban nhân dân tỉnh phát động với chủ đề: “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc" với phương châm “Kỷ cương, trách nhiệm; chủ động, kịp thời; tăng tốc, sáng tạo; hiệu quả, bền vững", Sở Nông nghiệp và & PTNT đã xây dựng kế hoạch tổ chức phát động phong trào thi đua trong toàn ngành nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, thực hiện các phong trào thi đua nổi bật như:

-  Phong trào thi đua “Chung sức xây dựng nông thôn mới" tỉnh Hà Nam giai đoạn 2021-2025:

 Đến nay tỉnh Hà Nam có 83/83 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 29 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 19 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu; 100% số đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Đôn đốc triển khai đến các huyện, thị xã, thành phố đăng ký xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2024. Kết quả đến nay 15 xã đăng ký xã đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2024; 02 xã đăng ký đạt chuẩn NTM kiểu mẫu năm 2024. Phấn đấu năm 2024 có 10 xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao.

- Phong trào thi đua “Đẩy mạnh cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh Hà Nam giai đoạn 2023-2025" gắn với việc thực hiện Phong trào thi đua “Cán bộ, công chức, viên chức thực hiện văn hoá công sở" giai đoạn 2019-2025:

Xác định công tác Cải cách hành chính (CCHC) là nhiệm vụ trọng tâm, Đảng ủy, Ban Giám đốc Sở chỉ đạo các phòng, đơn vị trực thuộc Sở tổ chức triển khai thực hiện tốt Kế hoạch công tác CCHC của ngành năm 2024; đảm bảo tính thống nhất trong tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể và công chức, viên chức về các chủ trương, nhiệm vụ và giải pháp CCHC chính gắn với việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao. Nhiệm vụ CCHC là một trong các cơ sở để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ, năng lực lãnh đạo, điều hành và trách nhiệm của thủ trưởng các phòng, đơn vị trực thuộc Sở, là một trong những tiêu chí đánh giá bình xét danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng cho tập thể, cá nhân và đánh giá phân loại công chức, viên chức hàng năm.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, công chức, viên chức và người lao động thuộc Sở đều thực hiện nghiêm túc, đúng quy định về văn hóa công sở tại nơi làm việc và trong hoạt động công vụ. Và đây cũng là tiêu chí làm cơ sở để Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Sở xét, đánh giá thi đua, đánh giá và xếp loại vào dịp cuối năm.

- Phong trào thi đua “Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí" tỉnh Hà Nam:

Sở Nông nghiệp & PTNT đã ban hành Kế hoạch số 22/KH-SNN ngày 04/4/2023 về Triển khai phong trào thi đua “Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí" tạo khí thế thi đua sôi nổi, phát huy sức mạnh trong đẩy mạnh xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội đồng bộ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong đời sống xã hội tới toàn thể công chức, viên chức, người lao động thuộc Sở và vận động toàn dân tham gia xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn đồng bộ, hiện đại.

- Phong trào thi đua “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023-2030" trên địa bàn tỉnh Hà Nam:

Sở Nông nghiệp & PTNT đã ban hành Kế hoạch số 18/KH-SNN ngày 05/4/2024 về Triển khai thực hiện Phong trào “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023-2030"; Kế hoạch số 19/KH-SNN ngày 05/4/2024 về Triển khai xây dựng Đơn vị học tập của Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh Hà Nam năm 2024 tạo cơ hội và điều kiện cho công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị được học tập thường xuyên, học tập nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ và trình độ lý luận chính trị. Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức và người lao động làm công tác đủ trình độ chuyên môn, năng lực, phẩm chất đạo đức, chính trị, có kỹ năng và phương pháp thực thi công vụ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng cơ quan hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị.

- Phong trào thi đua thực hiện nhiệm vụ Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2024: Chỉ đạo các địa phương kiểm tra, đánh giá hiện trạng và kịp thời xử lý các sự cố về đê, kè, cống trước mùa mưa bão; xây dựng các phương án hộ đê bảo vệ trọng điểm xung yếu, phương án đảm bảo an toàn vùng ngập lụt khi chuyển lũ vào sông Đáy và Kế hoạch tìm kiếm cứu nạn khi vỡ đê. Triển khai công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2024.

III. ĐÁNH GIÁ CHUNG

1. Ưu điểm

Công tác thi đua, khen thưởng luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Đảng ủy, Lãnh đạo Sở; Công tác triển khai và ban hành các văn bản quản lý nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng của Sở được chú trọng theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng. Thực hiện tốt việc tổ chức phát động thi đua gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của của địa phương, cơ quan, đơn vị, tạo không khí thi đua sôi nổi góp phần hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của tỉnh. Việc xét các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng được thực hiện chặt chẽ theo đúng quy định, khen thưởng đúng người, đúng thành tích, kịp thời động viên, cổ vũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động có thành tích xuất sắc góp phần quan trọng vào thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ được giao.

2. Tồn tại, hạn chế

 - Phong trào thi đua có nơi chưa được phát động sâu rộng, thường xuyên hoặc chưa được lồng ghép với các phong trào, các nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.

- Việc tổ chức, triển khai và thực hiện công tác thi đua ở một số đơn vị trực thuộc chưa được duy trì thường xuyên nên việc phát hiện, bồi dưỡng và nhân rộng những tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến còn có mặt hạn chế.

IV. PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ VÀ CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN CÔNG TÁC THI ĐUA 6 THÁNG CUỐI NĂM 2024

- Tiếp tục thực hiện quyết liệt Nghị quyết số 15-NQ/TU của Tỉnh ủy về đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, các chương trình, đề án, dự án đã được UBND tỉnh phê duyệt.

- Tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí của công tác thi đua khen thưởng trong toàn ngành; tranh thủ sự lãnh đạo của UBND tỉnh và của Bộ Nông nghiệp & PTNT về các lĩnh vực của ngành. Thực hiện nghiêm túc Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 và các văn bản hướng dẫn về công tác thi đua, khen thưởng.

- Đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp tổ chức thi đua, gắn nội dung thi đua với việc động viên, khuyến khích toàn thể cán bộ, công chức, viên chức trong toàn ngành tham gia tích cực các phong trào thi đua. Công tác thi đua bám sát với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, các chương trình hành động, các nhiệm vụ trọng tâm của ngành.

- Tổ chức sơ kết và tổng kết các phong trào thi đua, hướng dẫn và tổ chức bình xét thi đua khen thưởng cuối năm 2024. 

Phòng Tổ chức Cán bộ