Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Một số nội dung quy định về hoạt động chăn nuôi

Thông tin tuyên truyền, phổ biến  
Một số nội dung quy định về hoạt động chăn nuôi
Một số nội dung quy định về hoạt động chăn nuôi (Bài tuyên truyền)

Phần I. Vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của sản xuất chăn nuôi

Ngành chăn nuôi được xem là ngành kinh tế quan trọng, mũi nhọn trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh hiện nay, cung cấp nguồn thực phẩm dồi dào, thiết yếu nhất cho con người như các loại thịt, trứng, sữa. Đây cũng là ngành kinh tế giúp cho người dân tăng thu nhập, giải quyết được nhiều công ăn việc làm cho người lao động khu vực nông thôn.

Trong những năm qua, sản xuất chăn nuôi của tỉnh mặc dù gặp nhiều khó khăn, bất lợi do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 trên người; tình trạng lạm phát, suy thoái về kinh tế, chính trị, thiên tai xảy ra tại nhiều nước trên thế giới; giá nhiên, nguyên vật liệu hàng hoá tăng cao; giá cả thị trường đầu ra sản phẩm chăn nuôi không ổn định; dịch bệnh trên đàn vật nuôi luôn có nguy cơ bùng phát cao; quỹ đất dành cho phát triển chăn nuôi ngày càng thu hẹp do quá trình đô thị hoá, công nghiệp hoá, ... Tuy nhiên với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, sự tập trung nỗ lực, cố gắng của người dân, doanh nghiệp nên đã đạt nhiều kết quả tích cực, quan trọng, hằng năm đều hoàn thành và hoàn thành vượt mức một số chỉ tiêu kế hoạch chính, quan trọng được giao. Ngành chăn nuôi sản xuất và cung ứng cho thị trường trên 90 nghìn tấn thịt hơi xuất chuồng các loại, trên 300 triệu quả trứng và hàng nghìn tấn sữa tươi mỗi năm, đảm bảo an ninh thực phẩm, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng nội tỉnh và xuất bán cho thị trường ngoại tỉnh chủ yếu là Hà Nội khoảng 50% tổng sản lượng. Trong những năm gần đây, chăn nuôi luôn là ngành sản xuất chính trong nông nghiệp, với tỷ trọng chiếm trên 50%, tăng trưởng của ngành chăn nuôi luôn có đóng góp chính cho tăng trưởng của ngành nông nghiệp, cho thấy rõ vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt của ngành chăn nuôi đối với phát triển kinh tế nông nghiệp của tỉnh.

A1.jpg

Chăn nuôi lợn thịt quy mô trại tại Văn Xá - Kim Bảng.   

A2.jpg

Phần II. Một số nội dung quy định về hoạt động chăn nuôi

I. Hoạt động chăn nuôi, quy mô chăn nuôi

1. Hoạt động chăn nuôi là nuôi sinh trưởng, nuôi sinh sản vật nuôi và hoạt động khác có liên quan đến vật nuôi, sản phẩm chăn nuôi phục vụ mục đích làm thực phẩm, khai thác sức kéo, làm cảnh hoặc mục đích khác của con người (theo quy định tại khoản 2, Điều 2 Luật chăn nuôi).

- Chăn nuôi nông hộ là hình thức tổ chức hoạt động chăn nuôi tại hộ gia đình. (theo quy định tại khoản 3, Điều 2, Luật chăn nuôi)

- Chăn nuôi trang trại là hình thức tổ chức hoạt động chăn nuôi tập trung tại khu vực riêng biệt dành cho sản xuất, kinh doanh chăn nuôi (theo quy định tại khoản 4 Điều 2 Luật Chăn nuôi).

2. Quy mô chăn nuôi được xác định bằng số đơn vị vật nuôi (ĐVN) tại cùng một thời điểm đối với các loại vật nuôi được quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định này (theo quy định tại điểm a, khoản 12 Điều 1, Nghị định số 46/2022/NĐ-CP ngày 13/7/2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 13/2020/NĐ-CP ngày 21 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết Luật Chăn  nuôi).

Quy mô chăn nuôi được quy định như sau (theo quy định tại khoản 2, điều 21, Nghị định số 13/2020/NĐ-CP ngày 21/01/2020 của Chính phủ; điểm b, khoản 12, Điều 1, Nghị định số 46/2022/NĐ-CP ngày 13/7/2022 của Chính phủ):

* Chăn nuôi trang trại quy mô lớn: Từ 300 đơn vị vật nuôi trở lên.

* Chăn nuôi trang trại quy mô vừa: Từ 30 đến dưới 300 đơn vị vật nuôi.

* Chăn nuôi trang trại quy mô nhỏ: Từ 10 đến dưới 30 đơn vị vật nuôi.

* Chăn nuôi nông hộ: Dưới 10 đơn vị vật nuôi.

Hệ số đơn vị vật nuôi được quy định như sau (theo khoản 4, điều 21, Nghị định số 13/2020/NĐ-CP ngày 21/01/2020 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết Luật Chăn nuôi): 

Hệ số đơn vị vật nuôi sử dụng làm căn cứ quy đổi số lượng vật nuôi sang đơn vị vật nuôi.

Hệ số đơn vị vật nuôi và công thức chuyển đổi được quy định tại Phụ lục V, Nghị định số 46/2022/NĐ-CP ngày 13/7/2022 của Chính phủ.

- Hệ số đơn vị vật nuôi = Khối lượng hơi trung bình của vật nuôi/500

- Công thức tính đơn vị vật nuôi (ĐVN) thông qua hệ số vật nuôi (HSVN):

ĐVN = HSVN x Số con.

II. Điều kiện cơ sở chăn nuôi

Thứ nhất: Đối với chăn nuôi trang trại (theo quy định tại điều 55 Luật Chăn nuôi):

1. Chăn nuôi trang trại phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Vị trí xây dựng trang trại phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, vùng, chiến lược phát triển chăn nuôi; đáp ứng yêu cầu về mật độ chăn nuôi quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 53 của Luật này;

b) Có đủ nguồn nước bảo đảm chất lượng cho hoạt động chăn nuôi và xử lý chất thải chăn nuôi;

c) Có biện pháp bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;

d) Có chuồng trại, trang thiết bị chăn nuôi phù hợp với từng loại vật nuôi;

đ) Có hồ sơ ghi chép quá trình hoạt động chăn nuôi, sử dụng thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, vắc-xin và thông tin khác để bảo đảm truy xuất nguồn gốc; lưu giữ hồ sơ trong thời gian tối thiểu là 01 năm sau khi kết thúc chu kỳ chăn nuôi;

e) Có khoảng cách an toàn từ khu vực chăn nuôi trang trại đến đối tượng chịu ảnh hưởng của hoạt động chăn nuôi và từ nguồn gây ô nhiễm đến khu vực chăn nuôi trang trại

2. Tổ chức, cá nhân chăn nuôi trang trại quy mô lớn phải được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi.

3. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định khoảng cách an toàn trong chăn nuôi trang trại bảo đảm an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh và bảo vệ môi trường (được quy định cụ thể tại thông tư 18/2023/TT-BNNPTNT ngày 15/12/2023).

Thứ hai: Đối với chăn nuôi quy mô nông hộ: (theo quy định tại điều 56 Luật Chăn nuôi):

- Chuồng nuôi phải tách biệt với nơi ở của người;

- Định kỳ vệ sinh, khử trùng, tiêu độc chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi

- Có các biện pháp phù hợp để vệ sinh phòng dịch; thu gom xử lý phân, nước thải chăn nuôi, xác động vật và chất thải chăn nuôi khác theo quy định của pháp luật về thú y, bảo vệ môi trường.

III. Các hành vi bị nghiêm cấm trong chăn nuôi (theo quy định tại điều 12, Luật Chăn nuôi):

1. Chăn nuôi trong khu vực không được phép chăn nuôi của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư; trừ nuôi động vật làm cảnh, nuôi động vật trong phòng thí nghiệm mà không gây ô nhiễm môi trường.

2. Sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.

3. Sử dụng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi không phải là thuốc thú y được phép lưu hành tại Việt Nam.

4. Sử dụng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi nhằm mục đích kích thích sinh trưởng.

5. Phá hoại, chiếm đoạt nguồn gen giống vật nuôi.

6. Xuất khẩu trái phép nguồn gen giống vật nuôi quý, hiếm.

7. Nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi có sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.

8. Nhập khẩu, kinh doanh, chế biến sản phẩm chăn nuôi từ vật nuôi chết do bệnh hoặc chết không rõ nguyên nhân.

9. Nhập khẩu, nuôi, phóng thích, sử dụng trái phép vật nuôi biến đổi gen, sản phẩm chăn nuôi từ vật nuôi biến đổi gen.

10. Sử dụng, đưa chất, vật thể, bơm nước cưỡng bức vào cơ thể vật nuôi, sản phẩm của vật nuôi nhằm mục đích gian lận thương mại.

11. Thông đồng, gian dối trong thử nghiệm, khảo nghiệm, kiểm định, công bố chất lượng, chứng nhận sự phù hợp trong lĩnh vực chăn nuôi.

12. Xả thải chất thải chăn nuôi chưa được xử lý hoặc xử lý chưa đạt yêu cầu vào nơi tiếp nhận chất thải theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

13. Gian dối trong kê khai hoạt động chăn nuôi nhằm trục lợi.

14. Cản trở, phá hoại, xâm phạm hoạt động chăn nuôi hợp pháp.

II. Nghĩa vụ của tổ chức cá nhân chăn nuôi (Theo quy định tại khoản 2 Điều 57 luật Chăn nuôi):

1. Thực hiện kê khai hoạt động chăn nuôi theo quy định tại Điều 54 Luật Chăn nuôi.

2. Thực hiện các biện pháp an toàn sinh học, vệ sinh môi trường trong chăn nuôi;

3. Xử lý chất thải chăn nuôi theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;

4. Đảm bảo đối xử nhân đạo với vật nuôi theo quy định của pháp luật.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y