Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Cần tập trung mở rộng thị trường mới để thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản

Thông tin tuyên truyền, phổ biến  
Cần tập trung mở rộng thị trường mới để thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản
Chiều 28/3, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội nghị giao ban kết quả công tác tháng 3 và triển khai kế hoạch tháng 4. Bộ trưởng Lê Minh Hoan chủ trì hội nghị cùng với Thứ trưởng Phùng Đức Tiến và Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị.

Chiều 28/3, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội nghị giao ban kết quả công tác tháng 3 và triển khai kế hoạch tháng 4. Bộ trưởng Lê Minh Hoan chủ trì hội nghị cùng với Thứ trưởng Phùng Đức Tiến và Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị.


Quang cảnh Hội nghị giao ban kết quả công tác tháng 3 và triển khai kế hoạch tháng 4

Theo báo cáo của Vụ Kế hoạch, trong tháng 3 và quý I/2024, toàn ngành NN&PTNT tiếp tục chuyển đổi mạnh từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Quý I, kết quả nổi bật tăng trưởng cao trên tất cả lĩnh vực, Nhờ đó, tốc độ tăng giá trị sản xuất nông lâm thủy sản (NLTS) ước đạt 2,9 - 3% so với cùng kỳ năm 2023. Cùng với các giải pháp khơi thông thị trường, tổng kim ngạch xuất khẩu NLTS ước đạt 13,53 tỷ USD, tăng 21,8% so với cùng kỳ năm trước; nhập khẩu 10,18 tỷ USD; xuất siêu 3,36 tỷ USD tăng 96,5%.

Tính chung ba tháng, các nhóm hàng xuất khẩu đều tăng so với cùng kỳ năm trước nên kim ngạch xuất khẩu tăng, đạt 13,53 tỷ USD; đóng góp vào kết quả này có: Nông sản 7,46 tỷ USD, tăng 31,1%; lâm sản 3,61 tỷ USD, tăng 18,8%; thủy sản 1,86 tỷ USD, tăng 1,9%; chăn nuôi 113 triệu USD, tăng 4,8%; đầu vào sản xuất 481 triệu USD, tăng 8,3%.

Có 4 mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD bao gồm: Gỗ 2,32 tỷ USD (tăng 26,8%); Rau quả 1,23 tỷ USD (tăng 25,8%); Gạo 1,37 tỷ USD (tăng 40% với lượng 2,07 triệu tấn, tăng 12%); Cà phê 1,9 tỷ USD (tăng 54,2% với lượng 799 nghìn tấn, tăng 44,4%).

Ba tháng đầu năm, Bộ đã kịp thời truyền thông các quy định mới của các nước nhập khẩu, quyết liệt tháo gỡ vướng mắc, mở cửa thị trường cho nông sản Việt, ngay cả đối với các thị trường khó tính. Tiếp tục phối hợp đẩy mạnh đàm phán để đa dạng hóa hàng nông sản được xuất khẩu chính ngạch sang nhiều thị trường. Đến nay, số cơ sở xuất khẩu thủy sản vào các thị trường không ngừng tăng lên, như ở EU lên 524 cơ sở, Trung Quốc 596, Hàn Quốc 771,..

Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn tồn tại hạn chế, thị trường chăn nuôi trầm lắng kéo dài, tình hình buôn lậu vật nuôi qua biên giới phức tạp khiến ngành chăn nuôi tăng trưởng không cao. Việc điều tiết cung - cầu sản phẩm chăn nuôi cần thích ứng, linh hoạt, hiệu quả hơn để bảo vệ sản xuất trong nước. Còn xảy ra tình trạng phá rừng; một số địa phương chưa quyết liệt trong chỉ đạo các giải pháp chống khai thác IUU.

Ông Nguyễn Văn Việt, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch lưu ý: Tháng 4 và các tháng tiếp theo, cần theo dõi sát tình hình thế giới, tình hình biến đổi khí hậu xâm nhập mặn trong nước, nguồn cung hàng hóa trong tháng 4 và quý II/2024 có nhiều sản phẩm vào vụ thu hoạch nên cần có thị trường tiêu thụ tránh gây áp lực.

Trong nước các mặt hàng rau củ quả có nguồn cung dồi dào, tương đối ổn định, nhiều loại nông sản sắp vào vụ thu hoạch. Tuy nhiên, thời tiết diễn biến bất thường, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh NLTS; hạn hán, xâm nhập mặn tại các tỉnh Nam bộ, đặc biệt là ĐBSCL; nguy cơ cháy rừng tăng cao.

Mục tiêu quý II/2024, toàn ngành đạt mức tăng trưởng giá trị gia tăng 3,37% và phấn đấu tổng kim ngạch xuất khẩu NLTS 14 - 14,5 tỷ USD.

Theo https://www.mard.gov.vn