Căn cứ Chương trình hành động số 64-CTr/TU ngày 15/11/2022 của Tỉnh ủy Hà Nam thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;
Thực hiện Kế hoạch số 124/KH-UBND ngày 18 tháng 01 năm 2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam thực hiện Chương trình hành động của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (sau đây gọi là Kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh).
Trên cơ sở chức năng nhiệm vụ, Sở Nông nghiệp & PTNT ban hành Kế hoạch triển khai cụ thể như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
- Triển khai thực hiện hiệu quả các nội dung do ngành phụ trách để đạt các mục tiêu đề ra trong Kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh.
- Cụ thể hóa các nội dung để các đơn vị tham mưu, triển khai thực hiện.
2. Yêu cầu
- Tuyên truyền, phổ biến Chương trình hành động số 64-CTr/TU ngày 15/11/2022 của Tỉnh ủy, Kế hoạch số 124/KH-UBND ngày 18/01/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam để toàn thể cán bộ, nhân dân trên địa bản tỉnh và đặc biệt là cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong Sở biết, triển khai thực hiện.
- Bám sát nội dung, giải pháp Chương trình hành động của Tỉnh ủy, Kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh, các đơn vị chủ động xây dựng chương trình, đề án, kế hoạch cụ thể theo chức năng nhiệm vụ để triển khai thực hiện có hiệu quả.
- Phân rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, để triển khai thực hiện các nhiệm vụ.
- Triển khai thực hiện cần tăng cường đôn đốc, kiểm tra, giám sát tiến độ, kết quả thực hiện.
II. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung
Xây dựng nền nông nghiệp phát triển hiện đại, sản xuất nông sản hàng hoá hiệu quả, bền vững theo hướng sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu. Chuyển tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với nhu cầu thị trường; tổ chức sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp theo chuỗi giá trị, dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo.
2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2030
- Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng bình quân 1,7%/năm (giá SS 2010).
- Cơ cấu nội bộ ngành: chăn nuôi - thủy sản chiếm 58%, trồng trọt - lâm nghiệp chiếm 30%, dịch vụ nông nghiệp chiếm 12%; giá trị sản phẩm/đơn vị diện tích đất canh tác gấp 1,3 lần so với năm 2025.
- Diện tích đất sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch đạt 2,0 đến 2,5% tổng diện tích đất nông nghiệp. Tỷ lệ sử dụng phân bón hữu cơ đạt trên 40%, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học đạt trên 45%.
- Tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất lúa: thu hoạch đạt 95%, gieo trồng đạt 70%, bảo quản chế biến đạt 60%.
- Tỷ lệ che phủ rừng duy trì ổn định ở mức 4,5%.
- Có 70% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao, kiểu mẫu và 02 huyện đạt chuẩn NTM nâng cao theo quy định.
- Tỷ lệ hộ dân nông thôn được dùng nước sạch, nước hợp vệ sinh đạt 100%. (tỷ lệ hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn đạt 80%).
III. NỘI DUNG VÀ NHIỆM VỤ
Để đảm bảo thực hiện các mục tiêu đề ra, cần cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo từng lĩnh vực cụ thể như sau:
1. Trồng trọt, kiểm lâm
Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng phát huy thế mạnh, phù hợp với nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; nâng cao năng suất, chất lượng các sản phẩm chủ lực, có lợi thế. Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, cơ giới hóa, tự động hóa để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn theo các tiêu chuẩn và yêu cầu của thị trường; gắn sản xuất với tiêu thụ nông sản. Phát triển sản xuất theo hướng nông nghiệp xanh, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp thông minh.
- Đối với sản xuất lúa: đến năm 2030, đảm bảo ổn định diện tích đất chuyên trồng lúa là 24.667 ha. Mở rộng diện tích gieo trồng lúa chất lượng cao chiếm khoảng 70% diện tích gieo trồng lúa; sản lượng thóc đạt khoảng 290.000 tấn/năm,
trong đó sản lượng thóc chất lượng cao đạt trên 190.000 tấn/năm; vừa đảm bảo an ninh lương thực trong mọi tình huống, vừa đáp ứng nhu cầu thị trường.
- Đối với cây rau, củ, quả, cây dược liệu: đến năm 2030, diện tích gieo trồng đạt khoảng 10.000 ha/năm, sản lượng đạt 190.000 tấn/năm. Phát triển các vùng sản xuất hàng hóa tập trung theo quy hoạch, trong đó có 3.000 ha đất để sản xuất rau củ quả có giá trị kinh tế cao, áp dụng quy trình sản xuất hữu cơ, VietGap, GlobalGap... đảm bảo an toàn thực phẩm gắn với liên kết theo chuỗi giá trị, hướng tới xuất khẩu.
- Đối với cây ăn quả: duy trì, cải tạo và mở rộng diện tích cây ăn quả hiện có; phát triển những vùng cây ăn quả tập trung chuyên canh theo hướng sản xuất hàng hóa đạt cả về năng suất và giá trị, đặc biệt là những vùng quy hoạch chuyển đổi trồng cây ăn quả trên đất trồng lúa. Thay thế các giống cây cũ bằng giống cây mới (như giống vải lai u trứng, ổi Đài Loan, bưởi diễn, giống táo đại ...), đồng thời đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, góp phần nâng cao giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích đất nông nghiệp.
- Đối với hoa cây cảnh: duy trì diện tích trồng hoa hiện có ở các địa phương, trong đó chú trọng, tập trung đầu tư sản xuất theo hướng công nghệ cao gắn với du lịch sinh thái như: xã Phù Vân (thành phố Phủ Lý); xã Bình Nghĩa, Vũ Bản (huyện Bình Lục); xã Thụy Lôi (huyện Kim Bảng); xã Liêm Cần, Liêm Phong (huyện Thanh Liêm) .... và một số vùng có lợi thế phát triển.
- Đối với phương thức sản xuất: đổi mới theo hướng sản xuất nông nghiệp xanh, nông nghiệp sạch, an toàn sinh học và thân thiện với môi trường. Liên kết sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị để kiểm soát chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, phân bón vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học… ; xây dựng và nhân rộng các mô hình cánh đồng mẫu được áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa vào sản xuất, mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, hữu cơ. Phấn đấu đến năm 2030 tỷ lệ sử dụng phân bón hữu cơ đạt trên 40%, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học đạt trên 45%.
- Công tác quản lý, truy xuất nguồn gốc đối với vùng nguyên liệu: tiếp tục cấp mã số vùng trồng đối với các sản phẩm của tỉnh như: vùng trồng lúa, ngô, rau, cây ăn quả và cây trồng khác có diện tích lớn, tập trung.
- Về lâm nghiệp: làm tốt công tác bảo vệ và phát triển rừng; sử dụng, khai thác có hiệu quả tài nguyên rừng và đất lâm nghiệp nhằm bảo vệ môi trường, phát triển du lịch sinh thái, bảo tổn nguồn gen. Duy trì ổn định diện tích rừng và đất lâm nghiệp hiện có đến năm 2030 có khoảng 4.000 ha.
- Công tác bảo vệ môi trường trong sản xuất: hướng dẫn, khuyến khích nhân dân ủ rác hữu cơ thành phân vi sinh tái phục vụ sản xuất nông nghiệp; kiểm soát ô nhiễm thực phẩm về tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất bảo quản, các chỉ tiêu an toàn thực phẩm đối với sản phẩm nông, lâm, thủy sản trước và sau khi thu hoạch, trong quá trình sản xuất, chế biến, lưu thông trên thị trường.
2. Chăn nuôi - Thú y và thủy sản
Phát triển chăn nuôi, thuỷ sản theo hướng tăng quy mô trang trại, hộ chăn nuôi chuyên nghiệp; đẩy mạnh việc áp dụng an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường; thực hiện đồng bộ các giải pháp ứng dụng tiến bộ về giống, thức ăn, quy trình công nghệ mới, bố trí quỹ đất phù hợp dành cho phát triển chăn nuôi, thuỷ sản đảm bảo an ninh thực phẩm và hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch được giao.
- Đối với chăn nuôi lợn: tiếp tục duy trì, phát triển ổn định chăn nuôi lợn theo hướng trang trại công nghiệp, bán công nghiệp, giảm dần chăn nuôi nông hộ trong khu dân cư để kiểm soát tốt dịch bệnh và môi trường. Tiếp tục đẩy mạnh chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, liên kết chăn nuôi theo chuỗi, ứng dụng công nghệ chuồng kín, các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, phát triển chăn nuôi bền vững.
- Đối với chăn nuôi gia cầm: phát triển quy mô trang trại, hộ chăn nuôi chuyên nghiệp ứng dụng đồng bộ tiến bộ khoa học kỹ thuật về giống, công nghệ chuồng kín, đệm lót sinh học để nâng cao năng suất, tăng tỷ trọng giá trị chăn nuôi gia cầm (chiếm khoảng 45%) trong tổng giá trị sản xuất ngành chăn nuôi.
- Đối với chăn nuôi trâu, bò: duy trì và phát triển đàn trâu, bò theo hướng trang trại, tại các hộ chăn nuôi chuyên nghiệp, khu chăn nuôi tập trung đã được phê duyệt. Tập trung cải tạo, nâng cao chất lượng đàn bò sinh sản, phát triển đàn bò thịt chất lượng cao. Ứng dụng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo trên đàn bò, sử dụng tinh phân biệt giới tính, tinh bò sữa cao sản, tinh bò chất lượng cao để cải tạo, nâng cao chất lượng đàn bò.
- Đối với nuôi trồng thuỷ sản: sản xuất theo hướng nuôi thâm canh, bán thâm canh các đối tượng có giá trị kinh tế cao, có thị trường tiêu thụ tốt; tăng cường áp dụng tiến bộ kỹ thuật công nghệ mới trong sản xuất; khuyến khích thành lập các Hợp tác xã, tổ hợp tác để liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
- Công tác kiểm soát dịch bệnh: tổ chức, triển khai thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh trên động vật; kiểm tra, giám sát, ngăn chặn, khống chế kịp thời các ổ dịch nguy hiểm, không để lây lan diện rộng, gây thiệt hại cho sản xuất.
- Công tác sản xuất theo ngành hàng: tổ chức sản xuất sản phẩm chăn nuôi, thủy sản theo hướng chuyên môn hóa, hiện đại và hiệu quả gắn với các chuỗi liên kết, trong đó phát huy vai trò chủ đạo của doanh nghiệp, hiệp hội và hợp tác xã. Tạo điều kiện thuận lợi thu hút các doanh nghiệp, hợp tác xã, tập đoàn lớn đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản theo chuỗi khép kín; hỗ trợ, dẫn dắt người chăn nuôi sản xuất đáp ứng nhu cầu thị trường. Chú trọng củng cố và phát triển mô hình hợp tác xã kiểu mới trong lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản, làm cầu nối giữa các nông hộ, trang trại với các doanh nghiệp lớn và thị trường. Xây dựng và nhân rộng các mô hình chăn nuôi, thủy sản, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, theo hướng an toàn thân thiện với môi trường.
- Công tác quản lý Nhà nước: tăng cường quản lý Nhà nước ngành chăn nuôi, thú y, thủy sản tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; thay đổi cách tiếp cận về phương thức quản lý sản xuất, chất lượng sản phẩm để người sản xuất, kinh doanh tự chủ động trong việc kiểm soát chất lượng, an toàn sản phẩm của mình trước khi đưa ra thị trường. Xã hội hóa các dịch vụ công về chăn nuôi, thú y, thủy sản để mọi thành phần kinh tế khi đủ điều kiện có thể tham gia cung cấp cho người dân chất lượng dịch vụ tốt nhất; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, phòng, chống dịch bệnh, chất lượng giống, thuốc thú y, vắc xin, hóa chất, thức ăn chăn nuôi và nuôi thủy sản ở cơ sở.
- Công tác bảo vệ môi trường trong chăn nuôi: tâp trung hướng dẫn hộ chăn nuôi thực hiện tốt quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất chăn nuôi, phát hiện kịp thời các cơ sở chăn nuôi có hành vi xả trực tiếp chất thải chưa qua xử lý ra môi trường; chuyển giao các tiến bộ khoa học và công nghệ mới trong xử lý chất thải chăn nuôi tới người dân. Tuyên truyền, hướng dẫn người dân xử lý chất thải chăn nuôi thành phân hữu cơ; xây dựng công trình xử lý nước thải như hầm biogas tại các khu chăn nuôi tập trung đảm bảo đạt tiêu chuẩn về nước thải trước khi xả thải ra môi trường; quản lý tốt các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm.
2. Phát triển nông thôn và xây dựng nông thôn mới (NTM)
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách của Trung ương, của tỉnh về xây dựng NTM, Kinh tế tập thể, HTX nông nghiệp, chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), ngành nghề nông thôn, cơ giới hóa, đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn trên các phương tiện thông tin đại chúng với nhiều hình thức để người dân biết và thực hiện.
- Về xây dựng NTM: triển khai thực hiện duy trì, nâng cao chất lượng và hoàn thiện các tiêu chí xây dựng NTM, NTM nâng cao, hướng tới xây dựng NTM kiểu mẫu theo bộ tiêu chí giai đoạn 2021 - 2025. Hàng năm đôn đốc các địa phương xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện xây dựng NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Triển khai thực hiện hiệu quả kế hoạch số 862/KH-UBND ngày 05/5/2023 của UBND tỉnh Hà Nam về thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Hà Nam giai đoạn 2021 - 2025. Triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình, kế hoạch chuyên đề đã được UBND tỉnh ban hành[1].
- Về Kinh tế tập thể, HTX nông nghiệp: tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HTX nông nghiệp theo định hướng phát triển bền vững; ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; xử lý rứt điểm các HTX nông nghiệp ngừng hoạt động; khuyến khích thành lập các HTX, tổ hợp tác (THT) ít thành viên phù hợp với điều kiện, lợi thế phát triển của từng địa phương đặc biệt là thành lập các HTX, THT có điều kiện tập trung đất đai, liên kết tổ chức sản xuất nông sản theo chuỗi giá trị, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp liên kết với các HTX, THT sản xuất và tiêu thụ nông sản cho người nông dân. Đôn đốc các địa phương triển khai thực hiện đề án nâng cao hiệu quả hoạt động các HTX nông nghiệp tỉnh Hà Nam giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.
- Ngành nghề nông thôn: thực hiện tốt công tác bảo tồn và phát triển làng nghề, làng nghề truyền thống gắn với thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và gắn với phát triển du lịch nông thôn. Từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm, năng lực tổ chức sản xuất và tiếp cận thị trường tiêu thụ sản phẩm cho người dân; khuyến khích phát triển, nâng cao giá trị các sản phẩm đặc sản và sản phẩm nông nghiệp truyền thống của tỉnh. Quảng bá và tiêu thụ sản phẩm thông qua các sàn thương mại điện tử và các hội chợ triển lãm giới thiệu sản phẩm… Cơ cấu phát triển ngành nghề tại các huyện, thị xã, thành phố phù hợp với tình hình từng địa phương. Triển khai thực hiện có hiệu quả các quy định của Trung ương và của tỉnh về công tác bảo tồn và phát triển nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống trong giai đoạn 2021 - 2030.
- Về chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP): đẩy mạnh hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp, HTX, trang trại, các chủ thể sản xuất OCOP nhằm phát huy vai trò hơn nữa trong liên kết sản xuất, bảo quản, chế biến nông sản. Phấn đấu mỗi năm, mỗi huyện, thị xã, thành phố, phát triển thêm từ 01 - 02 sản phẩm OCOP mới; phát triển mới mỗi năm ít nhất 10 tổ chức kinh tế (THT, HTX, doanh nghiệp nhỏ và vừa) và hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh tham gia chương trình OCOP.
- Về đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn: đẩy mạnh công tác tuyên truyền và tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện kế hoạch đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn. Đổi mới nội dung đào tạo nghề phù hợp cho lao động nông thôn, phù hợp với tái cơ cấu ngành nông nghiệp tại địa phương như: lao động trong vùng sản xuất nguyên liệu, lao động tham gia sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, thành viên HTX, chủ trang trại gắn với việc thực hiện đào tạo nghề cho các lao động trong làng nghề nhằm nâng cao chất lượng các lớp đào tạo nghề, đảm bảo hiệu quả đầu ra cho các lao động.
- Công tác bảo vệ môi trường nông thôn: tăng cường công tác quản lý và kiểm soát ô nhiễm môi trường nông thôn, trong đó chú trọng việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nhất là môi trường trong chăn nuôi và các làng nghề; khuyến khích, hỗ trợ các cơ sở sản xuất trong làng nghề tái sử dụng phụ phẩm nông, lâm nghiệp để làm nguyên liệu sản xuất, tái sử dụng và xử lý chất thải phù hợp với điều kiện làng nghề, giảm thiểu ô nhiễm, thân thiện môi trường.
3. Đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất, chế biến sản phẩm
- Đẩy mạnh cơ giới hóa trong trồng trọt: tập trung nhân rộng các mô hình cơ giới hóa đối với các lĩnh vực trong sản xuất một cách hiệu quả, đồng bộ từ khâu gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản và chế biến sản phẩm nông sản; mở rộng mô hình: mạ khay máy cấy, phun thuốc bảo vệ thực vật và bón phân qua lá bằng máy bay, sử dụng máy gặt trong thu hoạch lúa, máy làm đất lên luống trồng rau màu và cây vụ đông hàng hóa. Áp dụng các công nghệ tiên tiến trong bảo quản chế biến nông sản nhằm giảm tổn thất về số lượng và chất lượng sản phẩm. Tăng cường cơ giới hóa, giảm lao động thủ công nhằm chuyển dịch lao động trong lĩnh vực nông nghiệp sang công nghiệp, thương mại và dịch vụ. Phấn đấu đến năm 2030 tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất lúa: thu hoạch đạt 95%, gieo trồng đạt 70%, bảo quản chế biến đạt 60%.
- Đẩy mạnh cơ giới hóa trong chăn nuôi: áp dụng máy, thiết bị trong chăn nuôi theo hình thức công nghiệp, có kỹ thuật và công nghệ phù hợp để hạn chế dịch bệnh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường vừa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và tăng khả năng cạnh tranh của ngành chăn nuôi như: máy trộn làm thức ăn, máy thái cỏ, máy băm nghiền đa năng, các loại máy cho ăn tự động; hệ thống cung cấp thức ăn, nước uống tự động và các loại máy ép phân, khử mùi…; sử dụng máy móc, thiết bị ở các khâu: cho ăn, chăm sóc, thu hoạch như máy tạo sóng, sục khí, ép cám, cho ăn tự động.
4. Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản
- Hướng dẫn, kiểm tra về chất lượng, an toàn thực phẩm đối với sản phẩm nông sản, lâm sản, thủy sản trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật; hướng dẫn, tổ chức thẩm định, chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông sản, lâm sản, thủy sản trong phạm vi được phân công trên địa bàn tỉnh.
- Triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản.
- Tổ chức công tác xúc tiến thương mại đối với sản phẩm nông sản, lâm sản, thủy sản.
- Thực hiện các chương trình giám sát an toàn thực phẩm, đánh giá nguy cơ và truy xuất nguồn gốc, điều tra nguyên nhân gây mất an toàn thực phẩm trong phạm vi được phân công trên địa bàn tỉnh theo quy định.
- Hướng dẫn, hỗ trợ và tổ chức xây dựng mô hình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ và các tiêu chuẩn ISO, HACCP,…trong sản xuất, chế biến nông sản, lâm sản và thủy sản.
- Giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh về an toàn thực phẩm, giám sát ô nhiễm thực phẩm về tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh, chất cấm trong chăn nuôi, hóa chất bảo quản, các chỉ tiêu an toàn thực phẩm đối với sản phẩm nông, lâm, thủy sản trước và sau khi thu hoạch, trong quá trình sản xuất, chế biến, lưu thông trên thị trường.
- Xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, chất lượng.
5. Thủy lợi và phòng chống thiên tai
- Hướng dẫn, kiểm tra việc xây dựng, khai thác, bảo vệ đê điều, bảo vệ công trình phòng, chống thiên tai; phối hợp các Sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện các biện pháp, phương án, kế hoạch, đề án phòng, chống thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ", đảm bảo hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, đặc biệt giảm thiểu thiệt hại về người, tài sản, cơ sở hạ tầng và các công trình trọng yếu.
- Tăng cường công tác quản lý, khai thác, sử dụng nguồn nước tiết kiệm, an toàn và hiệu quả; hướng dẫn thực hiện phân cấp quản lý công trình thuỷ lợi theo quy định của pháp luật; tổ chức thẩm định quy trình vận hành, phương án cắm mốc chỉ giới, phương án bảo vệ công trình thuỷ lợi trên địa bàn trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và hướng dẫn, kiểm tra sau khi phê duyệt.
- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc quản lý, vận hành các nhà máy nước sạch tập trung nông thôn trên địa bàn tỉnh Hà Nam. Đặc biệt là kiểm tra việc cấp nước an toàn của các Nhà máy cấp nước nông thôn tập trung; quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh nước sạch, bảo đảm cấp nước an toàn, liên tục của các nhà máy cấp nước sạch tập trung nông thôn trên địa bàn tỉnh. Phấn đấu đến năm 2030 tỷ lệ hộ dân nông thôn được dùng nước sạch, nước hợp vệ sinh đạt 100% (tỷ lệ hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn đạt 80%).
6. Thanh tra, kiểm tra
- Triển khai Kế hoạch thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, liên ngành về chất lượng vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông lâm thủy sản theo Kế hoạch thanh tra, kiểm tra được phê duyệt.
- Triển khai quản lý, kiểm soát ngăn chặn lạm dụng hóa chất công nghiệp, kháng sinh y tế trong sản xuất, chế biến, bảo quản nông sản thực phẩm.
- Tổ chức thanh tra, kiểm tra định kỳ và đột xuất cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp, sản phẩm nông lâm thủy sản, tập trung vào cơ sở lưu thông buôn bán thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường nuôi trồng thủy sản, lò mổ, cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm tươi sống nhằm kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Chi cục Phát triển nông thôn
- Chủ trì tổng hợp, báo cáo tình hình triển khai thực hiện kế hoạch; tổng hợp các kiến nghị, đề xuất từ các đơn vị, kịp thời báo cáo Lãnh đạo Sở xử lý những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện kế hoạch.
- Tổ chức triển khai thực hiện tốt các nội dung, chương trình, đề án do Chi cục phụ trách.
2. Các đơn vị trực thuộc Sở Nông nghiệp & PTNT
- Căn cứ chức năng nhiệm vụ, thẩm quyền được giao. Các đơn vị chủ động triển khai thực hiện; xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm, những khâu đột phá, giải pháp chủ yếu, phân công tổ chức thực hiện, tiến độ và thời gian hoàn thành; định kỳ sơ kết, tổng kết, báo cáo kết quả thực hiện- Phối hợp chặt chẽ, hiệu quả trong việc thực hiện các nhiệm vụ của Kế hoạch.
- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tiến độ và kết quả thực hiện Kế hoạch.
- Các đơn vị được giao nhiệm vụ chủ trì các nội dung, nhiệm vụ tại Kế hoạch này, có trách nhiệm phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức xây dựng, trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức triển khai theo quy định hiện hành.
- Định kỳ hàng năm (trước ngày 10/11) báo cáo tiến độ và kết quả thực hiện các nhiệm vụ được giao trong Kế hoạch này gửi về Sở Nông nghiệp & PTNT (qua Chi cục Phát triển nông thôn) để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh về kết quả thực hiện của ngành.
Trên đây là Kế hoạch thực hiện Kế hoạch 124/KH-UBND ngày 18/01/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện Chương trình hành động của Tỉnh ủy Hà Nam về thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 thuộc lĩnh vực ngành phụ trách.
[1] Chương trình 2896/CTr-UBND ngày 28/10/2022 truyền thông phục vụ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Hà Nam; Chương trình 2897/CTr-UBND ngày 28/10/2022 về khoa học và Công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Hà Nam giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch 2937/KH-UBND ngày 01/11/2022 thực hiện tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Hà Nam giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch 2984/KH-UBND ngày 04/11/2022 thực hiện chương tình “Mỗi xã một sản phẩm - OCOP" tỉnh Hà Nam giai đoạn 2021 - 2025; Kế hoạch 3063/KH-UBND ngày 14/11/2022 thực hiện chương trình Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh trên địa bàn tỉnh Hà Nam giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch số 3239/KH-UBND ngày 30/11/2022 về việc phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh Hà Nam giai đoạn 2022-2025; Kế hoạch số 2986/KH-UBND ngày 04/11/2022 về việc bảo tồn và phát triển làng nghề tỉnh Hà Nam giai đoạn 2021-2030.
14. 33_KH_SNN_Kế hoạch thực hiện NQ 19 của Sở nong nghiep, nong dan, nong thon.pdf