Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Khuyến khích sản xuất nông nghiệp theo Kinh tế tuần hoàn tại Hà Nam

Tin tức - Sự kiện Tin nội bộ  
Khuyến khích sản xuất nông nghiệp theo Kinh tế tuần hoàn tại Hà Nam
Nông nghiệp tuần hoàn là khái niệm khá mới mẻ với nhiều người, nhưng thực tế đây là quá trình sản xuất theo chu trình khép kín. Chất thải và phế, phụ phẩm của quá trình này là đầu vào của quá trình sản xuất khác thông qua áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ sinh học, công nghệ hóa lý. Nhờ đó, sản xuất nông nghiệp sẽ khai thác và sử dụng tài nguyên một cách tiết kiệm, hiệu quả, giảm thiểu sự lãng phí, thất thoát sau thu hoạch, tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng cao và nhất là giảm thiểu và đi đến triệt tiêu chất thải gây ô nhiễm môi trường, bảo vệ hệ sinh thái và sức khỏe con người. Đặc biệt, trong bối cảnh giá vật tư nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi tăng cao, nông nghiệp tuần hoàn là một cứu cánh giảm chi phí đầu vào, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người sản xuất. Trong khi nền kinh tế truyền thống chỉ quan tâm đến việc khai thác tài nguyên nhằm tối đa hóa sản lượng, giá trị gia tăng, tạo ra một lượng phế thải khổng lồ gây ô nhiễm môi trường, thì nền kinh tế tuần hoàn lại khác biệt ngược lại. Nền kinh tế tuần hoàn là một hệ thống kinh tế chính xác, thông minh, sử dụng tái chế, quay vòng sản xuất, chế biến và sử dụng các nguổn tài nguyên một cách tiết kiệm, hiệu quả, giảm thiểu và đi đến triệt tiêu các loại chất thải gây ô nhiễm môi trường. Khi áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn trong hoạt động của mình một cách sáng tạo, sẽ giúp người dân và chủ trang trại không chỉ tối ưu hóa hoạt động sản xuất kinh doanh mà còn tăng cường khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Hiện nay, tỉnh Hà Nam đã và đang phát triển các mô hình chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản theo hướng bền vững, ứng dụng công nghệ cao, an toàn sinh học, trong đó có nông nghiệp tuần hoàn; đó là các mô hình Vườn - Ao - Chuồng - Bioga; mô hình “lúa, cá”; mô hình nuôi cá "sông trong ao"; mô hình nuôi bò - trồng cây dược liệu; mô hình sản xuất tổng hợp nuôi bò - trùn quế - cỏ/ngô/cây ăn quả - gia súc, gia cầm - cá... đã giúp người chăn nuôi quản lý tốt chất thải nông nghiệp, sử dụng hợp lý phế, phụ phẩm nông nghiệp làm phân bón trả lại độ phì cho đất, xử lý an toàn chất thải động vật, tạo năng lượng tái sinh, tạo nguồn chất đốt phục vụ sinh hoạt, chống ô nhiễm môi trường và góp phần giảm phát thải, giảm hiệu ứng nhà kính. Đây là hướng đi tăng sức cạnh tranh và giá trị sản phẩm, góp phần thực hiện thành công Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh.

A1.jpg

Điển hình gia đình anh Đặng Xuân Nam xã Nguyên Lý, huyện Lý Nhân đã vận dụng sáng tạo các nguyên tắc cơ bản trong nền kinh tế tuần hoàn để tổ chức thực hiện khá thành công trong các khu liên hợp, tự thu gom phế liệu, phế phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn gia súc. Với tổng diện tích trang trại gần 30 ha trong đó hơn 20 ha dùng để trồng chuối, cây dược liệu, cỏ cho bò, ngô và rau màu khác. Sản phẩm làm ra ngoài việc cung cấp cho thị trường thì phần lớn được anh Nam sử dụng làm thức ăn trong chăn nuôi tại chỗ, cây dược liệu dùng để lấy tinh dầu. Hiện nay, với 30 con bò nuôi không chỉ lấy sữa mà lượng chất thải đã được gia đình anh Nam thu gom xử lý ủ cùng phế phụ phẩm khác thành phân hữu cơ cung cấp cho diện tích trồng trọt của gia đình, giúp giảm chi phí nguyên liệu đầu vào, tăng hiệu quả sản xuất; xử lý triệt để tác nhân gây ô nhiễm môi trường trong cả quá trình tổ chức sản xuất và kinh doanh, góp phần quan trọng cân bằng hệ sinh thái tự nhiên.

Tỉnh Hà Nam hiện có tổng đàn gia súc, gia cầm khoảng gần 9 triệu con, trong đó: lợn gần 400.000 con, trâu bò gần 37.000 con, gia cầm 8,4 triệu con. Nếu người chăn nuôi chỉ quan tâm đến sản phẩm chính mà bỏ qua phế phụ phẩm, sẽ dẫn đến ô nhiễm môi trường trầm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Nhận thức được điều đó, không chỉ các trang trại chăn nuôi lớn phát triển theo hướng tuần hoàn mà một số gia trại, nông hộ chăn nuôi hiện nay cũng đã và đang phát triển mô hình chăn nuôi theo hướng tuần hoàn nhằm tận dụng phân và chất thải chăn nuôi làm gas để đun nấu, phát điện, làm nguồn phân bón rất tốt cho cây trồng và cải tạo đất. Việc chăn nuôi kết hợp trồng cây ăn quả, nuôi cá không chỉ tạo ra sản phẩm sạch, an toàn mà còn giúp tiết kiệm chi phí hàng trăm triệu đồng cho việc mua phân bón hóa học như trước kia và tạo nguồn thức ăn giàu đạm phục vụ chăn nuôi gia cầm. Đồng thời giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường, góp phần thực hiện tiêu chí vệ sinh môi trường trong quá trình xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới kiểu mẫu.

Được đánh giá là mô hình nông nghiệp tiêu biểu của kinh tế tuần hoàn, nhiều năm qua, gia đình ông Phạm Văn Loan ở thôn 4 xã Chính Lý huyện Lý Nhân đã tận dụng triệt để các phế phụ phẩm từ cây trồng, rơm rạ sau thu hoạch đến chất thải chăn nuôi để làm nguồn phân bón hữu cơ cho hơn 200 gốc nhãn, mỗi năm gia đình ông Loan đã tiết kiệm được hơn 100 triệu chi phí phân bón. Thêm vào đó, cỏ mọc trong vườn đều được ông Loan xử lý bằng cách thả ngỗng nuôi dọn cỏ. Thay vì thuê nhân công về làm cỏ, mỗi năm gia đình ông tiết kiệm thêm 40 triệu tiền làm cỏ...và thu về từ 500 – 600 triệu đồng từ mô hình trồng nhãn, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường thôn xóm 1 cách đáng kể.

Mô hình nuôi cá "sông trong ao" là phương thức nuôi trồng thủy sản đã được áp dụng ở nhiều địa phương trong tỉnh vài năm trở lại đây, cho thấy hiệu quả mang lại cao hơn gấp nhiều lần so với cách nuôi thuyền thống và đang được các hộ tiếp tục mạnh dạn đầu tư. Áp dụng công nghệ nuôi cá "sông trong ao" đã làm tăng số lượng cá nuôi trong ao nhờ sử dụng hệ thống máy nén được lắp đặt dưới đáy ao, khí độc sẽ được giải phóng liên tục. Qua đó, giúp cho môi trường ao nuôi luôn sạch, hạn chế tối đa dịch bệnh, cá tăng trọng nhanh, hệ số sử dụng thức ăn giảm. Thịt cá săn chắc, chu kỳ nuôi ngắn, năng suất, chất lượng cao hơn so với cách nuôi truyền thống. Đặc biệt, sau khi thu hoạch, cho phép thả cá giống ngay mà không cần phải xử lý đáy ao. Mặt khác, nước thải ao nuôi được hút lên sử dụng làm phân bón hữu cơ rất tốt để tưới cho cây rau và cây ăn quả, góp phần giảm chi phí và nâng cao thu nhập

Kinh tế tuần hoàn mang lại nhiều lợi ích, tuy nhiên thách thức lớn của kinh tế tuần hoàn là tư duy về sử dụng công nghệ tái chế, tái sử dụng còn chậm, đa phần doanh nghiệp, chủ trang trai, các hộ dân còn thói quen khai thác tài nguyên, tối đa hóa sản lượng, lượng phế thải bỏ đi sau thu hoạch còn lớn, sản xuất nông nghiệp truyền thống phổ biến, chưa quan tâm nhiều đến phân hữu cơ, bảo vệ đa dạng sinh học...; liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ chưa thành chuỗi; chưa có chuyên gia và chuyên ngành đào tạo…Do đó, công tác thông tin tuyên truyền, nhân rộng mô hình để người dân áp dụng vào thực tế sản xuất trong thời gian tới rất cần có sự vào cuộc của các cấp, các ngành mà nòng cốt là lực lượng khuyến nông.

Kinh tế tuần hoàn đang là một xu hướng tất yếu. Tiềm năng áp dụng kinh tế tuần hoàn có thể trải rộng trong tất cả các lĩnh vực khác nhau, từ khâu nguyên liệu, sản xuất, tiêu dùng, thải bỏ từ các ngành công - nông - lâm nghiệp…Trong đó việc kế thừa, xây dựng và phát triển những mô hình kinh tế tuần hoàn là quan trọng. Công tác giáo dục, nâng cao nhận thức, phối hợp các bên cùng tham gia, lồng ghép vào các chương trình của đất nước, địa phương như (biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh, nông thôn mới…) cùng với những hỗ trợ, ban hành chính sách kịp thời chính là điều kiện để phát triển nền kinh tế tuần hoàn 1 cách bền vững.

Theo https://khuyennonghanam.myharavan.com