Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Tập trung khắc phục hậu quả do ảnh hưởng mưa, lũ và chủ động ứng phó mưa, lũ trong thời gian tới

Tin tức - Sự kiện Tin nội bộ  
Tập trung khắc phục hậu quả do ảnh hưởng mưa, lũ và chủ động ứng phó mưa, lũ trong thời gian tới
Để chủ động ứng phó với mưa, lũ và đảm bảo an toàn công trình, các hoạt động ven sông khi vận hành hồ thủy điện Sơn La, Hòa Bình, Tuyên Quang nhằm giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản. Ngày 02 tháng 8 năm 2024 Sở Nông nghiệp & PTNT (Cơ quan thường trực Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Hà Nam) đã có công văn số 994/SNN-TL gửi  Các Sở: Sở Giao thông vận tải; Thông tin và Truyền thông; Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh; Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh; Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh; Báo Hà Nam; Các Công ty: TNHH MTV KTCTTL tỉnh Hà Nam; TNHH MTV KTCTTL Bắc Nam Hà; Cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Hà Nam về việc tập trung khắc phục hậu quả do ảnh hưởng mưa, lũ và chủ động ứng phó mưa, lũ trong thời gian tới.

Nội dung công văn nêu rõ: Thời gian vừa qua, do ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài, mực nước trên các sông nội đồng và các kênh tiêu dẫn nước về các trạm bơm dâng cao, trên sông Đáy đã xuất hiện đợt lũ với đỉnh lũ trên báo động III (tại Phủ Lý 4,05m, trên báo động III là 0,05m lúc 6h ngày 26/7/2024). Mưa lớn kéo dài đã gây ngập úng vùng trũng, thấp, các khu công nghiệp, khu đô thị trên địa bàn, thiệt hại đến sản xuất nông nghiệp và gây mất an toàn các công trình phòng chống thiên tai, cụ thể: Theo Báo cáo số 76/BC-TT,BVTV&KL ngày 31/7/2024 của Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Kiểm Lâm. Do ảnh hưởng của mưa lớn và bão số 2 đã làm 5.867,0 ha lúa và rau màu bị ảnh hưởng (diện tích lúa: 5.205,2 ha, cây rau màu: 661,8 ha); Về đê điều: Trên một số tuyến đê đã xảy ra một số sự cố gây mất an toàn đê điều, đặc biệt là trên tuyến đê hữu Hồng đã xảy ra sự cố sạt trượt mái thượng lưu các đoạn K126+550-K126+590, K127+634- K127+654, thuộc địa bàn các xã Chuyên Ngoại, Trác Văn, thị xã Duy Tiên.

Theo dự báo của Đài khí tượng thủy văn tỉnh Hà Nam tại bản tin số KH1T-12/15h30/HNAM phát lúc 15h30 ngày 01/8/2024 dự báo xu thế khí hậu tháng 8/2024: Có khoảng 02-03 đợt mưa lớn, trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Tổng lượng mưa tháng: Ở mức xấp xỉ so với TBNN, (TBNN: 305 mm).

A1.jpg

A2.png

A3.png

Thực hiện Công điện số 72/CĐ-TTg ngày 24/7/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ do ảnh hưởng của bão số 2 và chủ động ứng phó với mưa lớn, sạt lở đất trong thời gian tới; Công điện số 5515/CĐ-BNN-ĐĐ ngày 31/7/2024 và Văn bản số 5378/BNN-ĐĐ ngày 26/7/2024 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh tại các Văn bản: số 1436/UBND-NNTNMT ngày 25/7/2024, số 1491/UBND-NNTNMT ngày 01/8/2024. Để chủ động ứng phó với mưa, lũ và đảm bảo an toàn công trình, các hoạt động ven sông khi vận hành hồ thủy điện Sơn La, Hòa Bình, Tuyên Quang nhằm giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản, Sở Nông nghiệp & PTNT (Cơ quan thường trực Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Hà Nam) đề nghị Sở Giao thông vận tải; Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh; Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh; Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh; Báo Hà Nam và các Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi: tỉnh Hà Nam, Bắc Nam Hà; Công ty cổ phần Môi trường và Công trình đô thị tỉnh Hà Nam chỉ đạo thực hiện một số nội dung sau:

1. Rà soát, cập nhật hoàn thiện phương án, kế hoạch phòng, chống thiên tai trên địa bàn phù hợp với diễn biến thiên tai và điều kiện cụ thể của địa phương để tổ chức thực hiện được hiệu quả, trong đó cần đặc biệt lưu ý có biện pháp chủ động, quyết liệt để giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản do mưa lớn, lũ, ngập lụt gây ra.

2. Kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt để chủ động khơi thông dòng chảy, tổ chức di dời, sơ tán người dân khi có tình huống xảy ra.

3. Tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn kỹ năng ứng phó mưa lớn, lũ, ngập úng để người dân biết, chủ động phòng, tránh, giảm thiểu thiệt hại.

4. Rà soát, bổ sung lực lượng canh gác, kiểm soát, hướng dẫn, hỗ trợ bảo đảm an toàn giao thông qua các khu vực có nguy cơ sạt lở, khu vực bị ngập sâu, kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn.

5. Theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, cập nhật thường xuyên để thông tin đến chính quyền, người dân chủ động phòng tránh, bảo đảm kịp thời, hiệu quả, sát với tình hình thiên tại trên địa bàn. 

6. Tập trung khắc phục sản xuất nông nghiệp với diện tích gieo cấy lúa và diện tích rau màu bị ảnh hưởng theo hướng dẫn của cơ quan chức năng. Sẵn sàng phương án tiêu nước chống úng bảo vệ sản xuất, khu công nghiệp, khu đô thị.

7. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống. 

8. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Hà Nam tăng cường các biện pháp thông tin kịp thời về diễn biến của các đợt thiên tai đến các cấp chính quyền và người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó.

9. Tổ chức trực ban theo quy định và theo dõi tình hình diễn biến thiên tai, thiệt hại, tổng hợp báo cáo kịp thời về Sở Nông nghiệp & PTNT (Chi cục Thủy lợi - Văn phòng thường trực BCH PCTT & TKCN tỉnh. Điện thoại: 0226.3.852.899 Email: chicucthuyloihanam2012@gmail.com) để kịp thời tổng hợp, báo cáo.

Chi cục Thủy lợi