Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Một số biện pháp phòng, chống rét cho đàn gia súc, gia cầm và thủy sản

Thông tin chỉ đạo, điều hành Ý kiến chỉ đạo, điều hành của thủ trưởng cơ quan  
Một số biện pháp phòng, chống rét cho đàn gia súc, gia cầm và thủy sản
Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia, mùa đông năm nay sẽ lạnh hơn năm ngoái, rét đậm, rét hại có thể xuất hiện sớm hơn (trước ngày 25/12, trong khi trung bình nhiều năm thường sau ngày 25/12) và diễn biến phức tạp, kéo dài. Để hạn chế thấp nhất thiệt hại cho đàn gia súc, gia cầm và thủy sản do thời tiết giá rét, Chi cục Chăn nuôi và Thú y hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện một số biện pháp phòng, chống rét cho đàn gia súc, gia cầm và thủy sản

1. Đối với đàn gia súc, gia cầm

- Tăng cường áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, cân đối khẩu phần thức ăn nhằm giúp đàn vật nuôi đảm bảo sức khỏe để kháng lại các tác động bất lợi của thời tiết nhằm hạn chế phát sinh dịch bệnh.

- Sửa chữa, che chắn kỹ chuồng trại, tránh mưa hắt, gió lùa…, làm ảnh hưởng tới sức khỏe của vật nuôi; đặc biệt lưu ý đối với vật nuôi còn non, vật nuôi sinh sản, vật nuôi đang mang thai, già yếu.

- Chủ động dự trữ thức ăn thô xanh, bảo quản, chế biến phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho gia súc ăn cỏ (ủ chua thức ăn thô xanh, rơm khô, cỏ khô…); không cho trâu, bò làm việc, chăn thả khi thời tiết rét đậm, rét hại; đưa trâu bò về nơi nuôi nhốt có kiểm soát, đồng thời bổ sung thêm thức ăn tinh bột, muối, khoáng trong những ngày rét đậm, rét hại.

- Thường xuyên vệ sinh khu vực chăn nuôi, máng ăn, máng uống, dụng cụ chăn nuôi; định kỳ phun thuốc khử trùng tiêu độc (1-2 lần/tuần) nhằm hạn chế nguy cơ phát sinh và lây lan dịch bệnh; có hố sát trùng trước cửa ra vào khu vực chăn nuôi.

2. Đối với nuôi trồng thủy sản

a) Tranh thủ thu hoạch đối với thủy sản nuôi đã đạt kích cỡ thương phẩm, nhất là các đối tượng chịu rét kém như cá rô phi, cá chim trắng, cá rô đồng... Không nuôi thả, lưu giữ thủy sản qua đông trên ruộng lúa. Trong những ngày giá rét, tuyệt đối không kéo lưới, không thu hoạch thủy sản. Những ao nuôi thủy sản gần đến kỳ thu hoạch nhưng không có điều kiện thực hiện các biện pháp phòng, chống rét, cần tổ chức thu hoạch sớm để tránh thiệt hại.

b) Đối với các diện tích thủy sản chưa đạt kích cỡ thu hoạch, các diện tích nuôi thủy sản bố mẹ, thủy sản giống, cần áp dụng một số biện pháp phòng, chống rét như sau:

- Duy trì mực nước ao nuôi tối thiểu từ 1,5-2 m để giữ ổn định nhiệt độ nước. Có thể tạo các hố sâu trong ao từ 2,5-3 m, rộng từ 2-3 m2 để cho cá rút xuống trú đông. Những nơi có điều kiện, có thể làm khung che phủ bề mặt ao bằng nylon sáng màu để ngăn gió, cách nhiệt không khí, tăng khả năng giữ nhiệt, khả năng tiếp thu năng lượng mặt trời bổ sung nhiệt cho ao nuôi. Có thể thả bèo tây từ 1/3-1/2 diện tích mặt ao về phía Bắc để ngăn sự mất nhiệt của nước ao.

- Đối với nuôi lồng bè, có thể sử dụng nilon sáng màu để phủ kín bề mặt lồng nuôi.

c) Chế độ chăm sóc, quản lý thủy sản nuôi:

- Theo dõi chặt chẽ thời tiết để điều chỉnh thức ăn cho thủy sản nuôi đảm bảo đủ số lượng và chất lượng: Khi nhiệt độ xuống dưới 180C thì giảm 1/2 lượng thức ăn so với khẩu phần ăn; khi nhiệt độ nước xuống thấp dưới 100C thì ngừng cho ăn; khi nhiệt độ từ 100C trở lên, tranh  thủ cho ăn vào thời điểm nhiệt độ cao nhất trong ngày; bổ sung thêm vitamin C, khoáng hoặc men tiêu hóa vào thức ăn nhằm tăng sức đề kháng cho vật nuôi; sử dụng thức ăn có hàm lượng đạm cao hơn bình thường để giúp đàn vật nuôi khỏe mạnh.

- Hàng ngày theo dõi chất lượng nước, bổ sung lượng nước cần thiết đảm bảo độ sâu mực nước theo yêu cẩu kỹ thuật và dọn sạch cỏ, rác trong ao và thức ăn thừa ở nơi cho cá ăn; định kỳ sử dụng các loại hóa chất, chế phẩm sinh học để quản lý môi trường ao nuôi với liều lượng theo hướng dẫn của nhà sản xuất; quan sát phát hiện các hiện tượng bất thường để xử lý kịp thời.

- Định kỳ bón vôi bột (CaO) cho ao nuôi, liều lượng 1,5-2kg/100m3 nước, 1-2 lần/tháng để diệt nấm thủy mi và vi khuẩn gây hại khác cho thủy sản. Đối với nuôi cá lồng, bè, cần treo túi vôi ở đầu nguồn nước hoặc khu vực cho ăn, cách mặt nước khoảng 1/3 - 1/2 độ sâu của nước trong lồng/bè; liều lượng sử dụng từ 2 - 4 kg vôi/10m3 nước; khi vôi tan hết lại tiếp tục treo túi khác.

3. Khi có vật nuôi bị chết do rét đậm, rét hại, thực hiện đúng các biện pháp xử lý, tiêu hủy tránh gây ô nhiễm môi trường và phát sinh dịch bệnh./.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y