Cùng dự hội nghị có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Đặng Thanh Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Nguyễn Minh Tiến, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy; Đào Đình Tùng, Bí thư Thành ủy Phủ Lý; Trịnh Hồng Phong, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh; các thành viên BCH PCTT & TKCN tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành đoàn thể của tỉnh; lãnh đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố và lãnh đạo các đơn vị có liên quan.
Hình ảnh đại biểu dự hội nghị
Hình ảnh Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo tại hội nghị
Cơn bão số 3 (Yagi) được đánh giá là cơn bão có cường độ mạnh. Khi bão đổ bộ vào nước ta đầu tháng 9 đã để lại hậu quả rất nghiêm trọng về người và tài sản, tác hại đến sản xuất, kinh doanh, sinh kế và tâm lý người dân. Đối với tỉnh Hà Nam, chiều ngày 7/9, bão số 03 (Yagi) đã trực tiếp đổ bộ và gây ảnh hưởng đến địa bàn tỉnh gây mưa và gió mạnh cấp 7, cấp 8, giật cấp 9. Bão số 03 làm ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp; làm một số công trình nhà ở bị tốc mái, hư hỏng; nhiều cột điện, cây xanh bị gãy đổ, nhiều đường dây điện bị đứt gây mất điện diện rộng; nhiều tuyến cáp truyền dẫn của các doanh nghiệp viễn thông bị đứt làm liên lạc viễn thông bị gián đoạn. Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 03, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện mưa lớn kéo dài, kết hợp việc xả lũ của các hồ thủy điện Hòa Bình và Tuyên Quang làm cho mực nước trên sông Đáy và sông Hồng lên rất nhanh. Ghi nhận đỉnh lũ trên sông Hồng là 7,5m vào hồi 0h ngày 12/9/2024 (trên Báo động III: 0,5m); trên sông Đáy là 5,22m vào hồi 03h00 ngày 13/9/2024 (trên Báo động III: 1,22m, vượt lũ lịch sử năm 2017 là: 0,29m).
Tổng thiệt hại do bão số 03, mưa lũ gây ra trên địa bàn tỉnh Hà Nam ước khoảng trên 793,4 tỷ đồng. Trong đó, không có thiệt hại về người. Riêng lĩnh vực sản xuất nông nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, ước thiệt hại gần 614,8 tỷ đồng. Ngoài ra, toàn tỉnh có 15.861 ngôi nhà bị hư hỏng, tốc mái, ngập, ước tính thiệt hại 17,47 tỷ đồng; 27 điểm trường bị ngập, ước thiệt hại 1,601 tỷ đồng; 20 cơ sở y tế bị ảnh hưởng; ước thiệt hại 0,32 tỷ đồng; 08 công trình bị ảnh hưởng; ước thiệt hại 1,117 tỷ đồng…
Ngay sau khi xảy ra thiên tai, các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã trực tiếp đến các khu vực bị ảnh hưởng của bão, lũ để chỉ đạo các cấp, các ngành và các địa phương khẩn trương triển khai khắc phục hậu quả do bão số 03 và mưa, lũ gây ra. Tổ chức thăm hỏi, động viên các gia đình bị thiệt hại. Huy động mọi nguồn lực, sự vào cuộc của toàn thể hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; đề cao yếu tố tinh thần, phát huy truyền thống cao đẹp, đoàn kết, thống nhất, huy động sức mạnh tổng hợp cùng chung tay vượt qua khó khăn, khắc phục thiệt hại do bão, lũ gây ra.
Tại hội nghị, đã có 6 ý kiến tham luận, các đại biểu tập trung phân tích, đánh giá nguyên nhân những hạn chế, tồn tại, bài học kinh nghiệm trong công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả bão số 3 (Yagi); đồng thời, đề xuất một số giải pháp trọng tâm, trọng điểm trong thời gian tới.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Đức Vượng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ rõ 6 bài học kinh nghiệm được rút ra trong công tác ứng phó với bão số 3 và khắc phục hậu quả sau bão nói riêng và công tác phòng chống thiên tai nói chung.
Hình ảnh đồng chí Nguyễn Đức Vượng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu chỉ đạo hội nghị
Tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Đức Vượng yêu cầu các ngành chức năng, UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện các biện pháp để khắc phục hậu quả do bão số 03 và mưa lũ gây ra; có các biện pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ổn định đời sống, hoạt động sản xuất kinh doanh sau bão. Khẩn trương rà soát, thống kê và đánh giá chính xác tỉnh hình thiệt hại do bão lũ. Hỗ trợ lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, nhu yếu phẩm thiết yếu khác để ổn định đời sống của người dân đặc biệt là các đối tượng bảo trợ xã hội. Bảo vệ không gian thoát lũ trên các lưu vực sông, lòng sông theo quy định của Luật Đê điều. Tập trung chỉ đạo, có kế hoạch sản xuất linh hoạt, hiệu quả và hướng dẫn các biện pháp khắc phục hậu quả cụ thể cho từng địa phương, vùng miền, trong đó sẵn sàng nguồn giống để hỗ trợ người dân nhanh chóng khôi phục sản xuất./.