Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Kết luận của Thứ trưởng Lê Quốc Doanh tại Hội nghị “Đánh giá kết quả sản xuất năm 2021, triển khai sản xuất vụ Đông ...

Thông tin tuyên truyền, phổ biến  
Kết luận của Thứ trưởng Lê Quốc Doanh tại Hội nghị “Đánh giá kết quả sản xuất năm 2021, triển khai sản xuất vụ Đông Xuân 2021- 2022 các tỉnh phía Bắc”
Ngày 09/11/2021, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã tổ chức Hội nghị trực tuyến “Đánh giá kết quả sản xuất năm 2021, triển khai sản xuất vụ Đông Xuân 2021- 2022 các tỉnh phía Bắc”. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Quốc Doanh chủ trì Hội nghị; tham dự hội nghị có đại diện một số Tổng cục, Cục, Vụ, Học viện, Trung tâm, Viện Nghiên cứu thuộc Bộ, Trung  tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, Hiệp hội Thương mại Giống cây trồng Việt Nam, đại diện lãnh đạo UBND một số tỉnh, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT và các đơn vị thuộc Sở của 31 tỉnh, thành phía Bắc, một số doanh nghiệp, cơ quan thông tấn báo đài Trung ương và địa phương.

Sau khi nghe các báo cáo của Cục Trồng trọt, Cục Bảo vệ thực vật, Tổng cục Thuỷ lợi, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia; ý kiến tham luận của lãnh đạo UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT một số địa phương, Hiệp Hội thương mại Giống cây trồng Việt Nam và một số đơn vị thuộc Bộ, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh kết luận Hội nghị như sau:

1. Kết quả sản xuất năm 2021

a) Đối với sản xuất lúa: Năm 2021 tình hình dịch bệnh Covid 19 tiếp tục diễn biến phức tạp ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống xã hội, trong đó trực tiếp ảnh hưởng đến sản xuấttrồng trọt như tăng chi phí vật tư đầu vào, thu hoạch, vận chuyển, lưu thông hàng hóa nông sản. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao, kịp thời, thông xuốt  và hiệu  quả của  các  cấp, các  ngành  từ Trung ương đến địa phương, cùng với sự nỗ lực của người dân, sản xuất lúa tại các tỉnh phía Bắc cơ bản đạt thắng lợi cả về năng suất, sản lượng và giá trị.

Tổng diện tích gieo cấy lúa năm 2021 toàn miền Bắc ước đạt 2.304 nghìn ha (giảm khoảng 19 nghìn  ha so với năm 2020). Năng suất lúa trung  bình cả năm của các tỉnh phía Bắc ước đạt 58,2 tạ/ha (tăng 1,5tạ/ha so với năm 2020). Sản lượng ước đạt 13,418 triệu tấn (tăng 233 nghìn tấn so với năm 2020).

Tỷ lệ gieo cấy các giống lúa chất lượng, ngắn ngày, cực ngắn ngày; sử dụng giống có khả năng chống chịu khá với sâu bệnh và điều kiện bất thuận tăng cao so với năm 2020....

Kết quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng được chú trọng giúp sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu, làm tăng giá trị sản xuất trồng trọt và thu nhập của nông dân. Trong năm 2021, diện tích chuyển đổi khoảng 17,8 nghìn ha, trong đó diện tích chuyển đổi từ đất 2 vụ lúa: 12,9 nghìn ha, đất 1 vụ lúa: 4,9 nghìn ha.

b) Sản xuất cây rau màu năm 2021:

- Diện tích gieo trồng vụ Đông Xuân, Hè Thu và Mùa các tỉnh phía Bắc đạt khoảng 985 nghìn ha, tăng 9 nghìn ha so với cùng kỳ. Trong đó, vụ Đông Xuân sản xuất 597 nghìn ha; vụ Hè Thu, vụ Mùa ước đạt 388 nghìn ha.

- Tính đến nay, diện tích đã gieo trồng cây vụ Đông các tỉnh phía Bắc ước đạt khoảng 300 nghìn ha/400 nghìn ha (75% kế hoạch). Thời vụ gieo trồng cây vụ Đông ưa ấm đã kết thúc; các địa phương cần điều chỉnh và mở rộng diện tích cây vụ Đông ưa lạnh; tận dụng tối đa điều kiện đất đai, nhân lực, đẩy nhanh tiến độ gieo trồng các loại rau ăn lá, khoai tây,.... nhằm đảm bảo kế hoạch đề ra; đặc biệt ưu tiên mở rộng diện tích các loại cây có hợp đồng tiêu thụ, đầu ra ổn định và cho hiệu quả kinh tế cao; đối với các loại rau ăn lá, hướng dẫn nông dân trồng gối, trồng rải vụ để tránh hiện tượng ế thừa lúc chính vụ làm giảm hiệu quả kinh tế.

- Chỉ đạo nông dân tiếp tục chăm sóc các loại rau màu vụ Đông, đảm bảo đủ nhu cầu trong dịp Tết Nguyên đán; chú ý tiến độ gieo trồng, thu hoạch đảm bảo việc lấy nước đổ ải kịp thời cho sản xuất lúa vụ Đông Xuân 2021- 2022.

2. Triển khai kế hoạch sản xuất vụ Đông Xuân 2021- 2022

a) Đối với sản xuất lúa: Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia vụ Đông Xuân 2021- 2022 có nền nhiệt độ thấp hơn trung bình nhiều năm, do vậy thời gian sinh trưởng của cây lúa sẽ kéo dài hơn các vụ Đông Xuân ấm. Mặt khác, lập Xuân vào ngày 4/2/2022 (04/01 năm Nhâm Dần), cần bố trí thời vụ, cơ cấu giống để đảm bảo lúa trỗ vào thời gian an toàn tránh ảnh hưởng của đợt rét cuối của rét nàng Bân, đặc biệt là các tỉnh ĐBSH, TDMNPB. Vụ Đông xuân là vụ sản xuất chính quyết định giá trị, sản lượng lương thực,tăng trưởng của lĩnh vực trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và PTNT đề nghị các Tổng cục, Cục, Vụ chuyên ngành phối hợp chặt chẽ với các địa phương tập trung và chỉ đạo sát sao kế hoạch gieo trồng vụ Đông Xuân  2021- 2022. Vụ Đông Xuân  2021- 2022 toàn miền Bắc dự kiến gieo cấy 1,081 triệu ha, giảm khoảng 6 nghìn ha so với lúa vụ Đông Xuân 2020- 2021; năng suất trung bình đạt 64,4tạ/ha tăng khoảng 0,2 tạ/ha so với năm trước, sản lượng ước đạt khoảng 6,965 triệu tấn, giảm khoảng 18 nghìn tấn so với cùng kỳ. Các địa phương bố trí thời vụ gieo cấy phù hợp theo nguyên tắc đảm bảo lúa phân hóa đòng và trỗ gặp thời tiết thuận lợi; tránh rét “nàng bân" khi lúa trỗ, tránh lụt Tiểu mãn ở vùng đất thấp khi thu hoạch, đồng thời bố trí thời vụ gieo cấy sớm lúa vụ Hè Thu, vụ Mùa và triển khai vụ Đông 2022, đặc biệt lưu ý đảm bảo nguồn nước cho sản xuất lúa trong cả vụvà gieo cấy lúa Hè thu tại các tỉnh BTB.

Các tỉnh BTB chủ yếu sử dụng giống ngắn ngày, cực ngắn ngày, hạn chế tối đa giống dài ngày, đảm bảo lúa trỗ từ 25/4 đến 5/5 đối với các tỉnh từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh và từ 10/4 đến 25/4 đối với các tỉnh từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế. Các tỉnh ĐBSH, TDMNPB hạn chế tối đa trà Xuân sớm, Xuân trung, tập trung chủ yếu trà Xuân muộn, gieo mạ xung quanh tiết lập Xuân và tập trung cấy sau Tết Nguyên đán, kết thúc cấy trong tháng 2/2022 bằng các giống lúa ngắn ngày, đảm bảo lúa trỗ tập trung từ 10 - 20/5/2022, hạn chế diện tích lúa gieo thẳng, tăng cường ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất như mạ khay, máy cấy, máy gặt đập liên hợp,... nhằm giảm chi phí và nâng cao hiệu quả sản xuất

- Mỗi địa phương cần rà soát cơ cấu giống lúa, lựa chọn 3 - 4 giống chủ lực, 3 - 4 giống bổ sung, tỷ lệ mỗi giống không quá 30% diện tích để tránh rủi ro; chuẩn bị lượng hạt giống dự phòng khoảng 10% bằng các giống lúa có thời gian sinh trưởng cực ngắn ngày, ngắn ngày để kịp thời gieo cấy lại nếu diện tích lúa mới cấy bị thiệt hại do rét gây ra.

b) Đối với sản xuất rau màu:

- Bố trí diện tích gieo trồng rau màu vụ Xuân 2022 khoảng 543 nghìn ha, tăng khoảng 8 nghìn ha so với vụ Xuân 2021

- Cần rà soát diện tích không chủ động nước, cấy lúa kém hiệu quả để chuyển đổi trồng cây rau màu có hiệu quả kinh tế cao hơn, đặc biệt các loại có khả năng tiêu thụ và bảo quản dài, có hợp đồng sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; trên diện tích cấy lúa 1 vụ ở vùng TDMNPB có thể mở rộng gieo trồng rau ưa lạnh, khoai tây.

- Tiếp tục xây dựng các vùng trồng rau tập trung đủ điều kiện an toàn thực phẩm; đa dạng chủng loại, trồng nhiều trà, rải vụ, đặc biệt tăng diện tích rau trái vụ; tăng cường áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới về giống, kỹ thuật canh tác tổng hợp; đẩy mạnh sản xuất rau an toàn theo VietGAP; xúc tiến phát triển và liên kết sản xuất - tiêu thụ rau an toàn.

3. Tổ chức thực hiện

a) Trung ương:

- Cục Trồng trọt: Theo  dõi sát  tình  hình sản xuất, hướng dẫn các địa phương kịp thời về thời vụ, cơ cấu giống và các TBKT mới áp dụng vào sản xuất; xử lý kịp thời tình huống do thiên tai, dịch bệnh gây ra; phối hợp với Hiệp hội Thương mại Giống cây trồngViệt Nam nhằm kiểm soát tốt số lượng giống, chất lượng giống, cơ cấu giống phù hợp để cung ứng cho sản xuất.

- Tổng cục Thủy lợi: Chủ trì, phối hợp với Cục Trồng trọt, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các địa phương trình Bộ phương án điều tiết nước các hồ Hòa Bình, Thác Bà, Tuyên Quang có hiệu quả để đảm bảo phục vụ sản xuất theo đúng kế hoạch và tiết kiệm nước tưới. Hướng dẫn các địa phương khu vực bị ảnh hưởng của mưa lũ giải pháp khắc phục các công trình thủy lợi đã bị ảnh hưởng.

- Cục Bảo vệ thực vật: Tổ chức tập huấn, hướng dẫn các địa phương làm tốt công tác dự báo và phòng trừ sâu bệnh hại kịp thời; đặc biệt là bệnh đạo ôn, bệnh lùn sọc đen hại lúa, rầy, sâu cuốn lá...

- Trung tâm Khuyến nông Quốc gia: Tăng cường công tác thôngtin tuyên truyền, khuyến cáo và nhân rộng kịp thời phổ biến áp dụng các TBKT... vào sản xuất nhằm giảm chi phí sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế và thu nhập cho nông dân.

- Các Viện Nghiên cứu, Học viện: Tiếp tục đẩy mạnh công  tác  nghiên cứu và giới thiệu các TBKT về giống và biện pháp kỹ thuật để các địa phương áp dụng có hiệu quả.

- Hiệp hội Thương mại giống Cây trồng Việt Nam, các Doanh nghiệp: Có phương án sản xuất, cung ứng giống cây trồng đảm bảo đủ số lượng, chất lượngvới giá hợp lý, phục vụ kịp thời nhu cầu của người dân.

b) Địa phương:

- Xây dựng kế hoạch sản xuất cụ thể trên địa bàn, đặc biệt kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa; chỉ đạo gieo cấy đúng lịch thời vụ, cơ cấu giống.

- Chỉ đạo nông dân tiếp tục gieo trồng, chăm sóc các loại rau màu vụ Đông, đảm bảo kế hoạch và cung cấp đủ nhu cầu trong dịp Tết Nguyên đán.

- Tổ chức cầy ải sớm ở nơi có điều kiện; sửa chữa các công trình thủy lợi, nạo vét kênh mương, tu bổ đường nội đồng; theo dõi sát lịch xả nước từ các Hồ chứa thủy điện, Huy động mọi nguồn lực, chủ động kế hoạch lấy nước phục vụ việc gieo cấy lúa vụ Đông Xuân kịp thời và hiệu quả.

- Hướng dẫn nông dân thực hiện tốt kỹ thuật làm mạ Xuân, lưu ý che phủ nilon 100% diện tích mạ xuân để phòng tránh rét và ngăn chặn xâm nhập của rầy gây bệnh ngay trên mạ; sử dụng mạ non khi cấy, mở rộng phương thức mạ khay, máy cấy; áp dụng quy trình kỹ thuật tiên tiến,ứng dụng IPM trong sản xuất, sử dụng vật tư đầu vào hợp lý, hiệu quả; đối với các tỉnh phía Bắc của Bắc Trung bộ, các tỉnhvùng ĐBSH và TDMNPB cần hạn chế diện tích gieo thẳng để quản lý tốt nguồn nước, hạn chế sử dụng thuốc trừ cỏ, đồng thời hạn chế thiệt hại do rét đậm, rét hại đầu vụ gây ra...

- Xây dựng một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất, xây dựng các mô hình khuyến nông, chính sách hỗ trợ về giống cho nông dân trong vụ Đông Xuân 2021- 2022.

- Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra chất lượng giống, vật tư nông nghiệp trên địa bàn, ngăn chặn tình trạng kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng gây thiệt hại cho nông dân.

- Theo dõi sát diễn biến của thời tiết và sâu bệnh trong vụ Đông xuân 2021- 2022 để có biện pháp chủ động phòng chống nhằm giảm thiểu thiệt hại trong sản xuấtvà báo cáo kịp thời về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để chỉ đạo chung.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xin thông báo để các đơn vị biết, phối hợp thực hiện.

Văn phòng