Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Báo cáo thống kê thiệt hại do bão số 03 và mưa, lũ gây ra trên địa bàn tỉnh Hà Nam

Thông tin tuyên truyền, phổ biến  
Báo cáo thống kê thiệt hại do bão số 03 và mưa, lũ gây ra trên địa bàn tỉnh Hà Nam
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 143/NQ-CP ngày 17/9/2024 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 (Yagi), nhanh chóng ổn định tình hình Nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát. Sau khi rà soát, thống kê thiệt hại; trên cơ sở tổng hợp của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (tại Văn bản số 1284/SNN-TL ngày 26/9/2024), Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam báo cáo về công tác triển khai phòng, chống và khắc phục thiệt hại do bão số 03 và mưa lũ gây ra trên địa bàn tỉnh Hà Nam (đến thời điểm 16h00’ ngày 24/9/2024), cụ thể như sau:

I. DIỄN BIẾN BÃO SỐ 03 VÀ MƯA, LŨ

Bão số 03 đã trực tiếp đổ bộ và gây ảnh hưởng đến địa bàn tỉnh Hà Nam từ chiều ngày 07/9, gây mưa và gió mạnh cấp 7, cấp 8, giật cấp 9. Bão số 03 làm ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp; làm một số công trình nhà ở bị tốc mái, hư hỏng; nhiều cột điện, cây xanh bị gãy đổ, nhiều đường dây điện bị đứt gây mất điện diện rộng; nhiều tuyến cáp truyền dẫn của các doanh nghiệp viễn thông bị đứt làm liên lạc viễn thông bị gián đoạn.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 03, trên địa bàn tỉnh Hà Nam xuất hiện mưa lớn kéo dài, kết hợp việc xả lũ của các hồ thủy điện Hòa Bình và Tuyên Quang làm cho mực nước trên sông Đáy và sông Hồng lên rất nhanh. Ghi nhận đỉnh lũ trên sông Hồng là 7,50m vào hồi 0h00 ngày 12/9/2024 (vượt Báo động III: 0,5m); trên sông Đáy là 5,22m vào hồi 03h00 ngày 13/9/2024 (trên Báo động III: 1,22m, vượt lũ lịch sử năm 2017: 0,29m). Do ảnh hưởng của lũ, nhiều khu vực dân cư ngoài bãi sông, khu vực trũng thấp bị ngập sâu ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân và gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản; nhiều công trình đê điều xuất hiện các sự cố như thẩm lậu, đùn sủi, sạt trượt mái đê; nhiều công trình thủy lợi bị tràn bờ kênh, rò nước qua bờ kênh và một số hệ thống giao thông chính bị chia cắt do úng, ngập,...

Đến thời điểm 07h00 ngày 26/9/2024, mực nước trên sông Hồng (tại trạm đo Hưng Yên) ở mức 2,05m dưới các cấp báo động; mực nước trên sông Đáy (tại trạm đo Phủ Lý) ở mức 3,33m dưới báo động II: 0,17m và đang tiếp tục rút.

II. CÔNG TÁC LÃNH ĐẠO, CHỈ ĐẠO ỨNG PHÓ BÃO, LŨ

1. Tỉnh Hà Nam đã tập trung thực hiện nghiêm các công điện, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ, ngành Trung ương và Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành trong đó có 02 Công điện của Ủy ban nhân dân tỉnh để các địa phương, đơn vị chủ động ứng phó và khẩn trương triển khai thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả với bão số 03 và mưa lũ sau bão.

2. Các đồng chí trong Thường trực Tỉnh ủy, Lãnh đạo UBND tỉnh, các đồng chí thành viên Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, các đồng chí Bí thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố đã trực tiếp chỉ đạo và triển khai công tác phòng, chống bão, lũ tại các địa phương với tinh thần chủ động, kịp thời, quyết liệt để đảm bảo an toàn tính mạng, giảm thiểu thiệt hại về tài sản của nhân dân và nhà nước.

3. Theo dõi chặt chẽ tình hình bão, lũ để triển khai thực hiện các biện pháp ứng phó và khắc phục hậu quả bão số 03 và mưa lũ sau bão; đảm bảo tuyệt đối an toàn về người, hạn chế thấp nhất thiệt hại về cơ sở vật chất và tài sản của người dân. Đã huy động các lực lượng hỗ trợ sơ tán người dân, tài sản tại những khu vực nguy hiểm, ngập lụt đến nơi an toàn và bố trí chỗ ở, cung cấp đầy đủ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu cho người dân tại nơi sơ tán (Trong bão số 03 đã tổ chức di dời 836 hộ dân; trong đợt lũ đã tổ chức di dời 3.193 hộ, 321.685 con gia súc, gia cầm).

4. Kiểm tra, rà soát, tổ chức lực lượng và triển khai công tác tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều trên địa bàn theo đúng quy định; triển khai thông báo cấp báo động lũ bằng cờ, đèn báo hiệu trên các điếm canh đê; kịp thời xử lý các sự cố đê điều xảy ra ngay từ giờ đầu theo phương châm “4 tại chỗ" đảm bảo an toàn cho toàn bộ hệ thống đê điều trên địa bàn tỉnh.

5. Công tác tiêu thoát nước chống ngập úng: Các công ty làm nhiệm vụ khai thác công trình thủy lợi, các Hợp tác xã trên địa bàn tỉnh đã tổ chức vận hành tối đa hệ thống công trình để tiêu thoát nước (cao điểm như ngày 8/9, ngày 18/9 đã vận hành tổng cộng 42 trạm bơm với 162 máy bơm để bơm tiêu úng); bố trí công nhân trực 100% tại các cụm thủy nông, các trạm bơm để vận hành, theo dõi mực nước và xử lý kịp thời các sự cố phát sinh; tổ chức giải tỏa bèo, rác, vật cản, thường xuyên ứng trực tại các vị trí hay xảy ra tắc nghẽn cục bộ, kịp thời xử lý ách tắc, đảm bảo thông thoáng dòng chảy, giúp chuyển tải nước về công trình đầu mối được nhanh nhất.

6. Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo và Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Hà Nam, các cơ quan truyền thông địa phương, nhất là hệ thống loa truyền thanh của xã, phường, thị trấn tăng cường đưa tin để người dân nắm được thông tin về diễn biến và dự báo bão, mưa lũ để chủ động phòng tránh, ứng phó.

 7. Các lực lượng công an, quân đội được huy động ứng trực 100% quân số, lực lượng Văn phòng thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các cấp, lực lượng tuần tra, canh gác đê điều trực ban theo đúng quy định. Các lực lượng công an, quân đội cùng với lực lượng xung kích địa phương đã huy động mọi nguồn lực để thực hiện các hoạt động sơ tán, hỗ trợ nhân dân di dời tài sản, gia súc, gia cầm, bảo đảm an toàn, an ninh trật tự và xử lý kịp thời các sự cố, tình huống do bão, lũ gây ra.

III. TÌNH HÌNH THIỆT HẠI DO BÃO, MƯA LŨ GÂY RA

Tổng giá trị thiệt hại do bão số 03, mưa lũ gây ra trên địa bàn tỉnh Hà Nam ước khoảng 793,415 tỷ đồng (Số liệu tổng hợp theo thống kê sơ bộ tính đến 07h00 ngày 26/9/2024). Trong đó:

- Thiệt hại về Người: Không có thiệt hại về người.

- Thiệt hại về Nhà ở: Tổng số 15.861 nhà bị ảnh hưởng (thiệt hại hoàn toàn: 21 nhà; bị ngập: 14.849 nhà; còn lại hư hỏng nhẹ); ước thiệt hại 17,47 tỷ đồng.

- Thiệt hại về Giáo dục: 17 điểm trường bị ảnh hưởng; ước thiệt hại 1,601 tỷ đồng.

- Thiệt hại về Y tế: 20 cơ sở y tế bị ảnh hưởng; ước thiệt hại 0,32 tỷ đồng.

- Thiệt hại về Văn hóa: 08 công trình bị ảnh hưởng; ước thiệt hại 1,117 tỷ đồng.

- Thiệt hại về Nông, lâm nghiệp: Ước thiệt hại 384,652 tỷ đồng, trong đó:

+ Diện tích lúa bị ảnh hưởng: 7.129 ha.

+ Diện tích hoa màu bị ảnh hưởng: 557 ha.

+ Diện tích cây trồng lâu năm: 557 ha.

+ Diện tích cây trồng hàng năm: 656 ha.

+ Diện tích cây ăn quả tập trung: 696 ha.

+ Cây xanh bóng mát, cây xanh đô thị bị đổ gãy: 6.034 cây.

- Thiệt hại về Chăn nuôi: Ước thiệt hại 33,828 tỷ đồng, trong đó:

+ Số gia súc bị chết, cuốn trôi: 3.209 con.

+ Gia cầm bị chết, cuốn trôi: 118.032 con.

- Thiệt hại về Thủy lợi: Ước thiệt hại 20,0 tỷ đồng, trong đó:

+ Về công trình đê điều: Ghi nhận 14 sự cố công trình đê điều. Trong đó: 03 sự cố sạt lở mái đê với tổng chiều dài: 56m (đê hữu Hồng: 02; đê bối Phù Vân: 01); 02 sự cố sạt lở chân đê với tổng chiều dài: 34m (đê tả Đáy); 02 sự cố về cống (rò nước qua cánh van Âu Tắc Giang và cống trạm bơm Hồng Lý); 02 sự cố lỗ rò nước trong qua đê bối; bối Đại Bái (sau khi lũ rút) vỡ 3 đoạn với tổng chiều dài 41m và sạt lở 15m; 08 tuyến bối xảy ra tràn với tổng chiều dài: 8.542m (04 tuyến bối bị ngập hoàn toàn là: Đại Bái, Trung Lương, Nham Kênh, Kim Bình); tràn đê Hoành Uyển và một số tuyến đê xảy ra hiện tượng thấm ướt mái đê.

+ Về công trình thủy lợi: kênh sạt trượt: 4.485m; 22 tổ máy bơm bị hư hỏng, sự cố và 183,9 m2 nhà trạm bị hư hỏng.

- Thiệt hại về Giao thông: 1,139km sạt lở, hư hỏng; 39,6km bị ngập; ước thiệt hại 21,163 tỷ đồng.

- Thiệt hại về Thủy sản: Diện tích nuôi cá: 1.436ha; lồng bè nuôi thủy sản: 415 lồng; ước thiệt hại 196,314 tỷ đồng.

- Thiệt hại về Thông tin liên lạc: 257 cột ăng ten, cột treo cáp bị đổ, gãy và 07 tuyến cáp truyền dẫn bị đứt; ước thiệt hại 1,931 tỷ đồng.

- Thiệt hại về Công nghiệp: 33 cột điện bị đổ, gãy; 15 trạm biến thế bị hư hỏng; 44 nhà xưởng, xí nghiệp, công trình công nghiệp bị ảnh hưởng; ước thiệt hại 68,790 tỷ đồng.

- Thiệt hại về Xây dựng: Một số công trình, vật liệu xây dựng bị ảnh hưởng; ước thiệt hại 5,5 tỷ đồng.

- Thiệt hại về Nước sạch và vệ sinh môi trường: 01 công trình cấp nước bị hư hỏng và một số hồ sơ lắng bị ngập; ước thiệt hại 3,0 tỷ đồng

- Thiệt hại về các công trình khác: 09 trụ sở cơ quan; 05 nhà kho, phân xưởng và một số công trình phụ trợ bị ảnh hưởng; ước thiệt hại 37,729 tỷ đồng.

(Chi tiết tại Phụ lục 01 gửi kèm)

IV. GIẢI PHÁP VÀ CÔNG TÁC KHẮC PHỤC HẬU QUẢ

1. Công tác chỉ đạo, triển khai khắc phục hậu quả

- Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh, các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Thường vụ Tỉnh ủy, thành viên Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh đã trực tiếp chỉ đạo quyết liệt các cấp, các ngành và các địa phương khẩn trương triển khai khắc phục hậu quả do bão số 03 và mưa, lũ gây ra trên địa bàn tỉnh. Huy động mọi nguồn lực, sự vào cuộc của toàn thể hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; đề cao yếu tố tinh thần, phát huy truyền thống cao đẹp, đoàn kết, thống nhất, huy động sức mạnh tổng hợp cùng chung tay vượt qua khó khăn, khắc phục thiệt hại do bão, lũ gây ra.

- Các Sở, ban, ngành của tỉnh đã chủ động triển khai ngay công tác khắc phục các thiệt hại liên quan đến ngành, lĩnh vực; phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố trong việc thống kê, đánh giá thiệt hại và triển khai công tác khắc phục hậu quả sau bão, lũ.

2. Giải pháp

- Thăm hỏi, động viên nhân dân vùng sơ tán, bị ảnh hưởng do bão và mưa lũ sau bão gây ra; đảm nơi ở và các điều kiện sinh hoạt để người dân yên tâm cư trú trong thời gian sơ tán; huy động các lực lượng hỗ trợ người dân bị di dời tránh bão, lũ trở về nhà (khi nước rút và đảm bảo tuyệt đối an toàn), hỗ trợ người dân khắc phục các thiệt hại do bão, lũ gây ra.

- Yêu cầu các ngành, các huyện, thành phố tập trung chỉ đạo thực hiện các biện pháp để khắc phục hậu quả do bão số 03 và mưa lũ gây ra; có các biện pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ổn định đời sống, hoạt động sản xuất kinh doanh sau bão.

- Tập trung chỉ đạo các địa phương khẩn trương khôi phục, sớm ổn định sản xuất nông nghiệp: Huy động mọi lực lượng, các phương tiện máy móc để bơm tiêu úng cho lúa và hoa màu nhằm hạn chế tối đa tình trạng ngập úng; tranh thủ thu hoạch các diện tích đã đến thời kỳ thu hoạch để giảm thiểu thiệt hại ở mức thấp nhất; hướng dẫn người chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản thực hiện các biện pháp vệ sinh chuồng trại, vùng nuôi, đảm bảo an toàn vật nuôi; kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý dịch bệnh sau bão, lũ đảm bảo yêu cầu.

- Rà soát, kiểm tra và xử lý, khắc phục các sự cố đảm bảo an toàn hệ thống công trình thủy lợi, đê điều và phòng chống thiên tai trên địa bàn tỉnh.

- Tập trung sửa chữa, khôi phục hạ tầng điện, viễn thông tại những nơi xảy ra sự cố, bảo đảm cấp điện cho công tác phòng chống ngập úng, hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ doanh nghiệp và sinh hoạt của người dân.

- Huy động lực lượng quân đội, y tế hỗ trợ nhân dân tu sửa nhà cửa, chặt hạ các cây xanh bị gãy đổ, dọn dẹp vệ sinh, phun khử khuẩn các trường học, cơ sở y tế và công trình công cộng bị sự cố, ngập lụt.

- Tiếp tục rà soát, thống kê các thiệt hại do bão, mưa lũ gây ra của doanh nghiệp, người dân và thực hiện các chính sách hỗ trợ kịp thời theo theo hướng dẫn của các Bộ, ngành Trung ương và quy định của pháp luật.

3. Tổng hợp tình hình khắc phục hậu quả

a) Về nhà ở, dân cư sơ tán: Các địa phương đã tiến hành hỗ trợ các hộ gia đình tu sửa lại nhà ở bị hư hỏng sau bão, lũ. Đưa toàn bộ 4.029 hộ dân sơ tán quay trở về nhà, hỗ trợ người dân sắp xếp ổn định lại cuộc sống.

b) Về sản xuất nông nghiệp: Sau bão, lũ, các địa phương đã huy động mọi nguồn lực tiêu nước đệm trên ruộng, dựng lại lúa và cây màu, cây ăn quả bị đổ, gãy. Đối với diện tích lúa và cây rau màu đã đến kỳ thu hoạch, địa phương đã khẩn trương chỉ đạo thu hoạch (đến thời điểm 23/9, đã thu hoạch 6.463,0ha lúa vụ Mùa, 1.216,3ha cây rau, màu).

c) Cây bóng mát, cây xanh đô thị: Các địa phương đã huy động lực lượng dọn dẹp cây xanh gãy, đổ nên toàn bộ các tuyến đường giao thông bị ảnh hưởng không còn ách tắc sau bão.

d) Khu công nghiệp: Hiện tượng ngập cục bộ một số tuyến đường trong các KCN trong và sau bão đã được xử lý, khắc phục, cơ bản đảm bảo an toàn cho các phương tiện tham gia giao thông. Ban Quản lý các KCN tỉnh đã phối hợp với Công ty Điện lực Hà Nam và các đơn vị kinh doanh điện của KCN khắc phục kịp thời các sự cố và đã cấp điện cho 100% nhà máy để khôi phục lại sản xuất sau bão. Trong lũ, các địa phương và Ban Quản lý các KCN tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với các công ty khai thác công trình thủy lợi vận hành hiệu quả các công trình bơm tiêu; kịp thời huy động nhân lực, vật tư xử lý chống tràn tại các điểm xung yếu không để nước tràn vào các khu, cụm công nghiệp nên không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp.

đ) Giáo dục, Y tế và các công trình công cộng: Hiện này 17/17 điểm trường bị ngập nước đã rút hết. Các địa phương đã tổ chức dọn dẹp, vệ sinh, phun khử khuẩn các điểm trường, cơ sở y tế và công trình công cộng bị ảnh hưởng bởi ngập lụt sau khi nước rút; khắc phục cơ sở vật chất bị hư hại, đảm bảo đủ mọi điều kiện cho học sinh sớm trở lại trường học.

e) Hạ tầng giao thông: Trong lũ có 3/5 tuyến quốc lộ, 4/15 tuyến đường tỉnh và hàng chục km đường giao thông nông thôn xảy ra tình trạng bị ngập cục bộ nhiều vị trí; địa phương đã phối hợp với lực lượng cảnh sát giao thông dựng rào chắn, phân luồng và đảm bảo giao thông tại các vị trí ngập sâu. Hiện nước đã rút hết đảm bảo giao thông đi lại bình thường. Sau khi nước rút, địa phương đã khẩn trương chỉ đạo, lên phương án, bố trí nguồn kinh phí để xử lý các vị trí bị xói lở nền đường, lún, nứt mặt đường đảm bảo sớm nhất khắc phục các sự cố do lũ gây ra.

g) Hạ tầng điện, viễn thông:

- Hạ tầng điện: Sau bão, lũ Công ty Điện lực Hà Nam đã chỉ đạo các đơn vị tích cực, chủ động khắc phục các sự cố. Đến 14h00 ngày 24/9/2024, cơ bản các sự cố đã được khắc phục và khôi phục cấp điện cho các khách hàng khu vực nước đã rút; hiện còn 16TBA - 410 khách hàng đang mất điện do còn trong khu vực ngập lụt.

- Hạ tầng viễn thông: Sau bão, các doanh nghiệp viễn thông đã khẩn trương xử lý các tuyến cáp truyền bị đứt đảm bảo thông tin liên lạc trên địa bàn.

V. TỒN TẠI, HẠN CHẾ VÀ BÀI HỌC KINH NGHIỆM

1. Tồn tại, hạn chế

- Việc tiêu úng trong mùa mưa bão những năm gần đây gặp nhiều khó khăn do tốc độ phát triển nhanh của hệ thống hạ tầng giao thông, khu công nghiệp, khu đô thị làm chia cắt hệ thống công trình thủy lợi hiện có, hệ số tiêu tăng do thay đổi cơ cấu sử dụng đất; Bên cạnh đó do được đầu tư xây dựng đã lâu nên năng lực chuyển tải của hệ thống kênh tiêu, hiệu suất hoạt động của các trạm bơm đầu mối giảm nhiều.

- Tổ chức bộ máy Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các cấp trên địa bàn và lực lượng thực hiện công tác phòng, chống thiên tai chủ yếu là kiêm nhiệm, thay đổi liên tục; Công tác xây dựng kế hoạch, phương án ứng phó thiên tai có đơn vị chưa sát với thực tế cũng như việc ứng phó trong tình huống thiên tai với trường hợp lũ lớn vượt mức lịch sử, thiết kế, bão mạnh, nên còn lúng túng trong triển khai ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.

- Nguồn lực về con người, cơ sở vật chất dành cho công tác phòng chống thiên tai còn hạn chế; phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác phòng chống thiên tai còn thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.

- Những năm gần đây trên địa bàn tỉnh không xảy ra đợt thiên tai lớn nên một số bộ phận chính quyền, người dân còn chủ quan, lơ là, chưa chủ động trong phòng, chống thiên tai. Công tác chuẩn bị ứng phó thiên tai có lúc, có nơi chưa thực sự được chú trọng nên khi có tình huống thiên tai phức tạp xảy ra việc xử lý còn lúng túng, chưa kịp thời.

- Do diễn biến mưa lũ phức tạp, dài ngày nên công tác báo cáo, thống kê, đánh giá tình hình thiên tai, thiệt hại ở các cấp còn chậm, số liệu chưa đồng bộ, còn lúng túng, chưa kịp thời.

- Tổ chức Ban chỉ huy Phòng thủ dân sự các cấp chưa được kiện toàn, hoạt động theo Luật Phòng thủ dân sự do độ trễ trong việc xây dựng các văn bản dưới luật dẫn đến việc tổ chức, thực hiện chưa đồng bộ, thống nhất.

2. Bài học kinh nghiệm

- Phòng chống, thiên tai phải liên tục đảm bảo từ sớm, từ xa, phòng từ khi chưa có nguy cơ; phải luôn rà soát, phát hiện các khâu cần quan tâm củng cố; đề cao tinh thần cảnh giác, không chủ quan; không mất bình tĩnh trước các tình huống; quán triệt và tổ chức phòng, chống, ứng phó thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ",đặt sức khỏe, tính mạng của người dân lên trước hết, trên hết".

- Trong tình huống đặc biệt, việc vận hành cơ chế lãnh đạo, chỉ huy, điều hành là quan trọng hàng đầu, quyết định thành bại. Phải luôn quán triệt, luyện tập, vận hành nhuần nhuyễn các cơ chế; đảm bảo tốt thông tin chỉ huy, hiệp đồng...

- Huy động được sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp; đề cao yếu tố tinh thần, phát huy truyền thống cao đẹp đoàn kết, thống nhất, huy động sức mạnh tổng hợp vượt qua khó khăn, thách thức.

- Công tác khắc phục thiệt hại phải đồng bộ cả khẩn cấp, trước mắt cũng như tổng thể, lâu dài, có giải pháp khẩn cấp, giải pháp ngắn hạn và dài hạn, bố trí nguồn lực phù hợp; vừa đề cao hiệu quả xã hội trước mắt vừa chủ động hiệu quả lâu dài, ổn định. 

- Công tác dự báo, cảnh báo mưa, lũ, bão phải sớm, chính xác, liên tục; thông tin, tuyên truyền về thiên tai phải sâu rộng, đến người dân; công tác chỉ đạo, chuẩn bị ứng phó, tổ chức ứng trực phòng, chống bão, mưa, lũ phải chủ động, quyết liệt.

- Phải thực hiện tốt công tác thông tin, báo cáo phục vụ chuẩn bị, ứng phó, chỉ đạo điều hành, khắc phục hậu quả kịp thời, hiệu quả.

 - Nắm chắc diễn biến, bám sát tình hình, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp để phòng, chống bão, mưa, lũ kịp thời, hiệu quả.

- Các địa phương phải chủ động, luôn đề cao tinh thần cảnh giác, tuyệt đối không lơ là, chủ quan hay hoang mang, mất bình tĩnh trong ứng phó thiên tai. Các cấp ủy, chính quyền và nhân dân chủ động, bản lĩnh, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, kinh nghiệm, hiểu biết của mình để ứng phó với thiên tai.

- Nắm chắc và xác định các đối tượng, khu vực trọng điểm, trọng yếu theo thứ tự ưu tiên để tập trung nguồn lực xử lý, phòng ngừa khả năng hiểm họa to lớn, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại.

VI. GIẢI PHÁP KHẮC PHỤC HẬU QUẢ TRONG THỜI GIAN TỚI

- Tiếp tục rà soát, thống kê và đánh giá chính xác tình hình thiệt hại do bão, lũ gây ra; huy động, sử dụng các nguồn kinh phí tiếp tục hỗ trợ khắc phục hậu quả do bão, lũ gây ra theo hướng dẫn của các Bộ, ngành Trung ương và quy định của pháp luật.

- Hỗ trợ lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, nhu yếu phẩm thiết yếu khác để ổn định đời sống của người dân đặc biệt là các đối tượng bảo trợ xã hội, người dân khu vực ngập lụt vừa quay trở về sau sơ tán; tiếp tục thực hiện cung ứng vật tư, hàng hóa thiết yếu và thực hiện biện pháp quản lý giá, bình ổn thị trường; chủ động sửa chữa cơ sở hạ tầng, tài sản thuộc phạm vi quản lý bị hư hỏng sau bão, lũ,...

- Tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức và năng lực của cộng đồng về phòng, chống thiên tai để đảm bảo ứng phó hiệu quả với các đợt thiên tai tiếp trong năm 2024 và các năm tiếp theo.

- Lập và triển khai các dự án sửa chữa, khôi phục, nâng cấp công trình thủy lợi, đê điều (tập trung xử lý các vị trí xung yếu đã xảy ra sự cố trong lũ); thực hiện các dự án sửa chữa công trình giao thông, công trình hạ tầng công cộng bị thiệt hại.

VII. ĐỀ XUẤT, KIẾN NGHỊ

Hiện nay, tỉnh Hà Nam đang tập trung, tích cực triển khai công tác phòng, chống lũ trên sông Đáy để đảm bảo an toàn ở mức cao nhất cho hệ thống đê điều. Bên cạnh đó, các địa phương, đơn vị đang tiếp tục thống kê, tổng hợp đầy đủ nhất có thể về thiệt hại do bão, lũ gây ra. Tỉnh đang tập trung huy động mọi nguồn lực để khắc phục hậu quả, sớm ổn định đời sống nhân dân và khôi phục sản xuất, kinh doanh. Trong trường hợp vượt quá khả năng, tỉnh Hà Nam sẽ báo cáo và đề nghị Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương xem xét hỗ trợ.

Trên đây là báo cáo công tác chỉ đạo, ứng phó, tình hình thiệt hại và công tác khắc phục hậu quả bão số 03 và mưa, lũ sau bão trên địa bàn tỉnh Hà Nam, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam trân trọng báo cáo./.

Văn phòng Sở