Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ tháng 8, triển khai chương trình công tác tháng 9 năm 2024

Thông tin tuyên truyền, phổ biến  
Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ tháng 8, triển khai chương trình công tác tháng 9 năm 2024

I. KẾT QUẢ THỰC HIỆN NHIỆM VỤ CÔNG TÁC THÁNG 8 NĂM 2024

1. Lĩnh vực trồng trọt, kiểm lâm, khuyến nông

* Lĩnh vực trồng trọt, kiểm lâm

Phối hợp với các địa phương hướng dẫn, tăng cường chỉ đạo công tác phòng chống dịch bệnh trên lúa vụ Mùa 2024 và cây trồng khác[1] và khắc phục hậu quả của đợt mưa lớn từ 16 -18/7 và cơn bão số 2[2].

Thực hiện tốt công tác quản lý, chăm sóc, bảo vệ, phát triển rừng, phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR): quản lý, chăm sóc, bảo vệ tốt đối với diện tích rừng hiện có; trên địa bàn tỉnh không xảy ra cháy rừng; triển khai hướng dẫn chủ rừng trồng rừng lại sau khai thác đạt 12,46 ha. Hướng dẫn, tuyên truyền, ký cam kết chấp hành tốt các quy định trong công tác PCCCR đối với các cơ sở thờ tự gần rừng, chùa Tam Chúc, chùa Địa Tạng và chùa Cây Thị và kiểm tra việc thực hiện cam kết PCCCR và bảo vệ rừng đối với 08 công ty khai thác khoáng sản có các điểm mỏ khoáng sản gần rừng tự nhiên trên địa bàn huyện Thanh Liêm, đồng thời tuyên truyền công tác bảo vệ rừng, PCCCR, chú trọng việc xử lý, thu giọn thực bì trong khai thác khoáng sản, chấp hành tốt các quy định về PCCCR.

Tiếp tục rà soát, hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục liên quan đến Dự án thành lập Khu bảo tồn loài sinh cảnh Voọc mông trắng tại huyện Kim Bảng đảm bảo phù hợp với Quy hoạch tỉnh được phê duyệt. Tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản xin ý kiến của Bộ Quốc phòng và Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn tham gia ý kiến về báo cáo Dự án thành lập Khu bảo tồn loài sinh cảnh Voọc mông trắng tại huyện Kim Bảng.

* Lĩnh vực Khuyến nông

Tiếp tục triển khai triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; phối hợp với các địa phương triển khai các mô hình chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật thuộc Đề án, dự án sự nghiệp năm 2024[3]. Duy trì hoạt động của trang Website khuyến nông Hà Nam, mỗi tuần đăng từ 2-3 tin bài; cung cấp đầy đủ, kịp thời các ấn phẩm như: Bản tin Khuyến nông Việt Nam, tờ rơi, băng đĩa hình, sách kỹ thuật, tài liệu tập huấn đến cán bộ khuyến nông và nông dân. Phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức lớp “Tập huấn hướng dẫn hệ thống truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm phục vụ phát triển sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị" cho cán bộ khuyến nông, khuyến nông cộng đồng, nông dân, chủ trang trại, tổ viên tổ hợp tác để nâng cao hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp hướng tới xây dựng nền nông nghiệp văn minh, hiện đại và bền vững cho 30 học viên là cán bộ Khuyến nông, Khuyến nông cộng đồng, nông dân, chủ trang trại, tổ viên tổ hợp tác các huyện Bình Lục, Lý Nhân, Kim Bảng và thành phố Phủ Lý.

Tổ chức 02 Đoàn tham quan các mô hình sản xuất nông nghiệp áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm về lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản tại 04 tỉnh: Bắc Giang, Lạng Sơn, Hải Dương và thành phố Hải Phòng với 72 người là các lãnh đạo, chuyên viên, viên chức của các đơn vị trực thuộc Sở Nông nghiệp & PTNT; Phòng Nông nghiệp & PTNT, Phòng Kinh tế, Trung tâm DVNN các huyện, thị xã, thành phố tham dự.

2. Lĩnh vực Chăn nuôi - thú y - thuỷ sản

* Lĩnh vực chăn nuôi - thú y

Tiếp tục tập trung tham mưu, phối hợp, hướng dẫn các địa phương thực hiện công tác quản lý, phát triển sản xuất chăn nuôi, thuỷ sản, phòng chống dịch bệnh nhằm hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch, nhiệm vụ được giao; tổ chức triển khai công tác tiêm phòng bổ sung cho đàn gia súc, gia cầm; kịp thời tham mưu, ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn hoạt động sản xuất chăn nuôi, thuỷ sản, phòng chống dịch bệnh theo đúng quy định.

Công tác kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm; kiểm dịch vận chuyển động vật, sản phẩm động vật xuất ra ngoài tỉnh được thực hiện thường xuyên tại các trang trại, hộ chăn nuôi ở các địa phương trong tỉnh[4]. Trong tháng, không phát sinh các loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn vật nuôi trong danh mục phải công bố dịch. Công tác kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật ngoại tỉnh và kiểm soát giết mổ tại nhà máy Masan được thực hiện theo đúng quy định[5].

* Lĩnh vực thủy sản

Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh ước đạt 5.560 ha, trong đó diện tích nuôi thủy đặc sản ước đạt 50 ha gồm: cá lóc, ốc nhồi, tôm, cua, ếch, ba ba,… Sản xuất thủy sản tương đối thuận lợi khi thời tiết mưa nhiều, cung cấp nước trong, sạch, nhiệt độ phù hợp cho sự phát triển của đối tượng nuôi, việc tiêu thụ sản phẩm thủy sản dễ dàng với giá cao và ổn định. Do đó, người dân đang tích cực, tập trung chăm sóc đảm bảo thời vụ.

3. Lĩnh vực thuỷ lợi, đê điều và phòng chống thiên tai

Chỉ đạo cơ quan chuyên môn thường xuyên theo dõi, cập nhật diễn biến thời tiết, tình hình khí tượng thủy văn để chỉ đạo, điều hành công tác tưới tiêu phục vụ sản xuất và nhiệm vụ phòng chống lụt bão, úng năm 2024 theo quy trình vận hành và các phương án tiêu thoát nước đã được phê duyệt; hoàn thiện dự thảo Quy chế phối hợp trong công tác phòng ngừa, kiểm tra, ngăn chặn, xử lý vi phạm hành chính về lĩnh vực thủy lợi, đê điều trên địa bàn tỉnh Hà Nam.

Tiếp tục thực hiện tốt công tác kiểm tra, rà soát các sự cố công trình sau đợt mưa bão để điều chỉnh kế hoạch sửa chữa thường xuyên tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi năm 2024 của Công ty TNHH MTV khai thác CTTL tỉnh Hà Nam. Duy trì làm tốt công tác thẩm định hồ sơ đề nghị UBND tỉnh cấp phép cho các hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi theo đúng quy định.

Tăng cường đôn đốc các đơn vị, doanh nghiệp thực hiện Quy định quản lý, vận hành các nhà máy nước sạch tập trung nông thôn; kiểm tra thường xuyên, đột xuất công tác quản lý, vận hành các nhà máy nước sạch tập trung nông thôn, báo cáo công tác nội kiểm chất lượng nước sạch. Tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo hoàn thiện các thủ tục ký kết hợp đồng giao nhận 2 nhà máy cấp nước sạch 6 xã khu C, 4 xã khu B huyện Bình Lục cho Công ty TNHH xây dựng Mỹ Đà theo hình thức có hoàn trả giá trị tài sản cho nhà nước đúng quy định sau khi tổ chức thương thảo lần 2 với Công ty TNHH xây dựng Mỹ Đà và ý kiến tham gia của các Sở ngành; giải quyết các ý kiến đề xuất kiến nghị đối với nhà máy cấp nước Thanh Hải; tổ chức khảo sát vị trí thực hiện dự án và Hội nghị thẩm định hồ sơ đề nghị cấp giấy phép khai thác nước mặt của 03 nhà máy cấp nước sạch tập trung nông thôn xã Nguyên Lý, Hợp Lý, Chân Lý, huyện Lý Nhân.

Tổ chức kiểm tra sự cố sạt trượt mái thượng lưu đê hữu Hồng các đoạn K126+550-K126+590, K127+634-K127+654, thuộc địa bàn các xã Chuyên Ngoại, Trác Văn, thị xã Duy Tiên báo cáo UBND tỉnh, Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai và đề xuất phương án xử lý sự cố; phối hợp với phòng kinh tế thị xã Duy Tiên xây dựng phương án hộ đê, bảo vệ trọng điểm đoạn đê xung yếu từ  K126+000- K128+000 tuyến đê Hữu Hồng thuộc địa bàn các xã Chuyên Ngoại, Trác Văn  thị xã Duy Tiên.

4. Lĩnh vực phát triển nông thôn

Tiếp tục chỉ đạo cơ quan chuyên môn đôn đốc các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các xã rà soát thực hiện duy trì, nâng cao chất lượng các chỉ tiêu, tiêu chí đã đạt chuẩn xã NTM, kiểu mẫu đã được công nhận đặc biệt tiêu chí và cảnh quan môi trường, mô hình thôn thông minh đối với xã NTM kiểu mẫu; đôn đốc các đăng ký đạt chuẩn NTM nâng cao (15 xã), kiểu mẫu (02 xã) năm 2024 huy động nguồn lực đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện.

Báo cáo giải trình các ý kiến góp ý, hoàn thiện các dự thảo, trình UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh năm 2025 và Kế hoạch về việc triển khai thực hiện Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm - OCOP" tỉnh Hà Nam năm 2025; xin ý kiến các Sở, ngành, địa phương về việc sửa đổi nội dung chỉ tiêu 14.1 của tiêu chí Giáo dục và Đào tạo trong Bộ tiêu chí về xã nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Hà Nam giai đoạn 2021-2025.

Phối hợp với Phòng Nông Nghiệp & PTNT các huyện, phòng Kinh tế thị xã, thành phố rà soát tình hình hoạt động của các chuỗi liên kết trên địa bàn tỉnh và Kênh truyền hình Đài tiếng nói Việt Nam sản xuất và phát sóng phóng sự Phát triển sản phẩm OCOP Hà Nam nhằm khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn trên kênh VOV TV.

5. Lĩnh vực quản lý chất lượng nông, lâm sản, thuỷ sản và phát triển thị trường

Tăng cường công tác kiểm tra lấy mẫu thực phẩm nâng cao vai trò, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng nông sản thực phẩm và tuyên truyền phát trên đài phát thanh của địa phương với nội dung tuyên truyền hướng dẫn cách trồng trọt áp dụng VIETGAP, cách nhận biết sản phẩm an toàn.

Hỗ trợ, hướng dẫn, thẩm định và cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho 05 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh; tổ chức trưng bày sản phẩm OCOP phục vụ tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia tại Công an Tỉnh Hà Nam và tham gia Phiên chợ nông sản an toàn tại 489 - Hoàng Quốc Việt - Hà Nội.

6. Lĩnh vực thanh, kiểm tra; giải quyết khiếu nại tố cáo

- Thanh, kiểm tra chuyên ngành:

+ Thanh tra Sở giám sát việc thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả trong Quyết định xử lý vi phạm hành chính đối với thuốc thú y và thức ăn chăn nuôi không có trong Danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam.

+ Chi cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường kiểm tra 04 cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản. Kết quả: Các cơ sở chấp hành tốt các điều kiện trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông sản; thẩm định định kỳ đánh giá xếp loại được 04 cơ sở; trong đó có 01 cơ sở xếp loại A, 03 cơ sở xếp loại B.

+ Chi cục Chăn nuôi và Thú y thực hiện kiểm tra, đánh giá 01 cơ sở sản xuất thức ăn thuỷ sản; 01 cơ sở đủ điều kiện buôn bán thuốc thú y. Kết quả cả 02 cơ sở duy trì đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh theo quy định.

+ Chi cục Thủy lợi thực hiện kiểm tra việc xả nước thải vào công trình thủy lợi đối với Công ty cổ phần Amaccao 2.

+ Chi cục Phát triển nông thôn tổ chức kiểm tra công tác quản lý tình hình  hoạt động  sản  xuất,  kinh  doanh  tại các làng  nghề, làng  nghề truyền  thống theo Kế hoạch tại: xã Liêm Tuyền, thành phố Phủ Lý; xã Thanh Hà, huyện Thanh Liêm; xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân.

Công tác phòng chống tham nhũng: Trong tháng, Sở Nông nghiệp & PTNT không phát hiện vụ việc tham nhũng tại cơ quan.

7. Về công tác quản lý đầu tư công và chất lượng công trình xây dựng

Tổ chức thẩm định 02 báo cáo nghiên cứu khả thi, tham gia 3 ý kiến về thẩm định chủ trương đầu tư các dự án đầu tư công, các dự án phát triển đô thị. Rà soát hoàn thiện hồ sơ phục vụ quyết toán 05 dự án hoàn thành; rà soát cung cấp hồ sơ phục vụ kiểm toán Nhà nước; kiểm tra trong quá trình thi công 01 Dự án; tổng hợp báo cáo về các dự án do Sở làm chủ đầu tư và các báo cáo chuyên ngành khác. Đôn đốc các Ban quản lý dự án và các đơn vị tập trung đẩy nhanh tiến độ, chất lượng, giải ngân các dự án do Sở làm Chủ đầu tư.

8. Các nhiệm vụ khác

Kiểm soát, xử lý văn bản kịp thời, đúng quy định; phát hành, xử lý văn bản đi, đến kịp thời gian, đảm bảo quy trình; tổng hợp các báo cáo đột xuất theo yêu cầu; triển khai một số văn bản do Trung ương và địa phương ban hành. Tổ chức thực hiện Kế hoạch kiểm tra cải cách hành chính và tình hình tổ chức hoạt động tại các đơn vị trực thuộc Sở.

Tiếp tục làm tốt công tác quản lý, sử dụng công chức, viên chức và người lao động đảm bảo đúng quy định; quan tâm, chỉ đạo làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức; hoàn thiện hồ sơ các cán bộ được nghỉ theo chế độ trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

II. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM THÁNG 9 NĂM 2024

1. Lĩnh vực trồng trọt, kiểm lâm, khuyến nông

Bám sát diễn biến thời tiết, theo dõi sinh trưởng cây trồng, diễn biến dịch hại vụ Mùa 2024, tham mưu kịp thời các biện pháp, chủ trương, chỉ đạo phòng chống dịch hại, các giải pháp khắc phục các tồn tại khó khăn của các địa phương; phối hợp với các địa phương chỉ đạo hướng dẫn chăm sóc lúa theo đúng quy trình kỹ thuật.

Tăng cường công tác tham mưu, chỉ đạo thực hiện công tác quản lý, bảo vệ rừng, PCCCR. Đảm bảo công tác trực Bảo vệ rừng, PCCCR nhằm chủ động xử lý kịp thời các tình huống cháy rừng có thể xảy ra. Tiếp tục công tác tuần tra, kiểm tra, theo dõi; ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về lâm nghiệp. Triển khai, thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đến mọi người dân về các văn bản QPPL của Nhà nước, của Ngành và của địa phương trong công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng, trong đó tập trung chỉ đạo triển khai kịp thời, đầy đủ các nội dung của Luật Lâm nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Đẩy mạnh phối hợp với các địa phương triển khai, đánh giá kết quả thực hiện các Chương trình, Dự án, Đề án để đạt hiệu quả cao. Hỗ trợ Công ty CP Tokushima triển khai Dự án "Khảo sát xác minh kinh doanh với khu vực tư nhân nhằm mục tiêu phát triển bền vững về xây dựng chuỗi cung ứng khoai và trồng rau có giá trị cao bằng phương pháp cải tạo đất Tokushima" tại xã Mộc Bắc, thị xã Duy Tiên.

Tiếp tục theo dõi, nắm bắt tình hình, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong các Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đồng thời tiếp tục mời gọi, thu hút doanh nghiệp nghiên cứu đầu tư tại các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong và ngoài quy hoạch.

2. Lĩnh vực chăn nuôi - thú y - thủy sản

Tổ chức triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ chủ yếu: tập trung phối hợp với địa phương đôn đốc, hướng dẫn người dân tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác phát triển chăn nuôi, thuỷ sản, phòng, chống dịch bệnh. Chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tổ chức tốt công tác phòng chống dịch bệnh; tham mưu xây dựng Kế hoạch tiêm phòng vụ Thu; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kiểm dịch, kịp thời phát hiện, ngăn chặn các ổ dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn vật nuôi, không để dịch bệnh bùng phát, lây lan diện rộng. Thực hiện tốt công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ động vật tại Công ty Masan, chợ đầu mối gia súc Bối Cầu, các trang trại chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.

 3. Lĩnh vực thủy lợi đê điều và phòng chống thiên tai

Tăng cường theo dõi, cập nhật diễn biến thời tiết, tình hình khí tượng thủy văn để chỉ đạo, điều hành công tác tưới tiêu phục vụ sản xuất và nhiệm vụ Phòng chống lụt bão, úng năm 2024 theo quy trình vận hành và các phương án tiêu thoát nước đã được phê duyệt. Thường xuyên đôn đốc các huyện, thị xã, thành phố và các Công ty khai thác công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh tập trung kiểm tra, rà soát việc giải tỏa vật cản trên hệ thống kênh, mương, trạm bơm do đơn vị phụ trách, kịp thời chỉ đạo các địa phương xử lý vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh. Thực hiện các nội dung theo Kế hoạch phòng, chống thiên tai giai đoạn 2021-2025 tỉnh Hà Nam; Kế hoạch phòng, chống thiên tai quốc gia đến năm 2025; Chương trình tổng thể phòng, chống thiên tai quốc gia; Chiến lược quốc gia phòng, chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Đề án “Nâng cao nhận thức cộng đồng và Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, đến năm 2030; trong đó tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện Kế hoạch phổ biến, tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2024; duy trì làm tốt công tác trực ban phòng, chống thiên tai theo quy định, kịp thời tham mưu với tỉnh chỉ đạo các Sở ngành, địa phương triển khai Công điện, Văn bản chỉ đạo của Trung ương sát với đặc điểm tình hình thực tế tại địa phương và thực hiện các nhiệm vụ của Văn phòng thường trực Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh.

Đôn đốc các đơn vị, doanh nghiệp thực hiện Quy định quản lý, vận hành các nhà máy nước sạch tập trung nông thôn; thực hiện kiểm tra thường xuyên, đột xuất công tác quản lý, vận hành các nhà máy nước sạch tập trung nông thôn; làm tốt công tác tổng hợp, báo cáo về nước sạch nông thôn tại các phiên họp giải trình và giải quyết ý kiến kiến nghị, đề xuất về nước sạch nông thôn.

4. Lĩnh vực phát triển nông thôn

Tiếp tục đôn đốc các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các xã rà soát thực hiện duy trì, nâng cao chất lượng các chỉ tiêu, tiêu chí đã đạt chuẩn xã NTM, kiểu mẫu đã được công nhận. Đôn đốc các xã đăng ký đạt chuẩn NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu năm 2024 (15 xã đăng ký đạt chuẩn xã NTM nâng cao, 02 xã đăng ký đạt chuẩn NTM kiểu mẫu) triển khai thực hiện các chỉ tiêu, tiêu chí theo quy định đảm bảo tiến độ; đôn đốc các địa phương triển khai, thực hiện các bước tiếp theo chu trình đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP năm 2024 đối với các ý tưởng sản phẩm đã được UBND tỉnh phê duyệt thực hiện năm 2024 theo quy định Quyết định 148/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Ban hành tài liệu Hướng dẫn các địa phương tổ chức Đại hội thành viên nhiệm kỳ, Đại hội thường niên và Đại hội bất thường của Hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Hà Nam theo Luật Hợp tác xã năm 2023.

5. Lĩnh vực quản lý chất lượng nông, lâm sản, thuỷ sản và phát triển thị trường

Tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc nhân viên quản lý chất lượng viết các bài tuyên truyền phổ biến chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm; lấy mẫu test nhanh giám sát chất lượng thực phẩm nông lâm thủy sản. Lấy mẫu nông sản, thủy sản khi có dấu hiệu mất an toàn thực phẩm gửi Labo phân tích; tiếp tục thực hiện việc thẩm định xếp loại đánh giá các cơ sở kinh doanh nông lâm sản và thuỷ sản theo Thông tư số 38/2018/TT-BNNPTNT và Thông tư số  32/2022/BNNPTNT về việc sửa đổi bổ sung Thông tư số 38/2018/TT-BNNPTNT về việc thẩm định, chứng nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thuỷ sản đủ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Nông nghiệp & PTNT.

 Phối hợp với tổ chức Rikolto tại Việt Nam tập huấn công tác quản lý chất lượng an toàn thực phẩm, chế biến và phát triển thị trường cho lực lượng thực hiện công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm.

6. Lĩnh vực thanh, kiểm tra

Tiếp tục chủ trì và phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra theo Kế hoạch; thực hiện thanh, kiểm tra đột xuất khi phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật, theo chuyên đề, yêu cầu của cơ quan cấp trên; tiếp tục triển khai và duy trì tiếp công dân của Lãnh đạo Sở và thủ trưởng các đơn vị trực thuộc ngành.

7. Công tác quản lý đầu tư công và chất lượng công trình xây dựng

Tăng cường công tác kiểm tra chất lượng công trình xây dựng và điều kiện nghiệm thu bàn giao đưa vào sử dụng; tiếp tục nâng cao chất lượng công tác lập, thẩm định chủ trương đầu tư, thẩm định dự án, thiết kế bản vẽ thi công, dự toán hạn chế tối đa việc thất thoát, lãng phí trong lĩnh vực đầu tư xây dựng. Rà soát, phối hợp Sở Tài chính hoàn thiện quyết toán các dự án do Sở Nông nghiệp & PTNT làm Chủ đầu tư đã hoàn thành thi công xây dựng.

Trên đây là báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ tháng 8, triển khai công tác trọng tâm tháng 9 năm 2024, Sở Nông nghiệp & PTNT trân trọng báo cáo./.

[1] Trên cây lúa: sâu cuốn lá nhỏ lứa 5: trưởng thành vũ hóa rộ, mật độ trung bình rải rác, nơi cao 0,5 - 0,8 con/m2, cục bộ 1- 2 con/m2, diện tích nhiễm: 635 ha, diện tích đã phun trừ: 400 ha; bệnh khô vằn: gây hại cục bộ, tỷ lệ bệnh nơi cao 5 – 7%, cục bộ 10 – 20%, diện tích nhiễm và phòng trừ: 25 ha; bệnh đốm sọc vi khuẩn: gây hại cục bộ trên lúa trà sớm, diện tích nhiễm và phòng trừ: 2ha; bệnh lùn sọc đen hại lúa: chưa phát hiện thấy trên đồng ruộng. Trên ngô: sâu keo mùa thu: sâu non mật độ trung bình rải rác, cao 1-3 con/m2, diện tích nhiễm và phòng trừ: 58 ha; bệnh khô vằn gây hại cục bộ, diện tích nhiễm và phòng trừ: 100ha. Trên dưa chuột, bí: bệnh lở cổ rễ gây hại rải rác, nơi cao 1 - 3 %, diện tích nhiễm: 1 ha, diện tích phòng trừ: 64 ha; bệnh héo xanh gây hại cục bộ, nơi cao 1- 2%; diện tích nhiễm: 0,7 ha, diện tích phòng trừ: 2 ha.

[2] Do ảnh hưởng của mưa lớn từ 16 -18/7 và bão số 2 đã ảnh hưởng đến khoảng 5.845,4 ha lúa và rau màu, trong đó ước diện tích lúa mùa bị ảnh hưởng 5.193,6 ha (bị thiệt hại < 30% số cây: 1.904,6ha; thiệt hại từ 30-70% số cây: 1.814,8 ha; thiệt hại >70% số cây: 1.474,2ha), ước diện tích cây rau màu bị ảnh hưởng 651,8 ha (diện tích bị thiệt hại < 30% số cây: 176,0 ha; thiệt hại từ 30-70% số cây: 323,6 ha; thiệt hại >70% số cây: 152,2ha). Hiện tại các địa phương đang tiếp tục tổ chức rà soát lại các diện tích bị ảnh hưởng theo đúng Nghị định số 02/2017/NP-CP

[3] Dự án xây dựng mô hình sản xuất ngô sinh khối làm thức ăn cho gia súc, áp dụng cơ giới hóa gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm, Dự án xây dựng mô hình vỗ béo bò thịt trên nền đệm lót sinh học nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tăng hiệu quả trong chăn nuôi, Dự án xây dựng mô hình nuôi cá chạch trong ao gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm và Dự án xây dựng mô hình chăn nuôi dê sinh sản tạo vùng nguyên liệu, gắn với du lịch sinh thái

[4]Kết quả tiêm phòng bổ sung tháng 7: trong tháng 7 năm 2024 chỉ có 03/06 huyện, thị xã, thành phố (Lý Nhân, Thanh Liêm và Kim Bảng) tổ chức tiêm phòng cho đàn vật nuôi. Cụ thể: đàn lợn: tiêm vắc xin LMLM cho đàn lợn nái, lợn đực giống được 150 con; vắc xin dịch tả tiêm được 5.110 con; đan trâu, bò: tiêm vắc xin LMLM được 75 con; đàn chó: tiêm vắc xin dại được 80 con.

[5]Trong tháng đã thực hiện kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật xuất ngoại tỉnh được 20.783 con lợn; 81.250 con gia cầm; 3.909,9 tấn thịt các loại (1.167,6 tấn thịt lợn mát; 22,3 tấn thịt lợn đông lạnh; 896,3 tấn thịt gà mát và 1.823,7 tấn thịt chế biến) và 7,5 tấn lông vũ. Kiểm dịch nhập vào Nhà máy Masan để giết mổ được 15.574 con lợn, 432.317 con gà. Số lượng gà chết trong quá trình vận chuyển đã yêu cầu công ty tiêu huỷ là 478 con.

Văn phòng Sở