Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Tăng cường công tác phòng chống bệnh lùn sọc đen và phòng trừ cao điểm 1 sâu cuốn lá nhỏ lứa 6 trên lúa vụ Mùa 2023

Thông tin tuyên truyền, phổ biến  
Tăng cường công tác phòng chống bệnh lùn sọc đen và phòng trừ cao điểm 1 sâu cuốn lá nhỏ lứa 6 trên lúa vụ Mùa 2023
Ngày 27/7/2023 Sở Nông nghiệp & PTNT ban hành Văn bản số  916/SNN-TT,BVTV&KL về việc tăng cường công tác phòng chống bệnh lùn sọc đen và phòng trừ cao điểm 1 sâu cuốn lá nhỏ lứa 6 trên lúa vụ Mùa 2023
     Vụ Mùa 2023 diện tích lúa gieo cấy lúa toàn tỉnh là 28.691,64 ha đạt 100,04%KH. Hiện tại lúa trà sớm đang ở giai đoạn cuối đẻ nhánh – phân hóa đòng, lúa trà trung và muộn đẻ nhánh rộ. Trên đồng ruộng rầy nâu, rầy lưng trắng mật độ trung bình 3 -5 con/m2, cao 10 -15 con/m2, cục bộ 20 -30 con m2, phát dục rầy rải các tuổi. Sâu cuốn lá nhỏ mật độ trung bình 0,2- 0,5 con/m2, cao 1 -2 con/m2, cục bộ 3 -5 con/m2, sâu có hiện tượng rải lứa; dự kiến trưởng thành cao điểm 1 lứa 6 vũ hóa rộ 02/8 – 10/8; sâu non nở rộ gây hại chủ yếu trên lúa trà sớm đã phân hóa đòng và các diện tích lúa trà trung, trà muộn xanh tốt, ven làng.
     Theo số liệu kết quả phân tích giám định virus lùn sọc đen từ ngày 14 -20/7/2023 tại một số tỉnh, thành phố lân cận: Nam Định có 27/49 mẫu rầy dương tính với virus lùn sọc đen (chiếm 55,10 %); Thái Bình có 04/36 mẫu rầy dương tính với virus lùn sọc đen (chiếm 11,11 %); Hải Phòng có 05/330 mẫu rầy dương tính với virus lùn sọc đen (chiếm 1,52 %). Kết quả giám định cho thấy hiện nay đang có nguy cơ rất cao cho việc bùng phát bệnh lùn sọc đen trên lúa vụ Mùa 2023.
     ​ Để bảo vệ tốt sản xuất vụ lúa Mùa 2023, ngày 27/7/2023 Sở Nông nghiệp & PTNT ban hành Văn bản số  916/SNN-TT,BVTV&KL về việc tăng cường công tác phòng chống bệnh lùn sọc đen và phòng trừ cao điểm 1 sâu cuốn lá nhỏ lứa 6 trên lúa vụ Mùa 2023 đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thực hiện tốt một số nội dung sau:
      1. Đối với bệnh Virus lùn sọc đen:
     - Tăng cường điều tra, giám sát mật độ rầy lưng trắng trên đồng ruộng.
    - Thu thập mẫu rầy lưng trắng, cây lúa có triệu trứng nghi bị bệnh gửi về Chi cục Trồng trọt, BVTV và Kiểm lâm để gửi đi giám định nguồn bệnh lùn sọc đen từ đó làm căn cứ để áp dụng các biện pháp phòng chống kịp thời và hiệu quả. Thời gian gửi mẫu dự kiến 02 đợt; đợt 1: ngày 01/8/2023; đợt 2: ngày 17/8/2023 (lưu ý thời gian gửi mẫu trước 7 giờ 30).
      2. Đối với sâu cuốn lá nhỏ: Phân loại các trà lúa, phát dục sâu. Chỉ đạo phun trừ cho các diện tích có mật độ ≥ 20 con/m2 đối với diện tích lúa đã phân hóa đòng, mật độ ≥ 50 con/m2 đối với diện tích lúa còn ở giai đoạn đẻ nhánh, khi sâu đa số tuổi 1, 2.
      3. Thực hiện tốt công tác dự tính, dự báo tình hình sinh vật gây hại; tuyên truyền hướng dẫn các biện pháp chăm sóc, bón phân kali đón đòng và phòng chống sâu bệnh cho lúa Mùa.
      4. Giao cho Chi cục Trồng trọt, BVTV và Kiểm lâm: Phân công cán bộ bám sát đồng ruộng để nắm bắt kịp thời tình hình sinh trưởng cây lúa, diễn biến các dịch hại trên đồng ruộng. Thông báo chỉ đạo phòng chống dịch hại; kiểm tra tiến độ, hiệu quả phòng trừ và tham mưu biện pháp khắc phục các tồn tại hạn chế (nếu có) của các địa phương.
Theo http://khuyennong.hanam.gov.vn/