Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Kế hoạch thực hiện chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong phạm vi ngành Nông nghiệp & PTNT tỉnh Hà Nam đến năm 2015

Chiến lược, định hướng, quy hoạch, kế hoạch phát triển  
Kế hoạch thực hiện chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong phạm vi ngành Nông nghiệp & PTNT tỉnh Hà Nam đến năm 2015
Thực hiện Kế hoạch số 1395/KH-UBND ngày 27 tháng 4 năm 2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam về việc thực hiện Chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn tỉnh Hà Nam đến năm 2015; căn cứ đặc điểm, tình hình, chức năng, nhiệm vụ của đơn vị, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nam xây dựng Kế hoạch thực hiện chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong phạm vi ngành Nông nghiệp & PTNT tỉnh Hà Nam đến năm 2015 như sau:


 

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

- Tập trung chỉ đạo, phát huy vai trò, trách nhiệm của các cấp, các doanh nghiệp, huy động các nguồn lực nhằm thực hiện thắng lợi Chương trình sử dụng năng lượng tiệt kiệm và hiệu quả tỉnh Hà Nam đến năm 2015, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

- Cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm và giao trách nhiệm cho các đơn vị trực thuộc trong việc thực hiện Chương trình năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

 

II. NỘI DUNG KẾ HOẠCH

 

1. Mục tiêu đến năm 2015

- Tiết kiệm năng lượng trong sản xuất nông nghiệp từ 10% trở lên.

- Tiết kiệm 10% - 15% lượng điện tiêu thụ tại trụ sở các phòng, ban, đơn vị trực thuộc.

- Xây dựng 2 - 3 mô hình, giải pháp về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp.

 

2. Nhiệm vụ chủ yếu đối với từng lĩnh vực thuộc ngành quản lý

 

2.1. Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả trong lĩnh vực trồng trọt và bảo vệ thực vật

- Quy hoạch hợp lý, chọn tạo và phổ biến các giống cây trồng mới có khả năng chống chịu hạn, úng, mặn và chống chịu sâu bệnh.

- Thay đổi cơ cấu mùa vụ phù hợp với từng địa phương; chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích ứng với từng loại đất canh tác.

- Sử dụng hợp lý phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; ưu tiên áp dụng các biện pháp phòng trừ sâu bệnh trên đồng ruộng bằng biện pháp phòng trừ tổng hợp.

- Thu gom, tái sử dụng các phụ phẩm nông nghiệp (rơm rạ, vỏ trấu, bã mía,...) để làm nguyên liệu đầu vào cho các ngành sản xuất khác như: trồng nấm, sản xuất phân bón, thức ăn chăn nuôi, chất đốt sử dụng cho các nhu cầu sinh hoạt, chế biến, bảo quản nông sản.

 

2.2. Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả trong lĩnh vực chăn nuôi và thú y

- Quy hoạch chuồng trại hợp lý, triệt để sử dụng ánh sáng và thông gió tự nhiên khi thiết kế và xây dựng chuồng trại, hạn chế sử dụng các loại bóng đèn sợi đốt để chiếu sáng và sưởi ấm trong các trang trại chăn nuôi.

- Xây dựng và phát triển công trình, thiết bị khí sinh học (biogas) tại các hộ gia đình và cơ sở chăn nuôi để xử lý chất thải chăn nuôi tạo nguồn năng lượng sinh học. Hàng năm xây dựng từ 400 bể biogas trở lên tại các hộ gia đình và cơ sở chăn nuôi.

- Nghiên cứu và xây dựng mô hình chăn nuôi khép kín theo tiêu chuẩn tiên tiến, công nghệ sạch, tiết kiệm nước, giảm rơi vãi thức ăn; sử dụng phù hợp thức ăn cho  từng đối tượng vật nuôi và giai đoạn sinh trưởng, sinh sản. Hạn chế sử dụng dư thừa dinh dưỡng trong chăn nuôi.

- Áp dụng quy trình kỹ thuật chăn nuôi hợp lý, đảm bảo vệ sinh và các biện pháp phòng bệnh chặt chẽ nhằm giảm thiểu hao hụt đầu con, đồng thời giảm tiêu tốn năng lượng khi tiêu hủy vật nuôi bị ốm, chết.

- Ưu tiên chọn tạo và phổ biến các giống vật nuôi mới cho năng suất cao, ít tiêu tốn thức ăn cho một đơn vị sản phẩm.

 

2.3. Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả trong lĩnh vực thủy lợi

 

a, Công tác quy hoạch

Tổ chức quy hoạch hệ thống thủy lợi hợp lý; ưu tiên giải pháp tưới, tiêu tự chảy; nghiên cứu và từng bước thay thế hình thức tưới truyền thống (tưới bề mặt chảy tràn) bằng các hình thức tưới khác tiết kiệm nước (tưới phun mưa, phun sương, tưới nhỏ giọt, tưới ủ ẩm, ủ gốc,…).

 

b, Sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả

- Kiểm tra, đánh giá tình hình thời tiết, hiện trạng nguồn nước (lượng mưa, hồ chứa, sông suối ...) để xây dựng kế hoạch sử dụng nước cân đối với khả năng đáp ứng của nguồn nước.

- Áp dụng các biện pháp khoa học tưới tiết kiệm nước, thực hiện chủ trương “dồn điền, đổi thửa”, làm phẳng mặt ruộng.

- Tổ chức nạo vét lòng dẫn các công trình lấy nước, cấp nước; dọn sạch bèo, rác, khơi thông dòng chảy, giải tỏa ách tắc và các vật cản trên hệ thống kênh dẫn nước, cống lấy nước, bể hút trạm bơm; có kế hoạch tiêu nước đệm hợp lý để phòng chống úng.

 

c, Vận hành hệ thống thủy lợi hợp lý theo từng loại hình công trình

- Đối với hệ thống tự chảy: Xây dựng kế hoạch và chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan điều hành hệ thống hồ chứa, cấp nước phục vụ sản xuất đúng thời vụ; thực hiện nghiêm túc việc luân phiên cấp nước theo tuyến kênh; kiểm tra, tu bổ các bờ vùng, bờ thửa, không để tình trạng rò rỉ nước qua bờ kênh, cửa van, cánh cống.

- Các trạm bơm điện: xây dựng lịch bơm cấp nước, đảm bảo hoạt động đồng bộ toàn hệ thống giữa các trạm bơm nhỏ với trạm bơm lớn; theo dõi thường xuyên mực nước, tranh thủ bơm vào các giờ thấp điểm để tận dụng nguồn điện lưới và tiết kiệm. Lập kế hoạch thay thế dần các loại máy bơm và động cơ điện công nghệ lạc hậu, hiệu suất thấp để thay thế bằng các loại máy bơm và động cơ điện mới hiệu suất cao.

 

2.4. Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả trong lĩnh vực lâm nghiệp

- Đẩy mạnh công tác tái sinh, phục hồi và làm giàu rừng trên các vùng đất quy hoạch.

- Thực hiện xử lý thực bì bằng phương thức dọn sống; băm chặt cành nhánh vun thành luống tại chỗ để tạo phân hữu cơ tự nhiên làm giàu đất rừng. Hạn chế xử lý thực bì bằng phương thức đốt.

- Nghiên cứu, lựa chọn công nghệ khai thác và chế biến phù hợp, tiết kiệm năng lượng, tăng tỷ lệ lợi dụng gỗ trong khai thác và chế biến.

- Nghiên cứu và áp dụng công nghệ xử lý, tái sử dụng các phụ phẩm phát sinh (thực bì, mùn cưa, phụ phẩm,...) để giảm chi phí xử lý chất thải và chi phí đầu vào cho sản xuất, chế biến.

- Triệt để sử dụng ánh sáng và thông gió tự nhiên khi thiết kế, xây dựng nhà máy, cơ sở sản xuất, chế biến lâm sản.

 

2.5. Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả trong lĩnh vực nuôi trồng  và khai thác nguồn lợi thủy sản

- Nghiên cứu, chọn tạo và phổ biến các giống thủy sản chất lượng tốt, năng suất cao; cải tiến kỹ thuật nuôi nhằm tăng tỷ lệ chuyển hóa thức ăn.

-  Hạn chế sử dụng dư thừa thức ăn trong các hệ thống nuôi; kiểm soát dịch bệnh; đảm bảo điều kiện vệ sinh, an toàn thực phẩm.

- Xây dựng và nhân rộng mô hình nuôi trồng thủy sản tiết kiệm nước; mở rộng các mô hình nuôi kết hợp, nuôi ghép (luân canh, đa canh - tận dụng bậc dinh dưỡng, nuôi kết hợp - trang trại kết hợp VAC).

- Áp dụng công nghệ mới trong xử lý ao nuôi theo hướng thân thiện với môi trường (tận dụng thực vật thủy sinh để xử lý môi trường, sử dụng công nghệ lọc tuần hoàn để hạn chế thay nước).

- Triệt để sử dụng năng lượng tái tạo (năng lượng gió, năng lượng mặt trời) trong các hệ thống nuôi.

- Lập kế hoạch loại bỏ dần phương tiện đánh bắt thủy sản có công nghệ lạc hậu, hiệu suất năng lượng thấp không thỏa mãn tiêu chuẩn tối thiểu về khí thải để thay thế bằng các phương tiện, ngư cụ, thiết bị chế biến và bảo quản tiên tiến, hiệu suất cao.

 

2.6. Biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả trong lĩnh vực chế biến nông lâm thủy sản

- Nghiên cứu quy hoạch vùng nguyên liệu hợp lý, ưu tiên ứng dụng công nghệ sản xuất nguyên liệu sạch hơn để tiết kiệm chi phí trong sản xuất, chế biến.

- Triệt để sử dụng ánh sáng và thông gió tự nhiên khi thiết kế, xây dựng cơ sở sản xuất, cơ sở chế biến nông lâm thủy sản.

- Xây dựng quy trình và tổ chức sản xuất phù hợp với từng khâu công việc, từng loại máy. Thiết bị phải đồng bộ, đạt hiệu suất cao, tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải.

- Ưu tiên sử dụng công nghệ, thiết bị, máy móc tiến, phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn, có dán nhãn tiết kiệm năng lượng. Từng bước loại bỏ công nghệ, thiết bị, máy móc, phương tiện, trang bị công cụ lạc hậu, hiệu suất năng lượng thấp theo quy định và lộ trình của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

- Từng bước đổi mới công nghệ, thiết bị. Khuyến khích áp dụng công nghệ, thiết bị, máy móc sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo trong sản xuất, chế biến, bảo quản, vận chuyển sản phẩm.

 

2.7. Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tại các trụ sở làm việc của các phòng, ban, đơn vị trực thuộc

- Cải tạo, nâng cấp tận dụng tối đa ánh sáng, thông gió tự nhiên tại các phòng, ban, đơn vị trực thuộc; sử dụng các thiết bị tiết kiệm năng lượng.

- Xây dựng và vận động thực hiện “Công trình xanh”, “Tòa nhà tiết kiệm năng lượng”.

          3. Nguồn kinh phí thực hiện kế hoạch

          Tổng kinh phí thực hiện Kế hoạch đến năm 2015 dự kiến là: 870 triệu đồng; trong đó: Hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước là 320 triệu đồng (thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia và từ các nguồn khác theo kế hoạch được giao hàng năm) và của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp là 550 triệu đồng, cụ thể như sau:

                                                                                           Đơn vị: Triệu đồng

 

TT

 

Nguồn kinh phí

 

Năm thực hiện

 

Tổng

 

2012

 

2013

 

2014

 

2015

1

Kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước

40

70

150

60

320

2

Kinh phí của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp

150

100

150

150

550

 

 

Cộng

 

190

 

170

 

300

 

210

 

870

 

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

          1. Giao Văn phòng Sở là Cơ quan thường trực có trách nhiệm triển khai thực hiện; đồng thời theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện Kế hoạch ở các đơn vị thuộc Sở; tổng hợp báo cáo Ban Giám đốc để có hướng chỉ đạo, giải quyết khó khăn, vướng mắc.

          2. Các phòng, ban, đơn vị trực thuộc theo chức năng, nhiệm vụ được giao căn cứ Kế hoạch này tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu của ngành. Định kỳ 6 tháng, một năm báo cáo kết quả về Sở Nông nghiệp & PTNT (qua Văn phòng Sở) để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh./.