Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Nâng cao hiệu quả phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên địa bàn tỉnh

Thông tin tuyên truyền, phổ biến  
Nâng cao hiệu quả phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên địa bàn tỉnh
Công văn số 3404/ UBND-TCDNC, ngày 15/12/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc nâng cao hiệu quả phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên địa bàn tỉnh.

Trong thời gian gần đây, tình hình tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đặc biệt là tội phạm lửa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng trên địa bàn tỉnh. Các đối tượng sử dụng nhiều phương thức thủ đoạn tinh vi thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền lớn gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng đến an ninh trật tự (ANTT) và đời sống Nhân dân như: thủ đoạn giả danh cơ quan thực thi pháp luật, cơ quan nhà nước; quen biết qua mạng xã hội, lợi dụng quan hệ tình cảm, trao đổi, mua bán hàng hoá qua mạng; gửi tiền, quà từ nước ngoải về; gửi tin nhắn trúng thưởng, tuyển dụng nhân viên làm việc trực tuyến; thiết lập các trang mạng ngân hàng giả mạo để lấy dữ liệu thông tin khách hàng; sử dụng giấy tờ giả mở tài khoản, giả mạo chứng từ để chuyển tiền, rút tiền, vay tiền... để thực hiện hành vi phạm tội. 

Để nâng cao hiệu quả phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong thời gian tiếp theo, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể thuộc tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ triển khai, thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau: 

1. Tiếp tục thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Kế hoạch số 1919/KH-UBND ngày 29/6/2020 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 25/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Văn bản chỉ đạo số 04/UBND-NC ngày 04/11/2021 của UBND tỉnh về việc tiếp tục tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

2. Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, tinh thần cảnh giác và chủ động phòng ngừa trước mọi thủ đoạn hoạt động của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên địa bàn tỉnh; đổi mới cả về nội dung, hình thức và phương thức tiếp cận đến đối tượng tuyên truyền nhằm truyền tải có hiệu quả, phát huy môi trường mạng Internet, mạng xã hội (Facebook, Zalo...) để vừa tuyên truyền, vừa tiếp nhận, phát hiện những vụ việc có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tăng cường thời lượng, tần suất các bài viết, phóng sự liên quan đến những phương thức, thủ đoạn mới của các đối tượng, hướng dẫn người dân nhận diện, ứng phó và tăng cường các các biện pháp quản lý tự phòng ngừa, bảo vệ tài sản. 

3. Tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, địa phương trong công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Thường xuyên rà soát, xác định những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý Nhà nước về ANTT, kịp thời kiến nghị và đề ra các giải pháp khắc phục, nhất là đối với những lĩnh vực dễ nảy sinh hoặc có sơ hở để tội phạm lợi dụng lừa đảo chiếm đoạt tài sản như đất đai, bất động sản, tài chính, ngân hàng, đầu tư kinh doanh...; Xác định cụ thể trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương trong phòng, chống tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Các cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang phải gương mẫu, nêu cao cảnh giác chấp hành pháp luật, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

4. Đẩy mạnh xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; tuyên truyền, vận động các cơ quan, đơn vị, khu dân cư, người dân trên địa bàn chủ động phòng ngừa, phát hiện tố giác tội phạm nói chung và các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản nói riêng. Chú trọng duy trì, phát huy, xây dựng mới các mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào; củng cố và nâng cao chất lượng các hình thức tự quản, tự phòng, tự bảo vệ; xây dựng gia đình văn hoá, khu dân cư, xã, phường, thị trấn an toàn về ANTT. 

5. Công an tỉnh phối hợp với các cơ quan báo chí, truyền thông, các tổ chức chính trị - xã hội, các Hội, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức trong các tầng lớp Nhân dân và tăng cường công tác kiểm soát không gian mạng, triển khai đồng bộ các giải pháp đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tập trung rà soát, nắm chắc tình hình về các tổ chức, cá nhân, cơ sở hoạt động kinh doanh bất động sản, huy động vốn, kinh doanh đa cấp, tham gia hụi, họ, phường, kinh doanh thiết bị số…; tăng cường các biện pháp ngăn chặn hoạt động thu thập, sử dụng, phát tán, kinh doanh trái pháp luật thông tin cá nhân; lợi dụng lỗ hổng bảo mật của hệ thống quản trị để thu thập, khai thác thông tin cá nhân thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tăng cường phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân các cấp để chủ động trong công tác điều tra, truy tố, xét xử tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bảo đảm xử lý nghiêm minh, không bỏ lọt tội phạm…

6. Yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương chủ động triển khai hiệu quả các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, phù hợp với phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm, nhất là những diễn biến phức tạp của tình hình đã dự báo trong và sau dịch bệnh Covid-19. Định kỳ hàng năm (trước ngày 15/12) hoặc đột xuất báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh (qua Công an tỉnh để tổng hợp chung)

Giao Công an tỉnh theo dõi, đôn đốc việc thực hiện; tổng hợp tình hình, báo cáo Bộ Công an, UBND tỉnh theo quy định./.

Văn phòng