Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Nhiệm vụ phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trước mùa mưa bão

Thông tin tuyên truyền, phổ biến  
Nhiệm vụ phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trước mùa mưa bão
Theo dự báo diễn biến thời tiết năm 2022, mùa mưa năm nay có khả năng đến sớm hơn theo quy luật tự nhiên, bão hoạt động trên biển Đông muộn hơn trung bình nhiều năm, trong đó số cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ từ 2-3 cơn. Tổng lượng mưa toàn mùa ở mức cao hơn so với trung bình nhiều năm, có khoảng từ 7-9 đợt mưa vừa và mưa to. Dự báo nền nhiệt độ trung bình toàn mùa từ 28 - 290C, cũng cao hơn so với nhiều năm, có khoảng từ 5 - 7 đợt nắng nóng cao điểm 410C. Bên cạnh đó mùa lũ năm nay trên sông Đáy có khả năng xuất hiện lũ Tiểu mãn đúng chu kỳ trung bình nhiều năm với khoảng 2-3 đợt lũ. Đỉnh lũ năm 2022 xấp xỉ cao hơn năm 2021, khả năng ở mức 3,20 - 3,70m, thời gian xuất hiện vào tháng 8, tháng 9.

Trước dự báo diễn biến như trên, tỉnh Hà Nam đã đưa ra mục tiêu: Chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương, hiệu quả, trong đó lấy phòng tránh là chính, kiên quyết giữ vững đê điều khi lũ chưa vượt quá lũ lịch sử, không để xảy ra mất mùa do hạn hán hoặc ngập úng khi mưa, lũ, bão chưa vượt quá khả năng của công trình, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra.

Cụ thể: Phải đảm bảo giữ an toàn hệ thống đê điều tuyến đê hữu Hồng, tả Đáy ở mức thiết kế quy định, phấn đấu giữ được mực nước lũ cao hơn. Đảm bảo tưới tiêu hợp lý cho hơn 70.000ha diện tích các vụ sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản năm 2022. Tiêu úng cho các khu công nghiệp, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và 7.000ha phục vụ dân sinh kinh tế. Thực hiện tốt việc phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả đối với những loại hình thiên tai khác xảy ra.

Điều chỉnh, bổ sung kế hoạch phòng, chống giảm nhẹ thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; kế hoạch phòng chống cháy nổ, cháy rừng, sát với tình hình thực tế của địa phương; Tổ chức Hội nghị hiệp đồng phòng chống thiên tai – tìm kiếm cứu nạn năm 2022 với các đơn vị tăng cường của Bộ, Quân khu và các đơn vị quân đội trên địa bàn tỉnh.

Duy trì nghiêm chế độ trực chỉ huy, trực ban, theo dõi nắm chắc tình hình thiên tai, sự cố xảy ra trên địa bàn tỉnh; tham mưu đề xuất biện pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả, xử lý kịp thời các tình huống xảy ra. Thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương, hiệu quả; chuẩn bị chu đáo về lực lượng, phương tiện trang bị, hậu cần cho các đơn vị được giao nhiệm vụ ứng cứu khi có tình huống xảy ra. Tổ chức tập huấn, huấn luyện, diễn tập theo phương án cho lực lượng làm nhiệm vụ tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn; kiểm tra công tác quản lý, bảo quản vật chất, phương tiện phục vụ cho hoạt động phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; Sẵn sàng lực lượng, phương tiện tham gia xử lý hiệu quả các tình huống thiên tai, cháy nổ, cháy rừng xảy ra trên địa bàn.

Để thực hiện tốt công tác phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn, cần thực hiện các nhiệm vụ như: Đánh giá hiện trạng các công trình thủy lợi, đê điều trước mùa lũ, xây dựng phương án trọng điểm, phương án phòng chống thiên tai, chuẩn bị vật tư, nhân lực phục vụ PCLB theo phương châm “4 tại chỗ”; Kiện toàn Ban chỉ huy và phân công nhiệm vụ rõ ràng; Triển khai kế hoạch tuyên truyền về phòng chống thiên tai, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu để nâng cao nhận thức; Nâng cao chất lượng thông tin, dự báo, cảnh báo thời tiết, thiên tai cũng như năng lực ứng phó, xử lý khi xảy ra thiên tai. Nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ và dự báo, cảnh báo thiên tai trên địa bàn; Nâng cao hiệu quả hoạt động của các lực lượng trong công tác quản lý bảo vệ đê điều…

Đồng thời các Sở, ban, ngành tùy theo chức năng nhiệm vụ được giao có trách nhiệm tham mưu cho UBND tỉnh, giúp Ban chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh trong việc xây dựng các phương án, huy động các nguồn lực, tăng cường kiểm tra đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ PCLB & TKCN.

Sở Nông nghiệp & PTNT, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh giúp UBND tỉnh triển khai thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo của Trung ương về các giải pháp, kế hoạch; thực hiện chế độ thường trực, theo dõi sát diễn biến thiên tai, tham mưu kịp thời, xử lý hiệu quả các tình huống.

Các huyện, thị xã, thành phố, Công ty KTCTTL tỉnh thực hiện nghiêm chế độ phân cấp quản lý, phân cấp tài chính đối với hệ thống công trình thủy lợi, đê điều, ưu tiên đầu tư tu bổ, nâng cấp hệ thống đê sông con, đê bối, công trình thủy lợi nội đồng; chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật tư, phương tiện.

Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ động xây dựng phương án của đơn vị mình; chấp hành nghiêm sự điều động lực lượng, phương tiện vật tư của Ban chỉ huy PCTT & TKCN trong việc tham gia xử lý các tình huống.

Các cơ quan truyền thông và phương tiện thông tin đại chúng đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt trong mọi tình huống, đưa tin kịp thời chính xác về diễn biến thiên tai, về sự chỉ đạo của Trung ương và địa phương.

Theo https://khuyennonghanam.myharavan.com