Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Công văn về việc ứng phó với mưa lớn do ảnh hưởng của bão số 2 trên địa bàn tỉnh Hà Nam

Thông tin tuyên truyền, phổ biến  
Công văn về việc ứng phó với mưa lớn do ảnh hưởng của bão số 2 trên địa bàn tỉnh Hà Nam
Công văn số 935/SNN-TL ngày 22/7/2024 về việc ứng phó với mưa lớn do ảnh hưởng của bão số 2 trên địa bàn tỉnh Hà Nam

Trong các ngày từ 15/7 đến ngày 22/7/2024 trên địa bàn tỉnh Hà Nam có mưa vừa, mưa to. Lượng mưa phổ biến đo được tại Phủ Lý: 351,6 mm; tại Hòa Mạc, Duy Diên: 181,0 mm; tại Ba Sao, Kim Bảng: 304 mm. Mực nước sông Đáy tại Phủ Lý đạt mức báo động II, đỉnh lũ đạt 3,61m lúc 01giờ 00 ngày 21/7/2024. 

Do ảnh hưởng của mưa lớn, mực nước trên các sông nội đồng và các kênh tiêu dẫn nước về các trạm bơm dâng cao, các địa phương, đơn vị khai thác công trình trên địa bàn tỉnh đã huy động toàn bộ máy bơm, trạm bơm vận hành hết công suất (199 máy bơm ngày 20/7/2024) tập trung tiêu nước từ các khu vực trũng thấp, khu vực lúa mới cấy khu vực gieo xạ. Qua theo dõi, hiện nay mực nước trên hệ thống sông nội đồng và tại bể hút các trạm bơm vẫn ở mức cao so với quy trình vận hành. Cụ thể lúc 7giờ00 ngày 22/7/2024 tại cầu Nga: 1,44m; tại Cầu Ghéo: 1,57m; tại bể hút trạm bơm Quế I, II, Kim Bảng: 1,85m.

Theo dự báo của Đài khí tượng thủy văn tỉnh Hà Nam tại bản tin số XTND-43/8h00/HNAM phát lúc 8h00 ngày 22/7/2024 do ảnh hưởng của Bão số 2 trên địa bàn tỉnh Hà Nam từ chiều và đêm ngày 22/7/2024 đến 24/7/2024 có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông, dự kiến lượng mưa từ 80 mm đến 200 mm.

Để chủ động đối phó ảnh hưởng mưa lớn trong thời điểm mực nước hiện nay đang ở mức cao trên hệ thống sông và ảnh hưởng bởi mưa lớn của Bão số 2 nhằm giảm thiểu thấp nhất ảnh hưởng đến sản xuất vụ mùa, ngập úng vùng trũng, thấp, các khu công nghiệp, khu đô thị và đảm bảo an toàn các công trình phòng chống thiên tai, Sở Nông nghiệp &PTNT (Cơ quan thường trực Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Hà Nam) đề nghị Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh; Ban Quản lý  dự án đầu tư xây dựng tỉnh; các Công ty TNHH MTV KTCTTL tỉnh Hà Nam, Bắc Nam Hà; Công ty cổ phần Môi trường và công trình đô thị Hà Nam thực hiện ngay một số nội dung sau:

1. Căn cứ các phương án tiêu thoát nước đã được xây dựng và phê duyệt tiếp tục huy động, vận hành các trạm bơm đảm bảo tiêu thoát nước triệt để theo phương châm vận hành các trạm bơm tiêu thoát nước ngay từ khi dự báo có mưa lớn trên địa bàn tỉnh đảm bảo mực nước tại các vị trí điểm đo thấp hơn quy trình vận hành 10 cm đến 15 cm để hạn chế thấp nhất ngập úng khi có mưa lớn xảy ra.

2. Để khắc phục tình trạng công trình đầu mối chờ nước trong khi các khu vực trũng thấp vẫn bị gập úng, đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các Chủ đầu tư, nhà thầu đang thi công các dự án đường giao thông, san lấp mặt bằng các khu, cụm công nghiệp, đô thị tiến hành rà soát hệ thống các công trình thủy lợi (kênh, cống) bị ảnh hưởng do thi công trình, khẩn trương nạo vét, khai thông dòng chảy, không gây ách tắc trong quá trình chuyển nước về công trình đầu mối. Các Công ty KTCTTL huy động cán bộ, công nhân vận hành tại các trạm bơm tăng cường vớt bèo rác tại bể hút các trạm bơm và các cống tiêu chuyển nước để nâng cao công suất hoạt động các trạm bơm, giảm thời gian tiêu thoát nước.

3. Ban Quản lý các khu Công nghiệp tỉnh tiếp tục chỉ đạo vận hành các trạm bơm tiêu nội khu, tăng cường khơi thông tại các kênh dẫn trong nội khu đảm bảo tiêu thoát nước ra các tuyến kênh tiêu chính để chuyển tải đủ lưu lượng về các trạm bơm đầu mối hoạt động, đảm bảo tiêu thoát nước nhanh chóng không xảy ra ngập úng. 

4. Công ty Điện lực tỉnh Hà Nam tăng cường kiểm tra, xử lý kịp thời các sự cố về điện, ưu tiên cấp đủ điện cho các trạm bơm đầu mối phục vụ tiêu thoát nước, không để gián đoạn ảnh hưởng đến việc vận hành các trạm bơm. 

5. Mực nước trên sông Đáy lúc 7 giờ sáng ngày 22/7/2024  tại Phủ Lý là 3,33m vượt báo động I là 33 cm và ảnh hưởng bởi mưa lớn của Bão số 2 đề nghị UNND các huyện, thị xã, thành phố; Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh:

- Kiểm tra, rà soát và triển khai trên thực tế các phương án hộ đê, bảo vệ trọng điểm đê điều xung yếu trên các tuyến đê, các vị trí đã bị xảy ra sự cố nhưng chưa được xử lý, khắc phục và các công trình đê điều đang thi công dở dang, đặc biệt là các cống qua đê để chủ động triển khai ngay các biện pháp đảm bảo an toàn, nhất là trong tình huống bão đổ bộ và mưa lớn kéo dài gây lũ trên hệ thống sông.

- Chỉ đạo các xã ven đê tiếp tục tăng cường tuần tra canh gác bảo vệ đê điều theo đúng hướng dẫn tại Thông tư số 01/2009/TT-BNN ngày 06/01/2009 của Bộ Nông nghiệp & PTNT.

- Bố trí sẵn sàng nhân lực, vật tư, phương tiện để hộ đê, kịp thời xử lý các sự cố đê điều ngay từ giờ đầu, đảm bảo an toàn cho các tuyến đê.

6. Tổ chức lực lượng thường trực nghiêm túc 24/24h, theo dõi chặt chẽ diễn biến bão số 2 và tình hình của mưa, lũ tại các bản tin của Đài khí tượng thủy văn tỉnh Hà Nam phát trên hệ thống đài PTTH. Thông tin, báo cáo kịp thời các sự cố an toàn hệ thống đê điều và các công trình thủy lợi bị ảnh hưởng do mưa lũ về Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Hà Nam (Chi cục Thủy lợi Hà Nam. Điện thoại: 02263.852.899. Email:chicucthuyloihannam@gmail.com). 

Đề nghị  UBND các địa phương, đơn vị quan tâm chỉ đạo thực hiện.

Nội dung Công văn số 935​.

1. Công văn số 935.pdf

Văn phòng Sở