Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Một số nội dung cần quan tâm về công tác Kiểm dịch thực vật nội địa tỉnh Hà Nam

Tin tức - Sự kiện Tin nội bộ  
Một số nội dung cần quan tâm về công tác Kiểm dịch thực vật nội địa tỉnh Hà Nam
Kiểm dịch thực vật (KDTV) trong đó có KDTV nội địa là hoạt động ngăn chặn, phát hiện, kiểm soát đối tượng kiểm dịch thực vật, đối tượng phải kiểm soát và sinh vật gây hại lạ. KDTV là chức năng quản lý nhà nước, qua đó nâng cao hiệu quả, chất lượng, uy tín hàng hóa nông lâm sản xuất khẩu của Việt Nam, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh hàng hoá nông lâm sản Việt Nam trên thị trường quốc tế. Ngoài ra, công tác KDTV cũng góp phần đảm bảo năng suất cây trồng nâng cao thu nhập của người dân, đảm bảo an ninh lương thực nhờ tránh được các thiệt hại do dịch hại nguy hiểm gây ra.

Không chỉ Việt Nam, hệ thống KDTV được xây dựng và phát triển ở tất cả các nước trên thế giới với nguyên tắc cơ bản “phòng hơn chống". Dịch hại KDTV, dịch hại nguy hiểm được ngăn ngừa từ xa nhằm giảm thiểu tối đa những thiệt hại kinh tế và các tác động xấu lên môi trường, xã hội. Có thể nói, KDTV nội địa là một tấm màng lọc, một tấm lưới vững chắc bảo vệ cho thực vật và sản phẩm thực vật trong nội địa tránh khỏi sự gây hại của dịch hại KDTV và dịch hại nguy hiểm.

Theo thông tư số 35/2015/TT-BNNPTNT ngày 14/10/2015 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về KDTV nội địa gồm một số nội dung chính như sau:

1. Quản lý giống cây trồng mới nhập khẩu.

2. Quản lý sinh vật có ích nhập nội.

3. Xây dựng vùng không nhiễm sinh vật gây hại.

4. Quản lý ổ dịch và vùng dịch.

5. Thủ tục hành chính kiểm dịch thực vật đối với các lô vật thể vận chuyển từ vùng nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật.

6. Quản lý sinh vật gây hại trên vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật bảo quản trong kho.

7. Quản lý vật thể nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật đã xử lý tại cửa khẩu được đưa về sử dụng tại địa phương.

8. Quản lý sinh vật gây hại thuộc danh mục đối tượng phải kiểm soát và danh mục đối tượng kiểm dịch thực vật nhóm II.

9. Giám sát xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật bảo quản tại địa phương.

10. Phối hợp với Chi cục kiểm dịch thực vật vùng. 

Đối với Hà Nam, là tỉnh nằm ở Tây Nam châu thổ sông Hồng, trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, là cửa ngõ phía Nam của thủ đô Hà Nội, nơi giao thương, trung chuyển, đi qua của nhiều tuyến đường huyết mạch. Hàng hoá có nguồn gốc thực vật vận chuyển, lưu trữ rất đa dạng và phong phú. Hàng năm lượng giống cây trồng nhập từ Trung Quốc và các nước khác đưa về gieo trồng tại các địa phương trong tỉnh và trung chuyển cho các tỉnh lân cận với số lượng rất lớn về số lượng, chủng loại. Trên địa bàn tỉnh cũng có nhiều các công ty, nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi (18 công ty, nhà máy), sản xuất bia, sản xuất hàng mây tre đan. Trong kho lưu trữ rất nhiều các sản phẩm từ nông nghiệp như: ngô hạt, sắn lát, lúa mỳ, khô đậu, cám mỳ.... với diện tích kho của mỗi công ty có khoảng từ 5.000 - 10.000 m2 và lượng hàng hóa chứa vài nghìn tấn/năm. Bên cạnh đó là các chợ buôn bán nông sản thực vật có nguồn gốc từ nước ngoài (các loại đậu đỗ). Đây là các mặt hàng có thể chứa các sinh vật ngoại lai du nhập có khả năng lây lan ảnh hưởng đến sản xuất và xuất khẩu nông sản của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung, nên công tác KDTV nội địa đóng vai trò rất quan trọng.

Xuất phát từ tính chất, nội dung cần thiết nêu trên, công tác KDVT nội địa luôn được sự quan tâm của Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và sự chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Kiểm lâm. Hằng năm, Chi cục chỉ đạo xây dựng kế hoạch KDVT nội địa, tiếp nhận thông báo của các đơn vị, doanh nghiệp; phân công cán bộ làm công tác KDTV nội địa điều tra sinh vật gây hại trên giống cây trồng nhập nội và sinh vật gây hại nguyên liệu nông sản bảo quản trong kho của các công ty, nhà máy theo định kỳ 02 lần/năm một cách sát sao, hiệu quả. Đồng thời hướng dẫn các công ty, nhà máy thủ tục thực hiện khảo nghiệm giống cây trồng nhập nội; cách bảo quản và khử trùng nguyên liệu nông sản theo đúng quy định của Nhà nước... qua đó, đã giúp kiểm soát tốt các đối tượng kiểm dịch thực vật đối với giống cây trồng nhập nội và sinh vật gây hại trên hàng nông sản là nguyên liệu nhập khẩu.

Trong thời gian tới, trên cơ sở chức năng nhiệm vụ được giao, Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Kiểm lâm tiếp tục bám sát sự chỉ đạo của cơ quan chuyên ngành cấp trên, cập nhật văn bản pháp luật liên quan, tham mưu và tổ chức triển khai thực hiện đẩy mạnh công tác kiểm dịch thực vật nội địa; phối hợp các đơn vị, địa phương liên quan để làm tốt công tác quản lý giống cây trồng mới nhập nội, quản lý sinh vật gây hại trên vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật bảo quản trong kho...nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về kiểm dịch thực vật nội địa trên địa bàn tỉnh Hà Nam.

Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Kiểm lâm