Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Chủ động khắc phục, khôi phục đàn vật nuôi, Thủy sản và phòng, chống dịch bệnh cho động vật sau mưa lũ

Thông tin chỉ đạo, điều hành  
Chủ động khắc phục, khôi phục đàn vật nuôi, Thủy sản và phòng, chống dịch bệnh cho động vật sau mưa lũ
Tình hình thời tiết trong thời gian qua diễn biến rất phức tạp. Đặc biệt là cơn bão số 3 (đổ bộ từ ngày 07/9/2024) đã gây ra những đợt mưa lớn gây lũ lụt và thiệt hại nghiêm trọng tại nhiều địa phương. Nguy cơ các loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi và lây sang người tiếp tục phát sinh và lây lan nhanh, ở phạm vi rộng sau đợt mưa lũ là rất cao, gây tổn thất lớn về kinh tế, phát triển chăn nuôi, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người dân và môi trường.

Để chủ động sản xuất, đảm bảo an toàn và phòng, chống dịch bệnh cho vật nuôi, thủy sản sau mưa bão, Sở Nông nghiệp & PTNT đã ban hành văn bản số 1203/ SNN-CN&TY ngày 12/9/2024 đề nghị UBND các huyện/thị xã/thành phố chỉ đạo đơn vị chuyên môn và UBND các xã, phường, thị trấn khẩn trương thực hiện một số nội dung sau:

1. Về chăn nuôi

Đối với các vùng có nguy cơ ngập lụt cần di dời đàn vật nuôi đến vị trí không bị úng ngập. Làm nhà tạm cho vật nuôi, thực hiện tốt việc quản lý, chăm sóc đàn vật nuôi, thường xuyên bổ sung vitamin, điện giải, men tiêu hoá vào thức ăn, nước uống để tăng sức đề kháng cho vật nuôi; tuyệt đối không chăn thả vật nuôi ở các khu vực ô nhiễm, khu vực có ổ dịch cũ để hạn chế dịch bệnh phát sinh và lây lan.

Thường xuyên thực hiện vệ sinh khu vực chăn nuôi và dụng cụ chăn nuôi; thu gom, xử lý chất thải chăn nuôi không để gây ô nhiễm môi trường; khi nước rút phải thực hiện ngay vệ sinh, tiêu độc khử trùng khu vực chăn nuôi trước khi đưa vật nuôi trở lại chuồng nuôi.

Để tái đàn vật nuôi, khôi phục sản xuất, người chăn nuôi cần lựa chọn con giống có nguồn gốc rõ ràng, được cung cấp bởi các cơ sở có uy tín, có giấy chứng nhận kiểm dịch; tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin theo quy định; không tái đàn khi chuồng trại chưa được vệ sinh và đảm bảo an toàn dịch bệnh.

A1.jpg

A2.jpg

(Gia cầm được di dời khỏi nơi ngập lụt tại xã Phú Phúc huyện Lý Nhân) 

2. Về thủy sản

Áp dụng mọi biện pháp để ngăn chặn, hạn chế tối đa thủy sản thất thoát khi vùng nuôi bị ngập, nước lũ dâng cao. Tăng cường kiểm tra, loại bỏ rác thải có nguy cơ hoặc đang ảnh hưởng trực tiếp vào lồng nuôi, di chuyển cá ở các ô lồng bị ảnh hưởng lớn của nước lũ vào khu vực an toàn hơn. Thu hoạch cá đạt kích cỡ thương phẩm.

Khi nước rút, kiểm tra, tu sửa bờ ao, hệ thống dây neo, phao lồng và các công trình phụ trợ. Thu gom, xử lý rác thải trong ao và khu vực lồng nuôi (nếu có), vệ sinh lồng bè, lưới để đảm bảo an toàn cho hoạt động sản xuất trở lại bình thường. Trường hợp vị trí lồng bè không phù hợp cần di chuyển đến nơi nước sạch hoặc di chuyển cá vào ao nuôi.

Tiến hành quạt nước, sục khí để hạn chế sự phân tầng. Kiểm tra, xử lý các yếu tố môi trường nước đảm bảo nằm trong giới hạn cho phép như treo túi vôi quanh lồng nuôi; sử dụng vôi bột, Dolomite để khử trùng, tăng pH và giảm độ đục của nước ao nuôi sau khi mưa, lũ, ngập lụt. Trường hợp môi trường nuôi bị ô nhiễm sử dụng thuốc, hoá chất và các sản phẩm xử lý môi trường để tiêu độc, khử trùng, cải thiện chất lượng nước với liều lượng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

Bổ sung vitamin, khoáng, vi chất, men tiêu hóa,… vào thức ăn để tăng sức đề kháng cho thủy sản nuôi; thường xuyên theo dõi diễn biến của các yếu tố môi trường và  sức khỏe của vật nuôi để có biện pháp xử lý kịp thời.

Nếu có thuỷ sản bị chết cần xử lý theo hướng dẫn của cơ quan quản lý, cán bộ thú y địa phương. Kê khai, báo cáo chính xác diện tích, mức độ thiệt hại với chính quyền địa phương (nếu có) theo quy định.

3. Phòng, chống dịch bệnh

Tăng cường công tác giám sát để phát hiện sớm, kịp thời xử lý trường hợp gia súc, gia cầm mắc bệnh, nghi mắc bệnh nguy hiểm như Dịch tả lợn Châu Phi, Cúm gia cầm, Lở mồm long móng, Viêm da nổi cục trên trâu bò, Tai xanh… nhất là tại các địa phương ngập lụt, có nguy cơ ngập lụt.

Hướng dẫn chủ vật nuôi không giết mổ, mua bán động vật ốm, chết; không vứt xác động vật chết do mắc bệnh ra ngoài môi trường. Khai báo ngay cho chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn thú y khi gia súc, gia cầm mắc bệnh, nghi mắc bệnh nguy hiểm để tiến hành điều tra và xử lý ổ dịch theo đúng quy định.

Tổ chức triển khai Kế hoạch số 35/KH-SNN ngày 10/9/2024 của Sở Nông nghiệp và PTNT về việc tổ chức thực hiện Tháng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường đợt II năm 2024 (từ ngày 16/9/2024 đến ngày 16/10/2024), nhằm tiêu diệt các loại mầm bệnh trong môi trường.

 Khẩn trương tổ chức triển khai tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm vụ Thu (Kế hoạch số 22/KH-CN&TY của Chi cục Chăn nuôi và Thú y ngày 20/8/2024 về việc tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm vụ Thu năm 2024)

Các đơn vị chuyên môn tham mưu cho UBND các cấp phương án hỗ trợ hóa chất xử lý môi trường, xử lý nước dùng trong chăn nuôi, tiêu hủy động vật chết, thuốc và vắc xin phòng trị bệnh cho đàn vật nuôi; báo cáo kịp thời về Sở Nông nghiệp và PTNT (Chi cục Chăn nuôi và Thú y) những khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ hóa chất trong công tác khắc phục hậu quả mưa lũ, các vẫn đề phát sinh liên quan đến công tác thú y tại địa phương, đặc biệt là công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn để tổng hợp đề xuất với UBND tỉnh phương án hỗ trợ kịp thời.

Chỉ đạo các đơn vị chuyên môn cấp huyện, UBND các xã/phường/thị trấn phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y tổ chức kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn thực hiện công tác khắc phục, khôi phục đàn vật nuôi, thủy sản; phòng, chống dịch bệnh động vật và xử lý môi trường sau mưa lũ./.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y