Skip Ribbon Commands
Skip to main content

LIÊN KẾT 4 NHÀ TRONG VIỆC SẢN XUẤT NẤM ĂN TỈNH HÀ NAM

Chiến lược, định hướng, quy hoạch, kế hoạch phát triển  
LIÊN KẾT 4 NHÀ TRONG VIỆC SẢN XUẤT NẤM ĂN TỈNH HÀ NAM
Sản xuất nấm ăn đã hình thành và phát triển ở tỉnh Hà Nam trong những thập kỷ 90. Tuy nhiên, ở thời kỳ này việc áp dụng kỹ thuật sản xuất các loại nấm ăn còn lạc hậu, năng suất nấm lại thấp, thị trường phục vụ tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế. Trong những năm gần đây ngành sản xuất nấm ăn có xu hướng phát triển, nhu cầu sử dụng các loại nấm ăn ngày càng tăng, do các loại thực phẩm khác không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe cho con người. Vì vậy, sử dụng các sản phẩm nấm ăn là một loại thực phẩm sạch, đảm bảo sức khỏe cho con người. Sản xuất nấm ăn đã trở thành một nghề mới mang lại thu nhập cao cho người nông dân, góp phần vào sự phát triển kinh tế, xã hội.


Nghề trồng nấm ở tỉnh Hà Nam phát triển trở lại từ năm 2012. Với mục tiêu phát triển một nghề sản xuất mới, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người nông dân bằng sản phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, hiệu quả kinh tế và có khả năng xuất khẩu, đồng thời giảm gây ô nhiễm môi trường và tạo 1 phần nguồn phân bón hữu cơ cho đồng ruộng.

          Kết quả năm 2012, Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nam phối kết hợp với Trung tâm Công nghệ sinh học thực vật (đơn vị chuyển giao TBKHKT) tập huấn cho 200 hộ nông dân tham gia sản xuất nấm ăn, Công ty Mây tre Xuất khẩu Ngọc Động Hà Nam (đơn vị cung ứng vật tư đầu vào và bao tiêu sản phẩm đầu ra cho các hộ nông dân tham gia sản xuất) toàn tỉnh có 81 hộ nông dân tham gia thực hiện đảm bảo tiêu chí đề án với diện tích 9.734m2, sản lượng nấm ước đạt 45 tấn, giá trị thu được ước đạt 3,26 tỷ đồng, có nhiều hộ sản xuất nấm quy mô lớn 300 - 400m2, trong đó nấm mộc nhĩ có tốc độ phát triển nhanh đạt kết quả cao 383% kế hoạch, đã góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống và bước đầu tạo một nghề mới cho các hộ nông dân tham gia.

        Có thể nói việc mô hình liên kết 4 nhà trong sản xuất nông nghiệp ở Hà Nam đã và đang được hình thành theo QĐ 80/2002/QĐ-TTg. Người nông dân có điều kiện tiếp cận với tiến bộ kỹ thuật nông nghiệp, yên tâm đầu tư cho sản xuất. Các doanh nghiệp có nguồn nguyên liệu ổn định, chủ động trong chế biến và tiêu thụ nông sản theo hợp đồng cho nông dân. Nhà nước có cơ chế chính sách hỗ trợ nông dân một phần kinh phí, giám sát, xây dựng kế hoạch, nhà khoa học chuyển giao khoa học - kỹ thuật - công nghệ. Từ đó hình thành mối liên kết 4 nhà tạo ra khối lượng nông sản hàng hóa đảm bảo chất lượng, phục vụ cho tiêu thụ trong nước và hướng tới xuất khẩu, đạt giá trị hiệu quả kinh tế cao trên đơn vị diện tích.

Vũ Hồng Sơn