Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Sở Nông nghiệp & PTNT báo cáo tình hình sản xuất đến ngày 31/7/2024

Tin tức - Sự kiện Tin nội bộ  
Sở Nông nghiệp & PTNT báo cáo tình hình sản xuất đến ngày 31/7/2024

1. Tình hình cây trồng

- Lúa trà sớm đang ở giai đoạn cuối đẻ nhánh - phát triển đòng. Lúa trà trung và muộn ở giai đoạn đẻ nhánh rộ - cuối đẻ nhánh. Ngô 6 - 9 lá, lạc: phân cành - hoa báo, dưa chuột, bí: leo giàn, ra hoa báo - quả non.

- Do ảnh hưởng của mưa lớn và bão số 2 đã làm 5.867,0 ha lúa và rau màu bị ảnh hưởng, trong đó diện tích lúa mùa bị ảnh hưởng: 5.205,2 ha (thiệt hại < 30% số cây: 1.825,8 ha; thiệt hại từ 30-70% số cây: 1.682 ha; thiệt hại >70% số cây: 1.697,4 ha); cây rau màu bị ảnh hưởng: 661,8 ha (thiệt hại < 30% số cây: 91 ha; thiệt hại từ 30-70% số cây: 363,6 ha; thiệt hại >70% số cây: 207,2 ha). Đến nay diện tích cây rau, màu Hè Thu còn bị ngập úng: 92,2 ha tập trung vùng ven sông Đáy (Huyện Kim Bảng 21 ha tại xã Thanh Sơn, Thi Sơn; Thanh Liêm 71,2 ha tại xã Thanh Nghị, Thanh Hải và xã Thanh Thủy).

- Diện tích lúa và rau màu đã khắc phục được (dặm, tỉa, gieo trồng lại): 4.603,6 ha, trong đó cây lúa 4.190,7 ha; cây rau màu: 412,9 ha.

2. Tình hình dịch hại:

2.1. Trên lúa

a) Chuột hại: Hầu hết các địa phương đã tổ chức đặt bả diệt chuột đồng loạt được 2 - 3 lần. Lượng thuốc hóa học đã sử dụng: 44.529,3 kg, trong đó thuốc bả trộn sẵn  Antimice 0.006GB; Gimlet 0.2GB: 43.240 kg, Racumin 0.75TP: 22 kg, thuốc khác: 1.267,3 kg. Số chuột bắt thủ công trong tuần: 7.085 con (trong đó Kim Bảng: 2.065 con, Lý Nhân: 1.000 con, Bình Lục: 3.200 con, Thanh Liêm: 300 con, Phủ Lý: 520 con).

Hiện tại chuột gây hại rải rác trên lúa gieo thẳng, 1 số diện tích ven làng, gò đống, nghĩa địa. Diện tích bị hại > 2,5% số dảnh: 2 ha (Lý Nhân)

b) Sâu cuốn lá nhỏ lứa 5: Trưởng thành đang vũ hóa rộ, mật độ trung bình rải rác, nơi cao 0,3 - 0,5 con/m2; cục bộ 1 -1,5 con/m2. Mật độ trứng trung bình rải rác, nơi cao 10 - 15 quả/m2, cục bộ: 30 - 40 quả/m2.

c) Rầy nâu  - rầy lưng trắng: Mật độ trung bình rải rác, nơi cao 10 - 20 con/m2, cục bộ: 50 - 60 con/m2 (rầy chủ yếu tuổi 2 - TT).

d) Bệnh nghẹt rễ: Gây hại cục bộ. Diện tích nhiễm: 58,9 ha, diện tích xử lý: 54,3 ha.

đ) Sâu keo mùa thu, sâu khoang: Gây hại cục bộ tại HTX Tiên Nội - thị xã Duy Tiên; HTX Đồng Thủy, Nhân Hưng, Nhân Mỹ… huyện Lý Nhân, mật độ trung bình rải rác, cao 20 - 30 con/m2, cục bộ 80 - 100 con/m2. Diện tích nhiễm và phòng trừ: 4,1ha.

e) Bệnh lùn sọc đen hại lúa: Chưa phát hiện thấy trên đồng ruộng.

2.2. Trên Ngô

Sâu keo mùa thu: Sâu non mật độ trung bình rải rác, cao 1-3 con/m2, diện tích nhiễm và phòng trừ: 57 ha. Bệnh khô vằn gây hại cục bộ, diện tích nhiễm và phòng trừ: 80ha.

2.3. Trên dưa chuột, bí

 Bệnh lở cổ rễ gây hại rải rác, nơi cao 1 - 3 %; diện tích nhiễm: 1 ha, diện tích phòng trừ: 64 ha. Bệnh héo xanh gây hại cục bộ, nơi cao 1- 2%; diện tích nhiễm: 0,7 ha, diện tích phòng trừ: 2 ha

3. Công tác phát triển chăn nuôi; phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm

3.1. Công tác phát triển chăn nuôi

Tình hình phát triển sản xuất chăn nuôi, thuỷ sản trên địa bàn tỉnh tiếp tục được duy trì ổn định, đàn vật nuôi được chăm sóc tốt. Một số sản phẩm chăn nuôi biến động nhẹ so với tuần trước: lợn thịt hơi xuất chuồng dao động từ 66.000đ - 69.000đ/kg; gà thịt lông trắng hơi xuất chuồng dao động từ 34.000 đ - 36.000đ/kg, gà thịt lông màu dao động từ 40.000đ - 58.000đ/kg; gà thịt thả vườn dao động từ 100.000 đ - 120.000đ/kg; vịt thịt xuất chuồng dao động từ 38.000 đ - 40.000đ/kg; trứng gà dao động từ 2.000 - 2.200 đ/quả; thủy sản: giá bán thương phẩm loại 1 đối với cá trắm cỏ 52.000 - 54.000 đồng/kg, cá chép lai: 47.000 - 48.000 đ/kg, cá trôi, rô phi: 32.000 - 34.000 đ/kg, cá trắm đen: 67.000 - 70.000 đ/kg, cá Lăng đen: 94.000 - 95.000 đ/kg, cá chạch: giá dao động từ 65.000 - 70.000 đ/kg, ốc nhồi: giá dao động từ 70.000 - 72.000 đ/kg.

3.2. Công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm

a) Công tác giám sát dịch: Công tác giám sát dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm được thực hiện thường xuyên tới tận hộ gia đình thông qua mạng lưới nhân viên thú y xã, phường, thị trấn và qua công tác kiểm tra, rà soát, giám sát tại các địa phương của cán bộ chuyên môn.

b) Tình hình dịch bệnh: Trong tuần, trên địa bàn tỉnh không xảy ra dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm như: LMLM, Tai xanh; cúm gia cầm…

c) Nhận định tình hình dịch bệnh trong thời gian tới: Thời tiết diễn biến bất lợi (mưa lớn nhiều ngày, ẩm độ cao...) làm ảnh hưởng tới sức đề kháng của đàn vật nuôi. Do vậy nguy cơ xảy ra dịch bệnh là rất cao nên người chăn nuôi phải thường xuyên thực hiện tốt việc vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại chăn nuôi, tiêm vắc xin đầy đủ cho đàn gia súc, gia cầm.​

Văn phòng Sở