Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng, phòng cháy chữa cháy rừng năm 2024 trên địa bàn tỉnh Hà Nam

Tin tức - Sự kiện Tin nội bộ  
Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng, phòng cháy chữa cháy rừng năm 2024 trên địa bàn tỉnh Hà Nam
Căn cứ Kế hoạch số 3604/KH-UBND ngày 24 tháng 12 năm 2021 về việc triển khai Quyết định số 524/QĐ-TTg ngày 01 tháng 4 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Trồng một ty cây xanh giai đoạn 2021 - 2025” trên địa bàn tỉnh Hà Nam.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng, phòng cháy chữa cháy rừng năm 2024 trên địa bàn tỉnh như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Ngăn chặn kịp thời tình trạng phá rừng, khai thác, chế biến, mua bán, vận chuyển lâm sản, săn bắt động vật hoang dã trái pháp luật, không để phát sinh những “điểm nóng" vi phạm Luật Lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh; kiên quyết xử lý nghiêm những hành vi vi phạm các quy định của Nhà nước về quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản.

- Chủ động thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy rừng để hạn chế thấp nhất các vụ cháy rừng, huy động lực lượng đủ mạnh nhằm chữa cháy kịp thời, không để cháy lớn, kéo dài gây thiệt hại đến tài nguyên rừng.

- Tổ chức thực hiện các biện pháp bảo vệ rừng hiện có, phát triển rừng trên địa bàn quản lý như: rừng tự nhiên, rừng trồng, trồng cây nhân dân, trồng lại rừng sau khai thác trên địa bàn.

2. Yêu cầu

- UBND cấp huyện phải đặt nhiệm vụ quản lý rừng, bảo vệ rừng, quản lý lâm sản và phòng cháy, chữa cháy rừng là nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2024, tổ chức huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sự tham gia của các cấp, các ngành, đoàn thể chính trị - xã hội để thực nhiệm vụ quản lý rừng, bảo vệ rừng, quản lý lâm sản và phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn quản lý.

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện phải chủ động tổ chức thực hiện các biện pháp bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng trên địa bàn cấp huyện; xây dựng phương án huy động lực lượng, phương tiện đủ mạnh để kịp thời xử lý vi phạm Luật Lâm nghiệp, kịp thời tổ chức chữa cháy khi có cháy rừng xảy ra.

- Các lực lượng Công an, Quân đội, Kiểm lâm và lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng phải tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các quy chế phối hợp lực lượng đã ký kết trong công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng, duy trì công tác phối hợp theo Nghị định số 02/2020/NĐ-CP ngày 20/6/2020 của Chính phủ; tham mưu cho UBND, Ban Chỉ đạo các cấp huy động lực lượng, tổ chức chỉ huy chữa cháy rừng khi có cháy rừng xảy ra.

II. NỘI DUNG THỰC HIỆN BẢO VỆ RỪNG VÀ PHÒNG CHÁY,
CHỮA CHÁY RỪNG

1. Đối với các Sở, Ngành.

a) Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các quy định về bảo vệ và phát triển rừng, PCCCR theo Luật Lâm nghiệp năm 2017; Kết luận số 61-KL/TW ngày 17/8/2023 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017; Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 06/02/2024 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ" và tăng cường công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng; các chỉ thị đôn đốc của Bộ Nông nghiệp &PTNT. Triển khai thực hiện công tác tuyên truyền, quản lý, bảo vệ và phát triển rừng theo Công văn số 71/UBND-NNTNMT ngày 15 tháng 01 năm 2024 của UBND tỉnh Hà Nam.

- Thường xuyên giám sát việc triển khai thực hiện trách nhiệm quản lý Nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp được quy định tại Điều 102 Luật Lâm nghiệp năm 2017; Điều 2 Quyết định số 07/2012/QĐ-TTg ngày 08/02/2012 của Thủ tướng Chính phủ về Ban hành một số chính sách tăng cường công tác bảo vệ rừng.

-Tổ chức kiểm tra, kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân thiếu trách nhiệm, tiếp tay, buông lỏng quản lý, không kịp thời phát hiện để xảy ra tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng và che giấu số liệu diện tích rừng bị mất.

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý tình trạng phá rừng, xâm hại rừng, các đối tượng mua bán, vận chuyển lâm sản trái pháp luật và chống người thi hành công vụ, không để các vụ án tồn đọng, kéo dài.

- Giám sát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng rừng, đặc biệt là việc chuyển đổi rừng tự nhiên sang các mục đích xây dựng công tình chuyển tải điện, khai thác khoáng sản, xây dựng các khu công nghiệp, dịch vụ du lịch... kiên quyết đình chỉ, thu hồi đất đối với các dự án có sai phạm, đồng thời xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân vi phạm, thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý bảo vệ rừng tại địa phương.

- Triển khai Kế hoạch thực hiện Quyết định số 523/QĐ-TTg ngày 01/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển Lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

- Tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch số 3604/KH-UBND ngày 24 tháng 12 năm 2021 về việc triển khai Quyết định số 524/QĐ-TTg ngày 01 tháng 4 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025" trên địa bàn tỉnh Hà Nam, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, cải thiện cảnh quan và ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

b) Về công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và bảo tồn thiên nhiên, phòng cháy, chữa cháy rừng: Thực hiện nhiều biện pháp, phân bổ nguồn lực để bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có, giữ được hệ sinh thái tự nhiên, bảo đảm tính đa dạng sinh học, đáp ứng được yêu cầu về chức năng rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất. Thường xuyên tuyên truyền các chính sách về Luật Lâm nghiệp và các Nghị định, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, các Thông tư hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp về tăng cường công tác bảo vệ, phát triển rừng; triển khai chỉ đạo của UBND tỉnh đối với công tác bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng, thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm tra, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về Lâm nghiệp. Chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện đến các địa phương có rừng trên địa bàn tỉnh và đảm bảo lực lượng, vật tư, trang thiết bị và hậu cần, thường trực sẵn sàng xử lý các tình huống cấp bách trong bảo vệ rừng, phòng cháy và chữa cháy rừng, không để xảy ra cháy lớn; khi xảy ra cháy rừng, điều tra, xác định nguyên nhân và đối tượng gây ra cháy rừng để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

2. Đối với các huyện, thị xã, thành phố (gọi tắt là UBND cấp huyện)

a) Thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về Lâm nghiệp quy định tại khoản 2 khoản 4 Điều 102 của Luật Lâm nghiệp năm 2017; Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp; Nghị định số 83/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ; Nghị quyết số 71/NQ-CP ngày 08/8/2017 của Chính phủ thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng và các văn bản pháp luật, hướng dẫn thực hiện có liên quan.

b) Triển khai  thực hiện Quyết định số 07/2012/QĐ-TTg ngày 08/02/2012 của Thủ tướng Chính phủ về Ban hành một số chính sách tăng cường công tác bảo vệ rừng; kiểm tra, giám sát, phối hợp với các đơn vị, chủ rừng thực hiện quyền và nghĩa vụ của chủ rừng được quy định tại Luật Lâm nghiệp năm 2017. Chủ động tập trung thực hiện một số nội dung chính sau:

- Xây dựng phương án cụ thể triển khai kế hoạch bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng trên địa bàn cấp huyện cho phù hợp với tình hình cụ thể tại địa phương; Phân công, giao nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, đơn vị và chính quyền cấp xã, thường xuyên giám sát việc thực hiện quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn.

- Chủ động huy động lực lượng (Kiểm lâm, Công an, Quân đội, chủ rừng, UBND các xã, các ban, ngành liên quan của huyện và các lực lượng chức năng trên địa bàn) để thực hiện Chỉ thị số 1685/CT-TTg ngày 27/9/2011 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chỉ đạo thực hiện các biện pháp bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng và chống người thi hành công vụ và các chỉ đạo, hướng dẫn của UBND tỉnh về bảo vệ rừng và PCCCR.

- Chỉ đạo kiểm tra, xác minh các biến động về rừng, các nguyên nhân suy giảm rừng tự nhiên để xử lý vi phạm theo quy định.

- Chỉ đạo tăng cường kiểm tra, ngăn chặn tình trạng phá rừng, khai thác gỗ trái pháp luật tại các khu vực thường xuyên xảy ra phá rừng, khai thác lâm sản trái pháp luật địa bàn huyện; trong đó, chú trọng các khu vực trọng điểm vùng giáp ranh với các tỉnh Hòa Bình, Ninh Bình và Thành phố Hà Nội.

- Chỉ đạo xây dựng kế hoạch, triển khai kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã tại các cơ sở gây nuôi động vật rừng thông thường, động vật rừng nguy cấp quý hiếm; các nhà hàng ăn uống, điểm kinh doanh đồ trang sức, đồ lưu niệm, các chợ buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật trên địa bàn quản lý.

c) Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chủ động xác định các điểm nóng phá rừng, lấn chiếm đất rừng trên địa bàn cấp huyện, bố trí lực lượng thường xuyênnắm bắt tình hình cơ sở để kịp thời xử lý, ngăn chặn, nhất là tình trạng khai thác gỗ trái pháp luật tại các vùng rừng giáp ranh với các huyện, vùng rừng giáp ranh các tỉnh lân cận; thành lập các chốt liên ngành cấp huyện gồm: lực lượng Kiểm lâm, Công an, Quân đội, chủ rừng ngăn chặn, hoạt động có hiệu quả và chịu trách nhiệm về những hành vi vi phạm xảy ra trên tuyến, vùng quản lý. Báo cáo kịp thời UBND tỉnh để chỉ đạo kịp thời giải quyết đối với những trường hợp phức tạp, vượt quá thẩm quyền.

d) Chỉ đạo các đơn vị như: Công an, Kiểm lâm, Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện, chủ rừng và các đơn vị có liên quan phải tổ chức trực ban, bố trí lực lượng quân số sẵn sàng để kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh trong công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn.

đ) Triển khai phát động phong trào trồng cây xanh; tạo điều kiện để các cơ quan, tổ chức, đoàn thể, trường học, lực lượng vũ trang và nhân dân tích cực tham gia trồng cây, trồng rừng. phù hợp với mùa vụ trồng cây, trồng rừng của từng địa phương ở từng thời điểm, địa điểm cụ thể; các địa phương tổ chức kiểm tra đánh giá, rút kinh nghiệm, biểu dương khen thưởng kịp thời những tổ chức, cá nhân điển hình có cách làm hay, mô hình tốt, sáng tạo; báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh để theo dõi, chỉ đạo.

3. Đối với UBND cấp xã

a) Thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về Lâm nghiệp quy định tại Luật Lâm nghiệp năm 2017; Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp; Nghị định số 83/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ; Nghị quyết số 71/NQ-CP ngày 08/8/2017 của Chính phủ thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng và các văn bản pháp luật, hướng dẫn thực hiện có liên quan.

 Phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng, chủ rừng triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo vệ rừng, chống chặt phá rừng trên địa bàn quản lý.

Xây dựng phương án triển khai kế hoạch bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng trên địa bàn cấp xã cho phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Chủ động chỉ đạo, huy động các lực lượng: Công an xã, xã đội, dân quân tự vệ phối hợp, thường xuyên tuần tra, kiểm tra công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn xã quản lý; tùy tình hình cụ thể tại từng địa phương mà bố trí ít nhất 01
tháng/một đợt truy quét, xử lý các điểm phá rừng, vi phạm Luật Lâm nghiệp.

b) Chỉ đạo các chính quyền thôn, tổ dân phố và bộ phận chức năng cấp xã nắm bắt, thống kê, phân loại, lập danh sách các đối tượng “chuyên nghiệp" thường xuyên khai thác, vận chuyển, mua bán trái pháp luật lâm sản và động vật rừng ở địa phương để có biện pháp theo dõi đấu tranh và ngăn chặn; tăng cường quản lý, kiểm tra, xử lý theo quy định các loại vũ khí, vật liệu nổ trái phép, kể cả loại súng tự chế, súng săn và các loại vũ khí quân dụng khác.

c) Củng cố các tổ đội phòng cháy, chữa cháy ở cơ sở, hỗ trợ các chủ rừng để tuần tra, kịp thời phát hiện, dập tắt những đám cháy rừng mới phát sinh; hướng dẫn và quản lý chặt chẽ việc đốt nương, rẫy không để cháy lan sang các
vùng rừng lân cận.

d) Tổ chức đợt cao điểm tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong cộng đồng dân cư về công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng; duy trì công tác thông tin báo cáo công tác bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng
kịp thời, chính xác về UBND cấp huyện để nắm bắt, chỉ đạo kịp thời. Chủ động thực hiện theo phương châm 4 tại chỗ trong công tác chữa cháy rừng.

đ) Thực hiện rà soát các biến động về rừng, các nguyên nhân suy giảm rừng tự nhiên để xử lý vi phạm theo quy định; cập nhật diễn biến rừng năm 2023 theo quy định tại Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018
của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về điều tra, kiểm kê và theo dõi diễn biến rừng.

4. Đối với đơn vị chủ rừng

Các tổ chức, cá nhân được thuê đất, thuê rừng thực hiện các dự án và các chủ rừng khác phải trực tiếp chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với diện tích quản lý, bảo vệ rừng, phát triển rừng được giao, được thuê, chủ động triển khai thực hiện các nội dung sau:

a) Triển khai thực hiện đúng, đầy đủ, nghiêm túc theo quy định Luật Lâm nghiệp năm 2017, Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp; Nghị định số 83/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ, các thông tư hướng dẫn và các văn bản pháp luật có liên quan.

b) Thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ, trách nhiệm bảo vệ rừng của chủ rừng và của toàn dân theo quy định của Luật Lâm nghiệp năm 2017;

c) Huy động toàn bộ lực lượng, phương tiện của đơn vị phối hợp các lực lượng chức năng trên địa bàn phải bảo vệ được diện tích rừng, đất rừng hiện có. Tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra rừng nhất là những diện tích rừng ở những vị trí, tuyến đường xung yếu để kịp thời phát hiện, tổ chức các biện pháp ngăn chặn các hành vi vi phạm; lập biên bản và báo cáo kịp thời cho các cơ quan chức năng để xử lý. Mọi trường hợp vi phạm phải được phát hiện, kiểm tra, lập hồ sơ kịp thời và có biện pháp ngăn chặn ngay từ đầu, nếu để xảy ra vi phạm mà không có biện pháp quản lý, bảo vệ rừng, để xảy ra mất rừng thì chủ rừng phải chịu trách nhiệm và phải bị xử lý theo quy định của pháp luật.

d) Tiếp tục củng cố, hoàn thiện lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng theo Nghị định số 01/2019/NĐ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ về Kiểm lâm và lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng; tổ chức tập huấn nghiệp vụ bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng cho lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách; xây dựng quy chế hoạt động, các giải pháp bảo vệ rừng của đơn vị để tăng cường trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ bảo vệ rừng tại gốc.

đ) Xây dựng phương án phòng cháy chữa cháy rừng của chủ rừng gửi các đơn vị chức năng có ý kiến theo quy định để triển khai thực hiện; thành lập, quản lý hoạt động của đội phòng cháy và chữa cháy rừng; bảo đảm kinh phí, trang bị phương tiện và các điều kiện về phòng cháy và chữa cháy rừng để duy trì hoạt động.

e) Các đơn vị chủ rừng chưa hoàn thành xây dựng phương án quản lý rừng bền vững theo quy định tại Thông tư số 28/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về quản lý rừng bền vững phải khẩn trương xây dựng, trình cấp thẩm quyền phê duyệt; tổ chức thực hiện các nội dung về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng theo phương án sử dụng rừng và thực hiện nghiêm túc việc lập các thủ tục về thuê rừng gắn với thuê đất theo các phương án sử dụng rừng của các đơn vị đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và văn bản hướng dẫn thực hiện của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

f) Thực hiện trách nhiệm theo dõi, báo cáo biến động tài nguyên rừng được quy định của Luật Lâm nghiệp năm 2017 về điều tra, kiểm kê và theo dõi diễn biến rừng; Chủ động rà soát, tổ chức kiểm tra các diện tích rừng và đất rừng có biến động trên lâm phần giao, thuê, các nguyên nhân suy giảm rừng tự nhiên để kịp thời báo cáo cập nhật diễn biến tài nguyên rừng theo quy định.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị, chủ rừng tổ chức thực hiện có hiệu quả các nội dung trên; nghiêm túc thực hiện chế độ báo cáo định kỳ (hàng tháng, hàng quý, 6 tháng, hàng năm) và đột xuất về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (thông qua cơ quan Chi cục trồng trọt bảo vệ thực vật và Kiểm lâm trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Trên đây là Kế hoạch Bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng năm 2024 trên địa bàn tỉnh Hà Nam. Đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố và các Sở, ngành có liên quan thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc thực
hiện. Nếu có vướng mắc, vượt thẩm quyền phải báo cáo, đề xuất kịp thời để UBND tỉnh chỉ đạo, giải quyết./.

Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Kiểm lâm