Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Các biện pháp phòng, chống bệnh liên cầu khuẩn lợn

Tin tức - Sự kiện Tin trong tỉnh  
Các biện pháp phòng, chống bệnh liên cầu khuẩn lợn
Bệnh Liên cầu khuẩn lợn (Streptoccocus suis) là bệnh lây truyền giữa động vật và người. Ở lợn, bệnh do vi khuẩn Streptoccocus suis (Str. suis) gây ra. Vi khuẩn khu trú ở đường hô hấp trên đặc biệt là xoang mũi và hạch amidan, đường ống tiêu hóa và sinh dục của lợn khỏe mạnh.

Đặc trưng lâm sàng của bệnh là nhiễm trùng huyết, viêm màng não, viêm khớp và viêm phế quản phổi. Có hai type gây bệnh là Str. suis type 1 và Str. suis type 2. Vi khuẩn Str. suis type 2 có khả năng gây bệnh cho người. Vi khuẩn Str. suis type 2 còn gây ra nhiều ổ dịch viêm màng não ở lợn con 10-14 ngày tuổi sau cai sữa. Bệnh hay xảy ra ở lợn sau cai sữa chăn nuôi tập trung với mật độ cao và lợn vỗ béo do liên quan đến vận chuyển, xáo trộn đàn…

Vi khuẩn Str. Suis tồn tại lâu trong phân, nước, rác và có thể sống trong phân ở nhiệt độ 00C tới 104 ngày, ở  90C trong 10 ngày, ở 220C đến 250C trong 8 ngày, trong xác lợn chết ở 400C trong 6 tuần. Vi khuẩn bị vô hoạt nhanh chóng bằng thuốc sát trùng, xà phòng.

Để chủ động phòng, chống bệnh Liên cầu khuẩn ở lợn, giảm thiểu nguy cơ lây bệnh cho người, các địa phương cần tăng cường thông tin, tuyên truyền cho người dân biết và thực hiện các biện pháp như: 

1. Không ăn tiết canh và các loại thịt, sản phẩm tái, sống được chế biến từ lợn, có biện pháp bảo hộ lao động cần thiết khi tiếp xúc, chăn nuôi, giết mổ, chế biến thịt lợn.

2. Quản lý tốt đàn vật nuôi, khi lợn có dấu hiệu mắc bệnh, nghi mắc bệnh Liên cầu khuẩn (với các triệu chứng như con vật sốt cao tới 42,50C, bỏ ăn, sưng hầu, ủ rũ, khó nuốt, co giật cơ, mất thăng bằng, đi lại loạng choạng, xiêu vẹo, nằm nghiêng một bên, chân đạp bơi chèo rồi chết) phải báo ngay cho cơ quan quản lý chuyên ngành thú y địa phương để thực hiện các biện pháp xử lý, ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm sang người.

3. Khi phát hiện biểu hiện của bệnh, cần phải nhanh chóng cách ly lợn bị bệnh điều trị bằng thuốc kháng sinh (Amoxicillin, Cefadroxil…) kết hợp với trợ sức trợ lực (theo hướng dẫn của nhà sản xuất).

4. Các cơ sở chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ, chế biến thực hiện tốt biện pháp vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường chăn nuôi để diệt mầm bệnh tồn tại ngoài môi trường.

5. Phòng bệnh: tiêm phòng vắc xin Liên cầu khuẩn cho đàn lợn. Thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, định kỳ tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi.

A1.jpg

Tiết canh một trong số các nguyên nhân hàng đầu gây bệnh Liên cầu khuẩn lợn.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y