Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Kế hoạch Bảo tồn và phát triển làng nghề tỉnh Hà Nam giai đoạn 2021-2030

Chiến lược, định hướng, quy hoạch, kế hoạch phát triển  
Kế hoạch Bảo tồn và phát triển làng nghề tỉnh Hà Nam giai đoạn 2021-2030
Kế hoạch số 2986/KH-UBND ngày 04/11/2022 về việc Bảo tồn và phát triển làng nghề tỉnh Hà Nam giai đoạn 2021-2030

Tính đến hết tháng 12 năm 2021, trên địa bàn tỉnh Hà Nam có 65 làng nghề được công nhận (trong đó có 35 làng nghề truyền thống, 30 làng nghề). Tuy nhiên, có 58/65 làng nghề được công nhận hiện đang hoạt động (trong đó có 32 làng nghề truyền thống, 26 làng nghề); 07 làng nghề bị mai một và hiện không còn hoạt động gồm: 03 làng nghề truyền thống (làng nghề truyền thống thêu ren Vũ Xá, Yên Bắc, thị xã Duy Tiên; làng nghề truyền thống thêu ren tổ 13, phường Quang Trung; làng nghề truyền thống thêu ren Lương Cổ, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý); 04 làng nghề (làng nghề Hòa Trung, xã Tiên Nội; làng nghề Động Linh, xã Duy Minh, thị xã Duy Tiên; làng nghề thôn 4, xã Bồ Đề; làng nghề thôn Tiêu Viên, xã Tiêu Động, huyện Bình Lục). Hoạt động sản xuất, kinh doanh của 58 làng nghề được chia theo 4 nhóm ngành nghề, cụ thể: nhóm chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản có 18 làng nghề (trong đó có 10 làng nghề truyền thống và 08 làng nghề); nhóm sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ có 02 làng nghề truyền thống; nhóm sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ có 37 làng nghề (trong đó có 20 làng nghề truyền thống và 17 làng nghề); nhóm sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh có 01 làng nghề.

Tổng số cơ sở sản xuất, kinh doanh ngành nghề trong các làng nghề là 7.831 cơ sở (trong đó có 7.717 hộ gia đình, 112 doanh nghiệp và 2 HTX). Tổng doanh thu năm 2021 của 58 làng nghề đạt 1.779,5 tỷ đồng, thu hút tổng số 18.200 lao động (trong đó: Có việc làm thường xuyên là 15.976 lao động, số nghệ nhân đã được công nhận là 13 nghệ nhân); thu nhập bình quân năm 2021 đạt xấp xỉ 05 triệu đồng/người/tháng.

Công tác xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu và phát triển làng nghề gắn với chương trình OCOP đã được các địa phương, làng nghề quan tâm thực hiện. Nhiều cơ sở làng nghề đã tích cực tham gia các hội chợ, triển lãm nhằm tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ. Tuy nhiên, hầu hết các sản phẩm làng nghề chưa có thương hiệu. Đến nay, có 14/58 làng nghề có sản phẩm được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (làng nghề truyền thống bánh đa nem làng Chều, bánh đa nem xóm 1, xóm 3 Trần Xá, xóm 2, xóm 4 Mão Cầu, xóm 3+4 Đồng Phú, xã Nguyên Lý, huyện Lý Nhân; trống Đọi Tam, xã Tiên Sơn, dệt lụa Nha Xá, xã Mộc Nam, rượu làng Bèo, xã Tiên Ngoại, thị xã Duy Tiên; rượu Vọc, xã Vũ Bản, huyện Bình Lục; thêu ren An Hòa, Hòa Ngãi, Quang Trung, xã Thanh Hà, huyện Thanh Liêm; chế biến lương thực, thực phẩm Bích Trì, xã Liêm Tuyền, thành phố Phủ Lý); có 06/58 làng nghề có sản phẩm được xếp hạng công nhận đạt sản phẩm OCOP hạng 3 sao cấp tỉnh trở lên (làng nghề truyền thống mây giang đan Ngọc Động, xã Hoàng Đông, rượu làng Bèo, thôn Thượng, xã Tiên Ngoại, thị xã Duy Tiên; rượu Vọc, xã Vũ Bản, huyện Bình Lục; bánh đa nem làng Chều xã Nguyên Lý, huyện Lý Nhân; gốm Quyết Thành, thị trấn Quế, huyện Kim Bảng; thêu ren Hòa Ngãi, xã Thanh Hà, huyện Thanh Liêm).

Công tác bảo vệ môi trường tại các làng nghề được các địa phương quan tâm, chỉ đạo sát sao, tuy nhiên, công tác xây dựng phương án bảo vệ môi trường theo quy định còn chậm, công tác xử lý ô nhiễm môi trường tại làng nghề chưa triệt để, tình trạng xả thải ra hệ thống tiêu nước chung gây ô nhiễm môi trường còn diễn ra phổ biến. Đến nay, trên địa bàn tỉnh mới có 13/58 làng nghề xây dựng phương án bảo vệ môi trường làng nghề được Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt (làng nghề truyền thống bánh đa nem làng Chều, bánh đa nem xóm 1, xóm 3 Trần Xá, xóm 2, xóm 4 Mão Cầu, xóm 3+4 Đồng Phú xã Nguyên Lý; làng nghề truyền thống dệt Đại Hoàng, xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân; rượu Vọc xã Vũ Bản; sừng mỹ nghệ Đô Hai, xã An Lão, tre đan Gòi Thượng, xã An Nội; dũa cưa Đại Phu, xã An Đổ, huyện Bình Lục; dệt lụa Nha Xá, xã Mộc Nam; làng nghề thôn Yên Mỹ, xã Chuyên Ngoại, thị xã Duy Tiên).

Tuy nhiên, sự phát triển của nghề và làng nghề đang ở tình trạng manh mún, chưa được quan tâm đầu tư thích đáng, gặp nhiều khó khăn, thách thức như: tổ chức quản lý còn yếu; nhà xưởng, công nghệ, thiết bị lạc hậu; chất lượng, mẫu mã của sản phẩm chưa đáp ứng được thị hiếu của người dùng; thị trường tiêu thụ sản phẩm không ổn định; trình độ tay nghề của lao động chưa cao, năng suất lao động thấp; tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề chưa được quan tâm đúng mức; cơ sở hạ tầng làng nghề còn hạn chế, chưa được đầu tư đồng bộ, đặc biệt là thiếu đầu tư các công trình bảo vệ môi trường và hạ tầng phục vụ phát triển du lịch. Mặt khác, do kinh tế thị trường phát triển cùng với quá trình công nghiệp hóa nên hiện nay, một số nghề, làng nghề, làng nghề truyền thống có nguy cơ bị mai một, thất truyền.

Kế hoạch số 2986/KH-UBND

2986. 6. Kế hoạch bảo tồn và phát triển làng nghề tỉnh Hà Nam giai đoạn 2021-2030.pdf
Phòng Kế hoạch Tài chính