Hội thảo quốc tế về “Phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp: Con đường phát triển bền vững trong các nền kinh tế APEC" được Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (PTNNNT), Vụ Hợp tác Quốc tế và Ban thư ký Tổ chức hợp tác kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) phối hợp tổ chức. Hội thảo nhằm cung cấp một bức tranh tổng quát về phát triển nông nghiệp tuần hoàn, các khung chính sách hỗ trợ, các mô hình nông nghiệp tuần hoàn điển hình góp phần vào mục tiêu tăng trưởng “xanh", tăng cường sự tham gia của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, và cải thiện khả năng tiếp cận sản phẩm nông nghiệp tuần hoàn của các nền kinh tế APEC tới thị trường toàn cầu.
Thời gian diễn ra của Hội thảo là 02 ngày từ 24-25/10/2024 và trải qua 04 Phiên thu hút cụ thể như sau:
- Phiên 1: Ban tổ chức (BTC) giới thiệu và điều hành thảo luận về: “Tiềm năng của kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp". Với phần trình bày của Ông PGS TS. Nguyễn Hồng Quân - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tuần hoàn (ICED); Ông Saso Martinov - Cố vấn kỹ thuật trưởng của FAO-VN về Nông nghiệp khu vực Mê Kông; Bà Julie Teng Chuyên gia kỹ thuật về lập kế hoạch và chính sách thích ứng, UNDP Toàn cầu; Ông TS. Nguyễn Anh Phong, Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD). Đã giúp các đại biểu tham dự hình dung các thách thức trên toàn cầu đối với các phương pháp canh tác hiện tại trong các nền kinh tế APEC và sự cần thiết phải chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn, các khái niệm và phương pháp tiếp cận chính của kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp. Cần nâng cao nhận thức của cả người sản xuất và người tiêu dùng, thay đổi thói quen tiêu dùng truyền thống thành thói quen tiêu dùng bền vững, định hướng canh tác giảm phát thải ròng trong điều kiện bị ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng rõ rệt, đồng thời gắn liền với chuyển đổi số trong nông nghiệp và thực hiện truy xuất nguồn gốc và cấp mã vùng trồng cho sản phẩm nông nghiệp hiện nay đang triển khai;
- Phiên 2: BTC và 05 đại diện cho Doanh nghiệp, các Tổ chức giới thiệu 05 Mô hình KTTH điển hình từ cấp độ trang trại đến doanh nghiệp. Qua các mô hình kinh doanh tuần hoàn trong nông nghiệp cho thấy có “Bằng chứng từ thực tiễn", được khai phá và chia sẻ kinh nghiệm và thực tiễn của mô hình KTTH trong các nền kinh tế APEC với sự đổi mới và công nghệ nhằm phát triển một nền nông nghiệp đa giá trị:
1. Nguyên Khôi Farm là Mô hình nông nghiệp tuần hoàn không phát thải với phát ngôn ấn tượng “Chọn hạnh phúc - Làm bền vững";
2. Giáo sư Matthew Tan Chủ tịch Quan hệ đối tác chính sách APEC về An ninh lương thực: Phát triển bền vững trong lĩnh vực Nông nghiệp và Thủy sản, Thành viên Ủy ban đầu tư - Quỹ Phát triển bền vững lương thực Châu Á Giới thiệu về nông nghiệp tuần hoàn của Singapore, diễn giả đã đưa ra nghiên cứu 04 trường hợp mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp tuần hoàn điển hình của Singapore;
3. Công ty Cổ phần Phát triển dự án THD Việt Nam với chứng nhận bản quyền tác giả đề án hai mô hình kinh tế tuần hoàn: (1) Phát triển nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến nông - thủy sản và năng lượng tái tạo (AGINE); (2) Phát triển xanh Việt Nam (GREENDEVI);
4. Ông Nguyễn Đình Tuấn Giám đốc dự án HELVETAS Swiss Intercooperation giới thiệu Dự án KTTH trong sản xuất Cacao: “Từ hạt cacao đến thanh socola" tiếp cận và can thiệp bằng phương pháp “Phân tích chuỗi giá trị" (Value Chain Analysis) và “Nghiên cứu vòng đời sản phẩm" (Life Cycle Assessment). Dự án đưa ra các giải pháp sinh học thực hiện ở cấp nông hộ;
5. Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tuần hoàn (ICED) giới thiệu Mô hình nuôi trồng thủy sản tuần hoàn của Việt Nam: Chuyển đổi từ mô hình tuyến tính sang tuần hoàn, cụ thể là Mô hình 3R cho nuôi trồng thủy sản thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu ở Việt Nam (Trong đó có giới thiệu Mô hình nuôi tôm thâm canh tuần hoàn và Mô hình nuôi tôm quảng canh tuần hoàn).
- Phiên 3: Với phần trình bày của 05 diễn giả: TS. Trần Thị Hồng Minh Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TW Đề xuất cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn; TS. Lại Văn Mạnh Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường - Bộ Tài nguyên và Môi trường trình bày về Chính sách, pháp luật về KTTH ở Việt Nam; Fiona Wyborn Trợ lý Giám đốc Chính sách nông nghiệp bền vững Bộ Nông nghiệp, Thủy sản và Lâm nghiệp Australia giới thiệu Khung phát triển bền vững ngành nông nghiệp Australia (AASF): Đảm bảo nền nông nghiệp Australia phát triển bền vững trong tương lai; TS. Hyejin Lee Đại học Konkuk, Seoul - Hàn Quốc giới thiệu nội dung Các thách thức về chính sách trong việc thúc đẩy nông nghiệp tuần hoàn và hợp tác khu vực. Thách thức trong việc biến tầm nhìn nông nghiệp tuần hoàn thành hiện thực. Bài giới thiệu đưa ra Khuyến nghị chính sách nông nghiệp tuần hoàn dần dần chuẩn hóa các biện pháp đánh giá hiệu quả nông nghiệp tuần hoàn + điều chỉnh: Các chỉ số đánh giá hiệu quả chính sách nông nghiệp tuần hoàn; Điều chỉnh liên tục mô hình nông nghiệp tuần hoàn; Nhấn mạnh hiệu quả tài nguyên đối với nông nghiệp tuần hoàn bền vững; Cân bằng giữa thúc đẩy và quy định nông nghiệp tuần hoàn; Morgane Rivoal đại diện cho UNDP Viet Nam trình bày Thí điểm "Xây dựng tính tuần hoàn đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) - Hộp công cụ thiết thực". Thúc đẩy tham vọng và thực hiện đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) thông qua tính tuần hoàn. Các đại biểu quốc tế đã cùng phân tích ở Việt Nam Chính sách thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp. Khái quát chung 05 diễn giả đã Giới thiệu các khung pháp lý, chiến lược, phương pháp quốc gia và các lựa chọn chính sách hiện có cho hệ thống thực phẩm nông nghiệp trong các nền kinh tế APEC, đồng thời giới thiệu các công cụ quốc tế hỗ trợ các nền kinh tế APEC xác định và triển khai các can thiệp kinh tế tuần hoàn trong thực hành nông nghiệp. Về nội dung này các đại biểu đã thảo luận rất sôi nổi và có đề xuất cần thống nhất nhận thức về KTTH, nhất quán các khái niệm để xây dựng chính sách, khuyến khích phát triển KTTH, đưa ra được các bộ công cụ, đào thạo hướng dẫn viên thực hành để triển khai thực hiện KTTH.
Phiên 4: BTC cùng các diễn giả Ông Tom Wassenaar Trưởng bộ phận nghiên cứu về Tái chế và rủi ro, CIRAD; Bà Fiona Wyborn, Trợ lý Giám đốc Chính sách Nông nghiệp Bền vững - Bộ Nông nghiệp Thủy sản và Lâm nghiệp Úc (Australia); Ông YAMAURA Kiyotaka - chuyên gia JICA tại Vụ HTQT, Bộ NN & PTNT; Ông Nguyễn Đình Tuấn giám đốc dự án Helvetas Việt Nam đã giới thiệu Tương lai của kinh tế tuần hoàn trong các nền kinh tế APEC: Thúc đẩy phát triển tuần hoàn cho hệ thống nông sản bền vững; Xây dựng mạng lưới về nông nghiệp tuần hoàn trong các nền kinh tế APEC thảo luận các bước tiếp theo để thúc đẩy tính bền vững trong hệ thống thực phẩm nông nghiệp và đẩy nhanh việc áp dụng các giải pháp đổi mới kinh tế tuần hoàn trong chuỗi giá trị nông nghiệp.
Kết thúc buổi Hội thảo quốc tế về “Phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp: Con đường phát triển bền vững trong các nền kinh tế APEC". BTC trân trọng cảm ơn các quý vị đại biểu đại diện cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế đã nhiệt tình tham dự Hội thảo trong thời gian 02 ngày trực tiếp và trực tuyến (Có những phiên hội thảo đạt 120-150 điểm cầu trực tuyến) đã đóng góp những ý tưởng sáng tạo và truyền cảm hứng, động lực lớn cho những nhà nghiên cứu và tổng kết thực tiễn, cũng như cung cấp những giá trị về mặt nhận thức, kiến thức, mô hình, khung khổ pháp lý, chính sách khuyến khích phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp./.